Mẹ Nga, Cha Putin
by Ben Judah – PBD dịch
Vladimir Putin là nước Nga. Chính sách ngoại giao của thập niên tới đây sẽ là của riêng ông ta khi nước Nga tìm các liên minh mới và ảnh hưởng quốc tế. Putin sẵn sàng trả giá cao cho các tham vọng ngất trời của ông ta: Nước Nga bị quốc tế cô lập.
Putin là người có thế lực nhất trên thế giới. Có thể có những người cai trị các nước hùng cường hơn Nga – nhưng từ Barack Obama, Hồ Cẩm Đào hay bất cứ ai cầm đầu Nhật Bản hoặc Liên Minh Âu Châu đều không có được thế lực thống trị đến như vậy, mà họ cũng không gọi thời cai trị của họ như nhân vật hói đầu hay cười nhếch mép này đã lớn lên tại Leningrad nghèo đói trong thời hậu chiến và ao ước gia nhập KGB.
Việc Putin quay trở lại ngôi Tổng Thống không phải là trở lại cầm quyền vì ông ta vẫn là lãnh tụ, như đã thấy rõ trong hành động đổi chác của Medvedev, mà chỉ là trở lại việc đặt chính sách đối ngoại lên ưu tiên hàng đầu. Tổng Thống Nga có nhiệm vụ hiến định phụ trách các vấn đề ngoại giao và an ninh, trong khi Thủ Tướng điều hành các vấn đề nội bộ. Như vậy có thể xem là Medvedev thực ra chỉ là ngoại trưởng của Putin từ năm 2008 đến giờ: là dùng cơm tối với Sarkozy, đứng ra đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc và có mặt trong ‘những buổi họp thượng đỉnh nho nhỏ’ làm lại từ đầu với Hoa Kỳ. Putin thường từ chối họp với các lãnh tụ ngoại quốc vì ông ta ‘chỉ là Thủ Tướng’.
Việc quay trở lại chính sách đối ngoại của Putin sẽ là dịp để các dự án cá nhân và thành kiến của ông ta quyết định vị trí của Nga trên thế giới. Chúng ta có thể chắc là chính sách này sẽ kéo dài ít nhất là đến năm 2018, hoặc ngay cả 2024 khi hết nhiệm kỳ tối đa của ông ta. Sau khi loan báo, Putin viết một bài đăng trên tờ nhật báo toàn quốc là ‘Izvestia,’ kêu gọi thành lập một ‘Liên Minh Á Âu’ từ một dự án liên minh quan thuế với Belarus và Kazakhstan.
Dự án kinh tế này là di sản ông ta mong muốn để lại. Trọng tâm chính của chính sách của Putin vẫn là điều mà ông ta xem các nước nòng cốt của cựu Liên Xô là một đơn vị tự nhiên, điều mà các nhà chính sách trẻ của Nga không đòi hỏi phải có cho bằng được.
Ấy vậy mà Putin cũng rút ra khỏi cựu Liên Xô. Dưới quyền cai trị của ông ta, nước Nga tính đến giờ chỉ quan tâm đến vòng ngoài CIS(*): miền nam Caucasus, các nước cộng hòa Hồi Giáo ở vùng nội Trung Á và Điện Cẩm Linh không xem nước Cộng Hòa Moldova là ưu tiên. Nga không có ý muốn kết hợp các nước này mà chỉ ngăn chặn các nước khác kiểm soát các nước này qua một số căn cứ và đường ống dẫn dầu mà thôi.
Về phía Âu Châu, Putin hiểu đúng một nửa và nửa kia thì sai hoàn toàn. Ông ta đã dồn trọng tâm vào nước Đức của Schroeder, lúc đó là “người bệnh của Âu Châu” vì tiên đoán là sau cuộc khủng hoảng thì Đức sẽ là một tiểu siêu cường của Âu Châu và bằng cách thắt chặt ngoại giao với Berlin thì Nga sẽ ở vào một vị thế hết sức thuận lợi. Sai lầm lớn của ông ta là việc chính trị hóa về khí đốt và phân chia đã khiến Âu Châu lo ngại về việc Nga lại có tham vọng đế quốc lần nữa. Do đó sai lầm của Putin là đã khiến cho Liên Minh Âu Châu muốn giảm bớt mức lệ thuộc năng lượng và tìm đến các nước trước đây nằm trong Liên Xô để thành lập mối ‘Hợp Tác Đông Âu’.
Tuy nhiên, tại Trung Á, vùng sát cạnh Trung Cộng, các chính sách về mậu dịch và xây đường đã làm suy yếu ảnh hưởng của Nga trong lúc này nhưng có thể có tác dụng ngược lại có lợi cho Moscow. Tìm chỗ dựa chống lại Bắc Kinh là một lý do chính mà Kazakhstan sốt sắng với ‘Liên Minh Á Âu’, và các nước nhỏ hơn là Kyrgyzstan và Tajikistan cũng có ý muốn gia nhập.
Putin cũng giữ thế quân bình qua lại để kềm chế Trung Cộng và Hoa Kỳ lẫn nhau. Từ năm 2001-2003 Putin thân thiết với một nước Hoa Kỳ vô địch, hợp tác với Bush trong cuộc chiến chống khủng bố. Lúc đó ông ta còn nói với các ký giả Pháp là ông ta tự xem mình là de Gaulle của Nga, muốn kết hợp với Tây Phương nhưng có thể là theo điều kiện của ông ta, trong khi vẫn duy trì tầm ảnh hưởng tại các cựu thuộc địa. Đến cuối thập niên 2000, những chuyện về tình trạng suy thoái của Tây Phương tràn ngập và Putin đã ngưng công du sang Hoa Kỳ để thường xuyên thăm viếng Trung Cộng. Nhưng Putin không muốn làm một de Gaulle về sau, kết hợp bán tự trị với Tây Phương, hoặc một Alexander Nevsky, đánh bại hiệp sĩ Teuton nhưng phải triều cống Mông Cổ, mà ông ta muốn một nước Nga độc lập. Có lẽ ông ta sẽ đạt được mục tiêu này, nhưng cũng sẽ là một nước Nga bị cô lập.
Source: theeuropean-magazine
_______________________
Chú thích của người dịch:
(*) Commonwealth of Independent States (Khối Thịnh Vượng Chung Các Nước Độc Lập)
0 comments:
Post a Comment