Monday, June 6, 2011

Đa nghi, một trở ngại rất lớn của đoàn kết

Muốn chiến thắng cộng sản trong cuộc tranh đấu không cân sức hiện nay, điều tối cần là phải có sức mạnh. Muốn có sức mạnh, phải đoàn kết. Muốn đoàn kết phải tin tưởng lẫn nhau. Nhưng than ôi, người Việt hiện nay ít tin tưởng lẫn nhau, cứ phải nghi ngờ và thận trọng với nhau. Vì thế, chuyện đoàn kết quả là «thiên nan vạn nan».

Tâm lý ấy là hậu quả không tránh được của tình trạng phải liên tục đấu tranh suốt hơn một thế kỷ qua: bị Pháp đô hộ cả 100 năm phải liên tục chiến đấu dành độc lập; bị nội chiến «huynh đệ tương tàn», «nồi da xáo thịt» 20 năm giữa chế độ độc tài miền Bắc và chế độ tự do ở miền Nam; nhất là bị cộng sản cai trị tới nay đã 36 năm. Người Việt không tin Pháp vì Pháp là ngoại bang, nhưng biết bao người yêu nước, kể cả trí thức, đã tin vào Việt Minh vì nghĩ Việt Minh cùng là người Việt với mình lại chủ trương «chống thực dân», «dành độc lập». Nhưng đau đớn thay, thực chất của Việt Minh là cộng sản, vốn gian trá và độc ác gấp nhiều lần thực dân Pháp. Sự dễ tin ấy đã phải trả giá vô cùng mắc mỏ.

Kinh nghiệm bị lường gạt hết sức đau thương ấy ̶̶ không chỉ bởi cộng sản, mà đôi khi còn bởi những cá nhân hay tổ chức chính trị phi cộng sản, hoặc bởi người thân của mình nữa ̶̶ khiến tâm lý người Việt trở nên đa nghi, rất e dè khi giao thiệp hay kết hợp, nhất là trong lãnh vực chính trị. Tương tự như «chim trúng tên sợ cành cong». Tâm lý rất tự nhiên và hợp lý ấy đáng thương hơn đáng trách.

Nhưng cũng chính vì sự nghi ngờ ấy mà hiện nay, người Việt rất khó đoàn kết, vì muốn đoàn kết, phải tin tưởng lẫn nhau. Niềm tin của người Việt đã bị cộng sản và một số thế lực chính trị đánh cắp. Đó quả là một mất mát vô cùng lớn về mặt tinh thần.

Nhưng nếu không đoàn kết làm sao thắng được cộng sản?

Muốn thắng cộng sản, phải quyết tâm khắc phục khó khăn này. Cho rằng không thể khắc phục được là đã mặc nhiên đầu hàng, bỏ cuộc. Nói mình quyết tâm tranh đấu nhưng không chấp nhận đoàn kết là nói dối. Tranh đấu mà không chịu đoàn kết sẽ chỉ là «công dã tràng».

Khó khăn nhất của đoàn kết hiện nay chính là sự nghi ngờ, không dám tin tưởng nhau. Làm sao khắc phục được khó khăn ấy?

Thông thường, người ta rơi vào một trong hai thái cực: đa nghi và dễ tin.

1) Đa nghi: Là nghi ngờ tất cả, không tin ai, và dừng tại đây, không tìm hiểu thêm. Đây thường là thái độ của những nạn nhân đã nhiều lần bị lừa dối hoặc khủng bố. Đa nghi cũng có nhiều mức độ khác nhau. Để tự bảo vệ, người đa nghi ở mức độ cao có thể chủ trương: «Thà bắt lầm hơn bỏ sót». Hễ đa nghi thì rất khó đoàn kết.

2) Dễ tin: Ngược hẳn với đa nghi là thái độ dễ dàng tin người khác dù không đủ bằng chứng. Đây thường là thái độ của những người may mắn được sống từ nhỏ trong một môi trường tốt, ít bị lường gạt, hoặc có bản chất thật thà tưởng ai cũng như mình, hoặc chưa từng là nạn nhân của cộng sản. Trong môi trường chính trị, loại người này rất dễ bị thuyết phục, bị lèo lái, bị lợi dụng… Người dễ tin sẵn sàng liên kết với những người mà, do dễ tin, họ nghĩ là đáng tin tưởng, kể cả những thế lực có hại cho đất nước. Biết bao trí thức thời Pháp thuộc, vì dễ tin, đã đoàn kết với cộng sản mà họ tưởng là chính nghĩa, để rồi mãi về sau mới nhận ra mình đã tin lầm, đi lầm đường, đã vô tình tiếp tay cho kẻ thù làm hại dân tộc. Khi họ nhận ra bị lường gạt và bị những thiệt hại vô cùng lớn lao, bấy giờ họ dễ trở thành người đa nghi.

Giữa hai loại trên, có nhiều người thuộc loại đa nghi đối với những điều tốt, nhưng lại rất dễ tin vào những điều xấu. Chẳng hạn họ khó mà tin được ai là người đấu tranh đích thực, nhưng lại rất dễ tin người ấy là dân chủ cuội, là người của cộng sản, dù chẳng có bằng chứng nào giá trị. Họ giống như người tiều phu kia mất búa, liền nghi ngay cho đứa trẻ hàng xóm ăn cắp. Từ đó, anh ta thấy mọi cử chỉ, mọi ánh mắt cũng như dáng đi của nó đúng là thằng ăn cắp. Chỉ sau khi tìm được búa bỏ quên đâu đó, anh mới thấy đứa bé vẫn hồn nhiên vô tội như thuở nào… Ngược lại, có những người dễ tin điều tốt, và khó tin điều xấu.

Tất cả những thái độ trên đều bất lợi. Đa nghi thì khó đoàn kết được với ai. Dễ tin thì dễ dàng liên kết sai đối tượng, rất nguy hiểm. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, việc phân biệt ai tốt ai xấu, ai là quốc gia ai là cộng sản, ai thật sự vì dân vì nước, ai là người đầu cơ chính trị… thật là khó nhưng phải làm được.

Muốn thế, ta phải tập cho mình thái độ thứ ba, là nghi ngờ có phương pháp theo kiểu Descartes (1596-1650), nghĩa là biết nghi ngờ tất cả, kể cả những ai mình đã từng tin tưởng. Nhưng không dừng lại đó, mà phải tìm hiểu cách khoa học tất cả những gì đã nghi ngờ để đi đến những kết luận chắc chắn sau khi đã chứng minh với những lập luận vững chắc. Để tiến hành phương pháp trên, ta nên theo phương pháp khoa học thực nghiệm của Claude Bernard (1813-1878) gồm các giai đoạn: nhận xét, đặt giả thuyết, thí nghiệm (để tạm kết luận), kiểm chứng trước khi đi đến kết luận chắc chắn.

Nếu chưa thể đi đến kết luận chắc chắn thì hãy tạm thời nghi ngờ, nghĩa là chưa vội kết luận thế này hay thế kia. Với những người chưa thể xác quyết, chỉ nên tin tưởng hay liên kết ở mức độ thấp hay vừa phải. Với thái độ nghi ngờ có phương pháp, ta mới nhận định sáng suốt để có thể đoàn kết mà không sợ sai lầm.

Little Saigon, ngày 05/6/2011

Nguyễn Chính Kết

0 comments:

Powered By Blogger