Saturday, July 26, 2014

Mất bò mới lo làm chuồng

Mất bò mới lo làm chuồng



Trong con mắt của đại bộ phận người dân, hình ảnh lực lượng CSGT từ bao lâu nay đi kèm với những việc làm khó mà chấp nhận được, như: hành xử vô văn hóa, vô lễ với người dân, tham nhũng, hách dịch, xấc láo, gây phiền hà khi xử phạt và cố gắng moi tiền dân bằng mọi cách.



Hôm 23/7, trong lễ trao huân chương Quân công hạng nhì cho Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), ông Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang dặn dò các chiến sỹ cần xây dựng hình ảnh thân thiện, đẹp trong mắt người dân và bạn bè quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại nhấn mạnh việc xây dựng hình ảnh của người CSGT trong bối cảnh hiện nay. Từ người dân, trên các mặt báo và trên mạng xã hội hình ảnh của CSGT đã trở nên quá xấu xí.Trong con mắt của đại bộ phận người dân, hình ảnh lực lượng CSGT từ bao lâu nay đi kèm với những việc làm khó mà chấp nhận được, như: hành xử vô văn hóa, vô lễ với người dân, tham nhũng, hách dịch, xấc láo, gây phiền hà khi xử phạt và cố gắng moi tiền dân bằng mọi cách. Đó cũng là lý do vì sao cách đây hơn một năm, ngành CSGT ở Sài Gòn mở lớp tập huấn cho 1.500 cảnh sát học cười. Nó phần nào cho thấy sự suy đồi trong cung cách phục vụ của đối tượng được xem là “công bộc của dân”.
Trên báo chí hay trên truyền thông xã hội, những việc làm xấu xa của CSGT bị tố cáo, đưa lên như một cách để chứng minh sự biến chất của lực lượng này. Từ việc bẻ tay một học sinh học lớp 11, đến đánh chảy máu mũi của một phụ nữ đi đường hay tát người vi phạm giao thông là những thứ dễ dàng tìm thấy khi gõ chữ “CSGT” trên trang tìm kiếm Google. Trong một buổi tọa đàm về “văn hóa giao tiếp, ứng xử”, đại diện CSGT cho biết họ là lực lượng bị chống đối nhiều nhất. Nguyên nhân cũng bởi chính vì những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, kém văn hóa của họ.
CSGT vung gậy, tát người vi phạm giao thông trên đường. Hình ảnh thường thấy trên Google khi gõ “CSGT”. Ảnh: Internet


Phải chăng chính vì tìm cách hạn chế hình ảnh CSGT bị bôi đen nên Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã ra văn bản cấm công dân, nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ. Vụ việc đó tuy đã xảy ra cách đây hơn một năm nhưng nó cho thấy thói ngang ngược, bất tuân luật pháp của những người thừa hành luật pháp. May thay, nghị định ấy không được áp dụng và người dân vẫn có thể được ghi hình CSGT để phản ánh tiêu cực.

Chưa dừng lại ở đó, để lấy lại hình ảnh của người CSGT trong con mắt của người dân, lãnh đạo ngành CSGT liên tục tung ra nhiều “chiêu”, điển hình là việc cho lực lượng CSGT là nữ ra “đứng đường”. Họ muốn hình ảnh những nữ CSGT mềm mại, thon thả, nhẹ nhàng thay thế những bụng bia, nói năng thô lỗ, cọc cằn của nam CSGT. Lãnh đạo CSGT gọi đấy là chủ trương mang tính nhân văn vì những cử chỉ dịu dàng của nữ CSGT có thể làm dịu các tình huống căng thẳng từ các đối tượng càn quấy, có thể hạn chế tình huống chống người thi hành công vụ.

Chỉ có ở Việt Nam mới biết, người dân sợ cảnh sát chứ có cảnh sát nào lại e ngại người dân. Chỉ có công an, cảnh sát hạch sách người dân, gây khó dễ chứ người dân nào dám chống lại công an bao giờ. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ vì cãi lại, chống lại sự ngang ngược của CSGT mà người dân bị cấu vào tội “chống người thi hành công vụ”. Cho dù là nữ CSGT đi chăng nữa thì cũng chẳng có chuyện người dân dám càn quấy CSGT. Song song với việc đưa những nữ CSGT ra “đứng đường”, lãnh đạo của ngành Công an còn cho thuyên chuyển những cảnh sát viên với thân hình phì lũ, bụng phệ, nói năng không đúng mực để thay vào đó là những người khác có thân hình dễ nhìn hơn.

Mới đây, không phải hẳn nhiên mà trên rất nhiều tờ báo đảng tung hàng loạt hình ảnh “gây xúc động dân cư mạng” về người chiến sỹ CSGT. Đó là việc đưa môt cụ già đi ngang qua đường, giắt một em bé, bế cụ già lên xe hay CSGT chở thí sinh đi thi. Tất thảy đều nằm trong chủ trương muốn thay đổi cái nhìn của người dân về CSGT.

Nhưng người dân không còn ngây thơ, hồn nhiên như hồi cách đây vài chục năm và lực lượng CSGT hiện nay cũng không phải là những người “vì dân phục vụ”. Họ là những kẻ “chỉ biết còn đảng còn mình”. Việc làm dìu cụ già qua đường đó là một việc làm rất đỗi bình thường ở những xã hội khác, đất nước khác. Vì đó là trách nhiệm của CSGT, họ nhận được lương từ thuế của người dân để làm những việc đó. Trong một xã hội như Việt Nam thì những việc bất thường trở thành bình thường và những thứ bình thường lại trở nên bất thường. Cho dù báo chí có cố tìm lại hình ảnh tốt đẹp về người CSGT thì những việc làm sai trái của lực lượng CSGT như đánh đập người đi đường, tìm cách mãi lộ đã phủ nhận tất cả những cố gắng đó.

Lực lượng Công an nói chung và CSGT nói riêng đã được đảng, nhà nước Việt Nam trao quá nhiều quyền hạn. Họ là thanh kiếm, lá chắn để bảo vệ chế độ. Từ đó lực lượng này trở nên biến chất, trở thành lực lượng kiêu binh như thời Chúa Trịnh. Với quyền lực dường như vô hạn, họ tha hồ tác oai tác quái mà không sợ bị trách phạt. Họ thoải mái ngồi xổm lên luật pháp vì họ có thẻ đảng bảo kê. CSGT là sự thèm muốn của những người trong ngành Công an. Để được vào lực lượng CSGT, nhiều Công an phải chi hành trăm triệu đồng, và có người phải chịu giáng một vài bậc. Vì họ biết rằng, số tiền họ bỏ ra sẽ được lấy lại nhanh chóng từ việc bảo kê cho những chiếc xe vi phạm quá tải, lấn tuyến và từ túi của người dân.

Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 40 người chết vì tai nạn giao thông, cả năm lên đến hơn 13 ngàn người. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới vì tỷ lệ tử nạn do giao thông gây ra. Và cũng như những ban ngành khác, người lãnh đạo ngành CSGT bao giờ cũng đỗ lỗi cho người dân do thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Họ chối trách nhiệm vì không muốn ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Cho dù với những con số và bằng chứng về số người chết cũng như vi phạm của CSGT trong khi làm việc đã tố cáo họ.

Lãnh đạo Công an muốn thông qua truyền thông, báo chí muốn lấy lại hình ảnh của người chiến sỹ CSGT nhưng xem ra rất khó. Vì hình ảnh của họ đã trở nên quá xấu xí trong con mắt của người dân. Truyền thông, báo chí là công cụ của đảng, chế độ, lực lượng Công an muốn thông qua hệ thống này để tạo thiện cảm, mong cái nhìn của người dân bớt khắt khe hơn, nhưng họ nào biết rằng, cái mấu chốt vẫn là làm thế nào để thay đổi phẩm chất, văn hóa hành xử của CSGT.
Để làm được điều này có khi phải thay đổi cả chế độ vì khi đấy Công an hay CSGT không còn là thanh kiếm, lá chắn của chế độ, và người Công an chỉ biết phục vụ người dân mà không phải “chỉ biết còn đảng còn mình”.
Người Quan Sát

0 comments:

Powered By Blogger