Friday, April 22, 2011

30-4 : CÁI CÒ LẶN LỘI BỜ SÔNG




từ ngày các anh đi
Chị ở nhà biết bao gian khổ

Tôi cứ nhớ mãi ngày ... ra khỏi trại Bình Điền, thú thật không ai dám ngoái đầu nhìn lại. Chúng tôi chạnh lòng ái ngại thương cho những người ở lại phía sau, chẳng hạn hình ảnh mấy anh "rau xanh" tạm dừng thùng nước nhìn theo mấy bạn về trứơc mình. Hay mấy anh "vệ sinh viên' đang gánh 2 thùng nước sôi từ khối "anh Nuôi' lên cho khối lặng lẻ ngó theo bước chân chúng tôi khuất dần bên kia con dốc .

Chúng tôi được về đi không biết mệt. Hình ảnh gia đình đang đợi ở nhà như thôi thúc chúng tôi bước nhanh hơn. Con đường ngoằn ngoèo qua mấy khúc quanh. Vĩnh biệt chân đồi Bastogne nhé, nơi bọn tôi hay lên kiếm cover cũ tức là nắp hầm căn cứ trước kia về làm cuốc xẻng cho trại. Giã từ cái trại chăn nuôi bò biệt lập, mấy anh tù ở đây có cái “ưu tiên” vô rừng kiếm thêm báp chuối cho no bụng.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đi qua khỏi trại A nơi chúng tôi hay đi gánh mật mía hay hom sắn (mỳ) về trại. Con đường thấp dần về khu Kinh tế mới Bình Điền. Tiếng xôn xao của ngừoi dân Huế lên rừng tăng gia sản xuất. Những đám bụi đỏ lòm bốc lên sau chiếc xe đò Bình Điền- Huế đang ọc- ạch leo con dốc gập -ghềnh, nó đang gầm rú, rên rỉ . Chiếc xe đó từng đổ lên vùng lam sơn chướng khí này- tức là phải "di dời" theo 'tiếng gọi phát triển sản xuất". Ngừơi dân Huế ...lên vùng “kinh tế mới”, bỏ làng bỏ xóm, ngở ngàng... bên cạnh cuộc đời.

Những khuôn mặt bơ phờ, những sinh hoạt một nơi hoang sơ mới khai phá, những liếp nhà tranh, những khoảnh đất cháy nham nhở nhưng đối với chúng tôi như là "kinh thành hoa lệ" vì chúng ta đang gặp lại dân sau bao năm xa cách. Những tâm hồn những ý nghĩ những số phận giống nhau.

Tôi cứ sờ soạn mãi, tính toán mãi với 32 đồng bạc Bắc vỏn vẹn trong túi như sợ nó bay mất. Các ban biết đó, thời giá bấy giờ nội xe Bình Điền Huế sẽ ngốn tôi hết gần 10 đồng rồi... giá cước phí cho tui về đoàn tụ gia đình lại tính giá xe nhà nước ! nghĩa là 1 cây số 3 hào 2 tức là 0$032 mà nhân lên 1000 cây số tức là 32 "tỳ" đơn giản vậy thôi. Nói thì nói vậy nhưng sự thực được về không dù đi bộ ngày đêm về tận trong Nam tôi cũng chấp nhận.

[TÔi cứ huyên thiêng kể mãi câu chuyện này không ăn nhập gì với cái đề bài tôi viết cả. ]

Cái ngày tôi ra trai tôi còn trẻ lắm một "mảnh tình vắt vai" cũng chưa có huống gì là chuyện vợ con. Tôi còn độc thân nên khác với các anh em khác. Hình ảnh trong đầu tôi lúc đó chỉ là ba mạ, mấy em tôi cùng bà con đó là nỗi nhớ nhung chất ngất trong mấy năm xa nha`.

Chuyện kể hàng đêm tui nghe lóm được - những trằn trọc những ưu tư của mấy anh bạn tuổi đời lớn hơn tôi cùng lán, khối đó là những nỗi cơ cực của mấy chị ở nhà. Cơn đói khát của bầy con nhỏ dại không ai chăm sóc,... càng đau càng xót mấy anh đó như muốn bay về mau với gia đình !


cái cò lặn lội bờ sông
gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

Phần thì con đói, phần thì nỗi thương nhớ chồng đang ở trên non như thôi thúc, như thiêu đốt trong lòng các chị. Trong nhà có gì bán đó, vàng bạc dĩ nhiên không còn, cái radio cũng nối gót đi theo. Những chiếc áo dài 'một thời chưng diện' của mấy chị cũng từ từ theo nhau ra chợ trời Đông Ba . Lạng đường , miếng thịt kho sả , gô cơm trắng cùng mấy thứ linh tinh là hình ảnh tôi nhớ rất in vào mắt- những ngày thăm nuôi trại.

Tôi cứ hình dung lại hình ảnh những ngày thăm nuôi định kỳ đó…
Trại chúng tôi nằm trên khu đất cao, từ trên cao tôi thấy xa xa hình ảnh các chị từ Huế lên áo Bà Ba quần đen, 2 cái giỏ lúc lắc theo nhịp bước tiến gần về trại. Quanh tôi, nét mặt mấy anh bạn thồi hộp -thấp thỏm- chờ mong "trật tự viên" gọi đến tên mình? . Còn tôi biết trước phận mình- ba mạ tôi xa cả ngàn cây số- làm gì có tiền ra tận đây? Thế là tôi an phận.

Thời gian đợi chiếc xe đò củ kỷ kia trở đầu về lại Tuần và từ đó chúng tôi sẽ đón xe về Huế- đến đâu thì đến ! tui sà vào cái quán bên đường "liên hoan" cái đã. Những cái quán tranh dân Kinh Tế Mới từ Huế lên đây, che tạm bằng tranh ọp ẹp nhuốm đầy bụi đỏ.

Một đồng rưỡi 1 tô cơm đầy, nhưng là cơm "trắng' đó nghe. Con cá nục kho vài lát dưa hường thấm thía bên cạnh ôi chao cả đời tôi lần đầu tiên mới ăn ngon như thế này đây!!! Tôi chắc chắn các bạn không cho tôi là nói quá lời: thiệt tình tôi chưa ăn bữa ăn nào ngon như thế !

CHị bán hàng nước da đen xạm đi theo cơn nắng Bình Điền. Nhìn chúng tôi chị biết ngay chúng tôi là tù mới được tha về nên chị ân cần thăm hỏi. Chị không nở bớt miếng cơm con cá trên tô người mới ra trại. Đôi mắt chị long lanh như cùng chia xẻ niềm vui sướng của chúng tôi khi sắp về với gia đình- (...)

'MẤY ENG VỀ, CHỊ Ở NHÀ CÓ ĐEN ĐÚA ĐI THÌ ĐỪNG CHÊ MẤY ENG NGHE?!"

Câu nói của chị thật bất ngờ và cũng chua xót làm sao!

Ôi câu nói chân tình của chị bán hàng làm cả chúng tôi như muốn buông đũa, như trào nước mắt. Hình ảnh người vợ hiền ở nhà phải ăn miếng khoai sùng tạm dằn bao tử để dành miếng cơm trắng cho mấy đứa con, mẹ chồng lụm đụm tháng ngày chờ mấy anh về. Các anh như muốn gói miếng cơm lại về cho con và vợ vì biết rằng ở nhà những tháng ngày qua ăn đói nhịn khát, thân cò lặn lội buôn bán tảo tần; nào bầy con nào ba mạ già và còn chuyện bới gô cơm trắng lên cho chồng: miếng thịt kho,bì muối sả ,cái kim sợi chỉ cùng miếng đừơng ngọt lịm như tình nghĩa vợ chồng.

Làm sao mà mấy chị ở nhà không đen như lời chị bán hàng nói đây? Ôi tình nghĩa phu thê; những lúc này mới thấy nó dạt dào như gừng cay muối mặn hay như câu hò xưa mà mạ tôi hay hát:

"chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng…"


Hay da diết và đúng cho hoàn cảnh bi thiết đó nghĩ mà rơi nước mắt:

"Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước lên non tìm chồng?"


Đúng quá đi thôi! câu ca dao dạt dào đạo vợ chồng này là đây. Hình ảnh mấy người hiền phụ lúc lắc trên vai hai cái giỏ đồ ăn lang thang trên những nẻo đường rừng: Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa, Ái tử Bình điền.. , mãi đậm nét với hàng vạn khúc tình ca bất diệt. Tình vợ chồng, nghĩa tào khang sao cao đẹp quá cho người phụ nữ VN. Những người vợ hiền đã từng chịu đói chỉ "nửa trái sim", uống tạm miếng nước từ con suối bên đường, nâng niu gìn giữ “ gô cơm trắng" lên "non tìm chồng".

'MẤY ENG VỀ, CHỊ Ở NHÀ CÓ ĐEN ĐÚA ĐI THÌ ĐỪNG CHÊ MẤY ENG NGHE?!"

Chúng tôi từ giã chị bán hàng cho kịp chuyến xe cuối Bình Điền- Huế, câu nói chí tình của chị như văng vẳng theo tai chúng tôi chẳng khác chi một sức mạnh vô hình làm chúng tôi bước mau thêm nữa .

30 tháng 4 tri ân những người vợ tù

Xuân Khê tháng Tư 2011

0 comments:

Powered By Blogger