Người phụ nữ đã bị giam giữ 15 năm trong 21 năm qua, không lên tiếng kêu gọi đồng bào của bà hãy đứng lên lật đổ chế độ độc tài; bà cũng không đòi giành lấy quyền lãnh đạo mà đảng của bà bị chính quyền quân phiệt lật lọng xóa bỏ sau khi đã thắng với 59% số phiếu và chiếm 81% số ghế trong Quốc hội năm 1990. Bả chỉ nhắc nhở người dân Miến Điện hãy tiếp tục đấu tranh cho những gì thuộc về lẽ phải.
Trong 21 năm qua, khắp nơi trên thế giới văn minh đã liên tục vận động đòi chính quyền quân phiệt trả tự do cho Aung San Suu Kyi để nhân dân Miến Điện được sống xứng đáng làm người. Những áp lực đó đã có hiệu quả vì được loài người văn minh ủng hộ. Aung San Suu Kyi là biểu tượng của nỗ lực đòi nhân quyền. Chính quyền Miến Điện, cũng như những nhóm lãnh đạo độc tài ở các nước Á Châu khác, thường bác bỏ các lời yêu cầu tôn trọng Nhân Quyền. Họ bảo khái niệm Nhân quyền là sản phẩm của nền văn hóa Tây phương. Họ biện hộ rằng truyền thống văn minh Á Châu có những hệ thống giá trị khác với Tây phương, trong đó không nhắc đến khái niệm Nhân quyền.
Đây là một cách ngụy biện, vì trong các truyền thống Ấn Độ Giáo, Phật Giáo và Khổng Giáo không sử dụng những danh từ Nhân quyền, Dân chủ; nhưng cũng không có điều nào chống đối hoặc ngăn cấm những giá trị bao hoàm trong khái niệm đó. Ở Âu Châu, nơi khái niệm Nhân quyền được đề cao từ thế kỷ 18, họ cũng không dựa trên truyền thông văn hóa xa xưa của họ.
Khi những người làm cách mạng ở Pháp viết Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền, đó cũng là những khái niệm mới, mà các nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Thiên Chúa Giáo chưa nói tới. Bản tuyên ngôn nàycos tính cách phổ biến, không giới hạn trong một truyền thống văn hóa nào. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ xác định: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng… và có những quyền không thể mất là quyền Sống, Tự Do và Mưu cầu Hạnh Phúc”, đã nói rất rõ “tất cả mọi người” chứ không riêng một chủng tộc, một giai cấp nào mới được hưởng các quyền đó. Các quyène êu trên là những giá trị phổ biến áp dụng cho tất cả loài người. Tính phổ biến của Nhân Quyền là sáng kiến của văn minh nhân loại. Vì ngay trong thời gian người Hy Lạp và La Mã dùng thể chế Cộng hòa, họ giới hạn chỉ trong một thiểu số người dân thành Athenes hay Roma được hưởng các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu và được tham gia quyết định các việc công. Nếu bây giờ khái niệm Nhân Quyền có vẻ mới mẻ đối với người dân các xứ Miến Điện, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc v.v… thì nó cũng vô cùng mới lạ đối với dân các nước Mỹ, Pháp, Anh, Đức trong thế kỷ 18.
Cho nên câu hỏi không phải là khái niệm Nhân Quyền có phù hợp với một truyền thống văn hóa nào hay không. Câu hỏi chính là: Tại sao chúng ta nên tôn trọng Nhân Quyền?
Một triết gia sống ở Anh Quốc vào thế kỷ 20 đã trả lời câu hỏi này một cách giản dị. Isaiah Berlin (1909-1997) nói: “Nếu anh hỏi tôi tại sao tôi tin ở Nhân Quyền, tôi xin nói bởi vì đó là cách sống duy nhất, dễ chấp nhận nhất, để loài người sống TỬ TẾ với nhau“.
Nếu ai cũng được tự do chọn nơi mình sống; được tự do di chuyển; đời tư của mọi người được tôn trọng, không bị bới móc và nhòm ngó; có quyền tham dự các hội đoàn mình ưa thích; được tự do phát biểu ý kiến chia sẻ với đồng loại; mọi người dân được sống bình đẳng không phân biệt ở trong hay ngoài đảng cầm quyền; quyền hành của nhà nước bị giới hạn bằng luật pháp; khi mọi người được sống như vậy thì chúng ta có một xã hội TỬ TẾ. Những quyền kể trên được gọi là quyền làm người, hay Nhân Quyền. Có truyền thống văn hóa nào trong nhân loại không đồng ý rằng con người nên sống tử tế với nhau như thế hay không?
Berlin thấy không cần phải tin rằng có những “nguyên lý tự nhiên” (trời sinh) đưa tới những “quyền tự nhiên” (như các quyền làm người). Tuy nhiên, ông xác định: “Tôi tin tưởng nhiệt thành vào quyền làm người, căn cứ vào những thứ mà loài người đều chấp nhận… Có những nguyên tắc ràng buộc hành vi của con người mà nếu không theo thì chúng tâ không có được một xã hội sống tử tế ở mức tối thiểu. Đừng hỏi thế nào là Tử Tế? Tử tế, nghĩa là Tử tế – chúng ta đều biết nó là như vậy”. (Trích trong cuốn Conversations with Isaiah Berlin, do Ramin Jahanbegloo kể, Charles Scribner’s Sons xuất bản, Oxford, 1991, trang 114).
Cho nên, khi loài người cùng tranh đấu đòi tự do cho những Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, Lưu Hiểu Ba ở Trung Quốc, Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam, đó là vì chúng ta mong muốn tất cả mọi người ở các nước đó được sống trong những xã hội tử tế.
Một điều cần được xác định nữa là sự phân biệt giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích tập thể. Những chế độ chống đối việc áp dụng nhân quyền thường viện cớ rằng các quyền được nêu lên trong đó đều là quyền của “cá nhân” do đó, trái ngược với truyền thống văn hóa Á Châu, vốn thường đề cao tập thể.
Khi nói như vậy, họ đã đặt ra một “vấn đề giả” để che giấu sự thật. Họ chỉ ngụy biện cố để từ chối không công nhận các quyền làm người. Bởi vì khái niệm Nhân Quyền đưa ra những quyền mỗi cá nhân phải được hưởng, nhưng các quyền đó đều bị đặt trong giới hạn nếu mâu thuẫn với các lợi ích của cuộc sống chung trong xã hội. Không ai chủ trương các quyền tự do của các nhân là TUYỆT ĐỐI. Không một nhà đấu tranh cho Nhân quyền nào đề cao các quyền tự do đó đến mức phải hy sinh lợi ích của tập thể, từ tập thể gia đình cho đến quốc gia, xã hội.
Trong các nước Âu Mỹ người dân được quyền tự do cư trú nhưng luôn luôn bị hạn chế ngay trong cách mình xây dựng căn nhà mình ở, nếu cần bảo vệ an ninh cho lối xóm. Họ bị hạn chế ngay trong cách vẽ kiểu nhà, để cho phù hợp với quang cảnh chung của khu vực mình sống. Họ phải giữ nhà cửa vệ sinh, phải cắt cỏ, phải quét rác theo luật lệ xóm làng. Ngay một quyền giản dị như tự do cư trú cũng không ai được lạm dụng để vi phạm lợi ích chung. Nhân quyền không trái ngược với tinh thần tôn trọng tập thể. Vấn đề chính là sau khi đã chọn tôn trọng nhân quyền rồi, loài người phải xác định những giới hạn của các quyền đó như thế nào để sống tử tế với nhau. Vấn đề không phải là lựa chọn giữa cá nhân và tập thể, mà là tìm cách dung hòa quyền lợi chung và riêng.
Nói cho cùng thì quyền lợi tập thể là cái gì, nếu không phải là tập hợp những quyền lợi của các cá nhân trong đó? Khi nào quyền lợi của một cá nhân đi ngược với tập thể, người ta biết có những phương pháp để giải quyết: Làm ra luật giới hạn quyền của cá nhân. Luật đó có thể phải đem ra biểu quyết theo thể thức dân chủ. Phải nhìn theo cách ngược lại: Chính nhờ sự tôn trọng quyền lợi mỗi cá nhân và của tất cả mọi người như nhau, mà xã hội sẽ trật tự và văn minh hơn.
Sống trong một thành phố văn minh, chúng ta thường thấy dọc đường những tấm bảng chữ lớn viết, thí dụ “Đang Đốn Cây” (Tiếng Anh giản dị hơn: Tree Work!) Con đường có thể không có nhà mở cưa ra vì các ngôi nhà đều quay mặt vào phía trong. Có thể mỗi ngày chỉ dăm ba người đi bộ trên vỉa hè, còn phần lớn dân cư chỉ dùng con đường này làm nơi lái xe qua. Nhưng người ta vẫn phải tôn trọng những người khách bộ hành đó, dù chỉ có một người cũng vẫn phải tôn trọng. Quyền đó là quyền gì? Quyền được sống an toàn. Nếu một cá nhân đi bộ hoặc lái xe qua rồi bị tai nạn vì không được báo trước, cá nhân đó có quyền đưa đơn kiện chính quyền thị xã. Vì bổn phận của những người cầm quyền là bảo vệ sinh mạng và sự sống an toàn của người dân. Đây là một thứ quyền của mỗi người và của tất cả mọi người.
Khi một chính quyền bị ràng buộc bởi “quyền làm người” như vậy, họ sẽ bắt buộc các công ty thầu đốn cây phải yết tấm bảng “Tree Work” với hàng chữ đủ lớn để ai lái xe nhanh đi qua cũng có thể trông thấy được. Chính quyền phải cẩn thận viết ngay trong bản hợp đồng đấu thầu điều kiện làm việc này. Và công ty thầu đốn cây thế nào cũng làm, nếu không họ sẽ bị trừ tiền. Những công ty thầu làm đường, sửa đường, thầu bắc ống cống hay ống nước trong thành phố, cũng đều bị ràng buộc như vậy. Tại sao các công chức buộc các công ty này ký trong hợp đồng phải bảo vệ an toàn cho dân chúng? Vì họ lo bị dân kiện, tại sao dân có quyền và dám kiện nhà nước? Vì trong cả xã hội người ta đã chấp nhận có những quyền mà mỗi cá nhân phải được hưởng, trong đó có quyền sống trong những môi trường an toàn và lành mạnh. Phát khởi từ tinh thần tôn trọng nhân quyền đó, với thói quen, các công chức còn buộc các công ty phải báo trước nhiều việc họ sắp làm để dân chúng chuẩn bị. Thí dụ, vào tháng Giêng người ta đã thấy bảng: “Chúng tôi sẽ sửa ống cống trên đường này, bắt đầu từ Tháng Sáu đến hết Tháng Chín”. Và còn thêm “Xin lỗi sẽ làm phiền quý vị”. Thử tưởng tượng có những thành phố tại các nước chưa văn minh, người dân đi xe đạp bị sa xuống hố, hư xe, gẫy tay chân, chỉ vì công ty thầu sửa đường không quan tâm đến sự an toàn của người khác, và chính quyền cũng không có thói quen lo lắng chuyện đó. Dân bị nạn nhưng không biết kiện ai, vì cả xã hội coi nhà nước là cha mẹ, và không ai lại đi kiện cha hay mẹ mình bao giờ!
Trên đây chỉ là một thí du, về một thứ quyền con người được tôn trọng. Rõ ràng, đó là quyền của các cá nhân. Nhưng khi được áp dụng, nó thay đổi cách sống của mọi người, từ người dân, nhà kinh doanh cho đến chính quyền. Chúng ta thấy, chỉ một thứ quyền của con người được công nhận đã khiến cho cả một bộ máy trong xã hội chuyển động đúng nhịp với nhau, kết quả là người cầm quyền phải bắt buộc các công ty đấu thầu phải tôn trọng quyền sống an toàn của mọi con người. Một xã hội sống như thế, mọi người có thể sống tử tế với nhau hơn. Người ta có thể sống tử tế với nhau hơn, vì biết quyền lợi của ai cũng phải được tôn trọng.
Cho nên vấn đề của mọi xã hội không phải là lựa chọn giữa cá nhân và tập thể, làm như mọi cá nhân trong đó đều ích kỷ và độc ác. Nhất là không ai thấy cần phải lựa chọn giữa hai cách xếp đặt xã hội như thế này: Một bên là cả xã hội tôn trọng quyền làm người, của từng người một; và bên kia là một nhóm người nhân danh tập thể để đàn áp những người khác ý kiến với mình, trong lúc vẫn dung túng những kẻ nhũng lạm quyền thế. Ai cũng biết giữa hai cách xếp đặt xã hội đó, chúng ta nên chọn nơi nào, để loài người được sống tử tế với nhau hơn.
Khi Aung San Suu Kyi nói với đồng bào của bà: “Chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho lẽ phải”, câu nói đó xuất phát từ một tấm lòng tử tể, của một người đã sống 21 năm dưới đe dọa của bạo lực và tù đầy. Sống tử tế, đó là một lý tưởng ai cũng có thể theo đuổi được. Đó chính là một LẼ PHẢI. Không cần phải có các triết gia hay những nhà nghiên cứu chính trị mất công tìm ra sự thật đơn sơ đó.
Trước đây gần 30 năm, trong cuốn phim Chuyện Tử Tế của Trần Văn Thùy một người sắp qua đời dặn dò các bạn rằng: “Các cậu hãy làm cái gì cho nó tử tế nhé!”. Thực ra người ta có thể làm được những việc tử tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng trong một xã hội tử tế thì con người dễ làm được những việc tử tế hơn. Đối với Isaiah Berlin, Nhân Quyền giưp xã hội loài người dễ sống tử tế nhất. Berlin nói: “Nếu bạn hỏi tôi ‘tử tế’ (decent) nghĩa là gì, thì tôi xin nói đó là lối sống duy nhất mà loài người nên theo nếu họ không muốn giết hại lẫn nhau.“
Nhân dịp xuân Tân Mão xin quý vị độc giả cùng anh chị em trong tờ Nhật Báo Người Việt cầu nguyện xin người Việt Nam ở khắp mọi nơi được sống trong những xã hội mà ai cũng muốn tử tế với nhau, cứ bước ra đường là gặp người tử tế!
Nhật Báo Người Việt
Số Xuân Tân Mão
0 comments:
Post a Comment