Trước thềm hội nghị quốc tế về biển Đông (diễn ra vào ngày 25/7 tại
TPHCM) nhiều đại biểu đã có ý kiến “Việt Nam cần kiện ngay Trung Quốc ra
tòa án quốc tế” về “gây cản trở khai thác và thiệt hại kinh tế dầu khí,
an toàn lưu thông hàng hải, di sản biển, và việc cản trở, gây thiệt hại
đến đời sống kinh tế của ngư dân Việt Nam trên biển…”. Không như kiện
“đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa”, các nội dung trên đều có đầy đủ
chứng cớ để Việt Nam chắc chắn thắng. Nhưng nhiều khả năng đề nghị trên
sẽ lại bị chính quyền cộng sản phớt lờ.
“Kiện” theo “Từ điển tiếng Việt” là “động từ” chỉ hành động “Đưa ra tòa
án người mà mình cho là đã làm việc gì phạm pháp đối với mình”. Đây là
hoạt động mà hầu như ở quốc gia nào cũng có. Nhưng có sự khác biệt căn
bản giữa những quốc gia mà thể chế chính trị khác nhau. Các nước dân chủ
pháp quyền thì “kiện nhau” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không bị
cản trở, gây khó khăn, trù úm, chụp mũ và phần lớn “hậu quả” của nó đơn
chỉ là: công lý được thực thi. Nên cũng chẳng có gì là quá đáng khi nói
thêm hoạt động kiện cáo ở các nước này rất sôi nổi. Công dân kiện công
dân. Kiện chính quyền còn dễ hơn. Có khi chẳng cần phải đơn từ, chầu
chực mà chỉ cần đưa thông tin lên báo, tư pháp biết tự khắc phải điều
tra xác minh và đưa ra tòa nếu cần. Không hiếm nguyên thủ của các quốc
gia nói trên bị kiện. Chẳng hạn vào “gu gồ” gõ kiện tổng thống” có tới
gần 8 triệu kết quả tìm kiếm trong đó nhiều và “sốt dẻo” hơn cả là tin
hạ viện Mỹ dọa sẽ kiện tổng thống đương nhiệm Obama. Câu chuyện có thật
xảy ra từ thời Pháp thuộc được nghe kể lại sau sẽ minh họa được phần nào
cho hoạt động kiện cáo ở các nước này. Ông T người Việt là nhân viên
của sở dây thép (tên gọi sở bưu điện thời Pháp thuộc) tỉnh nọ được ông
chủ là người Pháp quý mến mời sang Pháp chơi. Tới ngày lên đường thì có
việc đột xuất buộc phải ở lại, ông chủ đành phải nhờ một người bạn thay
ông thực hiện điều đã hứa với ông T. Kết thúc chuyến đi chơi, gặp lại,
theo yêu cầu ông T đã kể lại toàn bộ chuyến đi trong đó có những ngày tự
nguyện làm vườn không nhận tiền công ở nhà người bạn của ông chủ. Một
thời gian sau, ông T đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận được tiền công làm
vườn của mình vì ông chủ đã kiện ra tòa buộc người bạn phải trả. Ngạc
nhiên hơn nữa là ông thấy họ vẫn đối xử với nhau thân thiết như trước.
Thắc mắc hỏi lại, ông T đã nhận được câu trả lời không ngờ: tao kiện bạn
tao vì nó phạm luật còn chuyện kiện tụng không liên quan gì tới tình
bạn giữa chúng tao.
Ở Việt Nam công dân ngại đưa nhau ra pháp đình bởi hai lẽ: Thứ nhất là
quan niệm khi đã kiện nhau thì quan hệ bình thường giữa hai người sẽ
không còn như trước nhất là với những người cùng gia đình, dòng tộc, quê
quán, cơ quan, đơn vị,.... Thứ hai là nạn hối lộ chạy án khá phổ biến
nên công dân ít tin tưởng vào sự công minh của tòa án. Công dân kiện
chính quyền thì giống như “con kiến kiện củ khoai” vì đã khó kiện lại
thường bị thua. Việt Nam” không có tam quyền phân lập”, các ngành lập
pháp, hành pháp, tư pháp đều đặt dưới sự lãnh đạo của đảng như “anh em
một nhà”. Bởi vậy phiên tòa nào mà có “thằng anh hành pháp”(chỉ chính
quyền) ở ghế bị cáo thì “thằng em tư pháp”(chỉ tòa án) phải ra sức bảo
vệ. Còn “thằng anh cả lập pháp”(quốc hội) thì chuyên “nghiên cứu sản
xuất” ra những bộ luật bảo vệ cho cả “ba anh em”. Các điều luật quái đản
như cấm khiếu kiện tập thể, cấm tụ tập đông người ở nơi công cộng được
ban hành nhằm hạn chế, ngăn cản dân kiện chính quyền. Và đội ngũ dân oan
khổng lồ suốt từ Bắc chí Nam, tá túc hàng ngày ở Hà Nội, Sài Gòn từ năm
này qua năm khác chính là những minh họa rõ ràng nhất cho thực trạng
“công dân kiện chính quyền”. Kiện chính quyền đã khó huống chi là kiện
các nguyên thủ quốc gia. Nói thẳng ra là bất khả thi. Kiện chủ tịch
nước, kiện tổng bí thư? Chưa có ai cả gan hay chưa có ai thì cũng vậy.
Kiện thủ tướng?? Có mỗi ông Cù Huy Hà Vũ. Ông kiện thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng vi phạm luật môi trường khi đưa ra quyết định khai thác bauxite ở
Tây Nguyên. Nhưng cả hai lần đều bị tòa án bác đơn với lý do: chưa có
điều luật nào cho phép công dân kiện thủ tướng(!). Và cả hai lần ông đều
bị dằn mặt, trả thù. Lần đầu tiên thì bị “cưỡng phá bức tường rào” nơi ở
vì “xây dựng trái phép”. Lần thứ hai thì vào tù vì tội truyên truyền
chống nhà nước sau vụ án “hai bao cao su” nổi tiếng.
“Đề nghị chính quyền Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” không
phải là mới mẻ vì nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây. Thời điểm mà
Trung Quốc đột ngột gia tăng các hành động bắt bớ, bắn giết, đâm chìm
tàu của ngư dân Việt Nam đánh cá gần Hoàng Sa. Đơn phương cấm đánh bắt
cá ở biển Đông. Nhưng vì mụ mị với “4 tốt, 16 chữ vàng” nên ngay cả việc
phản đối yếu ớt lấy lệ chính quyền cộng sản cũng hết sức “dè sẻn” nói
chi tới việc kiện cáo. Từ đầu tháng 5/2014 với vụ “giàn khoan HD 981”
Trung Quốc đã đơn phương đẩy quan hệ Việt - Trung trở nên căng thẳng
nhất kể từ khi hai nước “bình thường hóa quan hệ” (năm 1991) tới nay.
Đáp lại chính quyền cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác cũng buộc
phải tỏ thái độ cứng rắn ở một chừng mực nhất định.
Ngoài biển tại vị trí đặt giàn khoan các tàu chấp pháp của cảnh sát biển
Việt Nam mặc dù phải né tránh các cú đâm va của đủ loại tàu Trung Quốc
kể cả tàu quân sự vẫn kiên trì tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, đấu
tranh pháp lý.
Sau cuộc họp báo do cảnh sát biển tổ chức các phương tiện truyền thông
đã đồng loạt, liên tục công khai phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.
Có tin: ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xin gặp Tập Cận Bình, nhưng không được.
Bộ trưởng bộ ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc.
Nhiều nơi trên cả nước đã có một ngày biểu tình chống Trung Quốc mà không bị công an đàn áp.
Tại hội nghị các nước Asean ông Dũng kêu gọi phản đối Trung Quốc rồi
kiên quyết “không đánh đổi chủ quyền với tình hữu nghị viển vông”.
Chính phủ họp bàn về việc chuẩn bị hồ sơ để kiện Trung Quốc.
1/7, chính phủ lại họp tiếp để bàn phương án đối phó với tình huống xấu
nhất (xảy ra khi kiện Trung Quốc). Nếu xâu chuỗi các sự kiện trên lại
thì tưởng chừng như thời điểm Việt Nam kiện Trung Quốc chỉ còn tính từng
ngày và hy vọng có một cuộc “thoát Trung” ngoạn mục được nhen nhóm.
Nhưng đến ngày 16/7 thì giàn khoan rút. Trước thời hạn 1 tháng. Một loạt
các nguyên nhân được đưa ra để lý giải. Do bão thần sấm, do đã hoàn
thành công việc thăm dò, do bị quốc hội Mỹ ra nghị quyết phản đối, do sự
đấu tranh bền bỉ khôn khéo của đảng nhà nước ta. Nhưng tất cả đều mập
mờ. Chỉ có sự căng thẳng rõ ràng là đã lắng xuống trên các phương tiện
truyền thông lề đảng, nhường chỗ cho kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp nghị
Giơnevơ, ca ngợi tôn vinh những cảnh sát biển, những ngư dân kiên trì
bám biển báo hiệu kỳ vọng “Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế”
cùng cuộc “thoát Trung” ngoạn mục đã tan thành mây khói. Hệt như kỳ vọng
vào “sửa đổi hiến pháp”, “ban hành luật biểu tình” năm trước và “thông
điệp đầu năm” đầu năm nay.
Thực ra thì chẳng cần phải đợi đến ngày 16/7 vẫn có thể thấy rằng: “có
cho ăn kẹo” chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không dám kiện Trung Quốc
ra tòa án quốc tế. Kiện để đòi lại Hoàng Sa thì có những chứng cứ bất
lợi như công hàm ông Đồng, sách giáo khoa địa lý trước 1975, bỏ bẵng chủ
quyền từ 1954 đến 1975, nhiều tuyên bố của các chính khách ngoại giao
trước 1975 và không loại trừ bị mật ước Thành Đô ràng buộc. Nhưng ngay
cả kiện về “gây cản trở khai thác và thiệt hại kinh tế dầu khí, an toàn
lưu thông hàng hải, di sản biển, và việc cản trở, gây thiệt hại đến đời
sống kinh tế của ngư dân Việt Nam trên biển…” họ cũng sẽ nói không. Vì
mối quan hệ với Trung Quốc. Mối quan hệ vốn có nhiều tên gọi. Các lãnh
đạo cộng sản khi xưa thì gọi Trung Quốc là cộng sản đàn anh, còn các
lãnh đạo thời nay thì coi là anh em trong gia đình. Những người không
thích chế độ cộng sản thì gọi quan hệ đó là chủ tớ, là chư hầu với thiên
triều. Và anh em trong gia đình, chủ tớ, chư hầu và thiên triều theo
truyền thống Việt Nam không kiện nhau có thể là một lý do. Nhưng thuyết
phục hơn là sự lệ thuộc của cộng sản Việt Nam vào cộng sản Trung Quốc.
Sự lệ thuộc có bề dày lịch sử suốt từ 1950 tới nay. Từ lệ thuộc về ý
thức hệ... tới lệ thuộc toàn diện và đỉnh cao là sự lệ thuộc kiểu “bám
lấy Trung Quốc để tồn tại”. Một sự lệ thuộc như vậy thì cộng sản Trung
Quốc muốn gì ở cộng sản Việt Nam đều được nấy là điều dễ hiểu. Chính vì
vậy khi họ tỏ ra không muốn Việt Nam kiện ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam
đã thay mặt chính phủ phát ra tín hiệu đồng ý “việc kiện cáo cũng như
hành động lấy bát nước đầy đổ đi, hắt xuống đất rồi thì rất khó lấy lại”
(1) Sợ nó còn yếu nên ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh lại
bóng gió tiếp “xích mích Việt - Trung như mâu thuẫn trong gia đình” (2)
Mặc dù vẫn luôn miệng xoen xoét “kiên quyết đấu tranh bằng pháp lý buộc
Trung Quốc phải thế này, thế nọ” nhưng hành động kiên quyết nhất của đấu
tranh pháp lý là kiện thì chính quyền cộng sản lại không làm. Giống như
khi dân hỏi về Hoàng Sa thì trả lời “Chúng ta nhất quyết phải đòi lại
Hoàng Sa. Đời tôi, đời các bạn, đời chúng ta chưa đòi lại được thì đời
con cháu chúng ta sẽ đòi lại bằng được” (3) nhưng không hề xúc tiến làm
bất cứ một việc gì để thực hiện quyết tâm đó. Có thể họ muốn để dành
việc “đòi lại Hoàng Sa” và “kiện Trung Quốc” cho thế hệ sau. Và lại thêm
một lý do nữa để giải thích “vì sao họ không kiện”.
7/2014
_____________________________
Chú thích:
(1), (3): Trích trả lời chất vấn của phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu
(2): Một ý trong lời phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh tại hội nghị Shangri-la ở Singapore ngày 31/5
0 comments:
Post a Comment