Author: Trung Tân | Source: Tuổi trẻ Online | Posted on:2018-01-10 |
Khai trước tòa, các bị cáo Đăng Văn Hiến, Ninh Viết Bình thừa nhận việc bắn nhóm người của công ty Long Sơn do những bức xúc tích tụ vì nhiều lần công ty đưa người đến san ủi vườn tược.
Các bị cáo tại phiên tòa. Từ phải qua: Nghiêm Thiên Xuân Sửu, Phạm Công Thiện, Đoàn Văn Diện, Đăng Văn Hiến, Hà Văn Trường và Ninh Viết Bình - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong phiên tòa sơ thẩm sáng 2-1 xét xử vụ nổ súng (23-10-2016) vì tranh giành đất tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông giữa công ty TNHH thương mại đầu tư Long Sơn và các hộ dân khiến 3 người chết, tòa đã thẩm vấn các bị cáo về động cơ và diễn biến vụ việc.
Các bị cáo tại phiên tòa. Từ phải qua: Nghiêm Thiên Xuân Sửu, Phạm Công Thiện, Đoàn Văn Diện, Đăng Văn Hiến, Hà Văn Trường và Ninh Viết Bình - Ảnh: TRUNG TÂN
Tại phiên tòa này, những người dân đang canh tác trên đất tranh chấp gồm Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường (cùng bị xử tội giết người) đều khai quá bức xúc vì công ty Long Sơn tổ chức cho người, xe đến ủi đất mà nổ súng bắn trả.
Đại diện gia đình bị hại tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN
Bức xúc quá, chỉ biết bắn thôi
Đại diện gia đình bị hại tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN
Được tòa hỏi thẩm vấn, ông Đặng Văn Hiến khai do thấy công nhân và bảo vệ Công ty Long Sơn mang vũ khí xuống vườn nhà mình nên bị cáo đưa súng ra chặn, bắn một phát chỉ thiên.
"Mục đích bị cáo là để doạ nhóm công nhân bỏ chạy nhưng không ngờ những người này ném đá, lấy dao rựa doạ chém nên bị cáo phải trốn vào nhà khoá cửa. Sau đó do quá bức xúc bị cáo lên gác bắn ra nhiều phát. Thấy nhóm công nhân bỏ chạy, bị cáo cùng chú Bình đuổi theo lên rẫy nhà anh Thắng để tiếp tục bắn" - ông Bình ấp úng.
Cũng theo ông Hiến, lúc lên rẫy nhà ông Thắng nghe nhóm công nhân hét lên về lấy súng AK để quay lại bắn trả nên cứ gặp ai là người của Công ty Long Sơn là bị cáo bắn.
"Cứ dơ súng lên là bắn chứ bị cáo chẳng biết ngắm cụ thể vào ai" - ông Hiến nhớ lại.
Ông Hiến khai thêm, sau khi gây án chỉ biết có người chết, bị thương nên sợ quá và bỏ trốn sang Bình Phước rồi đưa sim điện thoại cho Đoàn Văn Diện đánh lạc hướng cơ quan chức năng rồi khi nào bình tĩnh trở lại mới đi đầu thú.
Bị cáo Đặng Văn Hiến trả lời HĐXX - Ảnh: TRUNG TÂN
Được gọi lên trả lời thứ hai, ông Ninh Viết Bình thừa nhận mâu thuẫn giữa người dân và Công ty Long Sơn đã có từ lâu. Nói trước tòa, bị cáo Bình đã không giữ được bình tĩnh và bật khóc.
Bị cáo Đặng Văn Hiến trả lời HĐXX - Ảnh: TRUNG TÂN
"Trước đó trong một lần uống rượu với anh Hiến, hai anh em có cùng chung bức xúc vì công ty Long Sơn nhiều lần phá hoại cây trồng. Khi đó bị cáo nghĩ rằng mình và gia đình đã bỏ toàn bộ tài sản và tuổi thanh xuân của mình để làm nên vườn điều. Vì vậy bị cáo tự nhủ, nếu Công ty Long Sơn đến phá cây cối thì sẽ chống đến cùng".
Theo ông Bình, sáng 23-10-2016, nghe tiếng máy cày đi lên hướng nhà ông Hiến, ông mang theo một khẩu súng chạy lên.
Gần đến nơi thì nghe Trường gọi điện báo "bảo vệ công ty quây nhà anh Hiến, mang hàng lên". Khi đến thấy bảo vệ vây kín trước nhà nên bị cáo lẻn vào cửa sau.
"Sau đó anh Hiến nói đã bắn bọn nó bỏ chạy hết rồi nên hai anh em tiếp tục đi lên nhà anh Thắng" - ông Bình cho biết.
Tại nhà ông Thắng, ông Bình khai nghe thấy bảo vệ lại chạy về hướng mình, hô hào nên tưởng họ gọi thêm người đánh trả, ông bắn hai phát đạn. Không rõ có trúng và có ai bị thương không?".
Bị cáo Ninh Viết Bình "tất cả tài sản, tuổi thanh xuân của bị cáo đã đổ ra để trồng vườn điều nên bị cáo sẽ chống đến cùng nếu đến phá" - Ảnh: TRUNG TÂN
Có báo cáo trước việc đi cưỡng chế đất
Bị cáo Ninh Viết Bình "tất cả tài sản, tuổi thanh xuân của bị cáo đã đổ ra để trồng vườn điều nên bị cáo sẽ chống đến cùng nếu đến phá" - Ảnh: TRUNG TÂN
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Thiên Sửu, 55 tuổi, phó giám đốc Công ty Long Sơn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tuy nhiên ông Sửu cho rằng việc "huy động" công nhân, bảo vệ, mang theo vũ khí đi san ủi đất của người dân là "có báo cáo trước".
Theo ông Sửu, công ty nhận lại dự án vào năm 2008 và trong đó có nhiều diện tích đã bị lấn chiếm, xâm canh.
Trong đó tỉnh có phân định rõ có những khu vực đất công ty phải hỗ trợ, bồi thường để người dân phá bỏ vườn cây, trả lại đất. Có những khu vực đất không phải bồi thường vì người dân lấn chiếm sau khi có dự án, đó là khu vực nhà ông Thắng, ông Hiến…
"Theo ông, cơ quan đơn vị nào được quyền cưỡng chế, san ủi diện tích đất mà người dân lấn chiếm, xâm canh?" - chủ tọa phiên tòa, thẩm phản Đỗ Đồng Chung đặt câu hỏi.
Bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Sửu cho biết, trước tình hình người dân lấn chiếm, ông có làm văn bản báo cáo các ngành chức năng và có đề xuất việc sẽ tổ chức lực lượng san ủi cây trồng của các hộ lấn chiếm, lấy lại đất dự án.
Bị cáo Nghiêm Thiên Xuân Sửu tại phiên tòa - Ảnh: TRUNG TÂN
Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ công ty thu hồi diện tích lấn chiếm. "Bị cáo hiểu rằng văn bản của tỉnh như vậy đã là đồng ý cho bị cáo san ủi đất nhà ông Thắng, Hiến…" - ông Sửu nói.
Lý do mà ông Sửu đưa ra đã bị HĐXX bác bỏ. "Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi đất mà người dân lấn chiếm đúng pháp luật. Ai cho phép doanh nghiệp được quyền cưỡng chế" - chủ tọa phiên tòa phản bác.
"Do ở nước ngoài nhiều năm, bị cáo không am hiểu hết luật pháp trong nước" - ông Sửu cố cãi.
Khai với tòa, ông Sửu cho biết mình chính là người chỉ đạo cấp dưới là ông Phạm Công Thiện - người quản lý của công ty Long Sơn tập hợp lực lượng, vũ khí, có tập dượt các phương án để đánh trả khi người dân phản kháng.
Sau khi "chốt" phương án, sáng 23-10-2016, đội quân của công ty Long Sơn với khiên chắn, dao rựa, gậy gộc và những bao đá (để ném) đã tiến về hướng rẫy nhà ông Thắng, ông Hiến.
Bị cáo Phạm Công Thiện khai "làm theo chỉ đạo của ông Sửu" - Ảnh: TRUNG TÂN
Bị cáo Phạm Công Thiện (tên khác là Kevin Nghiêm) thừa nhận việc chuẩn bị vũ khí dao, đá… là để "đánh trả" người dân nếu họ chống cự, ngăn cản việc san ủi. Mọi việc làm của ông đều do "sếp" Sửu chỉ đạo.
Bị cáo Phạm Công Thiện khai "làm theo chỉ đạo của ông Sửu" - Ảnh: TRUNG TÂN
Phiên tòa vẫn còn tiếp tục.
TRUNG TÂN
-------
Một bản án tử hình thiếu thuyết phục
Author: ÁI NHÂN - TÂM LỤA | Source: Tuổi Trẻ Online | Posted on:2018-01-10 |
Việc TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến trong vụ 3 người Công ty Long Sơn bị bắn chết khiến dư luận cho rằng bản án thiếu thuyết phục.
Từ trái qua: Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường sau khi tòa tuyên án - Ảnh: TRUNG TÂN
Như đã thông tin, ngày 3-1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên các mức án đối với các bị cáo trong vụ nổ súng làm 3 người chết vì tranh chấp đất giữa các hộ dân với công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn tại tại tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông.
Từ trái qua: Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường sau khi tòa tuyên án - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo bản án, bị cáo Đặng Văn Hiến - người nổ súng bắn vào đoàn cưỡng chế đất của công ty Long Sơn khiến 3 người chết đã bị tòa kết án tử hình.
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của giới chuyên môn về vụ án này.
TS Đinh Thế Hưng |
Phải xem xét nguyên nhân, điều kiện phạm tội
Không ai cổ vũ cho việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tuy nhiên qua vụ án này còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến nhưng chưa được nêu ra tại tòa. Đó là nguyên nhân và điều kiện phạm tội của các bị cáo.
Vụ án xảy ra vì tranh chấp đất đai kéo dài nhưng chính quyền địa phương lại không có biện pháp giải quyết triệt để. Công ty Long Sơn có sai phạm gì hay không vẫn chưa được làm rõ.
Việc Công ty Long Sơn cưỡng chế đất bằng cách huy động công nhân, bảo vệ mang vũ khí, xe đi ủi cây cà phê, điều trên diện tích đất gia đình ông Thắng, ông Hiến canh tác là đúng hay sai? Việc cưỡng chế này đã được chính quyền đồng ý hay chưa?
Nếu những vấn đề này chưa được làm rõ thì không đánh giá hết được bản chất khách quan của vụ án. Từ đó dẫn đến những ý kiến băn khoăn khi lượng hình. Ngoài ra, nếu làm rõ những vấn đề nêu trên thì có thể áp dụng là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Trong vụ án này, ông Hiến và gia đình mang tâm lý bức xúc từ lâu vì tranh chấp đất đai. Tuy nhiên Công ty Long Sơn lại cho người vào cưỡng chế đất dẫn đến hậu quả vụ án xảy ra.
Việc tìm ra tâm lý của người phạm tội là cách giải quyết để ngăn chặn kịp thời các hành vi tương tự sẽ diễn ra.
Thông qua vụ án này, tôi muốn nhấn mạnh một điều: pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do của công dân không bị xâm phạm bởi sự tùy tiện của công quyền. Công dân được tự do sở hữu những tài sản thuộc về mình.
Ngược lại, xã hội sẽ bất an và rối loạn nếu người dân luôn cảm thấy lo lắng khi pháp luật và người thi hành pháp luật vô tình hay hữu ý đem đến cho họ sự rủi ro bất cứ lúc nào. Từ đó, xung đột chung - riêng dẫn đến sự rủi ro cho ai đó là điều khó tránh khỏi.
Ông Vũ Phi Long |
Cần xem xét tội danh phù hợp
Trong vụ án này, tòa cần đánh giá toàn diện, xét xử đúng pháp luật, thuyết phục, hợp lý hợp tình. Tòa án tối cao đã có hướng dẫn đánh giá về bức xúc, tích tụ, dồn nén trong quá trình mà người phạm tội phải chịu để làm cơ sở xem xét tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Tòa án cần xem xét về tội danh cho phù hợp với tính chất của vụ án. Tòa sơ thẩm đã không đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo Hiến là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do chuỗi hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
Trong trường hợp cụ thể này, Công ty Long Sơn đã có hành vi trái pháp luật đối với bị cáo Hiến (và các bị cáo khác). Đã có 2 bị cáo thuộc Công ty Long Sơn bị tòa xét xử về tội danh hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác.
Hành vi của Công ty Long Sơn tại thời điểm tổ chức lực lượng (đông người, trang bị khiên chắn, dao rựa...) để phá hoa màu, quyết tâm lấy đất của bị cáo Hiến rõ ràng là trái pháp luật.
Hành vi đó thể hiện sự bất chấp, coi thường quyền bảo vệ tài sản, quyền an cư lạc nghiệp, bất chấp nguyện vọng của người dân.
Trước đó, sự tranh chấp, va chạm từ Công ty Long Sơn với gia đình Hiến đã xảy ra khiến sự bức xúc cho Hiến tích tụ, âm ỉ. Do vậy, thời điểm Long Sơn tổ chức lực lượng hùng hậu để quyết "ăn thua đủ" đã kích động các bức xúc đó bùng lên.
Tình huống Hiến bắn cảnh cáo nhưng nhóm nhân viên Long Sơn vẫn dùng đá tấn công tới tấp khiến Hiến không thể kiềm chế, kích động tinh thần. Chính hành vi trái pháp luật của nạn nhân là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội một cách kích động, quyết liệt của bị cáo.
TS Phan Anh Tuấn |
Mức án tử hình thiếu thuyết phục
Mức án áp dụng cho bị cáo Hiến cần phải đánh giá nguyên nhân phạm tội, cân nhắc các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Phía Công ty Long Sơn đã có hành vi trái pháp luật là hủy hoại tài sản của Hiến và của những người khác nên phó giám đốc và nhân viên của Công ty Long Sơn đã bị tòa án kết án tù về tội này.
Khi Hiến nổ súng bắn chỉ thiên, người của Công ty Long Sơn cầm đá (đã chuẩn bị từ trước) ném lại dẫn đến Hiến bắn vào người của công ty.
Do đó, có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại" (điểm đ khoản 1 điều 46 BLHS năm 1999) cho bị cáo Hiến.
Bị cáo Hiến cũng không có tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" như viện kiểm sát đã truy tố. Trong khi với các tình tiết của vụ án, Công ty Long Sơn chuẩn bị lực lượng (30 người, với công cụ, phương tiện...), bất chấp pháp luật, hủy hoại tài sản người khác.
Đối diện với việc Hiến bắn cảnh cáo nhưng đám đông vẫn tấn công, rõ ràng hành xử của Công ty Long Sơn mới có tính chất "côn đồ" chứ không phải Hiến. Từ đó, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "có tính chất côn đồ" đối với bị cáo Hiến là không có cơ sở.
Như vậy, bị cáo Hiến chỉ có một tình tiết định khung tăng nặng "giết nhiều người".
Trong khi Hiến lại có tình tiết giảm nhẹ "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại", bị cáo đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì không cần thiết phải áp dụng hình phạt ở mức cao nhất là tử hình đối với bị cáo.
Cũng lưu ý trong vụ án này, nguyên nhân phát sinh tội phạm còn do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương không giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ lâu giữa người dân với Công ty Long Sơn.
Nếu giải quyết mâu thuẫn này ngay từ đầu thì đã không thể xảy ra vụ giết người với nhiều người chết như thế. Bên cạnh đó, Công ty Long Sơn cũng có lỗi trong vụ án này.
-------------
0 comments:
Post a Comment