Tổng thống Mỹ B. Obama và thử tướng Úc Julia Gillard (Reuters)
Nhiều ngày nay, việc tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ mở một căn cứ quân sự tại Darwin (Úc) gây nhiều chú ý cho giới quan sát. Sự kiện này khiến cho Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu, không cảm thấy hài lòng. Báo Le Monde hôm nay nhận định : « Mỹ dựa vào Úc để tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ».
Trong hai ngày viếng thăm nước Úc, tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một loạt cử chỉ mang tính biểu tượng, trong đó có chuyến đi thăm Darwin. Chính tại đây, những người lính Mỹ đã ngã xuống dưới làn bom của quân đội Nhật vào năm 1942. Thế nhưng, chuyến đi lần này còn mang đậm dấu ấn qua tăng cường hợp tác quân sự Mỹ – Úc được công bố vào hôm thứ tư vừa qua.
Từ đây đến năm 2012, Mỹ sẽ cho triển khai 250 lính thủy quân lục chiến tại căn cứ quân sự tại vùng lãnh thổ phía Bắc. Quân số sẽ được tăng lên là 2500 lính vào năm 2016. Ngoài ra, Washington và Canberra sẽ thường xuyên tổ chức các đợt tập trận chung trên lãnh thổ Úc.
Nhiều chuyên gia nhận định, với thỏa thuận này, hợp tác của hai nước mang tầm quan trọng lớn. James Curran, chuyên gia lịch sử về quan hệ Mỹ-Úc tại đại học Sydney nhắc lại rằng « Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ sẽ hiện diện thường trực tại Úc. Việc này sẽ nối kết Úc với Mỹ, một sự kiện trước giờ chưa từng xảy ra».
Tổng thống Mỹ tỏ rõ cho thấy ý định xem khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một trọng tâm địa-chính trị. Ông Barack Obama cam kết rằng « Việc cắt giảm ngân sách cho quân đội sẽ không để cho châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại […]. Hoa Kỳ là sức mạnh của Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ có mặt ở đấy để duy trì sức mạnh này ».
Nhận định về tuyên bố của Obama trước Nghị viện Úc hôm thứ năm 17/11 vừa qua, Geoffrey Garrett, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ cho biết « Đây là lần đầu tiên Obama nói rõ ra một cách cứng rắn như vậy về học thuyết của mình. Ông ấy muốn nối kết quyền lợi và các giá trị Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương ». Điều này được khẳng định rõ qua việc Mỹ ủng hộ dự án Đối tác xuyên Thái Bình Dương, thị trường tự do mậu dịch quy tụ gồm 10 nước, trong đó có Mỹ, Úc và Nhật Bản, nhưng không có Trung Quốc, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra tại Hawai ngày 13/11 vừa qua.
Le Monde cho biết, hiện tại quân đội Mỹ đã hiện diện tại các nước Nhật Bản (đảo Guam), Philippines và Hàn Quốc. Như vậy, việc Mỹ-Úc đạt một thỏa thuận hợp tác quân sự sẽ khiến cho Bắc Kinh không mấy hài lòng. Một nhà ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cho rằng « Có lẽ đây không phải là lúc tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự ». Trung Quốc cho rằng đây là một « chiến lược bao vây », theo như lời nhận định của một chuyên gia.
Nhưng Le Monde cho rằng vị trí của Canberra có thể sẽ dẫn đến sự đối đầu về kinh tế, trong trường hợp khủng hoảng giữa Bắc Kinh và Washington thật sự mở ra. Bởi lẽ, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Le Monde tự hỏi « Liệu Canberra có nên làm dịu lại các mối quan hệ này hay không ? » Trong khi đó, báo chí Úc bắt đầu bày tỏ mối lo ngại. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông John Lee, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế Sydney, thì « Trung Quốc khó có thể làm gì được mà không có quặng sắt của Úc. Không một quốc gia nào khác có thể cung cấp đầy đủ cho họ ».
Cuối cùng Le Monde cho biết, theo kết quả thăm dò của viện Lowy, 55% số người Úc được hỏi ủng hộ sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình.
0 comments:
Post a Comment