Lại một cái tết sắp sửa đến. Nàng Xuân hớn hở khoe sắc giữa muôn vàn mai đào. Mọi nhà mọi người vui tươi tấp nập đi sắm đồ tết, kẻ vác, người xách, nhà nào cũng đầy ắp trái cây bánh mức, thịt thà. Năm nay cũng như mọi năm, một nhóm anh em Thương Phế Binh, kẻ cụt tay, cụt chân, người đui mù lại hẹn nhau ăn tết dưới gầm cầu.
Cái nóng bức của Sài Gòn cùng với bụi bặm quyện vào thân xác của những con người này tạo thành mùi khó chịu cho những ai bất chợt đi ngang qua.
Tắm ư? Thỉnh thoảng dăm ba hôm ghé công viên nịnh hót mấy công nhân chăm sóc cây cảnh, tắm ké được một chút, thay bộ đồ rách, nhờ nước tưới cây giặt hối hả bộ quần áo cho kịp khô bỏ vào cái ba lô cũ rồi lại lang thang trên đường.
Năm nay nhờ Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức Tri Ân, các anh em TPB bất ngờ gặp nhau hẹn hò nên quân số tăng lên nhiều hơn. Những nụ cười méo mó hằn thêm những nếp nhăn đã thể hiện phần nào những gian truân, khổ sở, đau đớn vì những vết thương tái phát khi tuổi già sức yếu, nhất là ăn uống khem khổ, thất thường, bữa no, bữa đói, mất sức đề kháng, bệnh dễ dàng hành trở lại.
Họ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, kể nhau nghe những câu chuyện trên đường đi kiếm miếng ăn. Có người lê lết đi ăn xin, ai cho gì ăn nấy, người nào thương hại làm phước bố thí thì cám ơn, rồi lủi thủi đi xin chỗ khác, sáng nhịn đói, trưa đến nếu có gì bỏ bụng thì tìm đến những bóng mát, ghế đá trong công viên nuốt vội rồi ngả lưng ra ghế đánh một giấc cho bõ mấy tiếng nội bộ, tay chân rã rời. Có người đi bán vé số ngày nào hên hết sớm kiếm được 100$, trừ tiền mướn ghế bố và ăn tối cũng để dành được 50$ phòng khi ốm đau bất tử có một chút để mua thuốc uống. Có lúc xui xèo bị những tên bất lương, mất hết tính người cướp giật nguyên xấp vé số thì coi như ngày hôm đó làm lễ treo niêu. Đây là những người độc hành lang thang kiếm ăn một mình.
Anh em đi chung vài ba người thì sao? Họ cũng chia nhau ra khắp các nẻo đường để kiếm ăn, một mù, một què một cụt. Anh cụt tay thì dẫn anh cụt chân và mù, anh cụt chân thì đờn guitar kèm cái micro loa có khuếch đại, lang thang khắp các bên xe liên tỉnh, hay những chỗ chợ búa, quán xá đông người. Ngày nào nhiều tiền thì mua cơm bụi ngồi ăn với nhau, ngày nào ít tiền thì chia nhau những mẩu bánh mì bán ế giá rẻ, khát thì xin nước của những nhà dọc đường đựng trong cái can 4 lít, không cần nấu sôi, chỉ cần có nước là ực cho đỡ khát. May mắn lắm khi đi ngang qua những chỗ để nước từ thiện cho người lỡ đường mới có nước đá và nước sạch.
Nhóm bán vé số cũng không khấm khá hơn, một ngày đi cả 20 cây số, các nẻo đường phố xá đông người, gặp ai cũng mời chào, trưa đến nếu gần thì kéo nhau vào ăn bữa cơm từ thiện 2000$/1 phần, còn xa thì kẻ mua cơm, người mua chút thức ăn, xúm lại chỗ gốc cây hay bóng mát nào đó ăn cho qua bữa rồi nằm ngả lưng nghỉ chân.
Nhớ lại một lần gặp 2 anh em dìu nhau trên một bến phà, có vẻ mệt mỏi, bước đi từng bước nặng nhọc, tôi đi ngang qua thấy vậy hỏi, 2 anh nhìn tôi ái ngại nói từ sáng tới giờ chưa có gì bỏ bụng mà cứ phải người ca, kẻ đờn đi hết chỗ này đến chỗ khác, nghe vậy tôi thấy xót xa, chạy đi mua cho 2 anh 2 ổ bánh mì thịt và 2 ly nước mía, ăn uống xong tôi thấy 2 anh tỉnh táo hơn nhưng 2 anh vẫn chưa chịu nghỉ, lúc đó là 6g chiều rồi. Tôi đề nghị anh mù cho mượn cái kiếng đen đeo vào nói 2 anh dẫn tôi theo, rồi tự tôi đờn và hát, vì tôi cũng biết sơ về Classic và Flamenco, lại thuộc mấy bài ruột, hơn nữa Trời cũng phú cho tôi một giọng stereo nhưng lại ấm nên sau khi hát xong bản "Cho Người Vào Cuộc Chiến" anh mù ngả nón ra nhận tiền, thì mọi người có vẻ cảm động, ai cũng móc túi ra cho, kẻ ít người nhiều, 2 anh khẽ nói chuyện này với nhau và cám ơn tôi, xong xuôi tôi giã từ ngoắc xe về nhà bạn chờ sáng mua vé về Sài Gòn.
Một kỷ niệm để thấy rằng những người TPB/VNCH là những người đáng thương và đáng phục, họ không hề oán trách cuộc đời, tuy đời ngược đãi họ, họ chỉ biết cắn răng vượt qua mọi đau khổ tủi nhục để kiếm sống qua ngày với một nghị lực sắt thép mà người thường chưa chắc đã có được trong mấy chục năm bị đọa đày...
05/02/2016
0 comments:
Post a Comment