Sunday, June 26, 2011

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng: một vấn đề pháp lý

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng:
một vấn đề pháp lý
Trương Nhân Tuấn

“…Trên tinh thần (hoà giải dân tộc) đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, VN sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại…”

Trong hồ sơ chứng minh chủ quyền của TQ tại hai quần đảo HS và TS, công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng là một bằng chứng quan trọng.

Công bố của TQ về lãnh hải ngày 4 tháng 9 năm 1958 gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau:


Điều 1: Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều 2: Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)… Điều 3: Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ. Điều 4: Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.


Ngày 10 tháng 9 năm 1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi công hàm công nhận công bố về lãnh hải của TQ, nguyên văn như sau:


Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.


Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

<="" p="" height="350" width="250">

Công hàm của Thủ tướng Bắc Việt
gửi Chu Ân Lai ngày 14/9/1958

[xem hình khổ lớn]


Trước đó, năm 1956, ông Ung Văn Khiêm, nhân tiếp phái đoàn ngoại giao TQ, Thứ Trưởng bộ Ngoại Giao có tuyên bố với Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam: chiếu theo tài liệu VN thì HS và TS thuộc về TQ. Ông Lê Lộc, Chủ Tịch Châu Á Sự Vụ, nhân có mặt cũng nói vào: Theo sử liệu VN thì HS và TS thuộc TQ từ thời nhà Tống. Sự việc này tạp chí Beijing Review ngày 18 tháng Hai năm 1980 đã có đăng lại trong bài «Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa».

Năm 1977 cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích quan điểm của ông về công hàm này như sau: «
đó là thời chiến nên phải nói như vậy thôi»!

Sau đó ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Bộ Trưởng bộ Ngoại Giao, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2 tháng 12 năm 1992, nói như sau:


« Các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào Nam là thuộc chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.


Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt-Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung Quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.


Trong tinh thần đấy thì do tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.


Đặc biệt, việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung Quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả».


Thông tấn xã Việt Nam ghi lại và đăng ngày 3 tháng 12 năm 1992.


Ý của ông Cầm là vì HS và TS lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) nên việc công nhận như thế chỉ là «tạm công nhận», không quan hệ gì đến «chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam».


Nhưng một công hàm quốc gia đâu thể nào công nhận «vào thời chiến» và không công nhận vào thời khác, nói như ông Đồng, hay «tạm công nhận» như ông Cầm như thế được?


Công hàm của ông Phạm Văn Đồng là văn bản có tầm quan trọng ở mức quốc gia. Quốc gia có tên gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH) (gián tiếp) công nhận chủ quyền HS và TS thuộc về quốc gia có tên gọi Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Nội dung công hàm này không thể thay đổi theo thời gian hay thay đổi theo tình trạng chính trị. Lời nói chữa lại của ông Đồng hay của ông Cầm là những lời tráo trở, chỉ làm cho cái chế độ gọi làViệt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, sau đó là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thêm xấu hổ chứ không hề có giá trị phủ nhận công hàm ghi trên.


Công hàm của ông Đồng có hai ý nghĩa: 1/ công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. 2/ Phủ nhận chủ quyền của VNDCCH tại HS và TS.


Lời nói chữa lại của ông Đồng năm 1977 và của ông Cầm năm 1992 củng cố thêm hai ý nghĩa này.


Nhưng dầu vậy, ta có thể hoá giải công hàm này qua một số thủ tục cần thiết.


Bà Monique Chemillier-Gendreau, tác giả cuốn
La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys (Paris: L'Harmattan, 1996) có cho rằng công hàm của ông Đồng không có giá trị pháp lý vì lý do «người ta không thể cho cái mà người ta không có». Ý kiến này dựa trên tinh thần hiệp định Genève, ông Nguyễn Mạnh Cầm có nhắc lại. Hai quần đảo HS và TS trong giai đoạn 1954-1975 thuộc quyền quản lý của VNCH. VNDCCN không có thẩm quyền gì ở HS và TS nên tuyên bố của ông Đồng không có giá trị.

Một vài nhà nghiên cứu VN dựa lên thuyết này (estoppel) để khai triển thêm, chứng minh công hàm của ông Đồng không có giá trị về chủ quyền TQ ở HS và TS.

Như thế, theo thuyết này công hàm của ông Đồng không có giá trị, TQ không có chủ quyền tại HS và TS. Nhưng chủ quyền của VNDCCH có được xác lập tại nơi đây hay chưa? Không có gì chắc chắn hết.


Bà M. Chemillier-Gendreau dựa lên thuyết «liên tục quốc gia» để cho rằng VNDCCH có thể kế thừa VNCH để có quyền chủ quyền tại HS và TS.

Nhà nước VNCH, tiếp nối nhà nước thực dân Pháp, vốn là đại diện triều đình nhà Nguyễn, quản lý liên tục và khai thác HS và TS. Như thế chủ quyền của VN tại HS và TS liên tục từ nhiều thế kỷ, từ chúa Nguyễn, Tây Sơn, nhà Nguyễn, thực dân Pháp cho đến thời VNCH. Sau 1975, chính phủ lâm thời CHMNVN chưa bao giờ tuyên bố HS và TS thuộc về TQ.

Như thế, sau khi hiệp thương thống nhất đất nước 1976, CHXHCNVN có thể lựa chọn lập trường của VNCH và CPLTCHMNVN để khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS.


Nhưng hiện nay người ta đều biết MTGPMN chỉ là con bài do đảng CSVN lập ra. Và cách hành xử của đảng CSVN cho thấy chế độ VNDCCH phủ nhận chế độ VNCH, xem thực thể chính trị này là «nguỵ», tức là cái giả, cái không có.


Sau ngày 30-4-1975 không hề có một buổi lễ bàn giao chính quyền giữa VNCH và VNDCCH hay với MTGPMN. Thực thể chính trị VNCH bị mất đi và di sản của nó bị tước đoạt, nếu không nói là bị đánh cướp (dùng chữ của CSVN: “cướp” chính quyền). Quân nhân, công chức… phục vụ cho chính quyền này bị gọi là «giặc», «giặc nguỵ»; dân chúng cũng bị nghi ngờ, xếp vào thành phần «phản động», «nguỵ dân».


Không có bàn giao quyền lực thì làm sao có kế thừa?


Gọi VNCH là «nguỵ», tức là giả, không phải là một thực thể chính trị, thì không thể có việc kế thừa. Không thể kế thừa một cái gì đó không có thật (nguỵ).


Như thế chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là tiếp nối đương nhiên của VNDCCH và phủ nhận VNCH.


Nội dung công hàm và lời nói chữa lại của ông Đồng và ông Cầm càng khẳng định thêm VNDCCH đã phủ nhận chủ quyền tại HS và TS.


Như thế lý thuyết «kế thừa» của bà Monique Chemillier-Gendreau đề nghị thì không thể áp dụng cho VN trong tình huống như thế.


Tuy nhiên, việc này không phải là không có phương cách cứu vãn. Vì đến hôm nay, sau hơn 33 năm, việc kế thừa vẫn chưa muộn, nếu lãnh đạo CSVN muốn làm việc này.


Thủ tục kế thừa: thông qua
chính sách hoà giải dân tộc (mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề ra trong Dự Án Chính Trị Đa Nguyên).

Nhà nước CSVN bỏ tên nước, đặt lại tên nước, thí dụ: Cộng Hoà Việt Nam, thay đổi quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp… thay đổi tất cả những gì dính líu đến VNDCCH và CHXHCNVN để lập một nền cộng hoà mới, tổ chức bầu cử tự do, lập chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; đoạn tuyệt với quá khứ sai lầm của VNDCCH.


Nhà nước mới, trên nền tảng dân chủ, thảo luận về một bộ luật «hoà giải dân tộc», trong đó qui định phương cách phục hồi danh dự cũng như việc đền bồi xứng đáng cho các thành phần quân nhân công chức VNCH nạn nhân của chính sách học tập cải tạo. Lập ra điều luật cấm sử dụng tiếng «nguỵ» đối với những người thuộc chế độ cũ. Đền bồi cho các nạn nhân do cải tạo công thuơng nghiệp, đánh tư sản mại bản, kinh tế mới; làm luật phục hồi danh dự (cho người quá vãng) và đền bồi tương xứng cho nạn nhân của cộng sản như vụ Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án «xét lại chống đảng» v.v. Nếu những người này đã mất thì đền bồi cho con cháu của họ. Cho tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, không phân biệt nam bắc, dân tộc kinh, thuợng, không phân biệt cuộc chiến 1975, 1979 hay cuộc chiến với Kampuchia v.v.


Đứng trên quan điểm đó, một nước VN mới, dân chủ, hoàn toàn đủ tư cách và tính chính thống, long trọng tuyên bố trước cộng đồng thế giới kế thừa di sản VNCH. Trên căn bản như thế VN đương nhiên có chủ quyền tại HS và TS, như VNCH, từ đó làm căn bản giải quyết các tranh chấp chủ quyền HS và TS bằng một trọng tài quốc tế, sau đó phân định hải phận Biển Đông với các nước khác.


Trên tinh thần (hoà giải dân tộc) đó, với sự hưởng ứng của toàn khối dân tộc, VN sẽ đứng ở thế mạnh, hay ở thế không ai có thể bắt nạt, toàn dân một lòng chắc chắn đủ khả năng để tự bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của tổ tiên để lại.

Trương Nhân Tuấn

0 comments:

Powered By Blogger