Tổng thống Mỹ Obama tại thượng đỉnh ASEAN- Hoa Kỳ tại Nusa Dua, Bali.
REUTERS/Larry Downing
Liên quan đến thời sự quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong bài viết « Đối đầu Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương », tờ báo phân tích vì sao Hoa Kỳ chuyển hướng về chiến lược ngoại giao của mình.
Le Monde cho biết, đối với Washington, châu Á chính là nền tảng cho tương lai của thế kỷ 21. Vì thế, Mỹ sẽ tái khẳng định lại ưu thế của mình – quyền lãnh đạo trong mọi phương diện quốc tế. Và cũng chính tại đây sẽ là nơi diễn ra sự cạnh tranh đầy kịch tính giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Policy ( đăng ngày 11/11 năm nay ) dưới tiêu đề « Thế kỷ Thái Bình Dương cũng sẽ là thế kỷ của Hoa Kỳ », Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lý luận rằng : « Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm gần nửa dân số thế giới (…), bao gồm phần lớn các đầu tàu kinh tế toàn cầu (…), khu vực này trú ngụ phần đông các đồng minh của chúng ta và bao gồm nhiều cường quốc mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ».
Theo nhận định của Le Monde, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ lần này thể hiện rõ nét theo hai hướng.
Về mặt kinh tế, ông Obama muốn tái cân bằng lại tăng trưởng kinh tế của đất nước, vốn dựa quá nhiều vào tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, xuất khẩu lại quá yếu đã tạo ra một khối nợ khổng lồ. Do đó, từ đây cho đến năm 2015, Hoa Kỳ muốn nhân đôi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu « Made in USA » sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ đề nghị dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » nhằm thiết lập một khu vực tự do mậu dịch. Bà Hillary Clinton nhấn mạnh « Ngoài việc giảm hàng rào thuế quan, thỏa thuận này phải còn bao gồm các điều khoản xã hội và môi trường rất nghiêm khắc, cũng như nhiều điều khoản khác về bảo vệ quyền trí tuệ và đổi mới ».
Điều này, Mỹ muốn ám chỉ đến Trung Quốc, khi cho rằng nước này một đối tác gian lận. Chi phí sản xuất rẻ là vì nước này có những chuẩn xã hội và môi trường tối thiểu. Washington tố cáo Bắc Kinh ăn cắp bằng sáng chế và các phát minh và tài trợ cho các ngành xuất khẩu.
Mảng chiến lược thứ hai của Mỹ chính là quân sự. Không có chuyện Hoa Kỳ sẽ rút quân hay nhường lại cho Trung Quốc ưu thế chiến lược tự nhiên tại điểm này. Mỹ sẽ cố gắng duy trì các thỏa thuận quốc phòng các đồng minh của mình (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines). Tại Canberra, Mỹ khẳng định tuy có cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng sẽ không gây thiệt hại cho sự hiện diện của mình trong khu vực này. Không những thế, Mỹ sẽ triển khai thêm quân tại Úc và sẽ sở hữu thêm nhiều cảng cho các chiến hạm của mình tại Singapore.
Le Monde nhận xét, một lần nữa các hành động nêu trên lại nhằm vào Trung Quốc. Việc nước này tuyên bố chủ quyền trên toàn vùng biển Đông khiến cho nhiều nước trong khu vực phải lo sợ. Điều khôi hài là dưới sự bảo trợ của Việt Nam mà những người hàng xóm của Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ đừng bỏ rơi họ.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng, các nước này cũng rơi vào thế lưỡng nan. Tăng trưởng kinh tế của họ lại phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng lại không muốn nằm dưới sự bảo hộ của nước này.
Chính vì thế, Trung Quốc đã đánh giá chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực là « không đúng lúc ». Quân đội Bắc Kinh được cung cấp đầy đủ các phương tiện để có thể đối chọi lại với Hoa Kỳ. Le Monde kết luận « đối đầu Mỹ - Trung – cuộc chiến thế kỷ - cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi ».
Làn sóng bài Đức tại châu Âu ?
Nhìn sang châu Âu, vai trò của Đức trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay ngày càng gây tranh luận. Báo Le Monde đặt câu hỏi ngay trên trang nhất : « Tại châu Âu, phải chăng có làn sóng bài Đức » và có nhiều bài để làm rõ chủ đề này.
Trong bài « Mối lo ngại châu Âu theo kiểu Đức tái xuất hiện trong giới lãnh đạo Pháp », le Monde cho biết, dường như tương lai của châu Âu nằm trong tay nước Đức và ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào thái độ của Berlin.
Ngày 23/11 vừa qua, khi nói về tương lai của châu Âu, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố : « Chúng ta sẽ cùng nhau thoát ra khỏi khủng hoảng hoặc chúng ta sẽ chết, mỗi người một góc ». Thực ra, ông Sarkozy không nói toạc thẳng ra rằng tương lai của lục địa già cỗi này nằm trong tay nước Đức và chỉ trong tay nước Đức mà thôi.
Trong cuộc gặp cấp cao Pháp- Đức – Ý, ngày hôm qua, tại Strasbourg, Pháp, tổng thống Sarkozy làm ra vẻ như có vai trò quan trọng như thủ tướng Đức và ông cố gắng chứng minh rằng ba nền kinh tế lớn trong Liên Hiệp Châu Âu là một khối đoàn kết, thống nhất, để đối phó với khủng hoảng.
Thế nhưng, theo báo Le Monde, châu Âu đang lo lắng theo dõi từng động thái của thủ tướng Angela Merkel. Nói rộng ra, đó là sự cân bằng quyền lực và thỏa hiệp trong nội bộ nước Đức, giữa chính phủ Merkel, Nghị viện, Tòa Bảo Hiến và Ngân hàng Trung ương Đức, liên quan đến vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu – BCE, cho phép định chế này tài trợ cho các nước châu Âu gặp khó khăn. Sự sống còn của Ý và khu vực đồng euro phụ thuộc vào quyết định của Đức.
Một thành viên quan trọng trong chính phủ Pháp phải thừa nhận : « Đức thống trị tất cả. Chúng ta chờ đợi quyết định của họ mà không nắm được các sự kiện ».
Chính điều này đang gây hoang mang cho giới chính trị gia Pháp. Ông Jacques Attali, nguyên cố vấn của tổng thống François Mitterrand đã lên tiếng báo động : Châu Âu đã tự sát trong hai cuộc đại chiến thế giới trong thế kỷ 20. « Giờ đây, lại chính nước Đức nắm trong tay vũ khí tự sát tập thể của lục địa châu Âu ».
Những nhân vật có quan điểm bi quan về châu Âu liên tiếp đưa ra những chỉ trích bài Đức. Một dân biểu đảng UMP, đảng đang cầm quyền cho rằng nước Đức phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phá sản của hệ thống châu Âu. Sau mối ảm ảnh về một chính sách tiền tệ thắt chặt, giờ đây, Berlin muốn áp đặt kỷ cương về ngân sách theo kiểu Đức. Đó là sự cáo chung của các nền dân chủ.
Trước phản ứng của Pháp, báo Le Monde có bài « Đức không thừa nhận là bị cô lập trong các đàm phán thoát ra khỏi khủng hoảng ». Bởi vì, Berlin không thích bị dồn vào tình thế như vậy.
Cho đến nay, Đức luôn tỏ ra cứng rắn, bất đồng với Pháp trên hai vấn đề chính : Phát hành công trái châu Âu và mở rộng vai trò Ngân hàng Trung ương châu Âu. Trước áp lực của châu Âu, đặt biệt là Paris, chính quyền Berlin tìm cách giải thích.
Về việc phát hành công trái châu Âu, thủ tướng Đức Merkel cho rằng dự án này không hiệu quả, làm giảm áp lực đối với các quốc gia không tuân thủ kỷ luật ngân sách. Theo Berlin, công trái châu Âu là kết quả của tiến trình nhất thể hóa, điều này có nghĩa là Đức không chống phát hành công trái châu Âu, vấn đề chỉ là thời điểm.
Liên quan đến vai trò của BCE, mối quan tâm hàng đầu của châu Âu là phải bảo đảm sự độc lập của định chế này. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, bộ Tài chính Đức cho rằng, nếu BCE vẫn giữ được tính độc lập và tự quyết định can thiệp thì không ai có thể ngăn cản việc này.
Tương lai nào cho ngành năng lượng của Pháp ?
Kể từ sau thảm họa Fukushima, vấn đề hạt nhân hiện là đề tài gây nhiều tranh cãi tại Pháp. Rút ra khỏi hạt nhân hay ở lại vẫn là câu hỏi hóc búa cho nhiều chính trị gia. Theo Le Monde, « Rút ra khỏi hạt nhân hay ở lại : giá của nó cũng đều đắt ». Đây cũng chính là hàng tít trên trang nhất của nhật báo hôm nay.
Tại Pháp hiện nay, có nhiều phản ứng trái chiều nhau về vấn đề hạt nhân. Theo đánh giá của chủ tịch tập đoàn điện lực Pháp EDF, rút ra khỏi hạt nhân nước Pháp sẽ trả giá đắt cho 1 triệu việc làm bị mất. Còn theo một chuyên gia của Ủy ban năng lượng hạt nhân, thì việc này sẽ khiến cho nước Pháp thất thu 750 tỷ euro.
Trên thực tế, việc đánh giá chi phí cho việc rút ra khỏi hạt nhân là một bài toán cực kỳ hóc búa, do xu hướng nhu cầu điện ngày càng tăng. Nhất là mọi đánh giá nghiêm túc phải được thực hiện cùng với việc so sánh chi phí chuyển đổi và duy trì ngành hạt nhân, vào thời điểm mà 58 lò hạt nhân của Pháp đang có dấu hiệu kiệt quệ. Theo ước đoán của một chuyên gia, chi phí đầu tư cho một lò phản ứng ngốn từ 250 đến 350 triệu euros.
Theo Le Monde, chính là việc xử lý chất thải phóng xạ và việc tháo dỡ các nhà máy cũ kỹ trong trường hợp phải rút ra khỏi hạt nhân hay duy trì cũng ảnh hưởng đến việc thẩm định chi phí.
Với giả định là tiếp tục chương trình sản xuất điện hạt nhân, Cơ quan quản lý chất thải phóng xạ quốc gia ước tính từ đây cho đến năm 2030, khối lượng chất thải sẽ đạt đến mức 2,25 triệu m3. Chi phí để chôn lấp sẽ dao động trong khoảng 15 và 35 tỷ euro. Một con số gây nhiều tranh cãi.
Trong trường hợp phải tháo dỡ, chi phí ước tính chính thức được công bố hồi năm 2005 cho biết là 23,5 tỷ euro Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cùng đồng tình là con số này đã bị đánh giá thấp.
Cuối cùng, theo kết quả một đánh giá của Hiệp hội điện lực Pháp cho rằng tiếp tục hạt nhân hay đi ra khỏi chi phí đều đắt, có điều trong trường hợp thứ hai chi phí sẽ cao hơn là trong trường hợp thứ nhất.
Liệu có sự sống trên sao Hỏa ?
« Liệu có sự sống trên sao Hỏa ? » là hàng tít chính trên trang nhất báo Le Figaro ngày hôm nay. Bài báo cho biết, ngày mai Cơ quan hàng không và không gian Mỹ (NASA) sẽ đưa lên sao Hỏa một rô-bốt di động Curiosity nhằm tìm kiếm một câu trả lời.
Một loạt các câu hỏi được đặt ra : « Liệu trước đây trên sao Hỏa có sự sống ? Môi trường nóng và ẩm mà cách đây 3,5 tỷ năm ngự trị trên hành tinh đỏ này, liệu có thuận lợi cho việc phát triển sự sống ? ».
Nhằm giải đáp các câu hỏi quan trọng này, ngày mai, vào lúc 16g02 (giờ Paris), NASA sẽ đưa lên hành tinh này một rô-bốt khám phá Curiosity nhằm tìm kiếm các phân tử hữu cơ và dĩ nhiên là các vết tích của sự sống trầm tích. Le Figaro mô tả, rô-bốt này có thể di chuyển trên mọi dạng địa hình, được thiết kế với 6 bánh xe độc lập, có khả năng leo dốc đứng với góc nghiêng là 45° và có thể vượt qua mọi chướng ngại vật (như mỏm đá, sườn dốc…).
Với chiều cao chỉ có 65 cm , con rô-bốt này có trọng lượng đến 899 kg , tương đương với một chiếc xe ô-tô hiệu Twingo, trong đó có đến 85 kg dụng cụ khoa học (một điều chưa bao giờ thấy). Tuy nhiên, chi phí con rô-bốt này là một con số kỷ lục 2,5 tỷ đô-la (tương đương với 1,87 tỷ euro). Nếu bỏ qua các chi tiết vừa nêu, thì Curiosity có thể thay thế cho khoảng 20 nhà nghiên cứu ảo tại chỗ để khám phá sao Hỏa. Có thể nói, đây là « một cỗ máy trong mơ !»
Khác với những rô-bốt trước được cung cấp năng lượng bằng những tấm pin năng lượng mặt trời, Curiosity sử dụng bộ phận phát điện bằng plutonium, có thể tự phát sáng và như vậy nó có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Điểm nổi bật là Curiosity được thiết kế một cánh tay nối khớp có chiều dài đến 2,1m. Như vậy, nó có thể lấy mẫu đất và khoan sâu nhiều centimetre các mỏm đá. Cỗ máy còn được trang bị một caméra có độ phân giải cao và nhất là một máy laser Chemcam do một nhóm nghiên cứu Pháp (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia trực thuộc trường đại học Toulouse III) thiết kế, trong một khoảng cách ngắn đến 7m, cho phép xác định thành phần hóa học của các mỏm đá. Ngoài các thiết bị dùng để tìm kiếm các phân tử hữu cơ (aminoaxit, prôtêin…), Curiosity còn được trang bị nhiều thiết bị khác để phân tích không khí sao Hỏa và phát hiện chất méthane, hay đo lường những chất phóng xạ có khả năng ảnh hưởng đến những lần nhiệm vụ sau có sự tham gia của con người.
0 comments:
Post a Comment