Monday, May 9, 2011

Xe công và thông lệ tranh thủ

Diệp Văn Sơn (Tuanvietnam) - Yêu cầu kiểm điểm vì lạm dụng xe công, các đơn vị lại giải trình mà đa phần vin cớ: "tranh thủ đi công tác tiện ghé qua!". Hình như cụm từ "tranh thủ" có sức hóa giải và làm yên lòng mọi người.

Việc Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính một lần nữa đặt vấn đề về xe công và tư duy bao cấp về chế độ của quan chức. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS Diệp Văn Sơn, chuyên gia về cải cách hành chính.

Lệch chuẩn

Nhìn chung trên bình diện toàn xã hội, từ tư duy kế hoạch tập trung bao cấp chuyển sang tư duy kinh tế thị trường có định hướng XHCN đã có những chuyển động tích cực. Thế nhưng tư duy bao cấp về chế độ của quan chức, hoạt động của các cơ quan hành chính đối với xe công, nhà cửa, điện thoại, tạp vụ, bảo vệ, căn tin... thật chậm thay đổi theo hướng tiền tệ hoá vào lương, thị trường hoá, xã hội hóa.

Mới đây, trong dự thảo của Bộ Tài chính về quy chế quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ, các quan chức còn tính mua xe công giá đắt. Đặt sang một bên việc đắt/ rẻ, câu hỏi là, việc mua sắm và sử dụng xe công thế nào cho hiệu quả?

Gần như thành thông lệ, năm nào vào dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị cấm sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, báo chí rộ lên đăng tải việc sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, đăng danh sách biển số xe... Tiếp đến là chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị bị báo chí nêu tên phải kiểm điểm nghiêm khắc, các đơn vị lại giải trình... Đa số nội dung giải trình là "tranh thủ đi công tác tiện ghé qua!", rồi mọi chuyện lại chìm vào quên lãng, chờ đến Tết năm sau?! Hình như cụm từ "tranh thủ" có sức hóa giải và làm yên lòng mọi người.

Xe biển xanh chở người đi lễ chùa... Ảnh Dân trí

Nhớ lại thời kỳ còn khốn khó, mọi chế độ chính sách hầu như chưa có hoặc có nhưng chưa rõ ràng thì mọi chuyện hầu như là phải "tranh thủ"... Tranh thủ về thăm nhà để lợp lại mái nhà cho mẹ, rào lại mảnh vườn, đào cái giếng cho vợ con ... Lúc đấy tranh thủ có cái gì dễ thương lắm, tổ chức và mọi người dễ chấp nhận .

Ngày nay mọi chuyện dần đi vào nề nếp, đang chủ trương xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp... mọi thứ đang dần dần quy chế hóa, quy phạm hóa, luật hóa nhưng sự tranh thủ không hề giảm, càng ngày càng theo chiều hướng trầm trọng phức tạp hơn. Từ chuyện tranh thủ cái xe công đi làm việc riêng, đến tranh thủ kiếm cái nhà, mảnh đất, cấu véo vào các dự án, con đường, cái cầu...

Gần như thành thông lệ, một mô thức ứng xử giữa từng cá nhân với xã hội, với khối tài sản khổng lồ quản lý lỏng lẻo gần như vô chủ đã đưa đường dần hình thành thứ "văn hóa tranh thủ"!

Ai tranh thủ được nhiều thì càng lợi, hầu bao càng đầy, tư thế xã hội được ngộ nhận là càng cao sang. Rồi có điều kiện sẽ thu vén vật chất làm cái piston giúp đẩy lên vị trí cao hơn.

Còn nhớ, trong cuộc Hội thảo "chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch" tổ chức tại Hà Nội mấy năm về trước, cựu giám đốc cơ quan đạo đức chức nghiệp công chức của chính phủ Úc An ther Shack lock đã nêu thực tế: khi xem xét hành vi tham nhũng, nhà chức trách thường vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp "lệch chuẩn".

Ông An ther Shack lock đơn cử trường hợp cán bộ sử dụng xe công chở con đi học bởi trường nằm trên đường tới cơ quan; gia đình có người bị ốm, cán bộ dùng xe công chở thân nhân đến bệnh viện... Liệu các hành vi này có được coi là tham nhũng hay không?

Theo ông, đây hẳn là tham nhũng dù theo thông lệ ở ta được gọi bằng "tranh thủ".

Lại nhớ, với khối tải sản công khổng lồ được quản lý một cách lỏng lẻo hầu như vô chủ như kiểu quản lý xe công của giám đốc cá độ PMU-18 "cho mượn" vô thời hạn đến trên chục chiếc xe "xịn". Có biết bao nhiêu đơn vị kiểu PMU-18 trong 26 Bộ và cơ quan ngang Bộ chưa bị lộ?

Trước đây đã từng có chuyện một tỉnh nghèo đã chi trên 200 tỉ đồng cho 315 xe. Vậy cả nước 63 tỉnh thành với khoảng bao nhiêu xe? Sẽ là một con số khổng lồ để tha hồ "tranh thủ".

Không ngân sách của một quốc gia nào vừa thoát nghèo chịu đựng nổi, nói chi đến hy vọng cất cánh!

Nhìn ra bên ngoài, ngay cả các quốc gia giàu có cũng rất ít xe công, chỉ có một số ít chức danh chính trị có xe công cấp để sử dụng, còn các chức danh khác đều phải bỏ tiền túi ra nếu muốn có xe đi.

Sao không thuê khoán dịch vụ?

Thực ra, giải pháp cho vấn đề này đã được chỉ rõ: xã hội hóa công tác phục vụ cho các cơ quan hành chính hoạt động. Việc này sẽ góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tệ tham nhũng trá hình, thực hành tiết kiệm, chống đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội.

Trên thực tế, lẻ tẻ cũng có vài đơn vị thuê công ty vệ sĩ làm bảo vệ, thuê bên ngoài làm vệ sinh, chăm sóc cây cảnh..., nhưng hầu như các cơ quan hành chính nhà nước chưa có ý thức sử dụng các công ty cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động cho cơ quan mình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh từng phát biểu trước Quốc hội, Chính phủ và Bộ tài chính đang rất khuyến khích hình thức khoán xe công. Bộ trưởng Ninh cho biết, theo tính toán của bộ, mỗi năm Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 1.000 tỉ đồng nếu áp dụng khoán xe công. Ngoài ra, biện pháp này sẽ hiệu quả trong việc chống xài chùa xe công, lãng phí trong sử dụng và sửa chữa, giúp chi tiêu chính phủ được minh bạch hoá và tiết kiệm.

Nếu thực hiện khoán xe công, mức khoán cho quan chức này có thể được chuyển thẳng vào lương với mức khoán khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, nếu thực hiện theo hình thức này, mức thu nhập thêm của mỗi quan chức có thể lên đến 3 triệu đồng/tháng.

Công luận đặt câu hỏi: Cái lợi cho dân, cho nước và cho bản thân đã quá rõ như vậy, tại sao các "công bộc" cao cấp lại không mặn mà?

Thẳng thắn mà nói, kiểu các chỉ thị có tính chất hành chính, như chỉ thị cấm sử dụng xe công vào việc riêng mấy năm qua chứng tỏ không mấy hiệu nghiệm trong bối cảnh thiếu kỷ cương trầm trọng như hiện nay. Có lẽ đến lúc phải thay bằng phương thức khác: thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính. Kinh phí hoạt động hành chính chuyển qua các công ty này. Cơ quan có nhu cầu xe cộ ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ từ các đồng chí có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác cần dùng xe...

Thực hiện được phương thức khoán, chuyển giao công việc phục vụ cho các thành phần khác sẽ tiết kiệm cho công quỹ, giảm biên chế hành chính, tạo công ăn việc làm cho các thành phần khác trong xã hội. Và trên hết, nó tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, xóa thông lệ "tranh thủ" vốn phổ biến khắp nơi.

Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căntin, ... thì sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan. Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ.

Cuối cùng cái được lớn nhất là góp phần thay đổi tư duy từ bao câp, tự cung tự cấp sang tư duy kinh tế thị trường.

Thiết nghĩ việc xã hội hoá công tác phục vụ cho các cơ quan công quyền hoạt động là góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tệ tham nhũng trá hình, giảm đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-06-xe-cong-va-thong-le-tranh-thu

0 comments:

Powered By Blogger