Wednesday, June 1, 2011

Ngồi chơi, xơi nước

Cẩm Thúy - Theo số liệu của Bộ Nội vụ về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức được báo chí dẫn nguồn lại trong tuần qua nhân một Hội thảo về Cải cách thủ tục, quy trình hành chính thì hiện nay có: 33% công chức trong bộ máy hành chính nhà nước “ngồi chơi xơi nước”, 33% công chức có cũng được, không có cũng xong, 33% còn lại tạm gọi là có làm việc thực sự.

Đương nhiên đó không phải là những con số bất ngờ. Báo Đại Đoàn Kết đã từng dẫn lời Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Nước ta là nước có tỉ lệ công chức trên đầu dân khá cao. Tức là năng suất lao động của công chức thấp, tức là hệ thống còn cồng kềnh, không hợp lý”.

Nhưng những con số 33% ấy gây ngạc nhiên ở chỗ: Đó là kết quả sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Có nghĩa là, ở giai đoạn tiếp theo, 2011-2020, cần có sự nhìn nhận việc cải cách vấn đề con người trong bộ máy hành chính quan trọng hơn nhiều việc cải cách quy trình, thủ tục hành chính.

33% công chức trong bộ máy nhà nước “thiếu việc làm”, nhưng trớ trêu thay, việc vẫn không chạy. Có nghĩa là các dịch vụ hành chính công vẫn được giải quyết chậm chạp, thiếu hiệu quả. Báo cáo của các bộ ngành, của các cơ quan hành chính nhà nước về các đầu việc chậm được triển khai hoặc triển khai không hiệu quả hoặc quản lý lỏng lẻo ở một lĩnh vực nào đó đều có cụm từ: “do lực lượng mỏng”.

Trong tình hình kinh tế lạm phát, người ta nói nhiều đến cắt giảm chi tiêu công nhưng trong cắt giảm chi tiêu công chưa thấy chú trọng đến tinh giản bộ máy hành chính công. 33% công chức “ngồi chơi xơi nước” khiến phải hiểu rằng lương của “nhóm” công chức này đang được trả quá cao so với lao động của họ. Bởi vì kèm theo việc “ngồi chơi xơi nước” còn có việc sử dụng điện, điện thoại, internet... không phải để phục vụ cho công việc.

Tại TP.Hồ Chí Minh, theo kết quả khảo sát của nhóm chuyên gia tư vấn UNDP cho thấy đội ngũ công chức của TP hiện vừa yếu, vừa thiếu lại vừa chênh lệch về trình độ chuyên môn. “Công chức có thâm niên chiếm tỉ lệ lên đến gần 70%. Họ có kinh nghiệm nhưng lại thiếu kỹ năng cần thiết trong một nền hành chính hiện đại. Cụ thể là chỉ có 6/28 công chức được khảo sát có thể tự nghiên cứu tham mưu đề xuất một đề tài khoa học gắn với thực tiễn công việc đảm nhận”.

Đó chính là nghịch lý của nền hành chính hiện nay khi mà công chức chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu và nói chung là yếu về chuyên môn. Bởi vậy mà một mặt “thiếu việc làm”, mặt khác hiệu quả công việc vô cùng thấp.

Khi nói về cải cách hành chính, tại diễn đàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng có ý kiến thốt lên: “Lần nào Chính phủ cũng đánh giá là bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực hiệu quả còn thấp, trong khi cải cách hành chính thực hiện hàng chục năm. Chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài học tập, nâng cao trình độ. Nhưng kết quả vẫn vậy, cán bộ từ cơ sở đến trung ương đều có vấn đề về năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức”.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng bộ máy hành chính cồng kềnh là đúng vì nó chưa rõ từ chức năng. Ông Khánh ví von rất cụ thể: Một chủ tịch tỉnh phải biết công việc cụ thể của ông ta với dân đến đâu, những loại việc gì phải trực tiếp làm, những loại việc gì do cấp dưới làm, những loại việc gì chính quyền không cần làm. Nếu biết được như thế thì bộ máy sẽ gọn, phù hợp với chức năng, sẽ không cần tới nhiều cấp trung gian. Nhưng ở ta thì cấp nào cũng có nhiệm vụ chăm lo cho dân về đời sống, y tế, văn hóa, an ninh trật tự..., nói chung chung như thế từ cấp tỉnh, quận huyện đến cấp xã, phường.

Khác với nhiều ý kiến cho rằng muốn cắt giảm bộ máy hành chính phải bắt đầu sắp xếp lại tổ chức, ông Nguyễn Khánh cho rằng phải bắt đầu từ chức năng: Chức năng rõ thì hoạt động đúng, chức năng không rõ thì hoạt động sai, tốn công sức mà ít hiệu quả.

Công chức là một nghề, công chức phải được đào tạo chuyên sâu đúng với tính chất, yêu cầu việc làm.

33% công chức “ngồi chơi xơi nước”. Đó phải chăng là lý do lương công chức thấp mà người ta vẫn chen chân vào bộ máy hành chính công? Ở đó, người ta vẫn hưởng lương nhà nước và thừa thời gian để “chạy thêm”.

“Thất nghiệp trá hình”, “thất nghiệp tiềm ẩn” là các khái niệm mà các nhà nghiên cứu đưa ra để đặt tên cho tình trạng công chức “ngồi chơi xơi nước”. Và chừng nào bộ máy hành chính công còn là nơi tuyển dụng nhân sự không theo khả năng và vị trí mà công việc đòi hỏi thì vẫn còn tình trạng một mặt công chức “thiếu việc làm”, mặt kia là hiệu quả công việc thấp.

Lãng phí từ 33% công chức “ngồi chơi xơi nước”, 33% công chức “có cũng được không có cũng xong” là bao nhiêu? Có bao nhiêu phiền hà, sách nhiễu nhân dân từ bộ máy hành chính công như vậy?

Ngày ngày, bao nhiêu người vẫn đến công sở để “buôn dưa lê”, sử dụng điện thoại và internet “chùa”?

Chuyện ai cũng biết và không thể để mặc nhiên tồn tại!

Cẩm Thúy

http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1451&chitiet=31290&Style=1

0 comments:

Powered By Blogger