Nguyễn Hưng Quốc - Có thể một cách vắn tắt: chưa bao giờ các blogger và các trí thức quần chúng của Việt Nam lại đồng thuận với nhau như trong vụ án Cù Huy Hà Vũ. Từ những người không thích hoặc không hoàn toàn đồng ý với Cù Huy Hà Vũ đến những người coi ông là "đồng chí", tất cả đều quan tâm theo dõi vụ án và tất cả đều lên tiếng tố cáo tính chất bất công và phi pháp của phiên tòa cũng như phê phán việc đàn áp những tiếng người tranh đấu cho tự do và dân chủ của chính quyền Việt Nam...
*
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Cù Huy Hà Vũ đã kết thúc với bản án bảy năm tù giam và ba năm quản thúc. Suốt hơn một tuần vừa qua, đã có nhiều người tường thuật và phân tích phiên tòa và bản án này về các phương diện chính trị và pháp lý. Trong bài này, tôi chỉ xin tập trung vào một khía cạnh: dường như chưa bao giờ dư luận Việt Nam, ít nhất trong giới trí thức, đặc biệt trí thức công chúng (public intellectual), tức những trí thức không những hay trăn trở mà còn thường phát biểu công khai các quan điểm của mình về các vấn đề chính trị và xã hội, lại đồng thuận với nhau một cách rõ ràng và dễ thấy như vậy.
Nhắc đến chữ “đồng thuận”, không thể không nhớ đến bản thông báo của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC mà tôi đã trích trong bài “Dân chủ và tự do ngôn luận” cách đây mấy ngày. Trong bản thông báo ấy, Ban giám đốc yêu cầu các phóng viên “phải trích dẫn nguồn thông tin chính thống”, với lý do nó “phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội”. Ban giám đốc không cho biết họ dựa vào đâu để khẳng định các “nguồn thông tin chính thống” ấy “phản ánh sự đồng thuận cao trong xã hội” hơn các nguồn thông tin khác khi ở Việt Nam hoàn toàn không có bất cứ cuộc thăm dò dư luận nào được thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc và khách quan cả. Tuyệt đối không.
Tuy nhiên, riêng trong vụ án Cù Huy Hà Vũ vừa rồi, chúng ta có thể nhận thấy sự đồng thuận ấy một cách dễ dàng, gần như ngay tức khắc, sau khi liếc mắt, thật nhanh, qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Có thể nói, trong và sau khi vụ án Cù Huy Hà Vũ diễn ra, có ba loại cơ quan truyền thông đại chúng loan tin nhiều nhất:
Thứ nhất là các cơ quan truyền thông quốc tế, cả bằng tiếng Việt lẫn bằng các ngôn ngữ khác. Tin tức họ loan tải rất nhanh, có khi ngay từ khi phiên tòa mới mở đầu. Và nhận định chung đều giống nhau, ít nhất ở các cơ quan truyền thông lớn: tất cả đều lên tiếng phê phán cách xét xử và bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ. Có ngoại lệ nào không? Nếu có, chắc chỉ có thể tìm thấy trên báo chí ở ba nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba.
Thứ hai là báo chí chính thống, từ báo in đến báo mạng trong nước, ở đó, phần tin liên quan đến vụ án có hai đặc điểm chính: một, chậm chạp, thưa thớt và ngắn ngủi, hầu như bị chìm nghỉm trong vô số các bản tin vu vơ và vớ vẩn khác, từ chuyện sức khỏe “cụ” rùa ở hồ Hoàn Kiếm đến chuyện Mỹ Tâm hát chung với Đàm Vĩnh Hưng hay chuyện Nguyên Vũ bất ngờ hôn Trang Nhung trên sân khấu, v.v...; và hai, nội dung các bản tin ấy đều giống nhau, lấy từ một xuất xứ và có cùng một giọng điệu: Cù Huy Hà Vũ có tội và bản án dành cho ông là xứng đáng. Vậy thôi.
Và thứ ba là báo chí thuộc “lề trái”, tất cả đều là báo mạng. Có thể nói đây là nguồn cung cấp thông tin chính và sôi nổi nhất về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Có blog hoặc website cập nhật tin tức hầu như hàng giờ. Số lượng bài vở tường thuật và phân tích cũng thật nhiều và thật đa dạng. Người ta chịu khó sưu tập và dịch thuật các bài viết bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau trên thế giới. Số lượng người truy cập các blog và website ấy cũng tăng vọt. Chẳng hạn, trong ngày phiên tòa diễn ra tại Hà Nội, số người truy cập blog của Anh Ba Sàm lên đến hơn 74.000 lượt, nhiều gần gấp ba lần những ngày trước đó.
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/
Tạm thời gác qua một bên các cơ quan truyền thông quốc tế và chỉ tập trung vào báo chí của người Việt, cả trong lẫn ngoài nước, chúng ta thấy nổi lên một số đặc điểm chính:
Một, các cơ quan truyền thông chính thống hay còn gọi là báo chí thuộc “lề phải” có một sự “đồng thuận” rất cao: né tránh việc phân tích vụ án. Tất cả đều chỉ loan tin về bản án. Hết. Có cảm tưởng như chính quyền Việt Nam bỏ mặc hoặc chấp nhận thua trận trong cuộc chiến tuyên truyền liên quan đến vụ án Cù Huy Hà Vũ. Hãy nhớ lại các vụ án tương tự trước đây mà xem. Bao nhiêu tờ báo nhao nhao lên vạch trần những “sai trái” của “nghi phạm” hoặc “tội phạm”, kể cả những “sai trái” bịa đặt hoặc hoàn toàn thuộc đời sống riêng tư, chẳng dính dáng gì đến chuyện lập trường hay quan điểm. Bây giờ thì khác. Tất cả đều lặng im hoặc chỉ đăng những bản tin vắn tắt kiểu lấy lệ. Tại sao như vậy? Chắc chắn chính quyền thừa biết quần chúng Việt Nam nói chung rất quan tâm và rất nhiều người còn hoang mang về vụ án. Im lặng hoặc chỉ rón rén lên tiếng là nhường trận địa tuyên truyền lại cho người khác, một điều dường như họ không hề làm trước đây. Tại sao? Tại họ bất cần? Tại họ tuyệt vọng? Hay tại họ không còn quân trong đội ngũ cầm bút, những người sẵn sàng viết hùa theo ý họ, bất chấp sự thật và công lý?
Hai, trên các tờ báo mạng hoặc blog độc lập, hầu như mọi người đều đồng thuận với nhau ở một điểm: cách thức xét xử cũng như bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ hoàn toàn sai trái. Những người vốn thường phản biện hoặc phê phán chính phủ lên tiếng bênh vực Cù Huy Hà Vũ, đã đành. Ngay cả những người vốn thường có thái độ phi chính trị và có nhiều quan hệ tốt đẹp với chính quyền Việt Nam cũng lên tiếng chỉ trích vụ án. Xin nêu lên hai trường hợp.
Thứ nhất là Giáo sư Ngô Bảo Châu. Bài “Về sự sợ hãi” của ông khá ngắn nên tôi xin phép chép trọn:
“Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.
Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.
Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.”
Bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu gọn và sắc dù, một cách vô tình hay cố ý, ông chỉ tập trung sự phê phán vào ông chánh án. Thật ra, hầu như ai cũng biết, ở Việt Nam, trong các vụ án chính trị như thế, vai trò của chánh án thật rất khiêm tốn. Theo lời tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, “Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy.” Bởi vậy, cái gọi là “cẩu thả” hay “sợ hãi” không phải thuộc về ông chánh án và không chỉ giới hạn trong một phiên tòa mà còn có ý nghĩa rộng hơn: đó là sự cẩu thả và sự sợ hãi của cả một chính phủ.
Thứ hai, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một Việt kiều ở Úc, đã viết trong bài “Qua vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Tín hiệu yêu nước”:
“Mỗi phiên tòa ở Việt Nam đều hàm chứa một vài tín hiệu mà người ta muốn gửi ra ngoài. […] Tín hiệu từ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ rõ ràng là một người chính trực, tự tin bằng tri thức của mình, và nhất quán giữa lời nói và việc làm. […] Tín hiệu từ phiên tòa thì thật là buồn. […] Chẳng những tín hiệu của phiên tòa buồn bã, mà còn … nhiễu. Đọc tường thuật về những sóng điện thoại và sóng truyền hình bị nhiễu mà thấy buồn nôn. […] Người ta phải dùng đến kĩ thuật gây nhiễu một cách có hệ thống thì đủ biết sự thiếu tự tin và tuyệt vọng như thế nào của bộ máy được trao quyền mang ‘phép nước lệnh vua’ trước các đối tượng là ‘bị cáo’.”
Nguyễn Văn Tuấn không dừng lại ở một phiên tòa "bất bình thường". Ông còn gắn liền phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ với phiên tòa xử Trần Huỳnh Duy Thức trước đây và so sánh cả hai với phiên tòa chính quyền Hồng Kông xử Hồ Chí Minh (dưới tên Tống Văn Sơ) năm 1931 để vạch trần tính chất "bất bình thường" trong hệ thống tư pháp Việt Nam, từ đó, đặt nghi vấn về cái gọi là tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thường nghe ở Việt Nam.
Có thể một cách vắn tắt: chưa bao giờ các blogger và các trí thức quần chúng của Việt Nam lại đồng thuận với nhau như trong vụ án Cù Huy Hà Vũ. Từ những người không thích hoặc không hoàn toàn đồng ý với Cù Huy Hà Vũ đến những người coi ông là "đồng chí", tất cả đều quan tâm theo dõi vụ án và tất cả đều lên tiếng tố cáo tính chất bất công và phi pháp của phiên tòa cũng như phê phán việc đàn áp những tiếng người tranh đấu cho tự do và dân chủ của chính quyền Việt Nam.
Tất cả? Vâng, tất cả. Ngoại lệ, may lắm, chỉ có một hai người. Mà chưa chắc đã đến được hai người.
Nguyễn Hưng Quốc
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/vu-an-cu-huy-ha-vu-04-11-2011.html
0 comments:
Post a Comment