Tuesday, August 29, 2017

Bà Hillary Clinton: "“Chuyện Gì Đã Xẩy Ra?” (What Happened?)


AuthorVũ LinhPosted on: 2017-08-29

.
..thất bại của bà Hillary là bà đã đi quá xa về phiá tả...


Bà Hillary Clinton có sách mới, được tung ra thị trường tháng Chín này, “Chuyện Gì Đã Xẩy Ra?” (What Happened?). Trong lịch sử Mỹ, đã có hơn 60 cuộc bầu tổng thống, có nghiã là đã có ngần đó ứng viên thất cử. Bà Hillary là người duy nhất viết sách than khóc, giảng giải, rằng thì là mà...

Không ai hiểu bà ra sách để làm gì vì tất cả thiên hạ, thích hay ghét bà, đều đã có quan điểm rõ rệt về chuyện bà thất cử rồi. Chắc chắn tất cả đều đầu óc có sạn hết rồi, chẳng ai thay đổi ý kiến sau khi đọc sách phân trần của bà. Hay là bà viết sách để tự phân trần với chính mình?

Hay là vì… tiền? Vẫn là tiền! Bảo đảm trong hơn 60 triệu người đã bỏ phiếu cho bà, ít ra cũng có 1-2 triệu mua sách về đọc, tìm an ủi, cho đỡ tức, đỡ buồn. Giúp bà gom góp thêm vài triệu. Vớt vát lại việc sau khi thất cử, thiên hạ bất thình lình thấy bà đọc diễn văn quá dở, không ai trả bạc trăm ngàn đô mời bà nữa.

Theo vài nhà bình luận đã đọc bản thảo, ngoài việc xì ra một vài tin hậu trường lặt vặt, cuốn sách lập lại tất cả những lý cớ mà ai cũng biết, đặc biệt xoáy vào hai chuyện mà đứa trẻ lên ba cũng đã nghe nói: sự can dự của Nga và FBI như là lý do chính khiến bà thất cử. Bà Hillary khiêm tốn, mở đầu bằng cách nhìn nhận cá nhân bà đã phạm nhiều sai lầm, nhưng chỉ là sai lầm về kỹ thuật tranh cử. Điều bà không bàn là một phần cũng tại trong một cuộc tranh luận với ông Trump, tự nhiên có một con ruồi to tướng đậu ngay trên trán bà, khiến bà bị mang tiếng là “chính khách ruồi bu”, mất uy tín phần nào.

Nghiã là bà vẫn không chịu nhìn nhận những lý do cơ bản khiến bà thất cử.

Cách đây vài tuần, hai cựu tổng thống Bush con và Clinton cùng xuất hiện trên TV bàn chuyện làm tổng thống. TT Clinton nói một nguyên lý thật chính xác: việc đầu tiên là phải biết mình tại sao muốn ra làm tổng thống, để thực hiện chuyện gì? Nhiều chuyên gia đã nhận định đó chính là sai lầm cơ bản đầu tiên của bà Hillary. Lý do tại sao bà Hillary ra tranh cử sẽ là đề tài các sử gia tranh cãi dài dài. Không ai biết thực sự tại sao bà ra tranh cử? Bà muốn làm gì cho đất nước? Hay chỉ muốn thoả mãn tham vọng cá nhân? Đối lại, ai cũng biết tại sao ông Trump ra tranh cử bất kể ủng hộ hay chống ông: chống di dân lậu, chống khủng bố thâm nhập, giảm thuế, tái tạo công ăn việc làm, thay thế Obamacare, và... “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Khó khăn lớn nhất của bà Hillary: tiếp tục con đường Obama hay thay đổi?

Trên căn bản, bà có khuynh hướng cấp tiến nên muốn tiếp tục chính sách của ông này. Nhưng cái phiền là chính sách Obama đã đưa đến những “tượng đài thất bại” thật khó triệt hạ.

Thứ nhất, Obamacare đã thất bại nặng khi hầu hết bệnh nhân đều phải đổi hãng bảo hiểm, bác sĩ, nhà thương, thuốc, cách chữa trị, trái với lời hứa của TT Obama, trong khi bảo phí leo thang vùn vụt mà không có triệu chứng nào là sẽ ngưng. Hiện nay có 6,5 triệu người chịu đóng phạt chứ không mua bảo hiểm khiến hàng loạt các công ty bảo hiểm phải khai phá sản hay rút ra khỏi hệ thống exchanges.

Thứ nhì, chính sách kinh tế cũng thất bại khi 8 năm của TT Obama là 8 năm tăng trưởng èo uột lâu dài nhất lịch sử Mỹ, chưa bao giờ đạt tới 3%, khi các tiểu bang kỹ nghệ vùng Đại Hồ vẫn ngụp lặn trong trì trệ kinh tế, với hàng triệu công nhân mất việc hoặc có việc với lương thấp hơn, quyền lợi bớt đi, mà chẳng liên hệ gì đến cuộc khủng hoảng gia cư của TT Bush tại Cali, Nevada, Florida,...

Ai cũng thấy thất bại của Obamacare và khó khăn kinh tế, nhưng không ai thấy giải pháp của bà Hillary, vì hình như bà cũng… mù tịt.


Trong suốt cuộc tranh cử, bà Hillary chỉ biết hứa hẹn tiếp tục Obamacare, tiếp tục chính sách kinh tế Obama, làm như thể đây là những thành công tuyệt đối của TT Obama không có gì phải thay đổi, một chuyện không thể nào thuyết phục hay thu hút phiếu của cả triệu nạn nhân trong giới trung lưu và thợ thuyền.

Bà không dám trực diện hai thất bại trên, tranh cử với chiêu bài “thay đổi” với những giải pháp mới, chỉ vì như vậy là công khai tố chính sách của TT Obama thất bại, phải thay đổi, trong khi dân da đen, khối cử tri rường cột của DC, vẫn còn tôn thờ Đấng Tiên Tri. Đụng vào TT Obama là mất khối cử tri da đen, tức là có quyền ngồi nhà trông cháu ngoại. Bà chấp nhận sách lược “Obama Nhiệm Kỳ 3” vì không thể không có khối da đen ủng hộ, nhưng như vậy thì lại là lơ là ưu tư của khối thợ thuyền da trắng vùng Đại Hồ.

Lơ là đám thợ thuyền da trắng chính là sai lầm chiến lược khổng lồ đã nhận chìm cuộc chạy đua của bà, bất kể mọi phân bua nào khác. Phải nói ngay, đây không phải là kết luận của kẻ viết ngu ngơ này đâu, mà đó là kết luận của chính khách DC lão luyện nhất chính trường Mỹ hiện nay: cựu TT Clinton.

Trong thời gian vận động tranh cử, bà Hillary rất ít khi đi vận động tại các tiểu bang vùng Đại Hồ, hay có đi, thì cũng chỉ đến những thành phố lớn, ra mắt trong các cuộc mít–ting vĩ đại, bắt mắt trên TV với hàng chục ngàn sinh viên trí thức và dân da đen, da nâu trong rừng cờ quạt xanh đỏ. TT Clinton trong khi đó than phiền không ngừng vì ông cho rằng khối cử tri cần gặp là khối thợ thuyền, là khối cử tri truyền kiếp của đảng DC, mà có một thời đã bỏ đảng, chạy theo TT Reagan, và TT Clinton đã hết sức vất vả mang về khối DC lại. Một mình ông, ông đi vào những tỉnh kỹ nghệ nhỏ, nói chuyện với nhân công các hãng xưởng nhỏ, hay những hãng xưởng bị khó khăn kinh tế, để vận động, giải thích sách lược thất bại của TT Obama, hứa thay đổi.

Bà Hillary cho rằng đây là làm chuyện lắt nhắt, mất thời giờ, phí phạm tiền bạc, và nhất là đi ngược lại thông điệp ủng hộ TT Obama của bà. Bà tin là khối lao động đương nhiên sẽ bầu cho bà, do đó mọi nỗ lực phải tập trung vào 1) khối sinh viên để không cho họ chạy theo cụ xã nghiã Sanders, và 2) khối da đen để không cho họ nản chí không đi bầu vì không còn Obama nữa.

Điều lạ lùng là những dữ kiện trong vài năm gần đây đã phơi bày ra sự bất mãn của khối dân lao động trong các tiểu bang vùng Đại Hồ cho tất cả thiên hạ thấy, mà bà Hillary lại không thấy. Chuông báo động reo ầm ĩ cả mấy năm trước mà bà Hillary vẫn không nghe thấy gì.

Trong vùng Đại Hồ, có 7 tiểu bang kỹ nghệ: Wisconsin, Michigan, Illinois, Indiana, Ohio, Iowa, và Pennsylvania. Ngoại trừ Pennsylvania, còn tất cả đều đã bầu cho một ông CH làm thống đốc trong hai lần bầu gần nhất, 2012-2014. Ai đã bầu cho họ nếu không phải là khối dân thợ thuyền? Tại sao bà Hillary không lưu ý hay tìm hiểu hiện tượng 6 tiểu bang kỹ nghệ chuyển hướng qua CH?

Lúc sau này, TTDC than phiền là ông Trump chỉ thắng nhờ hơn bà Hillary khoảng 70.000 phiếu trong 4 tiểu bang Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, và Ohio. Họ lý luận nếu 40.000 cử tri, tức là hơn một nửa, chuyển phiếu cho bà Hillary thì bà đã thắng cử rồi.Cái này gọi là dùng thống kê để lừa người thiếu hiểu biết.

Nhìn vào tổng số phiếu của TT Obama năm 2008, so với tổng số phiếu của bà Hillary năm 2016 tại bốn tiểu bang trên, ta thấy ông Obama được nhiều hơn bà Hillary tới gần hai triệu phiếu. Nói cách khác, chỉ riêng tại bốn tiểu bang này, đã có gần hai triệu người trước đây bầu cho Obama, bây giờ bỏ đảng DC, không bầu cho bà Hillary nữa. Bà thua vì mất hậu thuẫn của gần 2 triệu dân lao động chứ không phải vì 40.000 phiếu.

Trên toàn quốc, bà Hillary ít hơn ông Obama tới 4 triệu phiếu, nghiã là trên toàn quốc, tổng cộng có 4 triệu người đã bỏ đảng DC, không bầu cho bà. Một phần bầu cho ông Trump, một phần nản chí ngồi nhà không đi bầu.

Đó mới là những con số nói lên sự thật “chuyện gì đã xẩy ra” khiến bà Hillary thua. Bốn triệu người bỏ đảng DC và không bầu cho bà Hillary vì bất mãn chính sách cấp tiến của TT Obama và không tin tưởng vào bà Hillary, chứ chẳng phải vì nghe lời Putin hay Comey gì hết. Tuyệt đại đa số những người “bỏ đảng” này là dân lao động hay dân tỉnh nhỏ, hay cái đám mà TTDC miệt thị là “ít học”, chẳng bao giờ rảnh để coi CNN hay đọc New York Times, và dĩ nhiên chẳng biết Putin hay Comey là ai hết.

Nói đến hậu thuẫn của bà Hillary, không thể không nói đến giới ca sĩ, tài tử Hồ Ly Vọng, và danh hài trên TV. Khi thấy được sự ủng hộ của khối này, bà Hillary vui mừng hớn hở. Bà sai lầm lớn. Điều mà bà không thấy là đối với đại đa số dân Mỹ, nhất là dân lao động, cái đám tài tử, ca sĩ nổi tiếng vẫn chỉ là khối tinh hoa, triệu phú, ăn trên ngồi trước, sống trong nhung lụa, rượu chè, trác táng, trong thế giới ảo của phim ảnh và ca nhạc, chẳng một chút hiểu biết hay cảm thông gì cho những người phải vật lộn với những khó khăn của cuộc sống hàng ngày.

Bà Hillary được sự ủng hộ của những người nổi tiếng này, cuối cùng không phải là cái lợi cho bà vì bị giới thợ thuyền cột bà vào khối tinh hoa luôn, trong khi lạ lùng thay, họ lại coi ông đại tỷ phú Trump như người thông cảm hoàn cảnh của họ. TTDC xúm lại chửi ông Trump ăn nói hồ đồ, thô tục, nhưng càng chửi thì giới thợ thuyền càng thấy ông Trump gần gũi với họ, để rồi cuối cùng dồn phiếu cho ông. Nhất là sau khi bà Hillary nhục mạ khối này là đám bất hảo vô phương cứu chữa.

Lý do cá nhân không kém quan trọng, là chính bà Hillary đã tự hại mình với tham vọng cá nhân quá lớn, ai cũng nhìn thấy bà nghiến răng nghiến lợi bằng mọi cách thực hiện bằng được giấc mộng làm tổng thống, cho dù khả năng yếu kém.

Nhiều độc giả đọc câu này sẽ khiếu nại ngay: sao dám nói bà Hillary khả năng yếu kém? Xin lỗi những vị nào ủng hộ bà Hillary, nhưng sự thật phũ phàng là đúng vậy, khả năng chính trị của bà rất tệ. Bằng chứng? Tất cả TTDC và dân phe ta hiện đang xúm lại chửi TT Trump u mê, ngu dốt, khùng điên, sai lầm vấp váp đủ chuyện. Nếu tệ dở như vậy mà vẫn hạ được bà Hillary thì bà Hillary thông minh, giỏi dáng chỗ nào?

Ta thử nhìn vào thành quả tranh cử của bà. Bà ra tranh cử tổng thống hai lần, cả hai lần đều nắm chắc 99% hy vọng thắng, coi như nằm trong túi. Cả hai lần đều thua. Mà cả hai lần đều thua ứng viên tầm thường, ít hy vọng nhất. Lần đầu, thua một anh tổ chức cộng đồng da đen, với hai năm kinh nghiệm nghị sĩ. Lần sau, thua một tỷ phú ngông, chẳng một ngày kinh nghiệm chính trị, chưa bao giờ tranh cử dù là chức cảnh sát trưởng. Mà ông này chi tiền chưa bằng một nửa bà Hillary. Một lần thì hên xui may rủi, hai lần quả là quá dở, không thể biện giải được.

Một mẫu chuyện nhỏ trong sách. Bà Hillary kể trong mấy cuộc tranh luận trên TV, mỗi lần ông Trump bước lại gần bà là bà rùng mình sởn da gà, nghĩ đến chuyện ông này “chộp bướm bắt chim”. Má ơi, làm như thể ông lão cổ lai hy Trump có thể trước cả chục triệu khán giả bất thình lình nhẩy lại “chộp” bà lão thất tuần Hillary!!! Ngay cả mấy tờ báo lá cải phát chùa tại chợ Bolsa cũng không nghĩ tới những chuyện “xe cán chó” kiểu này. Đó là khả năng suy luận của một tổng thống sao?

Sau khi đại bại dưới tay Trump, bà Hillary vẫn cãi “tôi được hơn ba triệu phiếu mà”. Chỉ chứng tỏ hai lần giúp chồng và hai lần chính mình tranh cử mà vẫn chậm tiêu, không hiểu luật chơi, đi tìm phiếu không đúng chỗ.

Ngoài ra thì bà có thành tích nào?
- “Công tác” chính trị đầu tiên của bà được TT Clinton trao phó là thảo luật cải tổ y tế năm 1992. Kết quả, luật chết trong trứng nước, bị ngay cả phe DC chống kịch liệt, không mang ra quốc hội thảo luận được. Sau đó, suốt hai nhiệm kỳ Clinton, bà không làm gì khác ngoài việc nuốt cục hận, đóng vai vợ hiền, chịu khổ với ông chồng bê bối để còn cơ hội ra làm tổng thống.

- Bà làm thượng nghị sĩ 8 năm, tuyệt đối không có một luật nào được thông qua dưới cái tên “luật Hillary Clinton”.

- Bà làm Ngoại Trưởng 4 năm, đạt kỷ lục bay hơn một triệu dặm bằng máy bay riêng của Nhà Nước với tiền thuế của dân. Thời gian đó, cũng là lúc Mỹ mất Ai Cập, là đồng minh Ả Rập lớn nhất; Mỹ can thiệp biến Libya thành một nước đại loạn vô chính phủ từ đó đến nay, chủ trì việc đại sứ Mỹ bị khủng bố giết chết tại Benghazi; và Syria đi vào nội chiến triền miên khiến hơn nửa triệu dân chết.

Bà Hillary cũng chứng tỏ là người muôn mặt. Chống hôn nhân đồng tính, sau đó lại ủng hộ nhiệt liệt để lấy phiếu của dân đồng tính. Vận động cho hiệp ước liên Thái Bình Dương TPP, sau đó chống để vớt vát phiếu của dân lao động bị mất job vì hiệp ước thương mại NAFTA trước đó. Đi đọc diễn văn ca tụng tài phiệt Wall Street, lãnh cả chục triệu, nhưng khi đi gặp quần chúng thì lại hò hét sỉ vả tài phiệt.

Nhìn chung, lý do quan trọng và cơ bản nhất giải thích thất bại của bà Hillary là bà đã đi quá xa về phiá tả.

Trên căn bản, đại đa số dân Mỹ có khuynh hướng trung dung, ôn hòa, nhưng hơi thiên về bên hữu. Nhưng sau những thất bại của TT Bush con (Iraq, khủng hoảng gia cư rồi kinh tế,…), dân Mỹ chấp nhận thử nghiệm chính sách thiên tả của TT Obama. Rồi lại nếm mùi thất bại nữa.

Khi không bầu cho bà Hillary, người dân Mỹ đã xác nhận một quan điểm mà họ đã nói lên ngay sau hai năm đầu của TT Obama: chúng tôi không chấp nhận chủ trương quá cấp tiến thiên tả của ông.

Từ cuộc bầu cử giữa mùa năm 2010 đến cuộc bầu 2016, đảng DC mất Hạ Viện, rồi Thượng Viện, Tòa Bạch Ốc, Tối Cao Pháp Viện, 32 ghế thống đốc, cùng cả trăm dân biểu và nghị sĩ tiểu bang. Tổng cộng khoảng 1.000 viên chức DC bị mất job trong 3 lần bầu cử liên tục. Không có bất cứ can thiệp nào của Putin hay Comey.

Điều lạ lùng đáng nói là thất bại chính trị lớn nhất lịch sử Mỹ này lại xẩy ra trong khi đảng DC được hậu thuẫn tuyệt đối phe đảng của hơn 80% các cơ quan truyền thông như TV, radio, báo chí Mỹ. Một bằng chứng trình độ dân trí của dân Mỹ khá cao, mấy bài báo xuyên tạc của TTDC năm này qua tháng nọ chỉ lừa được đám đệ tử phe đảng, không lừa được đại đa số dân Mỹ.

Không phải là bà Hillary không ý thức được tiếp tục con đường Obama khó hấp dẫn thiên hạ. Bà cũng rất muốn chuyển về phiá hữu lại phần nào. Nhưng cái đại nạn của bà là cụ xã nghiã Sanders.

Cụ này bất thình lình từ trong cơn mê, tỉnh ngủ, ra lay động giới trí thức sinh viên thiên tả, và bất ngờ được hậu thuẫn mạnh. Đe dọa bà Hillary một cách cực kỳ nguy hiểm.

Để chống đỡ, bà Hillary không có lựa chọn nào khác, đành phải chạy qua phiá tả trở lại, ủng hộ nhiều chương trình cực tả hoàn toàn viễn vông, không tưởng của ông Sanders, như tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ, xoá cả trăm triệu nợ cho sinh viên, tất cả hệ thống giáo dục miễn phí, ân xá hết di dân lậu, hướng về hệ thống y tế Nhà Nước,... Trong khi phải bám chặt hơn nữa vào khối dân thiểu số, mà không chú tâm hơn vào khối lao động được. Đưa đến hậu quả bây giờ phải ngồi viết sách phân bua và than thở.

Chủ đề căn bản của cuốn sách mới là việc đổ thừa Nga và ông Comey phá.

Bà Hillary tố Nga thâm nhập hệ thống emails của Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC, hại bà. Chuyện này xẩy ra tháng 7, 2016, khoảng nửa năm trước bầu cử, khi đó bà Hillary còn đang tranh cử với cụ Sanders, không dính dáng gì đến ông Trump hết. Kết quả bà vẫn hạ được cụ Sanders chứ có thiệt hại gì đâu?

Công bằng mà nói, ít ra cũng phải chờ kết quả điều tra của công tố đặc biệt Mueller. Khi đó, ta sẽ bàn thêm sau.

Bà Hillary nói “cho đến một ngày trước ngày ông Comey tung tin mở lại cuộc điều tra về email của bà, vào ngày 28 tháng 10, thì bà coi như chắc ăn, sau khi ông Comey tung tin ra, bà bị mất hậu thuẫn luôn cho đến ngày bầu cử”. Fake news! Một diễn đàn tổng hợp tin các báo lớn nhất, Real Clear Politics, cho biết tỷ lệ hậu thuẫn trung bình của bà Hillary lên tới cao điểm 49% ngày 18 tháng 10. Sau đó rớt đều đặn mỗi ngày tới ngày bầu cử, ba tuần sau. Có nghiã là hậu thuẫn của bà đã bắt đầu rớt từ 10 ngày trước, chứ không phải sau khi ông Comey mở lại cuộc điều tra.

Một điều bà Hillary né không nói tới là tại sao lại có vụ điều tra? Nếu bà không có gian ý đặt hệ thống email riêng tại nhà, thì đâu có ai điều tra gì, và ông Comey làm sao hại bà được?

Cuộc điều tra là hậu quả của việc làm gian trá của bà Hillary. Bà Hillary khôn quá mất ngoan. Đặt hệ thống email riêng tại nhà để không ai biết mình làm gì, che dấu những chuyện bất lợi để bảo đảm thắng lợi. Rốt cuộc chính cái che dấu này đã hại bà. Không ai biết bà đã thực sự trao đổi những gì với ai vì bà đã xoá biến hơn 30.000 emails, nhưng chính vì không ai biết gì nên không ai tin bà nữa.

Nhắc lại chuyện xưa, TT Nixon bị ép từ chức vì xoá 18 phút thâu thanh cuộc thảo luận về Watergate với các phụ tá. Cái tội của ông chính là vì ông xoá vết tích tội lỗi, không ai biết ông đã nói gì. Dân không tin tưởng, mất job. Bà Hillary bước vào vết xe đổ, mạnh tay hơn, xoá tới 30.000 emails, không ai biết bà trao đổi gì với ai. Dân không tin, không bầu.

Lãnh tụ khối thiểu số DC tại Thượng Viện, Chuck Schumer, kết luận rõ ràng nhất: “khi mình thua một người với tỷ lệ hậu thuẫn chưa tới 40% thì không thể đổ thừa bất cứ chuyện gì, dù là Nga hay Comey. Đó là lỗi của chính mình”.

Nếu có một bài học có thể rút tiả được thì đó là bà Hillary đã thua không phải vì ông Trump giỏi hay được hậu thuẫn mạnh, mà chỉ vì chính bà đã quá tệ. Trong hai người tệ, bà Hillary đoạt giải... tệ hơn. (27-08-17)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

0 comments:

Powered By Blogger