Tuesday, May 10, 2011

Việt Nam – thời hàng mã cộng sản

Tháng trước nhận điện thoại của anh Ngọc – ông anh họ vợ ở Bắc Ninh mời về quê chơi, nghe hồ hởi lắm, tôi bỗng nhớ lại gần chục năm trước đã đưa anh lên Hà nội làm bảo vệ cho cơ quan tôi, nhận con trai anh làm công nhân thời vụ cũng của cơ quan, và chị thì làm “quản gia” cho vợ tôi, con dâu anh chị thì phải đi bán gánh hàng rong trong thành phố, tất cả ở nhà tôi, kể cả thằng cháu nội chị hai tuổi, hệt như một cuộc cách mạng nông thôn hoá thành thị! Nhà tôi những năm đó chật chội mà vui như một gánh hát rong!

Vợ chồng tôi quí anh chị kỳ lạ, nên cố làm gì đó trong khả năng để giúp anh chị. Tôi với anh chỉ là “cọc chèo” nhưng tôi đã coi anh như anh trai ngay từ ngày đầu về quê vợ làm rể và gặp anh chị. Tôi chỉ biết hồi chiến tranh vợ tôi sơ tán về quê và tự nguyện làm “cái đuôi” theo và tôn thờ chị họ mình là chị. Anh chị sống tằn tiện vì rất nghèo, nhưng tôi chưa thấy ai giầu tình cảm như họ. Hai con anh chị rất ngoan và gia đình chúng cũng đều hạnh phúc. Con rể anh còn “mê” bố mẹ vợ nữa, mở miệng ra là “bố mẹ cháu”, làm vợ chồng tôi cũng yêu quí nó…

Chị vốn là thanh niên xung phong, gái Bắc Ninh đẹp ngọt ngào, thời trẻ là hoa khôi của làng, cả thời con gái lại xông vào chiến trường tuyến lửa. Anh là bộ đội Trường Sơn, lính hậu cần coi giữ kho quân khí trong rừng sâu – một người Hà tĩnh bản lĩnh, vô cùng trung thực. Anh chị đã gặp và yêu nhau trong rừng Trường Sơn, đường 559, với hẹn ước thế nào mà đến gần chục năm sau chiến tranh chị vẫn chờ anh phục viên vác ba lô về Bắc Ninh làm rể, trước tôi cả chục năm. Đến nay, tôi vẫn thấy anh chị nhìn nhau đắm đuối khi đều trên 60 cả rồi, làm vợ chồng tôi thỉnh thoảng nhìn nhau hối hận! Có lẽ đó là một lý do làm chúng tôi yêu quí và tin cậy anh chị vô điều kiện.

Chuyện là hồi gần chục năm trước, khi anh chị ở chung nhà chúng tôi ở HN vì ở quê cả hai vợ chồng đều bị thất nghiệp dài dài, tôi nghe đã chị kể chuyện hai người phải bỏ quê lên HN sống vì không chịu được cảnh chính quyền “hàng mã” ức hiếp ăn chặn, ăn cướp của dân và anh chị – những đảng viên trung kiên – đã đấu tranh không lại…

Đỉnh điểm là khi quê vợ tôi thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” trợ cấp cho thương binh, bệnh binh thì bỗng nhiên hàng loạt kẻ ngày nay có quyền và tiền nhưng ngày xưa từng trốn đi bộ đội hay TNXP thì đều có “chế độ” thương binh hay “xác nhận đã cống hiến ở chiến trường chống Mĩ” để hưởng trợ cấp trọn đời!

Bỏ qua chuyện mình lại là những người có mức trợ cấp thấp nhất lúc ấy khoảng 240,000 đ và 470,000 đồng/tháng chưa trừ đảng phí, vì “ít cống hiến”, anh chị đã không chịu nổi lũ “cựu binh” giả đó và việc chúng gán các thẻ thương binh giả này cho họ hàng và bán cho ai muốn mua với giá 50% để lại cho xã! Thế là những kẻ “có công chống Mĩ “ mọc ra như nấm sau mưa, và tiền tỷ tỷ ngân sách nhà nước đã và đang tưới “đền ơn” đều khắp!

Anh chị gọi những “thẻ thương binh” và những “xác nhận đã cống hiến trong chiến tranh chống Mỹ” của chúng là thẻ thương binh “hàng mã”, TNXP “hàng mã” hay bộ đội phục viên “hàng mã”…

Tôi chỉ biết cười nhăn nhó, thương anh chị bị chính quyền “hàng mã” ở quê chén ép phải bật ra Hà Nội kiếm ăn. Và chúng tôi bao đêm cùng anh chị và các cháu tính toán, chuẩn bị cho ngày trở về quê Quan họ lập lại “nghiệp gia” bằng vốn liếng và sức lực của mình. Chúng tôi bàn với anh chị dùng vốn liếng mấy năm cả nhà tích cóp được (do chị và vợ tôi quản) về quê mở quầy hàng đồ khô (gạo muối đường sữa kẹo bánh…) vì nhà anh chị ngay bên đường đầu làng (trước là cuối làng nhưng xã bỏ đường đê đi đường mới gần HN hơn!), còn vợ chồng thằng con anh chị thì sẽ mua xe công nông chở gạch ngay bên cạnh tiện thể chở hàng mua rẻ “từ gốc” về làng cho bố mẹ bán…

Thế là chúng tôi thu xêp về quê. Anh chị hồ hởi đứng đón tận ngoài đồng. Tôi cười hỏi ngay sau những tiếng chào: “Kế hoạch làm giàu của anh chị thế nào rồi, kể cho em đi?”

“Kế hoạch tôi cứ thế triển khai, chú ạ!”, ông anh cựu binh đường Trường Sơn hăng hái kể, “Cái món gạch cát lúc đầu ế ẩm nay khá ra phết, nên cả thằng anh rể cũng về quê luôn cùng thằng em mua con “Mi” 5T (xe tải Mifa Đức cũ) rồi con gì đó 10 tấn chạy cho cả mấy xã cuối huyện”, ông anh tôi thao thao. “Nhưng hay nhất là cái hàng mã, chú ạ!”

Tôi tò mò nhìn anh chị hỏi: “Lại “hàng mã” gì đây?”

Chị tôi lúc này mới thủng thẳng lên tiếng: “Là cái hàng mã thật người ta đốt ở chùa chứ không phải “hàng mã giả” ngày trước đâu chú ạ!” Rồi bà chị tôi nhanh nhảu mở cửa nhà bên cho chúng tôi vào xem: cả một kho đầy ắp đồ hàng mã “thật” đủ các loại (quần aó, dầy dép, xe cộ, ngựa dê, nhà cửa biệt thư, tiền vàng, đôla, vàng thỏi, rồi điện thoại mobile, máy tính, thẻ Internet, cả thẻ tín dụng Master và Visa…. thôi thì tất tần tật như chợ Đông Xuân!) và liền bên đó là một khu xưởng la liệt giấy màu, bìa, màu tô, bút vẽ, dao kéo thủ công, keo hồ… để sản xuất “hàng mã thật” làm vợ chồng tôi “choáng”!

Chị thật thà phấn khởi: “Dạo này qua vụ làm hàng Tết Lễ rồi mới mong cô chú về chơi, chứ tháng trước thì anh chị còn bận tuí bụi coi các cháu làm hàng và giao hàng em ạ…”.

“Cháu nào làm hàng mã cho anh chị à?” Tôi hỏi. Không, là các cháu thanh niên trong làng mình ấy, chị cần cả chục đứa cơ.” Tôi đùa: “Anh chị làm lắm thứ mà cái gì cũng nhiều thế này thì ai mua hết hả chị?” Chị lại thật thà: “Vào mùa lễ Tết người ta mua bao nhiêu cũng hết, làm không kể! Ai cũng mua em ạ, càng giàu có và càng quan chức to họ càng mua nhiều để họ tỏ lòng từ tâm em ạ! Toàn là những thứ người ta yêu cầu đấy chứ anh chị có nghĩ ra gì đâu. Nhiều lúc nghĩ hàng hoá bạc tỷ của mình làm ra chỉ để cho người ta đốt cái vèo, nhanh hơn đốt mấy đống rơm, cũng tiếc lắm em ạ…” Anh chen vào: “Bà ấy cứ lẩm cẩm thế, cô chú ạ. Người ta mua người ta mới đốt chứ!” Rồi anh khoe: “Gần cả làng mình bây giờ theo nghề hàng mã này của anh chị đấy!”

“Thế anh chị có làm “Thẻ thương binh” với “Giấy xác nhận tham gia chiến tranh chống Mỹ” để bán không đấy?” – Tôi hỏi bẫy và nhìn mặt anh chị ngớ ra mà buồn cười. Nhận ra bị trêu, nhớ lại chuyện cũ, anh tôi trầm giọng xuống: “Cái thứ hàng mã đó chỉ để dùng cho loại cựu chiến binh giả và quan chức đang sống thôi, chúng nó vẫn làm đấy, chú ạ! Lại cả nhiều loại bằng cấp hàng mã nữa chứ!” Rồi anh chốt: “ Anh chị chỉ làm hàng mã thật cho người âm, không thể làm hàng mã giả được.”

Vợ tôi chen vào kéo hai anh em về thực tại: “Ai ngờ chị Lựu em lại thành nhà thiết kế và sản xuất hàng mã !” Chị cười ngượng nghịu: “Ừ, ai mà ngờ, em nhỉ! Nhưng anh chị chỉ làm hàng mã thật!”

Tôi chợt nhớ, ngày xưa, cha tôi ghét và chê cái gì lắm thì ông mới nói: đồ hàng mã!

Nay tôi lại mừng khi anh chị họ vợ tôi đã làm giàu chân chính nhờ vô tình có duyên làm và bán đồ hàng mã!

Nhưng tôi cứ buồn cười cho họ, làm hàng mã cũng phải bảo vệ thương hiệu hàng mã thật cho người âm của mình, trước bọn làm hàng mã giả cho cán bộ chính quyền đang sống đang dùng để loè bịp nhau và ăn cắp ăn trộm của dân!

Ôi, đúng là Việt Nam, thời hàng mã cộng sản!

Trần Duy Thức

0 comments:

Powered By Blogger