Wednesday, February 10, 2016

Trung Quốc bắt đầu "siết cổ" ngành Hàng không Việt Nam

Với những người bình thường nghe tin tàu bay “lạ” xâm nhập, bay lộn xộn trong vùng thông báo bay (Flight Information Region) Hồ Chí Minh của Việt Nam có lẽ cũng chỉ có cảm xúc đã “chai sạn” như thông tin “tàu lạ” xâm phạm vùng biển, đâm chìm,giết chết ngư dân VN… Thế nhưng với nhiều người biết ít nhiều về nghề Hàng Không thì khó tránh khỏi một cảm giác “ớn lạnh”. Tối hôm 8/1, cục trưởng cục HKVN Lại Xuân Thanh nói với phóng viên: “TQ đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay”!
Giao thông Hàng Không đòi hỏi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Tức là, ngoài có đủ các yếu tố an toàn nội tại như máy bay, người lái, thông tin, điều hành… cũng phải có môi trường khách quan an toàn tuyệt đối.Mà muốn an toàn tuyệt đối thì bầu trời phải tuyệt đối yên tĩnh, được kiểm soát chặt chẽ. Ngược lại, nếu máy bay bay vào vùng trời tranh chấp,lộn xộn, không có kỷ cương thì còn bất trắc, mà đã bất trắc thì có mấy ai dám bay vào, qua đó? Gần đây nhất chiếc Being 777 MH 17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ ở vùng trời “bất trắc” miền đông Ukraina làm 240 người thiệt mạng là một ví dụ. Đã có rất nhiều máy bay bị bắn hạ, tai nạn “bí hiểm” khi bay qua những vùng trời không tuyệt đối yên tĩnh.
Ngày 23/7/1954 chiếc C54 của hãng Cathay Pacific (Hongkong) bị quân đội Trung Quốc đóng ở đảo Hải Nam bắn hạ làm 19 người thiệt mạng trên đường bay quốc tế từ Bangkok trở về Hongkong. Chiếc Boeing 747 của Hàn Quốc cũng bị máy bay MIG 15 của Liên Xô bắn rơi ở gần đảo Sakhalin (Nga) làm 269 khách chết khi đang bay từ Anchorage (Alaska-Mỹ) về Seoul. Máy bay chở khách Boeing 727-200 của Libya bị quân đội Israel bắn rơi trên bầu trời “không yên tĩnh” bán đảo Sinai (Ai Cập) ngày 21/2/1973 làm 108 người thiệt mạng...
Tóm lại, những máy bay thương mại là mồi ngon cho đạn, tên lửa và sự va chạm với các vật thể khác không được nhận diện, cảnh báo trong bầu trời không yên tĩnh, “vô kỷ cương”.
Từ ngày 1/1 đến ngày 8/1/2016 Trung Quốc đã biến vùng thông báo bay phía nam (FIR Hồ Chí Minh) của Việt Nam vốn yên tĩnh đã trở thành hiểm họa, bất trắc với 46 chuyến bay không thông báo, bay lộn xộn không có điều hành của chức trách Hàng Không Việt Nam. Máy bay TQ đã bay cắt ngang các đường bay nhộn nhịp L625, N892, M771 từ điểm báo cáo DONA đến ALDA.
Vùng trời Việt Nam có hai FIR là Hà Nội và HCM rộng khoảng 1,2 triệu km2. Tại hai vùng thông báo bay này bộ quốc phòng, ngành HKVN thay mặt nhà nước Việt Nam quản lý vùng trời cung cấp các dịch vụ bay như thông báo tình trạng thời tiết, các sân bay trong khu vực, nhận các thông báo sự cố của các chuyến bay và điều hành máy bay đi đúng đường bay, mực bay…để không va chạm các máy bay khác. Tức bất kỳ một chuyến bay nào bay tới, bay qua FIR đều phải thông báo (nếu là chuyến bay thường lệ) hoặc xin phép để được theo dõi cung cấp các dịch vụ an toàn, điều hành…
FIR HCM là vùng thông báo bay cực kỳ quan trọng của VN, mỗi ngày có 1.500 chuyến bay bay đi, đến, quá cảnh Việt Nam thì tới hơn 60% số chuyến bay qua FIR này.
Phần lớn các chuyến bay từ bắc Phi, Trung đông, châu Âu, nam Á,trung, nam Âu…bay tới Hongkong, đông nam Á, Nhật Bản, Nam Hàn và ngược lại bay qua FIR HCM. Đường bay A1 từ bắc Á qua Đà Nẵng sang Đông Nam Á, Đông Bắc Á… và ngược lại hàng ngày có hàng trăm chuyến bay quá cảnh, mỗi chuyến chỉ bay qua 30 km điều hành ít phút nhưng hàng năm thu về số ngoại tệ lớn.
Nay Trung Quốc khai trương sân bay họ mới khánh thành trên đảo Chữ Thập của Việt Nam tất nhiên họ phải bay vào FIR HCM. Họ đã khẳng định nhiều lần ở các diễn đàn là các đảo ở biển đông là của họ đồng thời thiết lập các sân bay, căn cứ quân sự.
Việc họ thiết lập khu vực nhận dạng phòng không chỉ là vấn đề thời gian. Như vậy, tới đây Việt Nam chỉ còn hai lựa chọn:
Chịu mất phần lớn FIR HCM, khi máy bay hoạt động ở đó phải thông báo, xin phép, chịu sự điều hành của TQ để được an toàn hoặc kiên quyết đấu tranh giành lại phần biển đảo, FIR họ ngang nhiên chiếm đoạt.
Phương án này trước mắt sẽ bị khó khăn hoạt động Hàng Không đồng thời mất chủ quyền và nguồn thu rất lớn ở vùng FIR bị TQ quấy nhiễu, ngăn chặn do các chuyến bay đi, đến miền nam Việt Nam, các chuyến bay quá cảnh sẽ né vùng trời nguy hiểm. Dù trước mắt gặp khó khăn nhưng có lẽ không người VN yêu nước nào lại cam tâm để phần lớn FIR HCM - cửa ngõ phía nam, vùng biển mênh mông, tài nguyên phong phú của nước Việt vào tay TQ.
Nhiều năm qua HKVN tiến bộ rất nhanh trên mọi lĩnh vực, VN trở thành quốc gia có ngành Hàng Không phát triển cỡ trung bình khá của khu vực và châu Á nhưng nay đang đứng trước thảm họa. Nếu FIR HCM bị quấy nhiễu hoặc mất hẳn thì HKVN chỉ còn cái cửa rất nhỏ ra thế giới.
Khi hoạt động Hàng Không bị thu hẹp là thảm họa của ngành HKVN. Sân bay, nhà ga, máy bay, cơ sở hạ tầng điều hành, phục vụ thương mại, an ninh… đã đầu tư với những khoản vốn khổng lồ, thậm chí cả sân bay mới Long Thành cỡ “nhất đông nam Á” hàng chục tỷ USD đang xây… trở thành bỏ hoang. Chỉ một máy bay Boeing hoặc Airbus nằm nghỉ một giờ đã tốn cả vài nghìn đô! Hàng không là một ngành khinh tế dịch vụ rất quan trọng của một quốc gia, khi HKVN bị thu hẹp hoạt động không chỉ ngành này thiệt hại chưa thể tính nổi mà kéo theo là đầu tư, du lịch,giao thương, giao lưu kinh tế, văn hóa… của VN cũng gặp khó khăn. Những năm gần đây TQ thường quấy nhiễu gây khó khăn, phiền hà cho máy bay VN bay vào thị trường TQ như bắt bay lòng vòng vô lý, đòi trục xuất cán bộ, nhân viên Hàng Không… nhưng nay sự xâm lăng đang diễn ra tại nhà Việt Nam rồi.

Trung Quốc bắt đầu siết cổ ngành HKVN chăng?

(Nguồn: Việt Nam Thời Báo)

....

0 comments:

Powered By Blogger