Monday, November 16, 2015

Nhận diện được tên khủng bố chết ở Paris, bắt nhiều nghi can ở Pháp và Bỉ



Cảnhh sát Pháp tuần tra tại thủ đô Paris, ngày 15/11/2015.
VOA / 15.11.2015
Ba nhóm đã thực hiện các vụ tấn công cùng lúc tại các nơi khác nhau ở Paris. Cảnh sát xác định được tên của một trong 7 kẻ khủng bố đã chết – là một người Pháp, 29 tuổi, có tiền án hình sự, đã bị cực đoan hóa cách đây 5 năm.
Một người Pháp khác bị nghi là đồng lõa bị bắt hôm thứ Bảy tại biên giới Pháp-Bỉ, nơi một số kẻ tấn công hôm thứ Sáu cư ngụ, trong đó có tên Omar Ismail Mostefai – tức là kẻ khủng bố thứ nhất đã xác định được tên.
Mấy nghi can bị bắt ở Bỉ
Giới hữu trách Bỉ hôm thứ Bảy đã bắt một số nghi can dính líu đến các cuộc tấn công ở Paris làm ít nhất 129 người thiệt mạng và 352 người bị thương. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Bỉ cho biết đây là những vụ bắt giữ nghi can đầu tiên tiếp theo sau các cuộc tấn công ở Paris đêm thứ Sáu.
Các vụ bắt giữ diễn ra khi cảnh sát khám xét ba căn nhà ở Molenbeek-Saint-Jean, ngoại ô của Brussels, sau khi cảnh sát Paris thông báo cho cảnh sát Bỉ chi tiết của một chiếc xe được những kẻ khủng bố thuê ở Bỉ.
Cảnh sát Pháp nói tên Omar Ismail Mostefai được nhận diện qua dấu vân tay tìm thấy tại hội trường của buổi hòa nhạc Bataclan, hiện trường của vụ tấn công đẫm máu nhất. "Hung thủ được xem là đã bị cực đoan hóa và có hồ sơ về an ninh," Công tố viên Paris, ông Francois Molins nói với các phóng viên báo chí tối thứ Bảy.
Một nghi can thứ hai được truyền thông Pháp gọi tên là "Abbdulakbak B."
Cảnh sát đã biết về nghi can Mostefai



Cảnh sát Pháp kiểm soát xe cộ tại biên giới giáp Bỉ sau các vụ tấn công, ngày 14/11/2015.
Việc công tố viên Paris thừa nhận rằng giới hữu trách có biết về nghi can Mostefai có thể sẽ gây ra những lo lắng rằng các cơ quan an ninh của Pháp đơn thuần là đã quá tải với những mối đe dọa từ các phần tử thánh chiến Hồi giáo đặt ra.
Sau vụ tấn công tại tòa soạn của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, giới hữu trách về tình báo và chống khủng bố của Pháp đã bị kịch liệt chỉ trích là đã không có được những cảnh báo nào trước về một kế hoạch khủng bố, cho dù cảnh sát biết về những kẻ tấn công đó và đã từng theo dõi chúng.
Công tố viên Paris, ông Molins, đã nhanh chóng nhấn mạnh với các phóng viên báo chí rằng Mostefai trong quá khứ không bị truy tố về khủng bố. Các nguồn tin cảnh sát nói với đài VOA rằng nghi can này đã bị truy tố và kết tội mấy lần nhưng chưa bao giờ bị án tù.
Những kẻ tấn công dùng vũ khí nặng
Ông Molins nói rằng những kẻ tấn công dùng "các vũ khí loại chiến tranh," trong đó có súng AK, đai đeo chất nổ hỗn hợp TNT với peroxide ni-tơ. Ông Molins nói các máy thu hình an ninh giúp cảnh sát xác định hai chiếc xe được các hung thủ sử dụng trong các vụ tấn công, trong đó có một chiếc xe thuê ở Bỉ -- chiếc VW Polo – bị bỏ lại ở Montreuil, ngoại ô của Paris.
"Đây mới chỉ bắt đầu của cuộc điều tra, chúng tôi đang thu thập lời khai," ông Molins nói. "Ở thời điểm này, giữ bí mật cho các cuộc điều tra là điều quan trọng."
Hung thủ là 'các di dân'?




Người dân đặt hoa tại hiện trường của một vụ tấn công tại Paris, ngày 15/11/2015.
Ông Molins cũng xác nhận có một hộ chiếu Syria được tìm thấy gần xác của hai tên nổ bom tự sát. Chủ nhân của hộ chiếu là một người đàn ông sinh năm 1990 mà giới hữu trách Pháp không có thông tin nhập cảnh.
Người đứng đầu cơ quan bảo vệ công dân Hy Lạp, ông Nikos Toakas, xác định người mang hộ chiếu đó đã nhập cảnh Liên hiệp Âu châu vào ngày 3 tháng 10, qua đảo Leros của Hy Lạp. Giới chức Hy Lạp này nói: "Chúng tôi không biết liệu các nước khác có kiểm tra hộ chiếu này khi người mang nó đi qua hay không."
Mostefai là một người gốc Algeria sinh ra ở Pháp, cư ngụ tại Chartres một số năm cho đến năm 2012, theo lời của thị trưởng Chartres, ông Jean-Pierre Gorges.
Sơ hở trong hệ thống an ninh
Tiền án hình sự của tên Mostefai gợi nhớ hồ sơ của các hung thủ trong vụ Charlie Heddo – Said và Cherif Kouachi, và tên đồng lõa Amedy Coulibaly –kẻ đã tấn công một chợ thực phẩm Do Thái. Tất cả những tên này đã được tình báo lưu ý, như trong trường hợp của Kouachi – tên này đã sang Yemen từ năm 2009 đến 2011, và có tên trên danh sách cấm bay của cả Mỹ lẫn Anh. Giới hữu trách Pháp hồi năm 2013 quyết định rằng tên này không còn là một mối nguy hiểm nữa, và được cho là có lẽ chỉ đi ăn cắp và bán hàng giả mà thôi.
Một giới chức tình báo Anh nói với đài VOA rằng có một sơ hở về tình báo tương tự có thể đã xảy ra vào lúc đó, nhưng ông nhấn mạnh rằng bất cứ sở hở không xác định được hung thủ sẽ là lỗi chung của toàn châu Âu. Giới chức tình báo Anh đề nghị không nêu tên, nói: "Nguyên gốc, âm mưu, người và hậu cần dẫn đến các cuộc tấn công hôm thứ Sáu trải rộng trên nhiều nước và tất cả chúng tôi đã bỏ sót".

0 comments:

Powered By Blogger