Thursday, November 10, 2011

Ấn Độ cân nhắc yêu cầu hỗ trợ quân sự của Việt Nam

Lễ đón tiếp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/10/2011

Lễ đón tiếp chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 12/10/2011
REUTERS/B Mathur

Nhật báo Ấn Độ The Hindu, số ra ngày hôm qua, 09/11/2011 tiết lộ : Hà Nội đã đề nghị được New Delhi trợ giúp về mặt quân sự, chủ yếu là trong lĩnh vực hải quân.Theo một số nguồn tin chính thức, yêu cầu này đang khiến chính quyền Ấn Độ phân vân , vì không muốn đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ với Trung Quốc.


Đề nghị của Việt Nam do chính chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra, bao gồm bốn lĩnh vực : huấn luyện lực lượng sử dụng tàu ngầm, đào tạo phi công để lái loại chiến đấu cơ Sukhoi-30, hiện đại hóa một hải cảng chiến lược và chuyển giao tàu chiến cỡ trung. Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình BrahMos, đồng thời đề nghị New Delhi giới thiệu các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ của Ấn Độ để Việt Nam lựa chọn.

Theo các nguồn tin của báo The Hindu, chủ tịch nước Việt Nam đã bỏ qua nghi thức lễ tân để tiếp xúc với các quan chức cấp cao Ấn Độ, và cho điều chỉnh lịch trình các chuyến bay của các viên chức này cho phù hợp với cuộc họp đột xuất.

Đối với Ấn Độ, việc đáp ứng các yêu cầu giúp đỡ của Việt Nam là dịp để cường quốc Nam Á này cảm ơn Hà Nội đã từng liên tục tích cực hỗ trợ New Delhi tại các diễn đàn đa phương, như Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN chẳng hạn.

Thế nhưng mặt khác, New Delhi không muốn khiêu khích Bắc Kinh thêm, trong bối cảnh yêu cầu của Hà Nội được đưa ra ngay sau khi giữa Ấn Độ và Bắc Kinh đã có lời qua tiếng lại, trong vụ tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh khảo sát dầu khí tại một khu vực của Biển Đông, mà cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Đối với Ấn Độ, việc giúp Việt Nam đào tạo phi công lái chiến đấu cơ Sukhoi 30 là điều dễ quyết định nhất. Lý do là Ấn Độ vừa hoàn tất một kế hoạch tương tự với Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, việc đáp ứng các yêu cầu khác đòi hỏi New Delhi phải cân nhắc nhiều hơn.

Giải thích về nguyên nhân cụ thể khiến chính quyền New Delhi thận trọng, các nguồn tin chính thức được báo The Hindu trích dẫn cho rằng Ấn Độ không muốn gây xích mích trong quan hệ với Trung Quốc, đúng vào lúc mà hai bên được dự kiến là sắp sửa ký một thỏa thuận nhằm dập tắt những căng thẳng xuất phát từ việc quân đội hai bên đối đầu với nhau khi đi tuần tra tại một số khu vực thuộc vùng gọi là « kiểm soát thực tế » (Line of actual control), tức là vùng biên giới có tranh chấp giữa hai nước.

Đặc biệt, Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ chín chắn về hai yêu cầu của Việt Nam muốn được cung cấp loại tàu từ 1.000 đến 1.500 tấn để kiếm soát bờ biển dài của Việt Nam và nâng cấp cảng Nha Trang, gần cảng Cam Ranh trọng yếu. Mới đây, Bắc Kinh đã phát tín hiệu cảnh cáo New Delhi khi hải quân Trung Quốc sách nhiễu một chiến hạm Ấn Độ INS Airavat ngay sau khi chiếc tàu này rời cảng Nha Trang sau chuyến ghé thăm hồi tháng Bảy vừa qua.

Theo giới ngoại giao ở New Delhi, Ấn Độ sẽ phải dung hòa hai yếu tố. Mặc dù có quyền tự do phát triển quan hệ với các láng giềng thân cận, nhưng Ấn Độ không nên làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt vào thời điểm mà hai nước chuẩn bị gặp nhau về vấn đề biên giới, và vào lúc New Delhi cần Bắc Kinh ủng hộ trong việc xin gia nhập Nhóm các nhà Cung cấp Hạt nhân.

Công luận Ấn Độ ngược lại đã cho rằng Ấn Độ không nên tiếp tục e dè Trung Quốc. Thái độ nhẫn nhịn của New Delhi trong thời gian qua đã không ngăn cản Bắc Kinh bành trướng sự hiện diện của họ tại Pakistan, và cả tại các vùng lãnh thổ mà Ấn Độ đòi chủ quyền nhưng hiện do Islamabad kiểm soát, cũng như đặt cở sở tại vùng Ấn Độ Dương thuộc phạm vi ảnh hưởng của New Delhi. Hơn thế nữa, Trung Quốc gần đây còn thô bạo can thiệp vào quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác truyền thống, cụ thể là đối với Việt Nam.

0 comments:

Powered By Blogger