Tình cờ tôi và Võ Thị Tần, một trong “mười cô gái Đồng Lộc” năm xưa,
đã từng là bạn thiếu thời của nhau. Cuối năm 1954, gia đình tôi bị quy
là địa chủ, nhà bị tịch thu không còn gì để ăn nên mẹ tôi đã gửi tôi về
quê ngoại đi ở chăn trâu để khỏi chết đói. Tại dó, tôi đã được một người
bạn gái láng giềng cùng tuổi tên là Võ Thị Tần đã hết lòng giúp đỡ.
Nhưng sau CCRĐ, tôi được trở về quê nội cách đó 30 km để vừa đi ở vừa đi
học nên chúng tôi đã xa nhau từ đó. Mặc dù cách xa, nhưng tôi vẫn không
thể nào quên được tấm lòng của cô bé tốt bụng đó, người đã từng thương
yêu và giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian tôi phải đi ở chăn trâu bên
quê ngoại. Đặc biệt, có một lần Võ Thị Tần đã liều mình cứu tôi khỏi
chết đuối khi tôi bị mấy đứa trẻ con nhà nông dân đánh và xô tôi ngã
xuống một vực sâu chỉ vì tôi là con địa chủ.
Năm 1968, khi tôi đang học tại Khoa Toán trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội
thì biết tin Võ Thị Tần cùng chín đồng đội của mình đã hi sinh tại Ngã
Ba Đồng Lộc vì bom Mỹ qua báo đài. Chính từ ngày đó, mọi ký ức tuổi thơ
của tôi về Võ Thị Tần đã in đậm trong trái tim tôi mãi mãi!
Mỗi lần về quê qua Ngã Ba Đồng Lộc, tôi đều thắp hương khấn khứa trước
mộ Võ Thị Tần cùng chin đồng đội của cô ấy và luôn mong ước “Mười Vong”
của “mười cô gái Đồng Lộc” đó sẽ được quy về Chùa Hương Tích trên núi
Hồng Lĩnh, ngay tại quê ngoại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh của
chúng tôi vì các cô ấy xứng đáng được vãng sanh nơi Cõi Phật. Theo tôi,
mười cô gái ấy đã bị chết oan, đã bị hi sinh thân mình cho sự nghiệp của
bè lũ thân Tàu bán nước, để ngày nay, chính chúng lại đang rắp tâm rước
giặc Tàu vào xâm lược nước ta, cướp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông
của chúng ta! Trong khi đó, khu tưởng niệm “mười cô gái Đồng Lộc” ngày
nay đã và đang dần trở thành một “khu chợ” để mua quan, bán tước của các
hậu duệ Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống thời hiện đại.
Ơi người bạn tuổi thần tiên yêu dấu!
(Viết tặng vong linh Võ Thị Tần và mười cô gái Đồng Lộc)
Đứng bên mộ, anh thì thầm khấn khứa
“Văn còi” đây, Tần ơi nhận ra không?
Bốn sáu năm nằm đây em có nhớ
Thuở còn thơ ta thả nghé trên đồng?
Vào dạo đó hai ta mười một tuổi
Có lần em lên xin oản Chùa Hương(1)
Bởi em biết nhiều ngày anh bị đói
Thấy anh nhai trào nước mắt, em thương!
Mẹ địa chủ anh phải về quê ngoại
Ở kiếm cơm bởi nhà bị tịch thu
May gặp em cô láng giềng nhân ái
Em không coi anh như một kẻ thù
Nhớ lần anh bị con nông dân đánh
Mấy đứa xô anh ngã xuống vực sâu
Em liều chết bơi thật nhanh đến cứu
Không có em chắc anh chẳng còn đâu!
Đó là chuyện sáu mươi năm về trước(2)
Khi chúng ta bước vào tuổi thiếu niên
Chắc em thương bởi anh con địa chủ
Còn ngây thơ vì đang tuổi hồn nhiên
Chín năm sau anh đỗ vào đại học
Em ở nhà làm ruộng với mẹ hiền
Rồi chiến tranh em lên đường nhập ngũ
Trái tim hồng vùi đất mẹ vẹn nguyên!
Em hi sinh vào cuối chiều tháng bảy(3)
Giữa Mậu Thân, vừa chẵn bốn sáu năm
Mười cô gái Tần, Cúc, Xuân, Hợi, Rạng…
Nơi Ngã Ba vĩnh viễn đất em nằm!
Mỗi lần về thăm em nơi Đồng Lộc
Võ Thị Tần tuổi hai bốn còn nguyên
Giữa Ngã Ba đêm rằm trăng thao thức
Với tình đầu khắc khoải tuổi thần tiên!
Ai đã giết em cùng bao đồng đội?
Khi tuổi xuân đang phơi phới Tần ơi!
Ai đã gây cảnh nồi da xáo thịt?
Làm hai Miền Nam, Bắc máu xương rơi?
Ai là kẻ đã nghe lời Mao tặc?
Đánh Hoa Kỳ đến người Việt cuối cùng
Và từng bước đón Tàu sang cướp nước
Lừa dân xây “tình hữu nghị Việt-Trung”!
Hỡi những tên hưởng vinh hoa phú quý
Trên máu xương của hàng triệu anh hùng!
Chúng bay xây những đền đài, lăng mộ…
Nhằm vinh danh bọn “đầy tớ”, phải không?
Phải chi bay là Ích Tắc thời đại?
Đang nằm mơ giấc mộng giữ cờ hồng
Vì muốn ôm mãi ngai vàng, phú quý
Mà sẵn sàng hiến biển đảo, núi sông!
Ai đã biến Đồng Lộc thành “khu chợ”
Cho một bầy cơ hội bán mua quan?
Mà không thấu lòng Mười Cô dưới mộ
Thích về Chùa để tắm Suối Giải Oan
Ơi người bạn tuổi thần tiên yêu dấu!
Ước gì anh rước được cả Mười Vong
Của các em quy về Chùa Hương Tích
Để sống đời trong Hồn Núi, Hồn Sông!
Phải đòi lại Hoàng Sa từ Trung cộng
Cứu Trường Sa và giữ trọn Biển Đông
Nhằm quét sạch lũ quan tham bán nước
Cùng nô vong thầy tớ Phạm Văn Đồng!(4)
Xin mười vong về giải oan bên Suối
Và đêm ngày ngồi niệm Phật cầu kinh
Mong đất nước hết ma tà độc đảng
Cho non sông mãi mãi được thái bình!
Hà Nội, 27/7/2014
__________________________________
Chú thích:
(1). Chùa Hương, hay gọi đầy đủ là Chùa Hương Tích, là một ngôi chùa cổ,
đẹp trên núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh
Hà Tĩnh. Chùa được xây dựng từ Thời Lý Trần thế kỷ 13 là phát tích
của Chùa Hương Tích Hà Tây (thời Nhà Lê, thế kỷ thứ 17) ở huyện
Mỹ Đức, Hà Nội ngày nay. Vì trẻ con ngày ngày chăn thả trâu bò dưới chân
núi Hồng Lĩnh, nên nếu muốn có thể trèo theo dốc núi lên chùa xin oản
hoặc vãn cảnh chùa.
(2). Cuối năm 1954, chiến dịch Giảm Tô rồi Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đã
xẩy ra tại Hà Tĩnh, khiến hàng vạn gia đình bị quy là địa chủ, bị tịch
thu tài sản và chết đói. Ông bà nội tôi đã bị chết đói. Hàng ngàn người
vô tội ở tỉnh tôi đã bị xử bắn oan, nhiều người sợ hãi phải tự tử hoặc
bị bức tử do đấu tố. Quê ngoại tôi là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh
cũng đã bị tan nát vì CCRĐ. Bà con bên ngoại của tôi trong đó có cả chú
bác cô dì con cháu cụ Võ Liêm Sơn đều bị quy oan, bị bắt tù đày hoặc bị
bỏ chết đói. Gia đình Võ Thị Tần, người cùng họ với mẹ tôi, nghèo hơn
nên không bị quy là địa chủ.
(3). Khoảng 5h chiều ngày 24/7/1968, tiểu đội TNXP Võ Thị Tần gồm mười
cô do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng đã hy sinh vì bom Mỹ trong khi đang
san đường tại Ngã Ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tên họ đầy
đủ của mười cô gái Đồng Lộc lần lượt là: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc,
Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng,
Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà. Trong
dó Võ Thị Tần 24 tuổi, là người lớn tuổi nhất.
(4). Ngày 14/9/1958, thủ tướng Phạm Văn Đồng được sự ủy nhiệm của chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức công hàm gửi chính phủ Trung Quốc “ghi
nhận và tán thành” bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của chính phủ Trung Quốc
đơn phương coi hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) của
Việt Nam là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.
0 comments:
Post a Comment