Tuesday, February 1, 2011

Mọi chú ý lại đổ dồn vào công cụ web và sự đổi thay


Scott Shane - Sợ hãi – đó là công cụ truyền thống để nhà độc tài giữ được dân chúng trong vòng kiểm soát. Nhưng bằng việc cắt hết dịch vụ không dây và Internet tại Ai Cập vào cuối tuần trước để đối phó với những cuộc biểu tình khổng lồ trên đường phố, Tổng thống Hosni Mubarak đã để lộ nỗi hoảng sợ của chính mình – rằng Facebook, Twitter, máy tính xách tay và điện thoại thông minh có thể làm cho các đối thủ của ông mạnh thêm lên, bóc trần những yếu kém của ông ta ra với thế giới, và lật đổ chế độ.

Một người đàn ông Ai Cập dùng điện thoại cầm tay có camera của mình để ghi lại hình ảnh đám đông hỗn loạn.

Có lý do để ông Mubarak phải mất bình tĩnh. Thông qua rất nhiều tài khoản cá nhân (trên blog), thùng thuốc súng kiểu mới – mạng xã hội – đã góp phần đẩy nhanh cuộc cách mạng ở Tunisia, buộc nhà cai trị 23 năm qua ở đất nước này là ông Zine el-Abidine Ben Ali phải lưu vong một cách nhục nhã, và thổi bùng lên một đống lửa sẽ lan rộng khắp thế giới Ả rập với tốc độ nghẹt thở. Một biểu tượng phù hợp là cảnh ông Slim Amamou, blogger bất đồng chính kiến có hàng nghìn người hâm mộ trên Twitter, chỉ trong vài ngày đã được đưa từ phòng hỏi cung của chế độ Ben Ali lên một vị trí trong chính phủ mới, với chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao. Đó quả là một biểu hiện của sự bất định ở Tunisia, bởi mới hôm thứ Năm (ngày 27-1), ông đã từ chức.

Cuộc đảo chính ở Tunisia là lời động viên mới nhất đối với một khái niệm có tính an ủi, rằng: Những công cụ web mà rất nhiều người Mỹ dùng để hẹn hò với bạn học hay để quẳng lên đó những suy nghĩ thoáng qua, nhưng cũng những công cụ web ấy còn có một vai trò cao quý hơn, là làm thứ thuốc tẩy, rửa trôi chế độ chuyên quyền. Suy cho cùng thì mới cách đây 18 tháng thôi, các công nghệ này bị lên án như là một nhân tố trong Cách mạng Xanh ở Iran – phong trào biểu tình đường phố gây xáo trộn xã hội sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi.

Song, kể từ khi cuộc nổi dậy sụp đổ, Iran đã trở thành một trường hợp mang tính chất cảnh báo. Cảnh sát Iran hăm hở bám theo dấu vết các nhà hoạt động để lại trên mạng, việc này giúp họ tiến hành hàng nghìn vụ bắt bớ trong chiến dịch đàn áp xảy ra sau đó. Chính quyền thậm chí còn tận dụng ưu thế của đám đông trong cuộc săn lùng các thế lực thù địch: Họ đưa ảnh của những người biểu tình lên web và mời gọi dân chúng Iran nhận diện.

“Chính phủ Iran đã trở nên thành thạo hơn nhiều trong việc sử dụng Internet để truy lùng các nhà hoạt động”, Faraz Sanei, người theo dõi Iran tại tổ chức Human Rights Watch, nói. Ông Sanei cho biết, Revolutionary Guard (Người Bảo vệ Cách mạng) – lực lượng kinh tế và chính trị hùng mạnh có chức năng bảo vệ cái chế độ của các thủ lĩnh Hồi giáo – đã mở một trung tâm giám sát ảo trên mạng, và có tin đồn là họ đứng sau “quân đội ảo” của các tin tặc, một đội quân có thể săn đuổi bất kỳ kẻ chống đối nào.

Những năm gần đây, các chế độ đàn áp nhân quyền trên khắp thế giới lẽ ra đã tụt lại sau đối thủ của họ trong việc khai thác công nghệ mới – không phải là chuyện bất ngờ bởi các nhà độc tài đang già cỗi đi lại phải đương đầu với những đối thủ trẻ hơn, thành thạo công nghệ hơn. Nhưng ở Minsk và Moscow, Tehran và Bắc Kinh, chính quyền đã bắt đầu leo dần lên đường cong học vấn và biến các công cụ Internet mới thành thứ phục vụ cho mục đích riêng của họ chống lại dân chủ.

Khuynh hướng ngược này tạo ra một cuộc tranh cãi: Số đông mọi người thường cho rằng Internet và mạng xã hội vốn dĩ có thể lật đổ cán cân quyền lực theo hướng ủng hộ dân chủ; liệu điều này có đúng không? Cuốn sách mới, “Ảo tưởng trên không gian ảo: Mặt đen tối của tự do Internet”, của học giả người Mỹ gốc Belarus Evgeny Morozov, đã khiến cho câu chuyện càng trở nên kích thích hơn, khi tác giả mô tả hết ví dụ này tới ví dụ khác những con người tìm cách tận dụng phương tiện truyền thông mới – Internet – làm lợi thế cho mình.

Nhưng sau rốt, chính những yếu tố đã mang lại cho Facebook và các site tương tự thành công thương mại lớn lại là các yếu tố có sức thu hút khổng lồ đối với lực lượng cảnh sát mật. Trang mạng xã hội của một nhà bất đồng chính kiến và các bài viết trên Twitter là công cụ thuận tiện để thể hiện quan điểm chính trị, sự nghiệp, thói quen cá nhân, cũng như bộc lộ thông tin về những đồng chí, bạn bè và thân nhân của anh ta. Một viên công an mạng có thể soạn ra cả bộ hồ sơ về một nhân vật chống đối chế độ nào đó mà không cần phải bỏ công đi theo anh ta trên phố hay nghe trộm điện thoại như hồi trước khi thế giới có net.

Nếu trong cơn khủng hoảng, nước Ai Cập của ông Mubarak đã dùng tới thứ công cụ ngu độn truyền thống để đương đầu với phe bất đồng chính kiến – cắt đứt toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc – thì các nước khác tỏ ra tinh tế hơn. Ở Belarus, giờ đây các sĩ quan của K.G.B – cơ quan công an mật này vẫn giữ tên gọi của nó từ thời Xô Viết – thường xuyên trích dẫn những lời bình luận (comment) của các nhà hoạt động trên Facebook và những site khác trong các cuộc thẩm vấn – Alexander Lukashuk, Giám đốc chi nhánh Belarus của Đài Phát thanh Châu Âu Tự do/ Phát thanh Tự do, cho biết như vậy. Ông kể, tháng trước, các nhân viên điều tra đã xuất hiện tại căn hộ của một phóng viên ảnh người Belarus, và chế nhạo cô ta rằng bởi vì cô viết blog khiến họ thường xuyên phải làm việc ban đêm, nên họ quyết định đến gặp cô vào buổi sáng.

Ở Syria, “Facebook bây giờ là nguồn cơ sở dữ liệu lớn đối với chính phủ” – theo Ahed al-Hindi, một nhà hoạt động Syria, từng bị bắt tại hàng Internet café ở thủ đô Damascus vào năm 2006, và đã rời đất nước sau khi được thả. Ông Hindi hiện là thành viên của nhóm CyberDissidents.org ở Mỹ. Ông bày tỏ tin tưởng rằng Facebook có lợi nhiều hơn là gây hại, bởi nó giúp các nhà hoạt động thành lập những tổ chức ảo, vốn không thể tồn tại được nếu thành viên của nó gặp nhau trực diện trong đời thực. Nhưng theo ông, người dùng (Facebook) phải ý thức được rằng họ đang giao lưu cả với những kẻ đàn áp họ, cũng như với những bạn bè đồng chí của họ.

Widney Brown, giám đốc cao cấp phụ trách luật và chính sách quốc tế tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho hay những trang mạng xã hội được ưa thích đều trung lập về mặt chính trị, giống như phần lớn các công nghệ mới.

“Không có gì là tất yếu ở những công cụ như thế — máy in của Gutenberg, máy fax hay Facebook” – ông Brown nói. “Chúng có thể được sử dụng để thúc đẩy quyền con người, mà cũng có thể là để hủy hoại quyền con người”.

Đấy cũng là quan điểm của ông Morozov, 26 tuổi, một học giả thỉnh giảng ở Standford. Trong “Ảo tưởng net”, ông gửi một câu trả lời đến “những kẻ không tưởng trên mạng”, những người tưởng rằng Internet, một cách tất yếu, sẽ khuyến khích dân chủ. Ông đưa ra thuật ngữ “spinternet” (tạm dịch: tơ net) để nói về tấm lưới nhện (spin) mà các chính phủ – bây giờ đã bắt đầu làm chủ được công nghệ – phủ lên Internet.

Theo ông Morozov, ở Trung Quốc, hàng nghìn người đã được đào tạo và được trả tiền – vì thế mà có biệt danh là “đảng 50 xu” – để đưa những comment ủng hộ chính phủ lên mạng và định hướng, cách ly công luận khỏi những lời phê phán nhằm vào Đảng Cộng sản. Ở Venezuela, Tổng thống Hugo Chávez, ban đầu còn gọi những comment thù địch trên Twitter là “khủng bố”, về sau đã tạo trang Twitter của riêng mình – một kết hợp thú vị giữa chính trị và tự quảng cáo bản thân. Hiện tại trang này đã có 1,2 triệu người hâm mộ.

Ông Morozov lưu ý rằng, ở Nga, Thủ tướng Vladimir V. Putin đã hợp tác được với vài công ty truyền thông Internet lớn, trong đó có cả Konstantin Rykov. Hiện giờ rất nhiều website của công ty này đưa thông tin sai lệch nhằm ủng hộ Putin; và các tài liệu của họ, liên quan tới cuộc chiến năm 2008 giữa Nga và Gruzia, theo hướng chống Gruzia, đã lan như virus trên mạng.

Ông Morozov thừa nhận rằng mạng xã hội “dứt khoát là giúp cho những nhà bất đồng tập hợp lại”.

“Nhưng điều đó có khiến cho phong trào phản đối trở nên khả thi hơn không? Tôi không nghĩ thế”.

Ở Ai Cập, có vẻ như ít nhất một số nhà hoạt động cũng chia sẻ sự thận trọng của ông Morozov về bản chất “dao hai lưỡi” của truyền thông Internet. Một tài liệu nặc danh 26 trang xuất hiện ở Cairo tuần trước đã đưa ra những chỉ dẫn rất thực tiễn cho những người biểu tình. Tờ The Guardian đưa tin, tài liệu này đã khuyên các nhà hoạt động lưu truyền nó qua email và photocopy – chứ không phải qua Facebook và Twitter, bởi vì cả hai mạng đó đều đã bị chính quyền kiểm soát.

Sau đó chính phủ của ông Mubarak rõ ràng là đã đi đến kết luận rằng nếu chỉ kiểm soát không thôi thì quá muộn. Vậy là ông quyết định cắt toàn bộ kết nối Internet của đất nước ông. Đó là hành động tuyệt vọng của một nhà độc tài, kẻ chưa học được cách khai thác thứ công cụ mà những đối thủ của ông ta đã biết tận dụng.

Scott Shane, phóng viên chi nhánh Washington của báo The Times, là tác giả của cuốn “Dismantling Utopia: How Information Ended the Soviet Union” (“Bóc trần cõi không tưởng: Thông tin đã chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô như thế nào”.)

Người dịch: Đan Thanh

0 comments:

Powered By Blogger