Sunday, July 27, 2014

Tây Phương hèn nhát đã nối giáo cho Vladimir Putin

Tây Phương hèn nhát đã nối giáo cho Vladimir Putin
Tim Stanley/PBD dịch
Có vấn đề sau đây trong vụ Tây Phương đối phó với Nga: chúng ta to mồm nhưng trăm voi không được bát nước xáo. Và những kẻ độc tài như Vladimir Putin thì chỉ biết sợ hành động. Đối thoại chỉ là một cơ hội nữa để lập lờ đánh lận con đen.
Tạp chí Newsweek có một bài viết thú vị về cuộc sống riêng tư của Putin với bức hình đặc biệt ở trang bìa (*). Bài này nêu ra các đặc điểm tâm lý cố hữu của một kẻ độc tài: ngủ muộn (thức dậy trễ), rất ít khi nói chuyện với ai, tách rời guồng máy hành chánh, được thuộc hạ gọi bằng một cái tên thật hách (“Nga Hoàng”) và hiển nhiên đã tự xem y là không thể thiếu được cho đất nước của y. Đây là thái độ tiêu biểu của một người tại chức đã quá lâu nên họ trở nên tin rằng nếu không có họ thì cả nước sẽ bị tê liệt. Kết quả là tình trạng trì trệ trong hệ thống chính trị đó vì họ tiêu diệt phe đối lập, nếu không thì phe đối lập chỉ việc buông xuôi và rã đám. Bầu không khí bi quan này lan tràn khắp xã hội như một loại thuốc độc, vì thế mà làn sóng di cư ra ngoại quốc xem ra đã tăng vọt – vì chạy trốn đàn áp, vì một nền kinh tế loạng choạng bất ổn hoặc chỉ vì cảm thấy đất nước họ không tiến được bước nào.
Điều cần nhớ là đã có một lúc Putin được xem là cứu tinh của nước Nga. Y đã trả lương cho công chức, tái lập điện lực cho người dân và phục hồi danh dự cho một quốc gia đã hoảng hồn vì thua Cuộc Chiến Tranh Lạnh. Khoảng phân nửa dân trong nước sống trong cảnh nghèo khó trong thập niên 1990, trong khi giới tài phiệt chính trị trở nên giàu xụ nhờ bán và tham ô tài sản quốc gia. Đối với nhiều người Nga, nền dân chủ tư bản không phải là một cuộc giải phóng mà là điều ô nhục. Trong tình trạng hỗn loạn vô trật tự đó bỗng nhiên xuất hiện một cựu nhân viên KGB dần dần kiểm soát các lãnh vực tư và công của xã hội Nga, có vẻ đem lại được trật tự phần nào và thậm chí có được một loại công lý nặng tay. Đừng bao giờ quên là trong những năm đó y được những nhân vật như Tony Blair tán thưởng nhiệt liệt – vốn đã từng gọi y là “thông minh” và “đáng nể”. Chắc chắn là Putin chưa quên chuyện đó.
Sự kiện Tây Phương đã từng một thời hoan hô y và nay theo quan điểm của y lại chê trách y chỉ vì y đang bênh vực cho quyền lợi của Nga tại Ukraine, cho thấy bản chất hào hiệp viển vông của chính sách đối ngoại của Tây Phương. Putin có thể lừa đảo, ác độc và có hành động côn đồ. Tây Phương thì lớn tiếng tỏ vẻ tức giận nhưng lạ lùng thay lại không muốn thực sự làm gì cả về tình trạng đó. Một thí dụ điển hình hay cũng có thể gọi là thí dụ tệ hại về Tây Phương là mối liên hệ của EU (Liên Hiệp Âu Châu) với Ukraine. Hãy nhớ rằng EU góp một phần nào đó để gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay bằng cách đề nghị trợ giúp kinh tế cho Kiev, và hứa hẹn không những giúp cho dân Ukraine được giàu có hơn mà còn đem lại một kỷ nguyên mới về nhân quyền và dân chủ. Moscow đã đưa ra một đề nghị khác mà chính quyền lúc đó tại Kiev “không thể từ chối”. Tức giận vì tương lai của họ bị Moscow quyết định, người dân Ukraine nổi dậy. Họ có lý do hợp lý để có thể đã nghĩ rằng EU sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để yểm trợ cho họ.
Ấy vậy mà đề nghị trừng phạt của Âu Châu – sau khi đã mất đi 293 sinh mạng trên chuyến bay MH17 – lại không thấy trừng phạt chút nào. Đúng, họ đang có nói đến chuyện giới hạn thị trường vốn của Âu Châu (phần lớn ở Anh Quốc) đối với Nga và hứa hẹn sẽ cấm vận vũ khí. Nhưng EU lại để tùy ý Pháp quyết định có tiếp tục giao một chiếc chiến hạm mới cho Nga trong năm nay hay không. Còn chuyện nhập cảng dầu hỏa và khí đốt vào Âu Châu, chiếm 68 phần trăm số xuất cảng của Nga, thì lại không thấy đá động gì đến cả. Tại sao? Có lẽ là vì Đức nhập cảng khoảng một phần ba số dầu hỏa và khí đốt của họ từ Nga. Nói cách khác thì EU đã nói, “Đúng, chúng tôi muốn làm cái gì đó – nhưng phải là cái không làm cho chúng tôi tốn tiền.” Các biện pháp trừng phạt của họ không phải chỉ có mùi lạ lùng – mà thật ra là thối hoăng. Các biện pháp này hôi thối mùi yếu đuối, mùi đạo đức giả và mùi kinh tế được đặt lên trên nhân đạo. Chưa bao giờ lại thấy rõ bằng bây giờ là EU không phải là người cầm đuốc tiên phong để đem lại tiến bộ cho con người mà là một tập đoàn thương mại chia rẽ vì các quyền lợi quốc gia trái ngược nhau. Hơn nữa, chính những nước trong liên hiệp này cũng quá thiển cận để nhận ra các quyền lợi của mình thực sự là gì. Nhân nhượng và dung dưỡng hành vi của Putin tại Ukraine ngày hôm nay thì sẽ có một ngày y có thể gây sự với một nước trong vùng Baltic, vốn được bảo vệ theo thỏa hiệp với NATO. Lúc đó tất cả số dầu khí tại Tây Bá Lợi Á (Siberia) sẽ không đáng để bù đắp cho tai họa đó.
Trong lúc này, Âu Châu sẵn sàng chơi Trò Đại Sự với Putin – tán gẫu về hòa bình trước trận chung kết của Cúp Túc Cầu Thế Giới (World Cup), náo động đôi chút khi y cung cấp vũ khí cho quân cướp đòi ly khai, lùi bước khi thấy có thể sẽ bị mất đi ít tiền. Mỗi lần chúng ta chỉ trích Putin là y có thể khích động dân chúng xứ y ủng hộ y về chuyện danh dự quốc gia bị coi thường. Mỗi lần chúng ta không đương đầu với y là y có thể khoe khoang với dân của y là y khôn khéo thế đấy. Chúng ta tự vỗ ngực là khinh miệt y, nhưng Tây Phương có thể được gọi là đã nối giáo cho Vladimir Putin. Nga Hoàng ngủ muộn vẫn yên vị vững vàng là nhờ tất cả chúng ta đều hèn nhát.
http://blogs.telegraph.co.uk/news/timstanley/100281397/the-cowardly-west-has-become-vladimir-putins-facilitator/
__________________
(*) Có thể đọc bài này bằng tiếng Anh của tờ Newsweek ở đây: http://www.newsweek.com/2014/08/01/behind-scenes-putins-court-private-habits-latter-day-dictator-260640.html

0 comments:

Powered By Blogger