Người ta không khỏi rùng mình khi thấy ông Tùy ăn một con thằn lằn đang ngo ngoe, hay đang nhai một con bướm sống…
Gần
30 năm qua, ông Ngô Văn Tùy, 55 tuổi ngụ tại huyện đảo Lý Sơn vẫn có
thói quen bắt và ăn côn trùng sống mọi lúc, mọi nơi. Khả năng ăn côn
trùng sống của ông khiến không ít ngườikinh sợ, và nhiều lúc ông còn gặp
phải những câu chuyện dở khóc dở cười.
Ăn được cả cóc độc
Chúng
tôi đến Lý Sơn, Quảng Ngãi vào một ngày trời nắng nhẹ. Sau một hồi dò
hỏi, chúng tôi cũng tìm được nhà ông Ngô Văn Tùy – người vốn bị gọi là
“quái nhân” bởi thói quen ăn côn trùng sống của mình.
Ông
Tùy sinh năm 1959, ngụ thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng
Ngãi. Do có quá nhiều người phương xa tò mò về khả năng kỳ dị này nên
ông Tùy tỏ ra rất ngại tiếp xúc với khách lạ. Chúng tôi phải trưng cả
giấy giới thiệu của cơ quan, và gọi điện cho người quen tại huyện đảo Lý
Sơn ông mới yên tâm mà bắt đầu kể về khả năng của mình.
Ông
Tùy tâm sự: "Mới đầu, người ta thấy tui ăn côn trùng sống, rồi báo chí
tới đưa tin về tui, thiên hạ cứ đồn rằng tui chơi trội, chơi nổi không
à. Thiệt ra, đâu phải vậy, chắc khả năng của tui là do bẩm sinh rồi.
Thấy con gì ăn sống được là tui bắt ăn luôn, không phải luyện tập gì hết
á, người ta nói tui "gồng" để chơi nổi, tội nghiệp tui".
"Quái nhân" Ngô Văn Tùy
Ông
Ngô Văn Tùy không những ăn được côn trùng mà ông còn nhai ngon lành các
loài bò sát nhỏ như rắn, rết, dong .v.v. Gần 30 năm qua, ông Tùy đã ăn
sống bao nhiêu loài bò sát, côn trùng, ông cũng không còn nhớ nữa.
Ông
chỉ nhớ lần đầu tiên “nhấm nháp” một con vật sống là vào khoảng năm
1985, khi ông vẫn còn là lính của Tiểu đoàn 103, đóng quân tại đảo Lý
Sơn. Trong một phiên gác, đang lúc không biết làm gì, bỗng ông Tùy thấy
một con sâu lá bò trước mặt. Ý nghĩ tinh nghịch của chàng lính trẻ bùng
lên, ông Tùy bắt con sâu bỏ vào miệng định bụng … “coi thử có ngon
không”.
Thấy
ăn được, nên từ đó ông Tùy bắt đầu khám phá khả năng của bản thân bằng
cách ăn sống bất cứ con vật gì ông cảm thấy có thể nhai sống được. Từ
ong, bướm, nhện, bọ hung, ông chuyển sang thử rắn mối, dong, thằn lằn…
Kể cả những con vật có độc cũng không làm ông nao núng.
Ông
Tùy kể lại: “Loài gì cũng ăn qua, tự nhiên lại càng có cảm giác muốn
thử những con mới. Những loài mà có chất độc không hiểu sao lại khiến
tui có hứng thú. Vậy là một hôm tui tìm bắt một con sâu nái để ăn thử
coi sao. Loài sâu nái này lông nó độc lắm, ai lỡ đụng vô là dị ứng, ngứa
dữ thần. Nhưng mà không hiểu sao tui bắt rồi bỏ vô miệng nhai, thấy nó
tê tê đầu lưỡi chút xíu sau là hết chứ không có ngứa gì. Từ đó, tui nảy
ra ý định ăn thêm mấy loài độc độc nữa coi sao”.
Theo
ông Tùy, thì ông có thể ăn được cả con cuốn chiếu, một loại được liệt
vào hàng có độc tố. Cả cóc và rắn chưa lấy nọc ông cũng đã từng thử qua.
Có lần, ông Tùy đang đi dự tiệc, bỗng có người khích ông biểu diễn ăn
thử mấy con có độc để chứng tỏ. Sẵn có chút hơi men, ông Tùy không ngần
ngại bước ra ngoài, ông tìm được 1 cái hang rắn, ngay lập tức ông luồn
tay vào hang, lôi ra được một con rắn.
Người
trong đám tiệc đều nhao nhao xung quanh ông Tùy. Ông Tùy giơ con rắn
lên, bụng nó to bất thường bởi mới nuốt một con cóc. Ông đưa tay kéo
mạnh, tức thì con rắn ọc con cóc ra tay ông, ông cầm con cóc nuốt ngay
trước mặt mọi người. Xong con cóc, ông “thịt” luôn con rắn khiến khách
khứa thấy … ghê, hết muốn dùng tiệc.
Kể
đến đây, sợ chúng tôi không tin, ông liền kêu vợ lên nhà, rồi bảo bà
sang nhà hàng xóm kêu mấy người thanh niên đã từng chứng kiến ông Tùy
nuốt cóc đến làm chứng.
Trong
da cóc vốn có chất độc chết người, nếu không làm kỹ mà dùng thịt cóc sẽ
xảy ra ngộ độc như chơi. Vậy mà người đàn ông này có thể nuốt sống một
con cóc ngon lành mà không mảy may gì thì quả là chuyện lạ. Nhưng thật
ra việc này cũng có thể giải thích được, thông thường, khi cơ thể con
người tiếp xúc với chất độc một lượng nhỏ sẽ tạo ra cơ chế thích nghi,
quen dần và có thể tiếp nhận một liều lượng độc tố lớn dần lên.
Khi
được hỏi, không lẽ ông không sợ nguy hiểm khi dám nuốt sống những con
vật có độc thì ông Tùy chỉ cười, rồi nói: “Không biết nữa, khi tui thích
ăn con vật gì, cảm thấy muốn ăn con nào là tui lại tự tin rằng độc tố
của nó không ảnh hưởng nhiều đến mình. Như linh tính mách bảo vậy đó,
chớ bản thân tui cũng hổng biết tại sao?”.
Phiền toái bởi tật “nghiện nhai sống”
Ông
Tùy kể, tuy khả năng này của bản thân khiến ông thích thú, nhưng nhiều
khi nó cũng gây ra cho ông ít nhiều phiền toái. Bắt đầu từ những cơn
thèm ăn bất chợt. Lúc chưa nổi danh khắp vùng, ông biết mình khác người,
nên chỉ dám “lén lén” tìm chỗ vắng rồi nhấm nháp sự vui thú một mình.
Nhưng
có lần ông đang cuốc đất vun lại mấy sào dưa nhà mình. Bỗng thấy giun
đất lúc nhúc bò ra, tự nhiên ông thấy thèm ăn chúng đến lạ. Ông Tùy liền
bỏ cuốc, lượm giun đất phủi hết cát rồi ngồi ăn ngon lành. Báo hại vợ
và các con ông cứ tưởng ông bị tâm thần, cứ năn nỉ kêu khóc ông bỏ đi
cái “tật xấu” ấy.
Ông Tùy vừa nuốt trọn con rắn mối bắt được trên đường đi
Ông
Tùy tâm sự: “Tui hỏi cô chú chớ đến người nhà còn hiểu lầm thì biểu sao
mà làng xóm họ không nghĩ tui điên. Dạo đó họ đồn tui điên dữ lắm, tại
thấy tui cả ngày ăn bướm với sâu không mà. Lúc đầu tui mệt mỏi, bực dọc
lắm, nhưng riết rồi họ cũng hiểu ra”.
Tưởng
như vậy là đã sống yên với sở thích khác người của mình, nào ngờ, ông
Tùy còn vướng phải nhiều phiền toái khác. Ví như trong các đám tiệc, hội
họp, khách khứa có chút hơi men thường khiêu khích ông biểu diễn ăn côn
trùng, bò sát.
Ông
Tùy tâm sự: “Trong khi, tui ăn chỉ vì … thích thế, chứ không muốn gây
sự chú ý, hay nhiều khi trở thành thú tiêu khiển của người ta. Tôi mà
không biểu diễn thì họ dè bĩu, khích tướng, mệt mỏi lắm”. Ông Tùy phải
chịu đựng áp lực từ gia đình, lẫn xóm làng như thế trong một khoảng thời
gian rất dài thì người ta mới dần dần quen với sở thích của ông.
Tuy
thói quen ăn uống có thể gọi là hơi phản khoa học, nhưng ông Tùy vẫn
khỏe mạnh bình thường, thậm chí còn dẻo dai, sinh lực tràn trề dù đã qua
tuổi trung niên. Chính vì thế, nên ông được chọn làm trưởng đội đua
thuyền của huyện đảo Lý Sơn.
Ông
Tùy khoe: “Tính ra thì răng tui cũng bén, tui nhai sống mấy con đó ngon
ơ à. Tui quái quái vậy thôi, chớ cũng cho con ăn học ngon lành à. Hai
đứa con gái đầu của tui tốt nghiệp đại học đi làm hết rồi, đứa kế cũng
đang học đại học ở Sài Gòn đó”.
Ông
Tùy cho biết, gần 30 năm qua, ông đã nhai sống trong khoảng 400 loài
côn trùng, bò sát, động vật nhỏ. Ông cười nói vui: “400 là tại có những
con tui ăn mà không biết con gì đó, chớ tính bướm không cũng hơn 30 loài
rồi, sâu cũng nhiều vô kể. Ở cái huyện đảo này, gặp con gì thèm thèm là
tui “dzớt” con đó à”, nói rồi, ông vỗ đùi cười sảng khoái.
Giờ
đây, người dân thôn Tây, ở huyện đảo nắng gió khắc nghiệt này đã quen
dần với người đàn ông đang đi trên đường bỗng nhiên chụp con bướm, con
rít, con thằn lằn, … rồi nuốt trọn. Họ cũng không còn nhìn ông với ánh
mắt lấm lét, nghi kị nữa, mà trái lại còn nể phục và tán thưởng khả năng
kì dị của người đàn ông này.
0 comments:
Post a Comment