Trần Quốc Việt (Danlambao)
- Mất lịch sử còn hơn cả mất nước - bi kịch chung. Với cá nhân, mất
lịch sử là mất cha mẹ tinh thần sinh thành. Ta như chiếc lá bị lìa xa
khỏi cây cội nguồn, là cánh hoa đã mất mùi hương thân thuộc. Ta mãi là
đứa trẻ mồ côi vì không biết núm nhau tinh thần của mình lưu lạc ở đâu,
không biết bản sắc mình, và kéo dài kiếp người của mình như kẻ lãng du
không bao giờ tìm thấy lữ quán tinh thần để nương trọ. Mất lịch sử là
trôi mãi vô định trong dòng đời xa lạ.
Ta nhìn ta trên gương và hỏi tại sao ta có khuôn mặt với màu tóc này,
nước da nọ, nét mặt kia. Ta không biết ta là ai nên ta bắt đầu đi giữa
cuộc đời như người khiếm khuyết phần hồn, không phải như người của lịch
sử với chiếc bóng thủy chung và vô hình của dân tộc và truyền thống dài
hàng ngàn năm sau lưng mình.
“Chúng ta học lịch sử không phải để biết cách hành xử hay biết cách thành công, mà biết chúng ta là ai.”
(1) Một khi chúng ta mất dấu vân tay lịch sử chúng ta sẽ không bao giờ
tìm lại được hồ sơ bản sắc của mình. Cuộc đời ta rút lại chỉ là hạt cát
được sản xuất hàng loạt chứ không phải là hạt cát sinh ra tự nhiên từ
dòng sông chung đã từng chảy bền bỉ và mạnh mẽ cùng với thời gian.
Mất lịch sử là mất rất nhiều trách nhiệm đáng lẽ ta phải gánh vác. Tại
sao nên yêu nước thương nòi, tại sao bầu bí nên thương yêu nhau khi
chúng ta không cùng chung mẹ lịch sử? Nếu muốn, ta có thể rời xa mãi mãi
vùng đất chung của quê hương để đến những chân trời xa và rồi cuối cùng
tan biến như những kẻ không cội rễ và vô tổ quốc.
Mất lịch sử là nô lệ vĩnh viễn dưới sự đô hộ tinh thần của độc tài và
ngoại bang. Dù sinh ra trong nô lệ và chưa từng bao giờ biết tự do nhưng
chúng ta có thể phát minh ra tự do. Nhưng làm sao chúng ta phát minh ra
lịch sử-sự kết tinh của cuộc sinh tồn và đấu tranh của hàng ngàn thế hệ
trước mình? Chúng ta sẽ tồn tại như những kẻ đi vay mượn lịch sử của
người khác. Tiền lời họ nhận được là sự nô lệ thể chất và tinh thần vĩnh
viễn của muôn thế hệ sau ta-những người mà cha ông họ đã không bảo vệ
được lịch sử.
Mất lịch sử là khởi đầu của quá trình vô danh hóa tất cả từ con người,
quê hương, văn hóa, cội nguồn đến bản sắc tinh thần sâu thẳm nhất của
từng cá nhân. Khi hồn thiêng lịch sử không còn trong tim người, chúng ta
đi về thời mông muội- thời con người bên đống lửa bập bùng bắt đầu vẽ
lên vách hang những hình ảnh lịch sử đầu tiên về sự hiện diện của loài
người.
____________________________________
(1) Lời của triết gia Leszek Kolakowski
0 comments:
Post a Comment