"...Tất cả những người nước ngoài tại các công ty nước ngoài tôi đã làm việc đều nói với tôi về ưu điểm chính trị ổn định của Việt Nam. Mà ai cũng biết Việt Nam không phải là quốc gia đa đảng...."
Tôi Trả Lời Phỏng Vấn Của Đài Châu Á Tự Do AFR về Cù Huy Hà Vũ và Vấn Đề Đa Đảng Ngày 20-4-2011
Chiều nay lúc trời đổ cơn mưa như trút, tôi nhận được điện thoại từ số 0066 2652 1113 của phóng viên Đài Phát Thanh Châu Á Tự Do với nội dung có thể tóm tắt như sau mà tôi ghi lại theo trí nhớ với các chú giải thêm trong ngoặc đơn:
AFR: Xin hỏi thăm có phải đây là số điện thoại của Thạc sĩ Hoàng Hữu Phước, người đã có những bài viết trên Emotino mà nhiều người Việt (ở hải ngoại) đang rất quan tâm? … Xin Thạc sĩ cho biết ông nghĩ gì về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và ý kiến ông thế nào trước lời kêu gọi phải tha bổng Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ?
Đáp: Tôi biết đến ông ấy qua đoạn phát biểu trên mạng khi ông ấy nói lung tung về kiện tụng này nọ. Là người học về luật, ông ấy lẽ ra phải rõ là tất cả đều phải theo một khuôn khổ luật pháp nhất định, và việc phản ảnh hay đấu tranh đều phải theo các khuôn khổ ấy. Nếu ông ấy làm đúng (theo các thủ tục thì) người ta sẽ xem xem ông ấy nêu đúng hay sai và sẽ công nhận ông ấy đúng nếu ông ấy đúng. Còn sự việc thứ hai tôi biết về ông ấy là qua một văn bản ông ấy tung trên mạng đòi quốc hội xử phạt những người làm phim lịch sử Việt Nam có những chi tiết lịch sử ông ấy cho là sai, và tôi thấy rõ là ông ta có vấn đề bất ổn tâm lý (thần kinh).
Về việc bạn nói thu thập chữ ký đòi thả Cù Huy Hà Vũ thì tôi xin nói thế này: mỗi nước có hệ thống luật pháp riêng (và mọi công dân phải tuân thủ cũng như chịu trách nhiệm cá nhân khi vi phạm các quy định ấy). Tùy theo tội danh mà một phạm nhân bị phạt tiền, hay phạt tù, mấy tháng hoặc mấy năm, theo luật pháp (của nước mà người đó là công dân). Cù Huy Hà Vũ phạm tội và phải bị phán xử theo luật pháp Việt Nam mà ai cũng phải tôn trọng, cũng như Việt Nam tôn trọng luật pháp Hoa Kỳ, không bao giờ tổ chức biểu tình lấy chữ ký đòi chính phủ Mỹ phải tha bổng một công dân Mỹ da màu nào đó đã bị tòa án Mỹ kết án. Tôi chưa đi du lịch nước nào cả, nhưng tôi đi công tác nhiều nước, và ở đâu tôi cũng tuân theo luật pháp nước đó. Gia đình tôi chăm việc bố thí, vậy mà khi sang Ấn Độ, đến Đất Phật, tôi lại không bố thí vì luật bên ấy cấm bố thí. (Tôi không vì vậy mà nói Ấn Độ vi phạm nhân quyền hay dân quyền).
AFR: Tại sao Thạc sĩ lại nói câu hay nhất của lãnh đạo Việt Nam là “Việt Nam không cần đa đảng”?
Đáp: Từ ngàn xưa người Việt Nam đã có tài ngoại giao mềm mỏng để có thể tồn tại trước các thế lực thù địch. Tôi nghe có một nghi án về Hoàng Đế Quang Trung qua Tàu quỳ ôm gối Vua Càn Long (lễ bảo tất hay bão tất) để tỏ lòng hiếu thảo, và ai cũng vì danh dự quốc gia mà nói rằng vua Quang Trung cử người giả dạng mình sang Tàu chứ không phải đích thân người ngự giá. Tôi nghĩ việc giả dạng nếu có cũng không ai được biết, sao lại được công khai trong sử sách chọc giận thiên triều? (mà dù có là người đóng thế vai thì đó cũng mang danh đại diện Việt Nam sang Tàu quỳ ôm gối vua Tàu, chứ đâu thoát được cái nhục quốc gia). Nói thế để bạn hiểu là các vua của ta rất mềm mỏng: anh đánh tôi thì tôi đánh bại anh, đồng thời hòa hoãn hữu hảo với anh, kiếm cách lùi dần về phương Nam để tránh xa anh. Cũng vậy, để đất nước trường tồn, Đảng và Nhà Nước Việt Nam luôn thể hiện sự mềm mỏng, chẳng hạn đối với Mỹ thì mỗi khi Mỹ công bố Báo Cáo Nhân Quyền, Việt Nam có những ngôn từ phản đối nhẹ nhàng, hay khi Trung Quốc có hành vi này nọ thì Việt Nam cũng nhẹ nhàng phản đối. Việc thay đổi cung cách từ kiểu khôn khéo nhẹ nhàng không nói đến, biến thành dõng dạc tuyên bố “Việt Nam không cần đa đảng” đồng nghĩa với việc Việt Nam đã nhận thức đầy đủ về uy thế của Việt Nam, đặc biệt là hiểu rõ Mỹ cần Việt Nam, và Trung Quốc mới là đối thủ chứ không phải Việt Nam. Ý nghĩ tôi thán phục câu nói ấy là như vậy đó.
À, bạn có thể gọi tôi là “anh” hay “ông”. Tôi luôn gọi các tiến sĩ là “thầy” (bất kể tuổi tác) nhưng lại muốn bản thân mình được gọi là “anh” hay “ông” hơn.
AFR: Xin cảm ơn anh. Nhưng Việt Kiều có đóng góp hàng năm nhiều tỷ USD cho Việt Nam, sao anh lại cho rằng họ không đóng thuế nên không có quyền đòi đa đảng?
Đáp: Tôi đi làm và gởi tiền phụng dưỡng cha mẹ tôi. Đó là đạo hiếu. Các bạn cũng đi làm và gởi tiền về phụng dưỡng cha mẹ các bạn, và các bạn nên tự hào vì đó là đạo hiếu. Tôi đóng góp ý kiến cho nhà nước Việt Nam vì tôi là công dân Việt Nam chứ không phải vì tôi có gởi tiền nuôi cha mẹ nên được đóng góp ý kiến cho nhà nước. Tương tự, các bạn gởi tiền nuôi cha mẹ và cho rằng mình có quyền đòi đa đảng, tôi e là không hợp lý. Thậm chí bạn gởi tiền về cho cha mẹ già yếu của bạn mua một chiếc Roll-Royce và cha mẹ bạn đóng thuế dù cho có đến 500% trị giá chiếc xe, thì đó cũng không phải bạn có đóng thuế cho Việt Nam với tư cách công dân, vì đó là thuế thuộc loại mậu dịch hay phi mậu dịch, Các bạn có đã đóng góp trực tiếp cho chính phủ Việt Nam hiện đại hóa quân đội, xây dựng hải quân hùng mạnh, hay không? Bạn gởi tiền về nuôi cha mẹ và người thân, điều đó tất nhiên có ý nghĩa tích cực ở chỗ trong hoàn cảnh Việt Nam còn nghèo, số tiền các bạn giúp gia đình bạn thoát nghèo, làm vơi bớt đi một phần gánh nặng của chính phủ Việt Nam để chính phủ tập trung lo chô số dân nghèo còn lại.
AFR: Anh nói Việt Nam độc đảng tạo nên chính trị ổn định là mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài, điều này sẽ khiến họ không hài lòng.
Đáp: Nếu tôi là tỷ tỷ phú Việt Nam, tôi sẽ tìm cơ hội đầu tư ở Mỹ (vì Mỹ có hệ thống luật pháp cực kỳ chặt chẽ mà tôi thích luật pháp phải như thế mới bảo đảm việc kinh doanh của mình tồn tại lành mạnh), hay ở những nước chính trị ổn định như New Zealand, Úc, hoặc Hòa Lan. Nếu tôi là tỷ tỷ phú New Zealand, tôi sẽ tìm cơ hội đầu tư vào Đông Nam Á, và tôi bắt đầu tính toán so sánh: Phillipines thì hay có mấy vụ bắt cóc, hành quyết du khách phương Tây; Indonesia hồi giáo cực đoan chống Mỹ và phương Tây; Malaysia thỉnh thoảng có tin phá âm mưu khủng bố; Thái Lan thì hết áo đỏ tới áo vàng, biểu tình hoài; và tôi sẽ đến Việt Nam đầu tư do không muốn tài sản vốn liếng của mình gặp quá nhiều rủi ro từ những bất ổn chính trị. Vậy đó là sự lựa chọn bình thường của giới đầu tư nước ngoài. Tất cả những người nước ngoài tại các công ty nước ngoài tôi đã làm việc đều nói với tôi về ưu điểm chính trị ổn định của Việt Nam. Mà ai cũng biết Việt Nam không phải là quốc gia đa đảng.
AFR: Nhưng anh nói dân Việt Nam không cần đa đảng vì yêu sự công bằng. Vậy Việt Kiều không yêu sự công bằng sao, khi đòi đa đảng?
Đáp: Trên võ đài chuyên nghiệp, người thua không căm thù người thắng. Tại Việt Nam, cộng sản đã thắng. Lẽ công bằng là họ được hưởng những gì chiến thắng đem lại. Nếu nói sự gởi tiền về nuôi gia đình là đóng góp để đòi đa đảng thì theo tôi rất có thể năm hay mười năm nửa Việt Nam mới có thể có sự nhìn nhận về “công trạng” đó, nhưng theo lẽ công bằng, những ai đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân, gia đình, tương lai hạnh phúc cá nhân cho nước Việt Nam hiện nay mới là những người có quyền ưu tiên nêu yêu sách đối với Nhà Nước Việt Nam. Nếu họ đã là liệt sĩ thì sao hưởng quyền lợi đó được. Vậy là thân nhân họ có quyền nói thay họ. Và cứ thế, sự xếp hàng thứ tự trước sau rồi cũng sẽ đến lượt các bạn. Đòi có quyền nói về đa đảng là sự bất công vì các bạn không là công dân Việt Nam có đóng thuế cho Việt Nam, có quyền bầu cử và ứng cử ở Việt Nam. Mà cho dù các bạn có trực tiếp gởi nhiều tỷ USD vào tài khoản riêng của chính phủ Việt Nam để xây dựng đất nước thì đó cũng không để đòi đa đảng. Việc tôi giúp một người (mổ tim) không bao giờ đi kèm yêu cầu người ấy phải phải dạy con theo ý tôi hay dạy vợ theo ý tôi.
AFR: Anh có thể nói gì về sự quan tâm đến chính trị của thanh niên Việt Nam ngày nay.
Đáp: Nếu chính trị nghĩa là hoạt động đóng góp xây dựng đất nước thì ngày nay có rất nhiều người trẻ tuổi – có cả sinh viên – bản thân không là đảng viên cộng sản hay đoàn viên cộng sản, tích cực tự ra ứng cử nghị viện. Nếu chính trị nghĩa khác ( tức chống cộng hoặc đòi đa đảng) thì nói thật là thanh niên không quan tâm, vì họ quan tâm đến kinh tế, đến học tập làm giàu, v.v. Ngày xưa sau giải phóng, thanh niên lén nghe đài BBC, đài VOA, và cả đài AFR của bạn. Ngày nay họ không ai nghe đài, không phải vì đài BBC bị dẹp (vì BBC vẫn còn chương trình Việt Ngữ online trên mạng), mà chỉ vì họ chán nghe. Ngay cả Hoa Kỳ có công bố Báo cáo Nhân Quyền thi ở Việt Nam chẳng ai tìm đọc hay quan tâm.
AFR: Nhưng còn tự do dân chủ? Đa đảng là có tự do, dân chủ.
Đáp: Mỗi loại cá có môi trường nước riêng để sống như nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn. Không phải ở Mỹ mới có tự do. Không phải ở Việt Nam mới có tự do. Tự do là khuôn khổ phù hợp với văn hóa mỗi giống dân. Việt Nam có tự do, và tôi đang tự do trả lời phỏng vấn. (Không thể chỉ khi nào tôi nói giống phe tự do thì tôi mới tự do.) Thật lạ khi có những đất nước tự do, dân chủ, đa đảng, được Mỹ thân cận, liên minh, đồng minh, lại dưới quyền cai trị độc tài của một cá nhân trong hơn 30 năm, như Indonesia, Phillipnes, v.v. trước đây, và Ai Cập cùng các nước trong khu vực Bắc Phi hiện nay (mà thế giới tự do dường như không hay biết). Ngoài ra, mọi thứ cần có thời gian để thích nghi, chẳng hạn chính phủ Việt Nam từ bao cấp quốc doanh, đã cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thậm chí chấp nhận mô hình nền kinh tế thị trường, trước tiên với sự cẩn trọng gọi là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – mà nhiều người cười cợt nhạo báng để rồi chính mô hình định hướng ấy đã giúp Việt Nam phát triển. Nghĩa là dần dần sẽ có các điều chỉnh mới, áp dụng mới, theo hoàn cảnh cụ thể, chứ không có nghĩa là cần phải “đòi” tự do dân chủ hay mặc định rằng tự do dân chủ mới có đa đảng. Tôi đã rất chán trò đa đảng thời Việt Nam Cộng Hòa bởi vì đó có phải là đa đảng đâu! Toàn là mấy nhóm liên danh tranh cử kiểu “Kỳ Lân Xuất Hiện Quốc Gia Thái Bình”. Nói thật với bạn: đa đảng có nghĩa là các bạn muốn triệt hạ đảng cộng sản, mà như tôi đã viết trên Emotino: triệt hạ Đảng Cộng Sản tức xóa sổ các tướng lĩnh và Quân Đội Cộng Sản, dẫn đến việc Trung Quốc chiếm Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á.
Tôi đang sống ở một đất nước tự do, và có quyền công dân để góp ý với lãnh đạo Việt Nam. Tôi yêu nước Việt Nam (và không thích sự can thiệp của Mỹ) nhờ được học từ sách lịch sử Việt Nam in màu thật đẹp, thật công phu, bằng tiền của cơ quan viện trợ Hoa Kỳ USAID. Có thể tôi sẽ phản ảnh với cơ quan chức năng Việt Nam xem lại việc tại sao tập trung cho lịch sử Đảng xuyên suốt các bậc học từ tiểu học, trung học, đến đại học (mà không là chuyên sâu vào từng thời kỳ lịch sử theo thứ tự thời gian để chỉ học lịch sử Đảng vào năm cuối trung học chẳng hạn). Đó là quyền tự do của công dân Việt Nam (như tôi vào năm 1993 đã từng đề nghị Nhà nước xem xét việc in tiền với hình ảnh các danh nhân lịch sử, thay vì chỉ có mỗi hình Hồ Chí Minh, và tôi nhận được thư trả lời rất trang trọng từ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mà tôi có đưa lên Emotino).
AFR: Anh viết rất nặng nề và nhiều người (Việt Kiều) không hài lòng (cho rằng anh là cộng sản).
Đáp: Tôi sinh ra ở bịnh viện Từ Dũ, nghĩa là người Sài Gòn của chế độ trước (Việt Nam Cộng Hòa). Tôi theo Tây học và thần phục Tây học. Ba tôi là tú tài Pháp, tất nhiên thần phục Tây học. Ba tôi làm việc cho AirVietnam, và sau giải phóng AirVietnam dù là hàng không dân dụng vẫn được giao về Bộ Quốc Phòng với việc sử dụng nhân sự chế độ cũ rất hạn chế. Đó là lý do ba tôi mất việc, (từ viên chức sang trọng ăn mặc trang nhã mỗi ngày com-plê cà-vạt đi làm, biến thành ông ăn mặc vẫn theo thói quen áo sơ-mi dài tay bỏ trong quần nhưng đi bộ bỏ mối thuốc lá điếu hiệu Đông Nam ở Chợ Bàn Cờ Quận 3). Má tôi là người ít học, chỉ biết mặt chữ của tên các con để thêu tên con vào áo học sinh và khăn tay. Nhưng cả ba và má tôi đều răn dạy các con không được nghe lời chúng bạn vượt biên, đơn giản vì Việt Nam còn mồ mả tổ tiên, còn ông bà cha mẹ. Sau này một anh dân biểu chế độ cũ sau khi học tập cải tạo xong, có đến xin cưới chị tôi và chị tôi sang Mỹ cùng chồng theo diện HO. Ở nhà anh ấy bên Mỹ vẫn đang treo cờ vàng ba sọc đỏ (cờ Việt Nam Cộng Hòa) đấy chứ. Còn em gái út của tôi theo chồng là người New Zealand (rất tôn trọng Việt Nam) về sống tại đất nước của chồng. Tôi là công dân Việt Nam bình thường. Tôi không là đảng viên cộng sản. Và tôi đang sống trong tự do ở Việt Nam. Chuyện không giống nhau về ý thức hệ hay bất đồng chính kiến như giữa tôi và ông anh rể cựu dân biểu ấy không có nghĩa chúng tôi là kẻ thù của nhau. Đó chính là tự do. Mỗi người đều có quyền tự do sống, và tôi chưa bao giờ nói những lời anh ấy phát biểu là nặng nề (khiến nhiều người Việt ở Việt Nam không hài lòng). Tôi có nhận nhiều email của một số Việt Kiều tỏ ý không hài lòng sau khi đọc mấy bài tôi viết trên Emotino, nhưng tôi không trả lời, do mục đích viết bài của tôi là để thể hiện quyền tự do ngôn luận của tôi ở Việt Nam và dành cho giới trẻ Việt Nam đang ở Việt Nam để họ hiểu biết hơn, chứ không nhằm bút chiến với ai ở hải ngoại. Xin nói thêm: email của các Việt kiều này có nội dung và ngôn từ rất đàng hoàng, lịch sự, nên tôi rất kính trọng, dù không hồi đáp. Riêng bạn lại phone trực tiếp, và bạn nói chuyện rất lịch sự, và tôi tỏ lòng kính trọng bạn bằng cách chấp nhận trả lời phỏng vấn.
AFR: Đúng là tôi cũng bất ngờ về anh sau khi nghe anh nói chuyện nãy giờ. Xin hỏi anh câu cuối: anh hãy nói thật lòng về đời sống người dân Việt Nam hiện nay.
Đáp: Khó khăn. Đó là từ ngữ bất kỳ ai đã và đang sống đều nhận thấy như lẽ thường tình. Mười tám năm sống dưới chế độ Sài Gòn, tôi nhận thấy vật giá luôn leo thang. Từ 30/4/1975 đến nay, tôi thấy vật giá luôn leo thang. Đó là điều đương nhiên ở mọi nơi khi con người ngày càng đông đúc hơn, còn đất đai cho lương thực ngày càng thu hẹp lại hơn. Ở đâu tôi cũng thấy người nghèo, nhưng người nghèo ở Việt Nam thì khác. Kinh tế Mỹ suy sụp, chính phủ Mỹ bỏ ra những gói cứu trợ khổng lồ vực dậy các công ty khổng lồ. Kinh tế Ireland suy sụp, chính phủ Ireland cầu cứu EU. Kinh tế Bồ Đào Nha suy sụp, chính phủ Bồ Đào Nha cầu cứu EU. Kinh tế Việt Nam không suy sụp mà chỉ ngày càng khó khăn hơn do tất cả các cường quốc thế giới suy thoái khiến một số nhà đầu tư hoặc rút lui, hoặc giảm quy mô, hoặc không tăng quy mô; chính phủ Việt Nam chẳng cầu cứu ai. (Vậy người nghèo Việt Nam là những người vẫn chưa thể giàu lên, còn người nghèo các nước nêu trên là nạn nhân mà sự sụp đổ nền kinh tế đã bần cùng hóa họ). Người Việt lạc quan, và có sức chịu đựng. Cuộc sống bình thường với người giàu và người nghèo. Có người xài toàn hàng hiệu xa xỉ đắt tiền như điện thoại di động và laptop thượng hạng, v.v. Còn người nghèo Việt Nam được xã hội cưu mang với nhiều chương trình như xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, trợ vốn v.v. Đó là nghèo khó kiểu Việt, không phải nghèo bần cùng như nhiều người nghèo Ấn Độ và các nước khác.
[Ghi chú:
1- Bài “Đa Đảng” trên Emotino: http://www.emotino.com/bai-viet/18997/da-dang
2- Bài “Thư Của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam Gửi Công Dân Hoàng Hữu Phước” trên Emotino: http://www.emotino.com/m.php?p=17012 ]
-----------------------
Duc H. Vu :
Tôi thật sự cầu mong cho ông Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế này được đắc c? vào quốc hội "1 gang party" VC, người tài giỏi như ông chúng VC cần nhiều lắm, mà cũng chẳng cần giỏi như ông, cỡ như tên Trần Trường ở Nam California dạo nào chúng còn trọng dụng huống hồ chi tầm cỡ Thạc sĩ như ông HHP
Mời ông thạc sĩ HHP xem đoạn phim tình cảm Hàn quốc giữa "1 gang party" với Trần Trường
http://vuhuyduc.blogspot.com/2011/04/tran-truong-oi-chem-vc.html
Hình như VC quan niệm rằng bọn trí thức không bằng cục phân thì phải ?
Good luck thạc sĩ HHP
0 comments:
Post a Comment