Wednesday, June 1, 2011

Lưỡi bò như lưỡi dao

Việc Bắc Kinh hung hăng gây hấn tại Đông hải không thể gây ngạc nhiên.
Mùng hai Tháng Ba vừa qua, hai chiến hạm tuần duyên mang mã số 71 và 75 của Trung Quốc đã xâm phạm cụm đảo Reed Bank và uy hiếp một tầu thăm dò địa chất của Phi Luật Tân tên là M/V Venture. Khu vực được Phi Luật Tân nhận là chủ quyền của mình nằm cách đảo Palawan 250 cây số ở hướng Tây và ở phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đây là nơi mà Công ty Anh quốc Forum Energy khởi sự thăm dò địa chất cho Bộ Năng Lượng Phi Luật Tân từ đầu năm. Khi được kêu cứu, Quân khu Miền Tây của Phi Luật Tân lập tức đưa hai phi cơ thám báo tới điều tra tại chỗ, hai tầu tuần duyên Trung Quốc bèn lảng xa.
Ngày 26 Tháng Năm vừa qua, Bắc Kinh tái diễn chuyện đó mà còn ngang ngược cắt đứt dây cáp của tầu thăm dò địa chất Bình Minh 02 của Việt Nam, ba tiếng sau mới rút lui khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam, cách Phú Yên 120 cây số và đảo Hải Nam 600 cây số.
Cùng với công ty dầu khí đứng hạng thứ ba của Gia Nã Đại là Talisman Energy, Việt Nam thực hiện thăm dò địa chất trên các lô 125, 126, 148 và 149 trong khu vực đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam. Vụ khiêu khích xảy ra trên lô 148, và là sự kiện mới sau nhiều đợt khiêu khích và tấn công ngư phủ Việt Nam từ mấy tháng nay. Lần này, chuyện hiếm có là Bộ Ngoại giao của Hà Nội đích danh phản đối Trung Quốc và bộ Ngoại giao của Bắc Kinh trả lời, rằng họ chỉ bảo vệ chủ quyền chính đáng của Trung Quốc.
Họ bảo vệ đặc quyền kinh tế trong cái "lưỡi bò", liếm rất sâu vào lãnh hải của các quốc gia Đông Nam Á. Và sẽ đụng vào các khu vực thăm dò của Việt Nam, kể cả lô 119 sẽ do Exxon Mobile của Hoa Kỳ thực hiện.
Những vụ đụng độ như vậy đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ và còn xảy ra trên một khu vực mà một số quốc gia Đông Nam Á trong Hiệp hội ASEAN cùng đòi chủ quyền. Nó nằm rất xa địa giới Trung Quốc nhưng lại được Bắc Kinh nhận là khu đặc quyền kinh tế của mình.
Yêu cầu trường kỳ và chiến lược của Trung Quốc là mở rộng vùng trái độn quân sự lên toàn khu vực Đông Nam Á, từ Đông hải qua tới Ấn Độ Dương. Nhưng phải qua từng bước là xây dựng khả năng khống chế vùng biển cận duyên - biển xanh lục - để phát triển lực lượng viễn duyên ngoài biển xanh dương. Ngày nay, khi Trung Quốc là một xứ đói ăn và khát dầu, lần đầu tiên trong lịch sử lại lệ thuộc vào thị trường bên ngoài thì việc mở rộng khả năng khuynh đảo và can thiệp này là một đòi hỏi sinh tử.
Nhưng kế sách "thượng thượng" là khỏi dụng binh mà vẫn đạt mục tiêu. Bằng nhiều cách tinh vi khác.
***
Một mục tiêu mà ai cũng thấy là nằm sâu dưới đáy biển ở bên dưới cái lưỡi bò này có dầu thô và khí đốt.
Từ nhiều năm trước, cơ quan Nghiên cứu Năng lượng EIA của Hoa Kỳ nhắc tới kết quả khảo sát của Trung Quốc: trữ lượng bên dưới vùng biển Đông Nam Á là 14 lần tổng số trữ lượng của dầu thô và 10 lần trữ lượng về khí đốt của Trung Quốc. Khi Bắc Kinh phải nhập cảng năng lượng - càng ngày càng nhiều - và dự trữ của Trung Quốc tiêu hao mất 40% kể từ năm 2001, thì việc chiếm đoạt là tất yếu.
Việc chiếm đoạt được tiến hành bền bỉ và nhất quán theo kiểu mềm nắn rắn buông. Nếu thương thuyết song phương để bẻ đũa từng chiếc trong hàng ngũ đối phương mà không xong thì lấn lướt và thăm dò phản ứng để đạt mục tiêu bằng cách khác.
Triết lý sang đoạt ở đây là: "Cái gì của thiểm quốc là bất khả xâm phạm. Cái gì chưa phải của thiểm quốc thì chúng ta cùng khai thác, 50 năm nữa thì hãy bàn về chủ quyền. Còn cái gì của quý quốc thì chúng tôi sẽ gửi người tới hợp tác qua đầu tư hoặc viện trợ với điều kiện dễ dãi. Chúng ta nhất trí không sử dụng võ lực theo quy tắc hành xử đã thỏa thuận năm 2002 cùng Hiệp hội ASEAN.... Nhưng khu vực đặc quyền kinh tế này của thiểm quốc vẫn là bất khả xâm phạm."
Vẫn là cái lưỡi lắt léo!
***
Năm 2004, Manila đã mắc lừa khi hợp tác với Bắc Kinh "để cùng thăm dò và sau này cùng khai thác" dầu khí trên vùng quần đão Trương Sa. Năm 2005, Hà Nội phải bước vào vòng hợp tác giả hiệu ấy cho đến 2008 thì Manila thấy ra sự thật và rút lui.
Sau đó là chuyện Trunbg Quốc lấn đất giành dân, lấn biển để đoạt dầu và cướp cá. Khi gặp phản ứng, họ lại trở về bài ca "quật khởi hòa bình" - nguyên văn Hán ngữ của chữ "peaceful rise" - và trò thương thảo, trong khi kiên trì mua chuộc nhiều tay trong của hàng ngũ đối phương. Tay trong của từng chính quyền và tay trong của cả tập thể ASEAN.
Trong các vụ xích mích vừa qua với các nước Đông Nam Á, Bắc Kinh có một tay trong là Miến Điện. Trong những vụ xích mích tại Đông Dương, Bắc Kinh phát triển lực lượng thân hữu của mình tại Lào và Cam Bốt qua nhiều dự án xây dựng, nào xa lộ từ Vân Nam tới tận Thái Lan và Tân Gia Ba, nào xe hỏa cao tốc, nào đập thủy điện, v.v.... Trên toàn khu vực Đông Á, từ Thái bình dương về tới Biển Á Rập để vào Hồng hải, Bắc Kinh phát triển quan hệ thân hữu về cả kinh tế, năng lượng lẫn quân sự với Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan....
Vấn đề là vì sao Bắc Kinh lại có thái độ hung hăng như vậy ở Đông hải vào lúc này?
***
Hãy nhớ lại thời sự....
Mùng 10 vừa qua, Hiệp hội ASEAN kết thúc kỳ họp thứ năm của các Bộ trưởng Quốc phòng tại thủ đô Jakarta của Nam Dương. Bản thông cáo chung tái xác nhận quy tắc hành xử hòa bình ngoài Đông hải theo lời cam kết năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và tái khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Thái bình theo đúng công pháp quốc tế, kể cả Công ước UNCLOS về Luật biển của Liên hiệp quốc. Bây giờ, Bắc Kinh muốn thử xem giá trị của bản thông cáo chung này là gì?
Mà rất nên thử vì ASEAN, và chủ tịch luân phiên năm nay là Nam Dương, không giải quyết nổi mâu thuẫn và xung đột giữa hai hội viên là Thái Lan và Căm Bốt về chủ quyền lãnh thổ, bên trên có những ngôi đền mà cả hai đều cho là thiêng liêng và của mình.
ASEAN cũng đã có lời khuyên can mà vô hiệu khi Lào quyết định thực hiện dự án thủy điện Xayaburi trên thượng nguồn Mekong, trước sự phản đối của Việt Nam, sự hợp tác để xây dựng của Thái Lan, và sự yểm trợ ngấm ngầm của Trung Quốc.
Bắc Kinh càng nên nắn xem mức độ đoàn kết trong hàng ngũ ASEAN khi Nam Dương đồng ý với đề nghị của quốc gia chủ trì năm ngoái là Việt Nam: nêu vấn đề tranh chấp vào nghị trình quốc tế để có tiếng nói chung của toàn khối. Bắc Kinh thử xem tiếng nói chung này vang xa tới đâu và có kết quả gì không.
Việc trắc nghiệm phản ứng được tiến hành trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức là Guido Westerwelle thăm viếng Oman, Ấn Độ, Úc, Tân Tây Lan và Việt Nam vào cuối Tháng Năm. Và trước khi có hội nghị về an ninh và quân sự của 28 quốc gia vào ba ngày, từ mùng ba đến mùng năm Tháng Sáu, của "Diễn đàn Sangrila" tại Tân Gia Ba.
Đây chỉ là hội nghị trao đổi, loại "talk shop" kỳ 10 của "Asian Security Summit" trong viện "International Institute for Strategic Studies" tại Singapore, giữa các Tổng bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng là diễn đàn để Bắc Kinh thăm dò phản ứng của quốc tế.
Nên lắm, vì là lần cuối có sự tham dự của Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates trước khi ông về hưu. Lương Quang Liệt của Bắc Kinh sẽ gặp Robert Gates của Hoa Kỳ để rà lại nỗ lực đối thoại an ninh và quân sự giữa hai nước, lần đầu tiên được xác định trong cuộc Đối thoại Mỹ-Hoa về các vấn đề Chiến lược và Kinh tế (S&E Dialogues) vào đầu tháng Năm vừa qua tại thủ đô Washington DC.
Bắc Kinh còn muốn tiến xa hơn vậy.
***
Gần 10 năm qua, Hoa Kỳ thực tế thả nổi khu vực Đông Á vì phải tập trung giải quyết cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo xưng danh "Thánh chiến". Với thành quả tại Iraq, Chính quyền Obama trù tính rút quân khỏi chiến trường này vào cuối năm nay và hạ quyết tâm triệt thoái khỏi chiến trường A Phú Hãn vào năm 2014 hay 2015. Từ năm 2009, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã khẳng định là Hoa Kỳ sẽ trở lại Đông Á và Tổng trưởng Gates cùng nhiều giới chức quân sự Mỹ nêu rõ chủ trương của Hoa Kỳ là bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Thái bình dương.
Cho nên, Bắc Kinh có vài năm tạo ra "sự đã rồi" - trước khi Hoa Kỳ tái xuất hiện ở Đông Á.
Nhưng biến động gọi là "Cách mạng Hoa nhài" ở khu vực Bắc Phi Trung Đông (MENA), bất ổn trong Vùng Vịnh Ba Tư và sự khuynh đảo của Iran - một thân chủ của Bắc Kinh - khiến Hoa Kỳ chưa chắc rút khỏi Iraq cuối năm nay, như chính ông Gates đã phát biểu hôm Thứ Ba 24. Rồi quan hệ căng thẳng với Pakistan sau khi lãnh tụ khủng bố Osama bin Laden bị Mỹ hạ sát hôm mùng hai còn gây vấn đề cho lịch trình triệt thoái khỏi A Phú Hãn.
Hoa Kỳ có thể bị kẹt chân lâu hơn tại Trung Đông và Trung Nam Á. Có khi, việc quay về Đông hải lại bị trì hoãn. Một cơ hội mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ.
Bắc Kinh lập tức tăng cường mối giao hảo đầy xu hào rủng riểng với Chính quyền Islamabad, đẩy mạnh việc xây dựng quân cảng Gawar cho Pakistan và nắn gân Hà Nội xem Hoa Kỳ nhúc nhích ra sao.... Và xem tay chân của Thiên triều trong Trung ương đảng và Bộ Chính trị tại Hà Nội hữu dụng đến mức nào.
***

Nhưng, lãnh đạo Bắc Kinh không chỉ có nhu cầu nắn gân thiên hạ để thăm dò phản ứng quốc tế. Trong nội bộ, họ biết là xứ sở có vấn đề khi phải chuyển hướng kinh tế từ lượng sang phẩm.
Đà tăng trưởng sẽ chậm lại, lạm phát khó đẩy lui, bong bóng đầu cơ sẽ bể và động loạn còn gia tăng trong khi các phe phái ráo riết đấu lực cho Đại hội đảng khóa 18 vào năm tới. Một thế hệ mới sẽ lên lãnh đạo đảng rồi nhà nước từ năm 2013. Thế hệ Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc cùng Ôn Gia Bảo để lại một di sản khá bấp bênh khi các tướng lãnh đã có ảnh hưởng lớn hơn trong hệ thống chính trị.
Vụ khủng hoảng Trung Đông lại thổi hương nhài vào Hoa lục khiến Bắc Kinh ra tay trấn áp mọi nơi để dẹp yên mầm mống dân chủ. Trong khi ấy, Nội Mông lại có loạn khi sắc dân Mông Cổ xuống đường, nổi dậy, và nhiều người nhìn ra Ngoại Mông, Cộng Hoà Mông Cổ, với sự so sánh và thèm thuồng!
Khi bên trong có loạn, lãnh đạo phải chỉ ra giặc ngoài để khích động phản ứng dân tộc, kết tinh vào đảng Cộng sản Trung Hoa. Cách khích động ít rủi ro nhất vẫn là cho Hà Nội một bài học sau khi đã dọa dẫm Phi Luật Tân.
Vì vậy, câu hỏi nên nêu ra không phải là "vì sao Bắc Kinh lại gây hấn?" Mà là "Hà Nội sẽ xử trí ra sao?"
Khi thấy Hà Nội xử trí bằng cách đàn áp những người kêu đòi dân chủ và khiếu kiện về đất đai, có lẽ chúng ta đã có câu trả lời: tay trong của Bắc Kinh là những kẻ được việc! Hoà hoãn với kẻ thù mà quyết liệt với thần dân là con đường mất nước. Mà không chỉ là nước biển!

0 comments:

Powered By Blogger