Tuesday, July 29, 2014

Tản mạn: cảnh sát Tây, cảnh sát Ta

H1

GS Nguyễn Văn Tuấn
“Nhưng trong một xã hội mà người dân sợ cảnh sát / công an là xã hội bất bình thường. Đáng lí ra công an / cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ người dân, đảm bảo an ninh cho xã hội, mà người dân lại sợ? Có lẽ nhiệm vụ hàng đầu của họ không phải là bảo vệ dân, dù mang danh nghĩa là ‘công an nhân dân’.”
Mỗi lần có bạn bè đồng nghiệp từ VN sang đây công tác, họ thường nhờ tôi khi có dịp chở đi vòng Sydney, qua các khu phố Việt, có khi đi xa thử rượu đỏ ở vùng Hunter Valley. Ai cũng bày tỏ ngạc nhiên là không thấy bóng dáng cảnh sát / police ở đâu (1). Thật ra, thì thỉnh thoảng cũng có, nhưng họ cũng đi trên xe như mình, và họ bận tuần tra, chứ đâu có thì giờ “đứng đường” như cảnh sát ở Việt Nam.
Sống ở đây lâu, tôi cũng không để ý sự hiện diện của cảnh sát. Đi chợ (shop) thì thỉnh thoảng gặp họ đạp xe đạp hay cưỡi ngựa tuần tra, nhưng cả tháng mới thấy họ một lần. Còn trên xa lộ thì thỉnh thoảng cũng gặp xe cảnh sát, nhưng họ cũng lái xe vù vù như mình, nên cũng không ai để ý ai. Tuy nhiên, với công nghệ scan, họ chỉ cần chạy ngang một xe là biết xe đó đã hết hạn đăng kí hay chưa! Còn xe cảnh sát chìm thì không biết được. Loại cảnh sát chìm này cũng dùng xe như dân thường, cũng có khi “chơi” xe sport xịn, ăn mặc bụi đời, nhưng súng ống thì trang bị tận răng. Họ thường có nhiệm vụ đi bắt những tội phạm nguy hiểm, tội phạm liên quan đến ma tuý, và hành tung rất “xuất quỉ nhập thần”. Nói chung là rất ít thấy cảnh sát trên đường phố.
Trong gần 35 năm ở đây, cá nhân tôi tiếp xúc cảnh sát 2 lần. Lần đầu là khi mới sang Úc gần 1 năm, và lần thứ hai là bị thổi rượu (ở đây họ có xét nghiệm rượu một cách ngẫu nhiên). Cả hai lần đều để lại ấn tượng tốt, vì họ lịch sự, vui vẻ (có khi hài hước), và không có dấu hiệu gây khó khăn. Tuy nhiên, ngày xưa tôi đã từng nghe nói cảnh sát ở đây cũng có người kì thị dân Á châu và hành xử vô lí. Có lần họ đụng phải một đại gia Tàu, và ông đại gia này kiện cảnh sát ra toà, kết cục cảnh sát phải xin lỗi công khai.
Cảnh sát Mĩ cũng giông giống như cảnh sát Úc, dù bề ngoài có vẻ bặm trợn hơn Úc. Nhớ hồi còn ở Mĩ, một đêm tôi lái xe về nhà, trên xa lộ gặp xe cảnh sát ra hiệu tấp vào lề đường. Hai anh chàng cảnh sát, một người có khuôn mặt Á châu còn người kia thì Mĩ, họ nói tôi chạy quá tốc độ gần 20 miles! Tốc độ tối đa cho phép là 65 miles/giờ. Thú thật, ban đêm, xa lộ Mĩ quá tốt, nên tôi cũng không biết mình chạy bao nhiêu miles / giờ, và cái xe Honda Civic của tôi nó chạy rất tốt. Tôi hạ giọng năn nỉ rằng tôi phải về nhà gấp để sáng hôm sau có việc quan trọng. Khi nhìn giấy tờ tôi, anh chàng cảnh sát phát hiện tôi là người Việt nhưng ở Úc mới qua, anh ta nói ba má anh ấy cũng là người Việt, nhưng anh ta nói tiếng Việt như Mĩ con nói tiếng Việt. Anh ta quay sang người đồng nghiệp nói gì đó một hồi, và quay lại tôi nói rằng lần này thông cảm, không phạt, nhưng lần sau là không được đâu.
Thật ra, ít gặp cảnh sát ở NSW là cũng có lí, vì số cảnh sát chẳng bao nhiêu. Theo số liệu của NSW Police thì toàn tiểu bang NSW có khoảng 16,000 cảnh sát. Con số này kể cả cảnh sát chìm. Không có sĩ quan cấp tướng, cũng chẳng có tá. Bang NSW có 7.44 triệu dân. Như vậy cứ 465 người dân thì có 1 cảnh sát.
Không biết ở Việt Nam có bao nhiêu công an / cảnh sát, nhưng cách đây không lâu đài BBC có một bài viết cho biết cứ 5-6 người dân thì có 1 công an hay làm việc như là một công an. Kinh khủng! Ngành công an Việt Nam có lẽ có nhiều tướng nhất thế giới, nhiều đến nỗi có người than là lạm phát tướng! Tướng tá nhiều thì chắc “lính” phải nhiều.
Có lẽ chính vì thế mà ở Việt Nam, đi đâu cũng gặp cảnh sát hay công an. Thật ra, tôi không phân biệt được ai là ai, vì người thì mặc áo vàng, người thì mặc áo màu xanh đọt chuối, chẳng biết họ làm gì, chỉ biết là họ nói chung là “cảnh sát / công an”. Ngay tại Sài Gòn, cứ đi vài con đường là gặp họ, lúc thì trên xe gắn máy, lúc thì đứng đường “canh mồi” (cái này hơi lạ với người nước ngoài), lúc thì đang điều khiển giao thông. Đi ra ngoài thành phố thì cũng gặp họ trong những tình huống tương tự. Đi trên lộ cao tốc, rất hay gặp họ. Đó là chưa nói đến các nhóm công an chìm nghe nói rất nhiều ở những khu có đông du khách. Nói chung, cảnh sát / công an ở Việt Nam có mặt khắp nơi và mọi lúc.
Trái với ngoài này thấy cảnh sát người dân cảm thấy an toàn, ở Việt Nam thấy bóng dáng cảnh sát người ta sợ. Ở NSW mấy du khách lái xe lạc đường, cách hay nhất là lái thẳng đến đồn cảnh sát để được họ hướng dẫn. Còn ở Việt Nam, cảnh sát mà chỉ đường hay giúp người già là trở thành một bản tin cho đài truyền hình quốc gia! Làm tài xế mà thấy bóng dáng cảnh sát áo vàng thì có thể mất toi cả triệu đồng. Các tài xế thường hay nói rằng dù không có vấn đề gì, nhưng khi công an thổi còi thì coi như có vấn đề và phải tốn tiền. Một điều tra xã hội gần đây ở Sài Gòn, kết quả cho thấy người dân sợ công an hơn là sợ luật. Người ta còn có lí do khác để sợ công an, vì nếu không may bị bắt về đồn thì cái chết có thể xảy đến.
Nhưng trong một xã hội mà người dân sợ cảnh sát / công an là xã hội bất bình thường. Đáng lí ra công an / cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ người dân, đảm bảo an ninh cho xã hội, mà người dân lại sợ? Có lẽ nhiệm vụ hàng đầu của họ không phải là bảo vệ dân, dù mang danh nghĩa là “công an nhân dân”.
Ngay cả bề ngoài tôi thấy đồng phục của cảnh sát bên này họ có vẻ thân mật và lịch sự hơn đồng phục của công an Việt Nam. Đồng phục cảnh sát Úc là áo màu xanh da trời, quần xanh nước biển, kết màu xanh đậm. Nhìn từ xa hay nhìn gần, chúng ta thấy tính dân sự, và họ như … chúng ta (ngoại trừ cái kết). Còn công an Việt Nam có loại màu áo rất đặc thù, màu xanh đọt chuối hay cứt ngựa, giống như là bán quân sự. Rồi cộng thêm những “trang trí”màu đỏ, tất cả toát lên một cái air thiếu thân thiện. Ngay cả màu đỏ là màu của nguy hiểm, thì làm sao thân thiện được.
Hình như có sự khác biệt về quan niệm ngành cảnh sát. Ở Úc, người ta xem ngành police là một service – dịch vụ. Ngay cả cảnh sát, họ mô tả công việc của họ là dịch vụ. Còn ở Việt Nam, công an được xem là một lực lượng, chứ không phải dịch vụ. Ngành công an rất quan trọng, được ví von là “thanh bảo kiếm” của đảng, có nhiệm vụ trước tiên là đảm bảo an ninh chính trị rồi mới đến an toàn xã hội. Đó là một sự khác biệt cơ bản giữa cảnh sát Tây và công an Ta.
—- (1) Ở đây người ta không gọi là “công an”, theo tôi hiểu là danh từ rất đặc thù của phe XHCN.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

0 comments:

Powered By Blogger