Sunday, March 15, 2015

64 phút dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo tưởng niệm những Người con đất Việt đã lẫm liệt hy sinh ở Gạc Ma Trường Sa ngày 14/3/1988

Ảnh Facebook Suong Quynh

Điểm hẹn: dưới chân Đức Thánh Trần   
 Tôi đến quảng trường Mê Linh vào khoảng 8h45 AM, chọn một vị trí quan sát tốt, tôi nhìn bao quát một vòng quảng trường – tất cả dường như bình thường, vắng lặng: vài người bán nước, mấy người bán vé số, vài khách du lịch tây ta, vài công nhân vệ sinh, và vài anh bảo vệ áo xanh, cả cái lư hương lớn trước tượng đài Đức Thánh Trần cùng không nhang, không khói, không hoa xung quanh, vắng lặng… Và dòng xe cộ chạy vòng quanh quảng trường công viên tượng đài hình bán nguyệt đó vẫn đông đúc chen chúc và ầm ĩ như thuộc thế giới khác hay là cái hàng rào tách biệt quảng trường có Đức Thánh Trần đứng trên cao hơn mười thước chỉ ra Biển Đông… với xung quanh…

Ngoại trừ, dường như, một ngoại lệ: có một nhóm chừng hai ba chục người đàn ông, phụ nữ, thanh niên ngồi khá lặng lẽ dưới chân, phía sau và trong bóng mát của tượng đài Hưng Đạo Đại vương.

8h55, một người đàn ông lấy ra một bó nhang to, ông lặng lẽ châm bó nhang rồi kính cẩn đứng trước tượng Trần Hưng Đạo giơ cao bó nhang bắt đầu nghi ngút khói và khấn, rồi lần lượt một mình cắm hết bó nhang vào lư hương lớn… như xin phép được khấn cầu với Đức Thánh Trần điều gì… Lư hương bắt đầu nghi ngút khói trước tượng đài…

Lúc đó, từ ba phía, tôi thấy các lực lượng công an đồng loạt chở nhau đến bằng xe máy xuất hiện đứng thành ba nhóm phía xa: hai bên tượng đài và một nhóm lớn nhất phía đối diện chếch bên phải bến bạch Đằng, bên cạnh bến khách sạn nổi cũ. Mỗi nhóm chừng gần chục người (ở hai bên) và hơn chục người (nhóm đối diện), đếu gồm đủ sắc phục côn an: vàng (cảnh sát), xanh lá cây (công an khu vực), xanh dương (côn an trật tự)..., một số (chỉ huy) có lăm le bộ đàm, một số đầy đủ súng đạn và mặc cả áo chống đạn màu nâu đen…

Sau đó, gần ngay trước 9h00, nhóm người ngồi sau tượng Trần Hưng Đạo đứng dậy ra phía trước tượng đài, cùng lúc có mấy người chở đến hai vòng hoa lớn trên giá đứng cao chừng hơn 1 mét, họ kính cẩn đặt hai bên lư hương. Rồi họ lấy ra hai biểu ngữ lớn, 4 người đàn ông đứng lặng lẽ căng chúng ra dưới chân tượng đài. Một biểu ngữ màu đỏ chữ vàng rộng khoảng trên 1,5m cao khoảng 60cm chữ vàng: “Đời đời biết ơn 64 liệt si anh dũng hy sinh tại Gạc Ma – Trường Sa ngày 14/3/1988”. Một biểu ngữ màu xanh dương (rộng chứng 1,5 m cao chừng hơn 1 mét) chữ trắng nhỏ dày đặc, tôi không đọc được, nhưng biết đó có lẽ là danh tính 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma Trường Sa năm 1988…

Ngay lập tức, nhóm người thu hút được khá nhiều người ở khu vực quảng trường tụ đến, tạo thành đám đông khoảng trên năm chục người (không tính các lực lượng côn an cũng ít nhất chừng đó đứng vây quanh nhưng cánh xa khoảng hai chục mét). Và họ xếp hàng ngang nam nữ trẻ già trước tượng đài dưới hai băng rôn và bên hai lẵng hoa lớn rực rỡ đó, đứng giữa là một người tôi biết: giáo sư Tương Lai, và hình như bên cạnh là Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu)?

Hơn 40 phút dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo

Ông Giáo sư Tương Lai phát biểu. Vì đứng cách xa (giữa họ và côn an) nên tôi không nghe được, chỉ thấy thỉnh thoảng mọi người vỗ tay, hai ba lần gì đó. Một lúc, gió từ hướng đó về phía tôi và tôi nghe thấy ông T.L nói đến đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Trường Sa được đảng hứa sẽ xây ở Khánh Hòa…và ông tâm đắc với ai đó gọi là đài tưởng niệm trong lòng dân (sic! Lòng dân là lòng dân chứ, Nó ở khắp muôn nơi, tại sao lại là ở Khánh Hòa thôi? Nếu Lòng dân được hiển hiện thì nó phải ở trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứ? Sao đảng không cho xây đài tưởng niệm ở ngay Trường Sa đi?)

Rồi ông râu tóc bạc và thấp hơn (mà tôi nghĩ là Hà Sĩ Phu) cùng phát biểu, khá ngắn gọn, và may sao tôi cũng nghe được, ông nói đại ý đề nghị đảng và nhà nước cho xây thêm một đài tưởng niệm các chiến sĩ (VNCH, nhưng ông không dám nói ra) hy sinh ở Hoàng Sa nữa. Ý này được, nhưng ông tự làm hỏng nó bằng câu cuối: Tôi chỉ đề nghị vậy thôi, còn xây hay không là do đảng và nhà nước quyết… (sic, thế là hỏng cả buổi lễ…)

Nhưng dù sao tôi cũng thấy rất trân trọng những gì đã diễn ra, khoảng trên dưới 30 phút, “trong vòng vây” và trước sự chứng kiến của 5 lực lượng côn an (lúc này đã đông hơn và thêm màu sác phục mới là xám đen và xám nhạt - chả biết là thứ “côn” gì?).

Và tôi cũng để ý thấy trong đám đông dưới chân tượng Thành Trần lúc đó có rất nhiều mật vụ của các loại côn an chạy xung quanh và len lỏi chụp ảnh, gọi điện báo cáo diễn biến tình hình chi tiết (chúng đều phải hét to vào máy nên tôi nghe lõm bõm…), còn phía xa là nhiều kẻ mặc civil như các sếp đảng, văn hóa gì đó, đứng quan sát từ xa và chỉ đạo các chân tay nghe ngóng, báo cáo, chụp hình quay phim…

Sau phần phát biểu, chụp hình, mặc niệm tưởng nhớ, đoàn người với biểu ngữ và hoa trước tượng đài Trần Hưng Đạo đã thắp rất nhiều hương nhang cháy nghi ngút cả phía dưới chân tượng đài, trong đó có những thanh nhang đại trang nghiêm. Tôi thấy tượng đài thay đổi hẳn, không buồn vắng như nửa giờ trước…chắc hương hoa đã bay lên đến tầng cao nơi Đức Thành Trần đứng chỉ tay ra Biển Đông rồi…

Mọi người đã lặng lẽ tản ra về gần hết, chỉ còn thấy hai lẵng hoa, hai tấm băng rôn được buộc vào lư hương (cái màu đỏ) và dán dưới chân tượng (cái mầu xanh dương đậm đà), ở giữa là lư hương nghi ngút… 

Tôi cũng cất bước quay về, xem đồng hồ lúc đó là 9h36. Tôi nghĩ: coi như lễ tưởng niệm diễn ra trong khoảng 40 phút, tính từ 8h55 khi cây nhang đầu tiên được thắp lên và cắm vào lư hương… 

Và tôi chợt nghĩ: tại sao là 40 phút mà không phải 64 phút cho 64 chiến sĩ anh hùng bất tử? Thế là tôi quay lại tượng đài, ngồi ngay dưới chân, phía sau Đức Thành Trần, trầm mặc tưởng niệm và quan sát tiếp.

64 phút trong bóng Đức Thánh Trần

Tôi quyết định ở lại thêm ít nhất 25 phút nữa dưới chân Đức Thành Trần. Và tôi nhận ra ngay rằng, dù lực lượng dân tự phát đến tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, Trường Sa ngày này 27 năm trước, đã ra về hết rồi, nhưng các lực lượng côn an đông đảo hơn họ, lúc này đến cả gần trăm, vây quanh họ thì vẫn còn nguyên, và vẫn giữ nguyên “đội hình chiến đấu”…

“Cuộc sống” trên quảng trường Mê Linh dường như quay trở về như khoảng 1 giờ trước đó, trừ lư hương đang nghi ngút khói, hai lẵng hoa lớn và hai tấm băng rôn dưới chân Tượng đài…, và trừ… lực lượng côn an đủ 5 sắc phục dầy đặc cả gần trăm người mấy lớp vẫn giữ nguyên đội hình căng thẳng bao vây… lư hương và hai lẵng hoa, hai băng rôn (hay chúng bao vây Đức Thánh Trần?!). Thật là một hình ảnh lạ lùng. Dừng như họ không biết phải làm gì tiếp, dù “các đối tượng phản động” đã giải tán hết rồi? Họ đợi có bạo động để trấn áp mà thất vọng vì không có chăng? Hay họ còn phải đợi lệnh ai đó có nên tự tạo ra bạo động như ở Bình Dương hay không vì lực lượng tự phát của họ cũng vẫn đủ vài chục kẻ “vãng lai”? Hành động hay không hành động… bắt giam hai lẵng hoa đây? Tôi không biết, chỉ thấy “thương” họ… bơ vơ như chó mất mồi…

Khoảng 5 phút sau, 9h41, gió nổi lên, thổi ra phía Đông (theo hướng chỉ tay của Thánh), làm đổ một lẵng hoa bên tay phải của Thánh… Khoảng một hai phút sau, một người đàn ông từ đâu chạy đến dựng lẵng hoa lên…

Nhưng chỉ khoảng 5 phút sau, lẵng hoa đó lại đổ sấp ra phía bờ sông (vẫn gió từ Tây sang Đông), và dường như ngay sau đó có một cậu trai chừng 17-18 tuổi khoác ba lô, xách túi đồ ăn sáng đi qua – cậu đã dừng lại dựng lẵng hoa lên ngay ngắn như cũ… (Tôi thở phào, chỉ muốn chạy ra ôm ghì lấy cậu vào lòng…)

Đằng sau tượng đài, phía bên kia hồ nước và phía tôi ngồi, có hai cô gái Tây du lịch ngồi “tự sướng” bằng cây chụp hình tự sướng - họ lấy tượng Thánh Trần làm nền, từ phía sau, hay chỉ lấy hồ nước, tôi không biết, những tôi thú vị quan sát họ, thay đổi với việc quan sát các lực lượng côn an đang giữ nguyên vị trí khắp xung quanh…

Rồi một cậu bé nhí nhảnh chừng 12-13 tuổi vác một bộ chân máy ảnh chạc ba cao cả thước, với một cái máy ảnh bự loại rất pờ-rồ vào công viên quảng trường… tự sướng. Cậu lấy chính hình Đức Thành Trần đang chỉ tay ra sông làm nền cho mình rồi chụp tự động cho mình (tự sướng) rất vô tư và pờ-rồ. Cậu không để ý đến hai lẵng hoa và băng rôn trên lư hương. Gió Tây lại nổi lên và lẵng hoa lại đổ sập, lần ba, còn cậu vẫn tung tăng xung quanh… Tôi thầm cầu mong cậu nhìn đến lẵng hoa…

Tôi lo thắt bụng khi thấy cậu chuẩn bị sang đường ra phía bờ sông, nhưng cậu đã nhìn thấy băng rôn đỏ trên lư hương với dòng chữ “…64 liệt sĩ anh dũng hy sinh ở Gạc Ma…” và vô thức đưa máy ảnh lên chụp. Rồi cậu chụp lia lịa sang lẵng hoa bên trái… và cậu dựng máy ảnh đó, chạy đến dựng lẵng hoa bên phải lên, chụp nữa… Cậu bé là người thứ ba, thế hệ thứ ba đã dựng lẵng hoa đó lên… Tôi thầm cảm ơn Trời Đất: Có lẽ vận nước Nam chưa bị mạt hẳn… 

Tôi nhìn đồng hồ: 9h56, tôi còn 3 phút nữa để hoàn tất 64 phút trong bóng Đức Thánh Trần của mình hôm nay… Lòng tôi bỗng thấy nhẹ nhõm và vui vui hơn. Tôi không thấy lo buồn như khi đến đây nữa. Xung quanh tôi, các lực lượng côn an vần giữ nguyên vị trí… thây kệ họ! Gió đã ngừng hẳn, hai lẵng hoa vẫn trang nghiêm…

9h59, tôi đứng dậy, ra trước tượng Trần Hưng Đạo Đại Vương chắp tay khấn vái lần cuối. Những cây (6 cây) nhang đại vẫn nghi ngút khói… tôi thong thả bước ra khỏi quảng trường…

Nhưng tôi mới đi mấy bước thì nghe tiếng còi hú inh ỏi và một chiếc xe thùng bạt to đen chở đầy cảnh sát cơ động quân phục đen trang bị đầy mình chạy từ đường HBT ập đến, kéo theo một rờ-mooc rất lạ - đen to như khẩu đại bác không nòng, vòng quảng trường ra phía trước tượng đài thì dừng lại phia bên kia, nơi có nhóm công an đông đảo nhất với 5 loại sắc phục và nhiều người mặc áo giáp chống đạn đang “trực chiến”. Tôi nghĩ, họ phải đưa cảnh sát cơ động đến giải tán hai lẵng hoa sao? Nhưng chiếc xe và rơ mooc đó lại chạy đi – chắc là sau khi nhận lệnh của sếp ngay tại “mật trận”… Tôi ra về và nghĩ, dù chúng có làm gì thì buổi tưởng niệm 64 Chiến sĩ Anh hùng của lòng dân, và 64 phút trong bóng Đức Thánh Trần của lòng tôi cũng đã xong… 

Tôi ngoái lại chân Tượng đài: Gió vẫn lặng, hai lẵng hoa vẫn nghiêm trang hai bên lư hương nghi ngút… Tôi nhìn lên cao: Trần Hưng Đạo vẫn đứng hiên ngang chỉ tay ra Biển Đông, vẫn đang nhắc nhở chúng ta giữ gìn biên cương biển đảo… hay đang chỉ vào lụ giặc Tàu cướp nước?

Nỗi sợ đớn hèn

Tôi về nhà, thấy cậu con trai 17 tuổi đang ăn sáng, tôi lại nhớ cậu bé đã dựng lẵng hoa đổ lần hai ở chân tượng Thánh Trần sáng nay- tay cậu bé cũng xách một túi đồ ăn sáng… Tôi bèn rủ con trai đi hiệu sách Fahasa, chỉ để muốn đi qua quảng trường Mê Linh xem hai lặng hoa và các lực lượng côn an chiến đấu với nhau thế nào rồi?

Khi hai cha con tôi chạy xe qua quảng trường Mê Linh, lúc đó là 10h45, tất cả đã không còn gì nữa. Sạch trơn chu từ cái chân nhang. Chúng đã nhổ đi cả những cây nhang đại còn đang nghi ngút ấy…

Tất nhiên, các lực lượng côn an 5-6 sắc phục cũng đã biến mất.

Tôi ngước lên Đức Thánh Trần trên cao: chắc là Thánh đã nhìn thấy hết. Thấy chúng nó hèn mạt và khiếp sợ giặc Tàu đến thế nào! Chúng đã đẩy 64 người trai trẻ anh hùng đến cái chết bi ai 27 năm trước, mà cũng không dám để Dân tưởng nhớ biết ơn họ cho tử tế! Thấy chúng sợ hãi đớn hèn trước giạc Tàu đến … tự nhổ đi những cây nhang đang nghi ngút khói dành cho cha ông và các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc! 

Thế có khác nào chúng đã dám đạp lên cả Bàn thờ Tổ quốc!
Rồi một ngày mai Dân ta sẽ nhắc lại điều này, với chúng!




________________________________________

(Viết trong giờ Ngọ ngày 14/3/2015 – kính viếng Hương hồn Anh linh của 64 Liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sa ngày này 27 năm trước).

0 comments:

Powered By Blogger