Thụy My, rfi
Máy bay Air France.
© AFP
Tin riêng của AFP ngày 25/11/11 cho biết : một chiếc phi cơ Airbus A340 của hãng hàng không Air France vừa được duy tu toàn bộ tại Trung Quốc, đã phải nằm lại tại Boston. Sự cố xảy ra vào giữa tháng 11 sau khi phát hiện chiếc máy bay này bị thiếu mất gần ba chục đinh vít.
Trong bản tin nội bộ của nghiệp đoàn Alter, các nhân viên kỹ thuật Air France mỉa mai: “Các phi cơ A340 cũng như Boeing 747 đều được bảo dưỡng toàn bộ ở Đồng An - Trung Quốc và kết quả luôn đáp ứng khát vọng của công ty chúng ta. Gần đây nhất, một chiếc F-GLZR từ Trung Quốc bay về đã bị cho nằm lại, sau khi đã bay trên không trung vài giờ, vì thiếu mất một phần ba số đinh vít trên một mảng cánh”.
Một phát ngôn viên hãng hàng không Pháp đã xác nhận tin trên, cho biết đang tiến hành điều tra nội bộ, nhưng khẳng định rằng an toàn bay không bị đe dọa. Chiếc chiếc phi cơ A340 của Air France chỉ bị cho dừng bay vài tiếng đồng hồ. Theo phát ngôn viên trên, thì cơ phận này chỉ dùng để che phủ bên ngoài, không liên quan đến khu vực chịu áp lực.
Nguồn tin từ nghiệp đoàn than phiền chất lượng bảo trì tệ hại và nhắc nhở rằng năm ngoái có một chiếc Boeing 747- 400 cũng đã bị dừng bay sau khi được bảo dưỡng toàn bộ ở Trung Quốc, vì một số mảng ở sườn máy bay bị sơn lại bằng loại sơn có thể cháy được. Thế mà chiếc phi cơ trên đã bay được ba tuần lễ.
Lần này thì chiếc A340 đã rời Trung Quốc vào ngày 10/11, hạ cánh xuống phi trường Roissy ở Paris và lưu lại đây ba ngày. Việc thiếu mất các đinh vít chỉ mới phát hiện ra hôm 15/11 và mảng cánh này đã bắt đầu bị sút ra lúc đang bay.
Theo phát ngôn viên Air France, thì có thể sự hiện diện của các gioăng đã cản trở việc kiểm tra các ốc vít. “Nhà cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho Air France đã được quốc tế công nhận, và đã làm việc với chúng tôi hơn bốn năm. Đây là sự cố đầu tiên về loại này”.
-----
Chính phủ Iceland hôm qua đã chính thức từ chối yêu cầu của một triệu phú Trung Quốc nhằm mua 300km2 đất tại đảo quốc ở châu Âu, giữa những lo ngại rằng thoả thoận sẽ cho phép một nhà đầu tư nước ngoài sở hữu một phần lãnh thổ.
Tuy nhiên, Bộ nội vụ Iceland ngày 25/11 tuyên bố đã bác yêu cầu mua đất của Tập đoàn Zyongkun, một công ty do ông Huang Nubo đứng đầu, vì chưa có một người nước ngoài nào từng mua một khu đất rộng như vậy tại Iceland.
Bộ nội vụ nói thêm rằng bộ chưa dỡ bỏ các quy định chặt chẽ của Iceland nhằm hạn chế người nước ngoài mua đất để cho phép yêu cầu của ông Huang được thông qua.
“Chưa từng có một khu đất nào lớn như vậy được bán cho người nước ngoài”, tuyên bố của Bộ nội vụ nói.
Bộ nội vụ thấy “cần thiết phải giới hạn quyền sở hữu đất của nước ngoài để bảo vệ độc lập của Iceland” và để đảm bảo rằng người dân Iceland - chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài - có thể hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên của đất nước mình.
Ông Huang đã hi vọng rằng dự án du lịch tại khu đất - chiếm khoảng 0,3 diện tích Iceland - có thể thu hút khoảng 10.000 du khách mỗi năm và tạo ra nhiều việc làm mới.
Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir trước đó tuyên bố bà hoan nghênh sự đầu tư của ông Huang, đặc biệt là khi nước này đang phục hồi sau vụ sụp đổ ngành công nghiệp ngân hàng năm 2008.
Những người chỉ trích kế hoạch của ông Huang lo ngại rằng dự án có thể cho phép Bắc Kinh kiểm soát một khu vực chiến lược tại Vòng Bắc cực, nơi các quốc gia đang tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các núi băng tải chảy dự kiến sẽ mở ra các tuyến đường biển toàn cầu mới và nhanh hơn.
Ông Huang trước đó đã bác bỏ các nghi ngờ trên và khẳng định rằng khu đất mà ông định mua chỉ phục vụ mục đích du lịch.
Halldor Johannsson, đại diện của triệu phú Huang tại Iceland, cho biết ông bất ngờ trước sự khước từ của chính phủ Iceland và khẳng định rằng luật pháp nước này không giới hạn quy mô của mảnh đất mà một nhà đầu tư có thể mua.
An Bình
Theo AP
0 comments:
Post a Comment