Monday, November 7, 2011

Đồng bằng Cửu Long trăn trở vụ đông xuân

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-11-07
Nước lũ vẫn còn mênh mông ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng nếu vụ đông xuân không xuống giống đúng thời vụ thì tương lai sản xuất lúa gạo năm tới khá bấp bênh.
AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (áo sơ mi xanh đậm) kiểm tra một khu vực bị xói mòn do nước lũ tại huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp hôm 12/10/2011.

Chưa thể xuống giống

Đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được cho là quyết định sự thành bại của các vụ lúa tiếp theo như hè thu, thu đông và vụ mùa. Năm nay Bộ NN-PTNT lên kế hoạch canh tác vụ đông xuân trên diện tích 1.650.000 héc-ta, tuy nhiên chi phí cho bơm tát nước, gia cố bờ bao trên diện tích ưu tiên 400.000 héc-ta sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng, chính phủ đang xem xét kiến nghị của Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề này.
Lịch thời vụ cho vụ đông xuân năm nay cũng chia làm hai đợt như các năm trước là tháng 11 và tháng 12, cần xuống giống đồng loạt đúng lịch để né rầy và tránh sâu bệnh bắc cầu. Tuy nhiên kinh nghiệm của nông dân cho thấy xuống giống lúa đông xuân trong tháng 11 sẽ cho năng suất cao hơn, ngặt nỗi nước lũ vẫn còn cao ở các tỉnh đầu nguồn, còn nếu ở hạ lưu xuống giống trễ có thể bị xâm nhập mặn và khô hạn vào cuối vụ. Trả lời Nam Nguyên tối ngày 7/11, từ Cần Thơ PGS-TS Phạm Văn Dư phó cục trưởng Cục trồng trọt phát biểu:
“Năm nay trong đợt xuống giống tháng 11 chúng tôi đề nghị bà con xuống giống trên diện tích khá lớn từ 600.000 ha tới 650.000 ha để thuận lợi nhiều mặt lợi dụng được nước, ánh sáng và giá cả…tuy nhiên ở phần diện tích không có đê bao mực nước vẫn còn khá cao, trong tháng 11 này chúng tôi vận động bà con nông dân và các cấp chính quyền tích cực bơm tát tạo điều kiện cho xuống giống đợt 1, còn ở vùng hạ lưu thì chờ nước rút bớt. Vấn đề bơm tát cũng tốn kém rất nhiều nhưng so với vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam và khu vực thì không đáng kể. Hàng năm Nhà nước đều có hỗ trợ cho việc bơm tát, năm nay chắc chắn sẽ có vì có lũ.”
Lúa giống hồi đầu vụ thu đông thì không sốt gì mấy, hôm rày đang sốt vì cận xạ mà một số bà con chuộng giống nguyên chủng của công ty.
Một nông dân
Nông dân Cần Thơ nói với chúng tôi là trợ giúp của chính quyền thường đến rất trễ có khi mất cả năm, thành ra nông dân chủ động bơm tát bằng khả năng của mình:
“Năm rồi có một số diện tích xuống giống trong đê bao bị mưa ngập chính quyền có hỗ trợ nhưng đến hôm rày mới nhận được, khi nhận tiền thì chính quyền lại kêu gọi góp tiền hỗ trợ cầu đường, mình cũng phải cho. Còn năm nay nói thì nói vậy chứ chưa thấy gì hết, trước mắt đặt máy bơm thì mình chịu tiền ngay từ đầu, mua mấy can dầu đặt máy bơm nhà làm chi phí chừng hơn một triệu cho diện tích 3 ha.”

Nông dân cũng ghi nhận tình trạng thiếu lúa giống trước vụ đông xuân mỗi năm. Lúa giống là phần quan trọng của năng suất, với nhận thức của nông dân nên giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận do các doanh nghiệp cung cấp thường chỉ đủ 1/3 nhu cầu.

“Lúa giống hồi đầu vụ thu đông thì không sốt gì mấy, hôm rày đang sốt vì cận xạ mà một số bà con chuộng giống nguyên chủng của công ty. Tôi thì hôm trước có mua giống nguyên chủng xạ một đợt thì có giống xác nhận, đã có chuẩn bị trước. Những người không có thì bây giờ lúng túng một chút. Còn vật tư đầu vào trước mắt thấy mắc hơn rồi, mình hy vọng giá lúa ổn định thì dân mới nhờ. ”

Đời sống nông dân vùng lũ

000_Hkg5427558-200.jpg
Một nông dân vùng ĐBSCL cầm bó lúa bị hư do ruộng ngập nước hôm 05/10/2011. AFP photo

Tại hội nghị lúa gạo vùng Nam Bộ tổ chức vào cuối tháng 10 ở tỉnh Hậu Giang, Bộ NN-PTNT cho biết lũ lụt gây thiệt hại thấp cho vụ lúa thu đông, trên tổng diện tích 644.000 ha ghi nhận mất trắng khoảng 8.400 ha do vỡ đê bao. Được biết đã có 250.000 ha lúa thu đông được thu hoạch, còn lại gần 400.000 ha lúa đang chín trong vùng đê bao khép kín và đến cuối tháng 12 mới gặt hết.
Từ những kết quả này, cụ thể là vụ thu đông cung cấp thêm 1,3 triệu tấn lúa nâng sản lượng lúa cả năm 2011 ở các tỉnh tây nam bộ lên gần 23 triệu tấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng xác định với hội nghị sẽ tiếp tục sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long bên trong hệ thống đê bao khổng lồ. Trước đó trên báo chí, các nhà khoa học phản biện rằng sản xuất bên trong đê bao khép kín làm cản dòng chảy, thay đổi môi trường sinh thái, lâu dần ruộng đất bên trong đê bao bị bạc màu, ô nhiễm phân bón thuốc trừ sâu và cho năng suất càng ngày càng thấp.
PGS-TS Phạm Văn Dư đưa ra nhận định của ông :
“Về mặt khoa học nó cũng có một phần nào đó nhưng về mặt an sinh xã hội nó lớn hơn. Bà con nông dân sống trong vùng lũ lụt rất là lang thang, trên đồng nước mênh mông như vậy trước đây người ta làm thủy sản nhưng bây giờ tôm cá trong tự nhiên đã cạn kiệt, cuộc sống bấp bênh kéo dài không tốt.
Thứ hai, người dân cần được an sinh, cần sống tập trung có chợ búa, trường học, bệnh viện…Tất cả những cái đó giúp cho người dân sống trong vùng lũ có mức sống cao nhất có thể đạt được…Tôi nghĩ chính phủ có thể làm được việc này…
Nếu ai đó tới thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhất là các tỉnh đầu nguồn trong mùa lũ sẽ thấy rất rõ đời sống rất bấp bênh của người dân đồng bằng. Bây giờ cương quyết phải làm thế nào đó cho người dân ổn định.
PGS-TS Phạm Văn Dư
Nếu ai đó tới thăm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhất là các tỉnh đầu nguồn trong mùa lũ sẽ thấy rất rõ như trong tiểu thuyết của Sơn Nam, hay là trong tiểu thuyết cánh đồng bất tận (*Nguyễn Ngọc Tư) mô tả đời sống rất bấp bênh của người dân đồng bằng. Bây giờ cương quyết phải làm thế nào đó cho người dân ổn định.”
Ông Phạm Văn Dư nhấn mạnh, ổn định nhưng phải sản xuất được, sau lưng người dân phải là tôm cá, lúa màu…người ta có thể canh tác và giữ được cái đê bao. Đê bao đó sẽ kết hợp với tuyến dân cư, sẽ được phân lô bà con có nhà ở và sản xuất ba vụ lúa một cách tốt hơn.

Còn vùng nào bà con nuôi tôm càng xanh được sẽ tiếp tục nuôi tôm, một số hộ có điều kiện đầu tư lớn có thể làm được chứ không thể nuôi đại trà. Vùng nào nuôi cá tra cá basa trong mùa lũ vẫn cứ tiếp tục nuôi. Nơi nào có dòng chảy lớn cần uốn nắn dòng chảy lại, các nhà khoa học có ý kiến thì xem xét lại để có dòng chảy hài hòa giữa thượng nguồn với hạ nguồn tốt nhất và bồi đắp phù sa tốt nhất. Và như vậy hàng năm, hai năm, ba năm hay 10 năm, bà con cần thiết có kế hoạch để xả lũ đưa lũ vào. Vẫn theo lời ông Phạm Văn Dư, vấn đề bồi đắp phù sa cho đồng ruộng không lớn, cái lớn của nước lũ là vấn đề vệ sinh đồng ruộng đây là điều quan trọng nhất. Thí dụ những cánh đồng 5-7 năm nay đâu có ngập lụt đâu có phù sa nhưng canh tác vẫn tốt, nếu biết chăm bón sử dụng phân hữu cơ, biết cân đối phân bón hạn chế được sâu bệnh thì vấn đề vẫn là tốt.

Năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo và đến hết tháng 10 đã thực xuất hơn 6 triệu 300 ngàn tấn trị giá khoảng hơn 3 tỷ USD. Hiện nay giá lúa khô loại thường ở đồng bằng sông Cửu Long đạt 7.500đ /kg, cao nhất từ trước tới nay. Những nông dân nào không bị thiệt hại vụ ba trong tổng số 8.400 ha mất trắng vì vỡ đê thì có thể có lợi nhuận 50%-60% so với chi phí canh tác.

Nguồn lấy từ: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/flood-crop-cost-higher-

0 comments:

Powered By Blogger