Saturday, November 17, 2018

Lựa chọn

Phạm Khắc Trung (Danlambao) - "Con ve và cái kiến" là câu chuyện ngụ ngôn viết theo thể văn vần của La Fontaine, được Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt, là một mô hình luân lý giữa tính cần cù, chăm chỉ làm việc và biết lo xa của đàn kiến, so với những thói hư tật xấu của loài ve ham hưởng thụ, vui chơi:

Ve sầu kêu ve ve,
Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi.
Nguồn cơn thật bối rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm núm,
Sang chị Kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Giăm ba miếng qua ngày.
− Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề đất trời!
Xin đủ cả vốn lời.
Tính Kiến ghét vay cậy,
Thói ấy chẳng hề chi.
− Nắng ráo chú làm gì?
Kiến hỏi ve như vậy.
Ve rằng: Luôn đêm ngày,
Tôi hát thiệt gì bác?
Kiến rằng: Xưa chú hát!
Nay thử múa coi đây. 

Từ khi kinh tế Trung Cộng phất lên, một số người trầm trồ ca ngợi mô hình kinh tế chỉ huy của Trung Cộng như một kiểu mẫu lý tưởng để làm gương cho thế giới noi theo, họ lồng câu chuyện "Con ve và cái kiến" vào để so sánh và phê phán 2 nền kinh tế hàng đầu và đối kháng nhau của toàn cầu. Những người này cho rằng, Trung Cộng là biểu tượng của nền "kinh tế con kiến", biết cần cù, chăm chỉ sản xuất và biết tiết kiệm cao mà dư thừa của cải vật chất nên trở thành chủ nợ của thế giới; trong khi Hoa Kỳ là quán quân cho sự tiêu thụ, nợ nần và hoang phí của nền "kinh tế con ve".

Sự thật, kết luận này thiếu cơ sở và không được công bằng. Những người này nhìn sự việc hào nhoáng bên ngoài bằng ánh mắt thiên vị, không đào sâu phân tích và tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, lại chủ quan kết luận một cách hết sức vội vã. Theo nguyên tắc, chỉ cần nêu ra một phản thí dụ chứng minh kết luận của họ không đúng, đã đủ để vô hiệu hóa kết luận của họ rồi. Tuy nhiên, để có một cái nhìn toàn diện, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu đầy đủ 3 yếu tố mà những người này nêu ra gồm: (1) cần cù, chăm chỉ sản xuất; (2) tiết kiệm cao; (3) nợ nần dan díu.

1) Cần cù, chăm chỉ sản xuất: 

Thu thập và tổng hợp số liệu từ Internet (Google Search):

− Công nhân 5 quốc gia có năng suất làm việc cao nhất gồm: Luxembourg, Anh, Mỹ, Đức, Canada.

− Công nhân 10 quốc gia có số giờ làm việc cao nhất và lợi tức của họ (không thấy Trung Cộng, có lẽ họ không làm thống kê):

Hiển nhiên, đàn kiến Hoa Kỳ không những chỉ dẫn đầu khối kinh tế thịnh vượng về tính cần cù, chăm chỉ làm việc, mà còn đứng thứ ba về năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Như vậy, về mặt sản xuất, kinh tế Hoa Kỳ không thể liệt vào "kinh tế con ve".

2) Tiết kiệm cao: 

Theo thăm dò mới nhất, dân Mỹ có mức tiết kiệm thấp nhất, chiếm 5.8% lợi tức, so với mức tiết kiệm trung bình 9% của những nước phát triển khác.

Báo cáo năm 2013 cho biết, nhu cầu thực phẩm của người lao động Mỹ là $2,273, chiếm 6.6% lợi tức ($34,440). Trong khi đối với người lao động Hoa Lục, nhu cầu thực phẩm là $600, chiếm 26.6% lợi tức ($2,256), và mức tiết kiệm là $530, chiếm 23.4% lợi tức. Gọi là tiết kiệm chứ thật sự là quỹ dự phòng cho tuổi già, bệnh hoạn và tai nạn bất trắc..., nên họ không dám tiêu xài.

Một nửa lợi tức dành cho nhu cầu ăn uống và dự phòng (26.6% + 23.4% = 50%), một nửa lợi tức dùng cho những nhu cầu cơ bản còn lại như: nhà cửa, điện nước, quần áo, y tế, giáo dục, phương tiện di chuyển..., chứng tỏ rằng người lao động Hoa Lục chỉ dừng lại ở nhu cầu "ăn no" chứ chưa có một nhu cầu nào khác. Trong khi đó, số tiền tiết kiệm $1,998 của người lao động Mỹ là khoản dư thừa thật sự, họ có thể tiêu xài bất cứ lúc nào.

Nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 06 năm 2008 của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trên Internet lan truyền câu chuyện rằng:

Trong cuộc trao đổi giữa Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thống Mỹ George W. Bush, Tổng Thống Bush cho biết: "Ở Mỹ, lợi tức một công nhân trung bình khoảng $4,000/tháng, họ cần một phần ba số tiền ấy để trang trải cho cuộc sống". Thủ Tướng Dũng trợn tròn đôi mắt, thắc mắc: "Thế phần dư họ để đâu?" Tổng Thống Bush cười ruồi, đáp: "Chúng tôi không quan tâm đến chuyện đấy". Đến phiên Thủ Tướng Dũng tường trình: "Ở Việt Nam, trung bình người công nhân kiếm được 35 USD/tháng, họ cần 100 USD để chi tiêu cho cuộc sống". Tổng Thống Bush lộ vẻ lo ngại, hỏi: "Thế làm cách nào họ sống?" Thủ Tướng Dũng cười khinh khỉnh, đáp: "Chúng tôi không quan tâm đến chuyện ấy".

Đừng cho rằng đây là câu chuyện cười đơn thuần. Sự thật đã chứng minh rằng, trong khi chủ nghĩa tư bản chú trọng vào việc chăm lo đời sống cho người dân, thì chủ nghĩa xã hội lại chăm chú soi mói đến khoản tiết kiệm mà người dân chắt chiu để dành được. Hẳn chúng ta không quên mục đích của những chính sách cải cách ruộng đất và đánh tư sản ngoài Bắc; 2 lần đổi tiền, lùa đi kinh tế mới và đánh tư sản trong Nam... Gần đây nhất, kể từ tháng 07 năm 2017 đến tháng 08 năm 2018, chỉ trong vòng 13 tháng, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 4 lần nhắc nhở Ngân Hàng Nhà Nước sớm có chủ trương huy động nguồn lực phỏng chừng 60 tỷ Mỹ kim trong dân, cụ thể là vàng và đôla Mỹ.

Việt Nam là bản sao của Trung Cộng, những gì Việt Nam đã, đang và sẽ làm, đều là phó bản nhập về từ nước đàn anh.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế 2018, mức tiết kiệm của nhà cầm quyền Trung Cộng cao ngất ngưởng 47.4% GDP. Điều này có nghĩa là gần một nửa tổng sản lượng quốc gia về tay nhà nước; nhích hơn một nửa còn lại, trừ nguyên nhiên vật liệu, chi phí sản xuất và điều hành, đáng lý ra đó là phần lương bổng của công nhân, nhưng trên thực tế, phần lớn số này lại rơi vào miệng những con ve XHCN ăn không từ một thứ gì. Đó là lý do giải thích, tại sao kinh tế Trung Cộng đứng hàng thứ nhì trên thế giới, mà người lao động chỉ dừng lại ở nhu cầu "ăn no" mà thôi.

Cơ chế chính trị "xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Hoa", hay màu mè gọi là "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", đã tạo ra một đám ve giàu có, đầy quyền lực mà nhà thơ Nguyễn Duy ví von là "(Ve) nay có đảng có đoàn hẳn hoi/ có con dấu đóng đỏ tươi/ có còng có súng dùi cui nhà tù". Đám ve này rất độc ác và tham lam tột cùng, chúng vơ vét tài nguyên đất nước và rút tỉa sức lao động của đàn kiến nghèo đến kiệt cạn. Đám ve này còn lạm dụng chiêu bài "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" để trưng dụng, đồng thời tàn phá môi trường sống của người dân khắp mọi nơi. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa ví von nền kinh tế xã hội chủ nghĩa giống như chạy xe đạp, nếu ngừng thì đổ nên vẫn phải uống sâm mà đạp. Bởi không ngừng xe được nên họ phải tiếp tục xây dựng những tượng đài vài chục ngàn tỷ, những nhà hát giao hưởng vài ngàn tỷ... Điều khốn nạn là những con ve XHCN thoải mái uống sâm (rút ruột công trình), còn đàn kiến nghèo khổ thì còng lưng ra đạp (nộp thuế).

Chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đã tạo ra sự bất công xã hội, chênh lệch giàu nghèo và bần cùng hóa nhân dân lao động...

3) Nợ nần dan díu:

Không phải chỉ một mình nước Mỹ mang nợ. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới, khoản nợ quốc gia chia ra bình quân đầu người: Mỹ $56,000, Đức $45,000, Nhật $35,000, Nam Hàn $35,000, Nga $25,000, Trung Cộng $15,000...

Bài này chú trọng đến nợ nần của nước Mỹ. Cần lưu ý, chính thể tự do khác hẳn chính thể xã hội chủ nghĩa, ở đó, giai cấp tư bản xanh cũng tham gia vào đội ngũ đàn kiến, họ chăm chỉ làm việc cực nhọc hơn giai cấp công nhân và đóng thuế nhiều hơn để chính phủ phân phối lại cho những người nghèo kém. 

Như bất cứ xã hội nào khác, những con ve của xã hội Mỹ gồm thành phần ăn không ngồi rồi, các quan chức nhà nước và các chính trị gia, đã lạm dụng quỹ phúc lợi xã hội một cách quá đáng. Những con ve Mỹ này tăng trưởng rất nhanh chóng và dần dần áp đảo đàn kiến, khiến đàn kiến Mỹ càng ngày càng trở nên khốn đốn. Thêm vào đó, phải thừa nhận rằng nước Mỹ quá hào phóng trong việc phát chẩn tứ phương: từ đóng góp chi phí cho những tổ chức quốc tế, cho chí vấn đề an ninh, quân sự và nhân đạo... của thế giới, bất cứ nơi nào lâm nạn, người Mỹ đều rộng rãi vươn tay ra cứu giúp nhiệt tình, dẫn đến kết quả là thu thuế không đủ tiêu xài phải vay mượn khắp nơi. Nợ quốc gia của Mỹ hiện nay đã lên tới 20 ngàn tỷ đôla, bình quân mỗi công dân Mỹ nợ 56,000 đôla.

Người Mỹ đã ý thức được vấn nạn của nước họ và họ phải ra tay giải quyết vấn nạn đó. Ngẫu nhiên sao ông Donald Trump lại xuất hiện đúng lúc, thế là dân Mỹ ủy quyền cho Tổng Thống của họ là Donald Trump đứng ra giải quyết vấn nạn. Như vậy, Tổng Thống Donald Trump là một hiện tượng chứ không phải là nguyên nhân như một số người thường gán ghép.

Để có cái nhìn thông thoáng về cách thức điều chỉnh để giải quyết những vấn nạn của nước Mỹ, tôi xin nêu ra một ví dụ đơn giản cho dễ hiểu:

Có 200 người thuộc mọi thành phần kinh tế với lợi tức khác biệt, đồng ý kết hợp thành một đoàn thể sinh hoạt chung với nhau. Giả sử cho gọn, mỗi cuối tuần họ hội họp ở nhà hàng để ăn uống và bàn bạc, chi phí mỗi lần tốn $1000, nếu chia đồng đều thì mỗi người phải bỏ ra $5. Tuy nhiên, trong số họ có 93 người lợi tức rất thấp, 70 người có lợi tức thấp, họ bèn chia 200 người đó ra thành 5 nhóm có lợi tức tương đồng và trả chi phí theo tỷ lệ:

Nhóm 1 lợi tức rất cao, duy nhất 1 người, trả $300, tức 30% chi phí.

Nhóm 2 lợi tức khá, có 6 người, trả $30/người (3% chi phí/người).

Nhóm 3 lợi tức trung bình, có 30 người, trả $15/người (1.5% chi phí/người).

Nhóm 4 lợi tức thấp, có 70 người, trả $1/người (1% chi phí/người).

Nhóm 5 lợi tức rất thấp, có 93 người, trả $0/người (0% chi phí/người).


Sau một thời gian dài sinh hoạt chung, bây giờ người duy nhất đóng góp 30% gặp sa sút mới đề nghị rằng: Nhóm 3 và 4 không thay đổi; nhóm 2 và 3 tăng chi phí $2/người để giảm chi phí cho nhóm 1 và điều chỉnh như sau:


Nếu đề nghị này được chấp thuận thì nhóm sẽ tiếp tục sinh hoạt, bằng không thì người có lợi tức cao sẽ rút chân ra, nghỉ chơi và nhóm sẽ nghỉ ăn vì không đủ tiền trả chi phí cho nhà hàng. 

Đó là nguồn cơn Tổng Thống Donald Trump thu hồi những thỏa ước bất lợi về khí hậu và môi sinh, rút ra khỏi hiệp ước về hâm nóng địa cầu Paris, ký lại thỏa thuận thương mại với Nam Hàn, Mexico, Canada, và sẽ lần lượt điều chỉnh thỏa ước thương mại với các quốc gia bạn khác như Nhật, Anh, Úc, và Liên Hiệp Âu Châu... Tổng Thống Donald Trump cho rằng: "Thương mại phải công bằng và có lợi cho đôi bên. Mỹ sẽ không để bị lợi dụng thêm nữa". Ông tuyên bố thẳng thừng: "Nước Mỹ sẽ không chi hơn 25% ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy các nước khác dấn thân, tham gia và chia sẻ gánh nặng lớn lao ấy."

Phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/09/2018, Tổng Thống Donald Trump đã vạch mặt chỉ tên con ve khổng lồ từng góp phần rất lớn vào việc làm xói mòn nước Mỹ (trích): 

"Trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khác chơi theo luật thì những nước này sử dụng các doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch công nghiệp mà chính phủ điều hành để hướng hệ thống theo hướng có lợi cho mình. Họ tham gia vào các hoạt động bán hạ giá sản phẩm, chuyển đổi công nghệ một cách ép buộc và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Mỹ đã mất đi hơn 3 triệu việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất, gần 1/4 số lượng việc làm trong ngành thép và 60.000 nhà máy sau khi Trung Cộng gia nhập WTO. Và thâm hụt thương mại của chúng tôi đã lên tới 13 ngàn tỷ USD trong vòng hơn 2 thập kỷ qua. 

Nhưng những ngày ấy đã qua rồi. Chúng tôi sẽ không chịu đựng sự ngược đãi ấy nữa. Chúng tôi sẽ không để những công nhân của mình trở thành nạn nhân, những công ty của mình bị lừa gạt và của cải của mình bị tước đoạt. Nước Mỹ sẽ không bao giờ hối tiếc vì bảo vệ công dân của mình". (ngưng trích) 

Tổng Thống Donald Trump nhắc nhở, chủ nghĩa xã hội là hiểm họa của loài người, nó đã phá vỡ quốc gia giàu dầu mỏ là Venezuela, một quốc gia cách đây không lâu giàu nhất trên trái đất, mà nay lại rơi vào cảnh nghèo đói, khốn cùng. Ông nói:"Hầu như ở khắp mọi nơi chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử thách, nó đã tạo ra đau khổ, tham nhũng và phân rã. Chủ nghĩa xã hội khát khao quyền lực dẫn đến việc mở rộng, xâm nhập và áp bức. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên chống lại chủ nghĩa xã hội và sự đau khổ mà nó mang đến cho mọi người".

Phải rồi, theo tinh thần lời tuyên bố của Cựu Tổng Thống Nga Boris Yeltsin, người ta có thể điều chỉnh con ve tư bản, còn con ve xã hội chủ nghĩa chỉ có nước thay thế chứ không thể điều chỉnh, và thay thế sớm chừng nào tốt chừng nấy. Tổng Thống Donald Trump kêu gọi: "Vì vậy, cùng nhau, chúng ta hãy cùng chọn lấy một tương lai của chủ nghĩa ái quốc, của sự thịnh vượng và lòng tự hào. Chúng ta hãy cùng chọn lấy hòa bình và tự do, hơn là thống trị và thất bại. Và chúng ta hãy cùng tới đây, tới nơi này để đứng lên vì dân tộc của mình và đất nước của mình mãi mãi mạnh mẽ, mãi mãi có chủ quyền, mãi mãi thuộc về chính nghĩa, và mãi mãi biết ơn vì ân huệ, sự tốt lành và vinh quang của Thiên Chúa".


0 comments:

Powered By Blogger