Monday, November 14, 2011

QUAN TÂM ĐẾN BỘ PHIM “LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG”



Tranh cãi mới về phim ‘Lý Công Uẩn’
Quốc Phương_BBC Tiếng Việt

Tin bộ phim truyền hình gây tranh cãi “Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long” do công ty cổ phần Trường Thành kết hợp với đối tác Trung Quốc Đông Minh Vệ Thị (SEASTV) sản xuất, sắp được Truyền hình Việt Nam (VTV) trình chiếu tiếp tục tạo ra các dư luận trái chiều.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, người phản đối việc công chiếu bộ phim, khởi xướng loạt bài mới từ hôm 13/11/2011 trên trang blog cá nhân của mình với tựa đề “VTV chuẩn bị công chiếu bộ phim phản quốc,” trong đó trích đăng lại một bài báo trên tờ Người Hà Nội hôm 19/10/2011, thông báo về việc “chuẩn bị công chiếu” bộ phim.

”Cuối cùng thì, như số phận nổi chìm của nó – trước bao sóng gió của dư luận, bộ phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” từng bị phản đối dữ dội ròng rã suốt một năm trời, đến nay “số phận” đó được định đoạt một cách có hậu: đó là, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có văn bản chính thức về việc phổ biến bộ phim, sau ba lần “nâng lên đặt xuống” của Hội đồng duyệt phim Quốc gia,” bài báo có đoạn viết.

“Còn việc nội dung phim có xuyên tạc lịch sử, có “thân Tàu” hay không thì, Văn bản số 738/BVHTTDL-ĐA của Bộ VH-TT&DL cũng thể hiện rõ: “Về cơ bản tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên lợi ích cá nhân.

“Chúng tôi thấy là chúng tôi quyết gióng lên tiếng nói để bảo vệ văn hóa của dân Việt của mình. Trong chuyện này có một ý đồ lộ liễu và có thể nói là có một ý đồ xâm lược, một sự xâm lược về văn hóa”.

Blogger Nguyễn Xuân Diện

”Nội dung không có gì vi phạm về chính trị, cũng như mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc,” tờ Người Hà Nội trong một đoạn khác viết, khi đưa thông tin bộ phim sắp được chiếu.

Trả lời câu hỏi của BBC hôm 14/11 về việc tờ Người Hà Nội có biết chắc chắn hay không về việc bộ phim sẽ được (VTV) phát sóng, như tinh thần bài báo từ hôm 19/10, ông Bùi Việt Mỹ, Tổng Biên tập Người Hà Nội cho hay chưa chắc chắn về “thời điểm công chiếu”:

“Có thể là trong một vài ngày nữa,” lãnh đạo tờ báo này nói, và cho biết rằng ông sẽ cần kiểm tra thêm vì “bài báo đăng cũng đã lâu.”

Thế nhưng, cũng hôm thứ Hai, cùng ngày, ông Trịnh Văn Sơn, tác giả kịch bản, giám đốc sản xuất và tổng giám đốc công ty cổ phần Trường Thành nói với BBC:

“Tôi không có thông tin về việc đó,” ông Sơn nói và thêm rằng ông sẽ kiểm tra lại thông tin này.

‘Xâm lược văn hóa

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long

Nhà sản xuất phim, công ty Trường Thành, cho rằng nhóm làm phim đã tham khảo nhiều tài liệu văn hóa “thuần Việt.”

Trước câu hỏi, vì sao blogger Nguyễn Xuân Diện không phản ứng ngay về bài báo trên tờ Người Hà Nội từ hạ tuần tháng Mười, hoặc ngay khi văn bản số 738 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành một thời gian trước đó, mà phải đợi tới trung tuần tháng Mười Một mới lên tiếng ông Diện nói:

“Chúng tôi nghe ngóng và chúng tôi mới được biết bộ phim đó hình như là đài truyền hình Việt Nam sắp công chiếu nó lên sóng. Và thời điểm công chiếu dường như cũng gần đến nơi rồi. Chúng tôi thấy là chúng tôi quyết gióng lên tiếng nói để bảo vệ văn hóa của dân Việt của mình.

“Trong chuyện này có một ý đồ lộ liễu và có thể nói là có một ý đồ xâm lược, một sự xâm lược về văn hóa.”

Ông Diện cũng cho rằng không cần đợi tới khi điều mà ông tin là một “nọc độc văn hóa” được tung ra mới xử lý, mà phải ngăn ngừa ngay từ đầu. Tiến sỹ Diện còn cho hay ông và nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan đã có kế hoạch tới trước cửa Đài Truyền hình Việt Nam để “phản đối” nếu bộ phim được cho phép chiếu.

“Bản thân tôi là một người làm phim, tôi không bao giờ mong muốn bất kỳ một bộ phim nào bị cấm cả. Bởi vì thái độ với một bộ phim tốt nhất là dành cho tất cả mọi người.”

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Có vẻ như bộ phim truyền hình 19 tập lấy chủ đề lịch sử này của Việt Nam tiếp tục là một chủ đề “gây tranh cãi” và sẽ tiếp tục đặt ra câu hỏi về hướng xử lý ra sao đối với các nhà sản xuất, giới phê bình, ngành văn hóa và công chúng.

Trao đổi với BBC hôm 14/11, đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên cho rằng:

“Bản thân tôi là một người làm phim, tôi không bao giờ mong muốn bất kỳ một bộ phim nào bị cấm cả. Bởi vì thái độ với một bộ phim tốt nhất là dành cho tất cả mọi người.”

Tuy vậy ông Chuyên, người đã được cơ quan chức năng mời xem bộ phim để cho ý kiến, cho hay nếu được tư vấn làm lại bộ phim từ đầu, các nhà sản xuất theo ông cần lưu ý một số điểm:

“Cần phải bỏ ra công sức càng nhiều càng tốt, dù có thể không được 100%, để đưa vào tinh thần của người phương Nam, người Việt, tôi thấy rất là quan trọng, bởi vì đó là sự trân trọng đối với Tổ tiên. Phải giữ được tinh thần, không khí, cảnh quan, hay những cái gì đó của đất nước.
“Và cái thứ hai là tất cả thành phần sáng tác chủ yếu phải là người Việt, tôi nghĩ như thế thì tốt hơn,” đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói với BBC.

--------

Hà Nội Quyết Tâm Quảng Bá Phim Lịch Sử Việt Nam Bằng Hình Ảnh Trung Cộng

Mặc dù sự kiện về bộ phim Đường tới Thành Thăng Long được gọi tắt là phim Lý Công Uẩn, đã là đề tài của dân chúng trong nước phản đối quyết liệt tình trạng cố tình đồng hóa văn hóa Việt Nam và Trung Cộng qua bộ phim nhiều tập lịch sử này từ đầu năm, đến nay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục quyết định cho đài truyền hình quốc gia VTV trình chiếu, bất chấp mọi dư luận. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Hà Nội đã ra văn bản chính thức cho phép phổ biến bộ phim Lý Công Uẩn. Đường tới thành Thăng Long, sau khi dự trù chiếu phim này nhân kỷ niệm Thăng Long 1000 năm vừa qua.

Trên tờ Tuần Việt Nam đã có bài chỉ trích bộ phim này, ghi rõ rằng đây là bộ phim Trung Cộng nói tiếng Việt, đó là một sự xác nhận trước thế giới rằng 1000 năm trước Việt Nam từng là chư hầu của Trung Cộng. Một đạo diễn tên tuổi của Nhà nước là ông Bùi Thạc Chuyên, nói loại phim mà từ diễn viên được hóa trang theo kiểu cách Trung Cộng, trang phục, kiến trúc, đạo diễn, quay phim Trung Cộng, các động tác theo lối Trung Cộng như thế đủ để kết luận phim là bộ phim Trung Cộng nói tiếng Việt. Bộ phim này chỉ có 19 tập nhưng đã tiêu tốn hết 200 tỷ đồng Việt Nam.

Nhiều trí thức trong nước cho rằng bộ phim này là một trong những âm mưu nhằm đồng hóa tinh thần văn hóa Việt Nam, đánh lẫn tất cả mọi thứ khác biệt giữa hai quốc gia, xóa mờ mọi sự mâu thuẫn đang phát sinh từ việc Trung Cộng đang dần chiếm Việt Nam trên bộ lẫn trên biển. Để phục vụ cho âm mưu này, nhiều tờ báo Nhà nước đã mở chiến dịch ca ngợi và hô hào quảng bá cho bộ phim trên. Điều làm nhiều người Việt xốn xang là nói về bộ phim này, trang mạng Phương Hoàng Ifeng.com của Trung Cộng, một trong những trang báo điện tử lớn hàng đầu tiết lộ rằng lý do Việt Nam đầu tư và Bắc Kinh cũng rất sốt sắng giúp vì theo một lý thuyết của sử Trung Cộng nói Lý Công Uẩn là người gốc phúc Kiến, kiều cư thôn Cổ Pháp, Bắc Việt Tờ Phượng Hoàng này nói bản thân Lý Công Uẩn thực ra là người Trung Hoa, cho nên trong thời gian tại vị ông ta hết sức đề cao văn hóa nội địa Trung Hoa, mở rộng chính sách Hán hóa.

Vì thế mặc dù giai đoạn này An Nam thoát ly khỏi Trung Cộng, nhưng mối liên thông về mặt văn hóa giữa hai bên không hề nhạt đi. Và ngôn luận của Bắc Kinh cũng không những vậy, còn mượn cớ mắng chửi tổ tiên người Việt, nói triều đại nhà Lê chỉ là hổ phụ sinh cẩu tử, thậm chí thóa mạ người Việt là gian xảo khi ghi rằng triều đại nhà Lý sau khi được Bắc Tống công nhân và phong làm vua nước Nam, thì lại được đằng chân lân đằng đầu, không hề cảm ân đội đức gì trước việc được nhà Tống thụ phong, trái lại còn nhìn thấu được sự yếu ớt của Bắc Tống mà đại cử tấn quân xâm phạm vùng biên giới phía nam của triều Tống.

Điều thật ngạc nhiên là truyền thông Trung Cộng cố tình hạ thấp các đời nhà Đinh nhà Lê bằng các cảnh chém giết, lừa lọc dã man, bởi vì Đinh Lê là người thuần Giao chỉ. Sau đó họ tô hồng Lý Công Uẩn sau khi đã đánh lận rằng Lý Công Uẩn là người Hán, ra điều người Hán văn minh hơn người Giao chỉ. Rõ mục đích xấu xa như thế mà những người lãnh đạo ở Ban Tư tưởng Văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Đài Truyền Hình Việt Nam vẫn cố tình làm ngơ, hơn nữa Hà Nội lại còn tìm cách quảng bá ngôn luận này với người dân trong nước. Đó là điều mà khắp nơi trong nước đang vang dội lời chỉ trích về bộ phim và âm mưu này, với lời rằng đó là bộ phim phản quốc.

SBTN

0 comments:

Powered By Blogger