Monday, July 28, 2014

Sứ mệnh đích thực của “đồng chí” Trần Dân Tiên

Nhiệm vụ công khai của Trần Dân Tiên

Nhiệm vụ vẻ vang và chính thức của “đồng chí” Trần Dân Tiên, dường như ai cũng biết, đó là “giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân sau cách mạng Tháng Tám thành công 1945”, là “đáp ứng nhu cầu của nhân dân và lịch sử cần hiểu biết về Hồ chí Minh vĩ đại” v.v... và v.v...

Tại sao có nhu cầu cấp bách thế? Bởi vì, đến 1945 sau khi Hồ cùng đảng Cộng sản Đông dương cướp chính quyền từ Chính phủ Dân tộc Dân chủ đứng đầu là ông Trần Trọng Kim, rồi đến 1946 khi Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mà toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn không biết Hồ Chí Minh là ai, thì làm sao mà theo Hồ kháng chiến được? 

Thế cho nên “đồng chí” Trần Dân Tiên phải ngay lập tức xuất hiện, theo tự khai là từ 04/9/1945 tại Phủ Chủ tịch để xin Hồ được thực hiện nhiệm vụ trên. Dù Hồ không giao nhưng “đồng chí” Trần Dân Tiên vẫn cứ quyết tâm làm việc đó - viết tiểu sử Hồ Chủ tịch.

Và cả Hồ lẫn Trần Dân Tiên cùng húc đầu vào câu hỏi khó...

Dân Việt và người Pháp đều muốn biết Hồ có phải là Nguyễn Ái Quốc không và đã hỏi thẳng Hồ, thì Hồ một mực chối phăng, hoặc Hồ nói ỡm ờ đủ để người nghe hiểu rằng “tôi không có nhận vơ hay khẳng định tôi là Nguyễn Ái Quốc đâu nhé!”. “Đi mà hỏi Nguyễn Ái Quốc!” là câu trả lời nổi tiếng của Hồ về việc đó! Chỉ có hai khả năng: Dù Nguyễn Ái Quốc còn sống hay đã chết thì người thắc mắc còn lâu mới hỏi ra được, và đến lúc đó Hồ sẽ là Hồ... Ly tinh, và: nếu Quốc là Hồ thì Hồ còn…chưa biết, Hồ phải từ từ chưa công khai ra vội - Hồ còn phải đợi! 

Hồ đợi ai, đợi cái gì? Hồ đợi... “đồng chí” Trần Dân Tiên, và đợi “tình hình cách mạng tiến triển thêm” nữa đã? Tóm lại là Hồ đợi... chỉ thị của Hoa Nam.

Trần Dân Tiên, sau khi “tự nhận nhiệm vụ” viết tiểu sử Hồ, cũng đụng phải những khó khăn không kém Hồ, khi cũng phải trả lời Hồ Chí Minh là ai? Và Hồ Chí Minh có phải Nguyễn Ái Quốc? Nhưng Trần Dân Tiên không thể ỡm ờ như Hồ. Tiên phải “biết ngay” Hồ là Nguyễn Ái Quốc nên Tiên bắt đầu từ... tay bồi bếp.

Thế là, từ 1945 đến 1948 “đồng chí” Trần Dân Tiên đã miệt mài đi khắp năm Châu bốn biển, theo khắp “dấu chân bồi bếp” từ 1912 đến 1941/1954 qua Âu, Mỹ, Nga, Tàu, Thái, Miên... rồi về Việt Nam...

Và “đồng chí” Trần Dân Tiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” của “đồng chí” Trần Dân Tiên đã ra đời năm 1948 ở Thượng Hải và bằng tiếng Tàu, cho đến nay không ai thấy bản thảo tiếng Việt của nó có hay không? Chắc là “đồng chí” Trần Dân Tiên là người Tàu nên viết bằng tiếng Tàu? Năm sau - 1949, nó được tái bản ở Pháp (chắc vẫn là tiếng Tàu?), rồi nó vào Việt Nam từ TQ và Pháp, vẫn chỉ bằng tiếng Tàu? 

Phải nói Trần Dân Tiên đã làm được chỉ trong 2-3 năm đó khối lượng công việc khổng lồ - dựng lại hầu như toàn bộ tiểu sử của Hồ suốt gần bốn cục năm bôn ba mà không có sự tham gia, cho phép hay bật mí nào của Hồ (!) - công việc mà ngày nay nếu toàn bộ Interpol của cả Thế giới tham gia cùng làm chắc cũng không thể làm được trong... trong 5 năm!

Thế là Hồ Chí Minh thành Nguyễn Ái Quốc!

Đó mới là nhiệm vụ đích thực của Trần Dân Tiên.

Bộ tiểu sử đầu tiên (sớm nhất) và đầy đủ thông tin nhất về Hồ của Trần Dân Tiên đã chứng minh hùng hồn mà không ai (đảng viên nào) dám cãi lại, rằng Hồ đích thật là Quốc, mặc dù đến lúc đó chính Hồ ở Việt Nam vẫn khăng khăng mình không phải Quốc hoặc ít nhất Hồ vẫn không nhận mình là Quốc!

Thế nhưng “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ” của Trần Dân Tiên đến Việt Nam từ TQ và Pháp được chính phủ cộng sản của Hồ chấp nhận ngay không thắc mắc, không cần biết Trần Dân Tiên là ai, cho dịch ngay ra tiếng Việt và lan truyền rộng rãi bắt đầu từ những năm sau 1954 đến ngày nay.

Trong thời gian Trần Dân Tiên lo viết tiểu sử Hồ thì “tình hình cách mạng” Việt Nam tiến triển rất thuận lợi cho Hồ. Không chỉ tất cả lực lượng dân tộc dân chủ Việt Nam đều bị đảng cộng sản và Hồ lừa vào Việt Minh rồi diệt hết, không chỉ tất cả các cán bộ cách mạng gạo cội có khả năng tranh chấp quyền lãnh đạo đảng với Hồ hay đã có địa vị trong đảng cao hơn Hồ đều “không may” bị Pháp hoặc Giáp/Đồng/Chinh diệt hết, mà tất cả những ai đã lỡ biết Nguyễn Ái Quốc/Nguyễn Tất Thành đều bị Hoa Nam và quân của Hồ (vẫn Đồng/Chinh/Giáp) diệt hết. Không ai có thể nói Nguyễn Ái Quốc có phải Hồ hay không nữa!

Trong “tình hình cách mạng” như thế, song song với sự xuất hiện của “Những mẩu chuyện…” của Trần Dân Tiên là những sự kiện cũng từ khoảng 1951/1954/1956 là Hồ dần dần chính thức tự nhận mình chính là Nguyễn Ái Quốc. Đó là Hồ chỉ nhận trước/với toàn dân toàn đảng thôi, nhưng với gia đình Quốc thì Hồ vẫn từ chối gặp chị ruột (bà Thanh), chỉ gặp anh ruột (ông Cả Khiêm) trong 5 phút buổi tối nhá nhem, và chỉ về quê hương “mình” 1 lần vội vã… tất cả đều “vì bận bịu công việc cách mạng”.

Nhưng “đồng chí” Trần Dân Tiên là ai?

Cho đến nay vẫn có nhiều tranh cãi, nghi vấn, giải thích, lời giải về “đồng chí” tác giả Trần Dân Tiên. Nhiều người khẳng định Trần Dân Tiên chính là Hồ, đã tự viết tiểu sử của mình rồi lấy tên Trần Dân Tiên?

Đảng CSVN hiện nay có thái độ về việc Trần Dân Tiên có phải chính là Hồ không, giống hệt thái độ của Hồ về mình có phải là Quốc không trong những năm 1945-1951, tức là không phủ nhận cũng không công nhận. Có báo đảng (Nhân Dân) thì nói Hồ chính là Trần Dân Tiên, có cơ quan sử đảng lại nói không, có ông Bùi Tín (đại tá tuyên huấn của đảng) nói là đúng, có nhà sử học Dương Trung Quốc của đảng nói không phải thế…

Trong số những người nói Hồ không phải Trần Dân Tiên, một số còn đưa ra “Trần Dân Tiên thật” của họ. Nhưng đó đều là ý kiến cá nhân của các cán bộ đảng, đều không chính thức. Ví dụ, có người nói Trần Dân Tiên chính là Đặng Thai Mai, hoặc là nhóm Vũ Kỳ + Đăng Thai Mai, thậm chí là nhóm bố vợ/con rể Mai/Giáp. Hoặc ví dụ khác, có người nói “Những mẩu chuyện…” là do ông Vũ Đình Huỳnh viết, Trần Huy Liệu sửa, Trường Chinh duyệt, rồi lấy tên Trần Dân Tiên vì họ Trần tượng trưng cho nhóm đồng hương Nam Định nơi phát tích Nhà Trần và có đền thờ Trần Hưng Đạo, còn Dân Tiên thì rõ rồi - là Công Dân đầu tiên… Nhưng tất cả những giả thiết, lời giải trên đều không đứng vững vì: Tại sao phải đem sang Thượng Hải in và lại chỉ in bằng tiếng Tàu, rồi lại đem sang Pháp in vẫn bằng tiếng Tàu? Và bản thảo gốc tiếng Việt đâu?

Tóm lại, đa số người quan tâm vấn đề Trần Dân Tiên là ai đến nay đều tin rằng đó chính là Hồ. Tôi nghi ngờ tất cả các lời giải này. Và tôi xin đưa ra đáp án khác…

Lời giải của tôi: Trần Dân Tiên là tình báo Hoa Nam

Đó cũng là lý do từ đầu bài viết tôi gọi Trần Dân Tiên là “đồng chí”, vì hắn có lẽ không tồn tại trong thực tế, ngoài việc là một bút danh của Hoa Nam.

Theo tôi, năm 1945 việc Hồ bất ngờ thành công ở Việt Nam (cả việc thâu tóm quyền lực trong đảng CSVN lẫn làm cách mạng giành chính quyền ở VN cho cộng sản) trong lúc CSTQ còn đang tiếp tục nội chiến…, là chiến công lớn nhưng cũng là bất ngờ lớn đối với tình báo Hoa Nam và đảng CSTQ - vốn cài Hồ Quang vào đảng CSVN từ 1938 với mục tiêu ban đầu là chiếm quyền lãnh đạo để thao túng đảng CSVN vì lợi ích của đảng CSTQ. Nhưng khi Hồ đã lên cầm quyền được nhờ bạo lực trong bóng tối của CSTQ hỗ trợ, thì nay Hồ phải giữ quyền lực đó bằng chính danh thì mới lâu bền được (theo nguyên tắc của Tàu: chiếm trong cái nghịch và giữ trong cái thuận). 

Vì thế, nhiệm vụ cấp bách của Hoa Nam và đảng CSTQ là phải tạo ngay cho Hồ tính chính danh (cái thuận) để có uy tín và thanh thế lãnh đạo ở Việt Nam. Bắt ngay mong mỏi của người Việt ngây thơ rằng Hồ đích thị phải chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huyền thoại của họ, hay đã chuẩn bị sẵn “huyền thoại Nguyễn Ái Quốc”, bây giờ là lúc Hoa Nam phải ráp hai thứ đó lại với nhau thành một. Thế là “đồng chí” Trần Dân Tiên phải xuất hiện ngay. Thực chất, công việc “của Trần Dân Tiên” là viết tiểu sử Hồ nối với tiểu sử Nguyến Ái Quốc và biến nó thành huyền thoại. Đó là công việc của cả bộ máy của tình báo Hoa Nam và đảng CSTQ, và chính nhờ thế họ mới làm được việc đó – vì Nguyễn Ái Quốc thì chết rồi, còn Hồ là người “Tàu nhà mình” có biết gì về Quốc đâu?

Điều đó cũng giải thích, tại sao những năm đầu sau 1945 Hồ không dám nhận mình là Quốc, còn gắt lên “Đi mà hỏi Quốc!”, mà sau 1950 Hồ lại bắt đầu tự tin nhận mình là Quốc. Là vì, từ 1950 đã có tập đoàn Hoa Nam/Trần Dân Tiên viết lại xong tiểu sử của Quốc nối nó với Hồ khá trơn tru rồi, và vì quân của Hoa Nam và quân của Hồ đã diệt hết những người đã biết Quốc và có thể nhận ra Hồ là Quốc giả (bất kể họ là ai, từ Hồ Tùng Mậu đến con trai ông, từ Nguyễn An Ninh đến Phạm Quỳnh… hàng trăm người dang giá tài ba đã chết oan vì vụ Quốc-Hồ này).

Điều đó cũng giải tích tại sao bản thảo của “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ” chỉ có tiếng Hoa mà không có tiếng Việt, và nó phải in ở Thượng Hải rồi Pháp để từ từ vào Việt Nam tạo dư luận và thử phản ứng, sự đón nhận chắc chắn đã…

Chỉ có Hoa Nam mới viết được tiểu sử Quốc mà thực sự không có sự giúp đỡ của Quốc, Hồ và những người đã từng biết Quốc, chỉ trong có ba năm, bằng tiếng Tàu, ký tên Trần Dân Tiên.

Bút danh Trần Dân Tiên trong tiếng Tàu từ Dân Tiên có nghĩa như tiếng Việt, nhưng từ Trần có hai khả năng là họ Chân và họ Tân. Tôi xem bản thảo tiếng Tàu xuất bản ở Thượng Hải thì là chữ Tan, có nghĩa là mới, như Tân Đảo, tân gia… chả hạn. Như vậy, Hoa Nam lấy bút danh Trần Dân Tiên có ý là họ đã tạo ra Công dân Mới và Đầu tiên là Hồ (cho Việt Nam), chứ không phải là con cháu nhà Trần như ai đó nhận vơ gán vào cho “nhóm tác giả” Trường Chinh/Trần Huy Liệu/Vũ Đình Huỳnh quê Nam Định đâu…

Tại sao Hồ còn phải viết lại “Những mẩu chuyện…” của Trần Dân Tiên?

Như tôi đã nói trên, năm 1945-1950 Hồ chưa hề biết tiểu sử “của mình” nó như thế nào nên Hồ hay tảng lờ hay cáu khi gặp các câu hỏi về Quốc thôi. Hồ phải đợi Hoa Nam cung cấp thông tin. Và đây, sau 1949 thì Hồ có “Những mẩu chuyện…” của Trần Dân Tiên, khi đó CSTQ của Hồ lại thắng lợi trên đại lục thành lập nước CHNDTQ khổng lồ, nên Hồ tự tin hơn hẳn cả trong sự nghiệp lãnh đạo kháng chiến chống Pháp (có TQ hỗ trợ toàn diện) lẫn trong tư thế lãnh đạo đảng và dân Việt – Hồ đã có “tính chính danh” của Quốc do Hoa Nam/Trần Dân Tiên tạo cho! Hồ bắt đầu tự xưng là “cha già dân tộc” Việt…

Thế là từ đó, Hồ từ từ học thuộc lại “lý lịch Quốc của mình”, rồi mới từ từ viết lại nó bằng tiếng Việt, và để lưu lại những 3 bản thảo (viết tay, đánh máy của Hồ, và đánh máy của Vũ Kỳ) trong dạng cuốn sách mới mang tên “Vừa đi đường và kể chuyện” của Hồ ký tên T.Lan, và cho đăng dần trên 12 số báo Nhân Dân năm 1961, rồi in thành vô số sách sau đó. Lần này thì Hồ công khai nhận mình là T.Lan và đưa bản thảo “tiểu sử Quốc-Hồ” của mình vào bảo tàng cách mạng của CSVN…

Cuốn sách sau của Hồ viết năm 1961 có nội dung hầu như nhắc lại hoàn toàn nội dung cuốn “Những mẩu chuyện…” của Trần Dân Tiên năm 1948, rồi Hồ chỉ thêm ít ít những phần sau, sau 1945 mà Hồ làm nên biết rõ hơn Hoa Nam. 

Tại sao Hồ phải viết lại “tiểu sử mình” như vậy? Là bởi vì phiên bản đầu là do Hoa Nam/Trần Dân Tiên viết và không có bản thảo gốc tiếng Việt, chỉ có bản in tiếng Tàu, lại cũng không tìm ra tác giả Trần Dân Tiên thật là ai, vì không có, thì lấy cơ sở “khoa học khách quan” đâu để mọi người Việt tin đây? Vậy nên chính Hồ phải viết lại nó lần nữa, rồi công bố ra. Lần này thì có cả bản thảo tiếng Việt, có cả tác giả là chính Hồ, và do báo đảng Nhân Dân in ra nhé… Phải mất hơn 10 năm sau Hồ mới thuộc và chế thêm được tiểu sử của mình từ cái mà Hoa Nam cung cấp qua ”đồng chí” Trần Dân Tiên, để hoàn tất vở diễn “ve sầu từ từ lột xác” suốt mấy chục năm, từ 1932, 1940, 1945, 1950 và 1961! 

Cái gì trở thành chính sử của CSVN? (thay lời kết)

Tất nhiên, cái gì qua mồm Hồ và qua báo đảng nữa thì nhất định phải thành chính sử của CSVN. Cuốn tiểu sử Hồ-Quốc “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của Hồ/T.Lan từ đó cho đến nay là trở thành nguồn thông tin gốc, thành chính sử về Hồ và về đảng CSVN. 

Các nhà sử học của đảng như Dương Trung Quốc hay tất cả bọn họ từ đó quên và phủ nhận “Những mẩu chuyện...” của Trần Dân Tiên hoàn toàn, mà chỉ dựa trên “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của Hồ/T.Lan thôi. Họ có biết đâu nếu không có Hoa Nam/Trần Dân Tiên thì không thể có cả Hồ /T.Lan, làm sao mà Hồ “vừa đi đường vừa kể chuyện” cho T.Lan được để họ có “chính sử” mà học được!

Trong cái thể chế cộng sản Việt Nam aka Hoa Nam ngay từ những buổi đầu này, chính sử của họ đều xuất hiện theo những con đường rất tà ma như thế, và tiểu sử của Hồ là cái phần cốt lõi, lại là phần tà ma nhất, thì còn có điều gì họ nói - họ làm - họ viết vào sử sách mà chúng ta tin được hay không? Không! Không bao giờ và bất kỳ điều gì!

Bởi vì, Trần Dân Tiên/Hoa Nam mới là kẻ viết sử Việt Nam hiện đại!


0 comments:

Powered By Blogger