Lương bộ trưởng 14 triệu đồng
Lương công chức đang thấp, bộ trưởng cũng chỉ 14,4 triệu đồng/tháng, nên đời sống khó khăn, Bộ trưởng Nội vụ trả lời chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) băn khoăn
tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu. "Bộ trưởng nhận định đây là
do sự chưa gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo, vậy Bộ trưởng tham mưu
cho Chính phủ như thế nào?"
Thêm chuyện đạo đức công vụ xuống cấp, "không chỉ nhũng nhiễu, giờ lại thêm bệnh vô cảm", ông Cương nói.
Giải pháp cho tình trạng bổ nhiệm ồ ạt trước hưu do Bộ trưởng Nguyễn
Thái Bình đưa ra lại liên quan nhiều đến công tác thi đua khen thưởng.
"Phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, giải trình của công
chức, viên chức, phòng chống tiêu cực về thi đua khen thưởng, đẩy mạnh
cải cách hành chính, công vụ công chức, người đứng đầu có trách nhiệm
gương mẫu, thường xuyên kiểm tra đánh giá tại đơn vị, xử lý nghiêm minh
về thi đua khen thưởng".
Ông Bình thừa nhận có hiện tượng vô cảm. "Cán bộ cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất phải đặt mình vào vị trí của người đi xin, bác sĩ phải
đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân".
Nhưng theo ông, "trong thực tế rất khó bởi 'vô cảm' thuộc phạm trù
đạo đức, văn bản pháp luật chỉ ở mức độ cấm cái này cái kia. Cơ bản cán
bộ, công chức phải có ý thức, trách nhiệm cao...".
"Pháp luật có nghị định cấm cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu cho nhân
dân, thực hiện điều này chính là chống bệnh vô cảm. Đồng thời tăng
cường giáo dục tư tưởng cho cán bộ, xây dựng phẩm chất hết lòng phụng sự
Tổ quốc, nhân dân".
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì nhận định "pháp luật đã có nhưng cán
bộ vẫn muốn tự 'đẻ' ra thủ tục để gây phiền hà", và muốn biết ý kiến của
Bộ trưởng cũng như thông tin bộ ngành nào làm chưa tốt việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chỉ trả lời phần sau của câu hỏi bằng cách
hứa sẽ cung cấp bộ tài liệu chỉ số cải cách hành chính PAR-Index mới
nhất đến từng ĐB. Do câu trả lời này chưa trúng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh
Hùng phải nhắc lại phần đầu câu hỏi.
Lần này thì ông Bình nói: Cải cách TTHC là quyết tâm rất cao của Chính
phủ, đã ban hành 25 nghị quyết để đơn giản hóa các thủ tục. Còn những
thủ tục chưa đơn giản được thì liên quan đến các luật và văn bản dưới
luật, Chính phủ đang tiếp tục xử lý. Ngoài trung ương, từng bộ ngành,
địa phương cũng phải rà soát những thủ tục ban hành không đúng.
Không nhận mình yếu kém
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) hỏi lại vấn đề đã bị khất kỳ họp trước: tỉ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) |
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết chưa có số liệu đánh giá của năm 2014.
"Tổng hợp tương đối đầy đủ số liệu của năm 2013, công chức hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 58,08%, hoàn thành
nhưng còn hạn chế năng lực 4,94%, không hoàn thành 0,46%. Viên chức hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt 50,14%, hoàn thành
8,06%, không hoàn thành 0,24%".
23 bộ ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào đánh giá không
hoàn thành nhiệm vụ. 7 bộ ngành, địa phương báo cáo không có viên chức
nào không hoàn thành...
Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận "các quy định rất cụ thể, đầy đủ nhưng thực
tế sau khi có số liệu các bộ ngành, địa phương đưa lên, dư luận đã không
đồng tình".
Theo ông, nguyên nhân là "chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong
từng cơ quan đơn vị chưa đồng đều, bố trí phân công công tác chưa rõ
ràng. Các cơ quan chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc
thực thi nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh và có cơ sở đánh giá
phân loại. Tinh thần phê và tự phê bình của cán bộ chưa cao, còn tồn
tại tư tưởng 'dĩ hòa vi quý', nể nang. Cũng có những người tự đánh giá
nhận xét thiếu trung thực, không nghiêm túc, thường xuyên có tâm lý
không nhận mình yếu kém. Những người đứng đầu cũng chưa thực hiện đầy đủ
thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác này".
Rút kinh nghiệm trong Bộ Nội vụ có đơn vị làm lại 5 lần mới đạt, ông cho
rằng giải pháp quan trọng nhất là "người đứng đầu phải làm gương, dám
chỉ ra những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Chờ thời điểm thích hợp để tăng lương
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi về "chính sách tiền lương
bất cập, thiếu công bằng, chưa minh bạch, không tạo được động lực cho
người lao động tích cực có trình độ, năng lực làm việc".
Bộ trưởng Thái Bình cho hay: Từ 2003 với 9 lần tăng lương cơ sở, mức
lương này hiện là 1.050.000 đồng, mức tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng,
nhưng vẫn chỉ bằng 50,5% lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
"Kể cả ngạch, bậc, phụ cấp vào vẫn thấp, người mới tốt nghiệp ĐH
lương chỉ 3,36 triệu đồng/tháng, bộ trưởng 14,4 triệu đồng, đời sống khó
khăn".
Kinh tế đang khó khăn nên phải chờ thời điểm thích hợp để điều chỉnh
tiếp lương: Trước dự kiến 3 phương án tăng lương năm 2015 là 12% (tức
tăng 140.000 đồng/tháng, lên 1.290.000 đồng, tổng kinh phí 48 nghìn tỷ
đồng); 10% (tăng 115.000 đồng/tháng lên 1.165.000 đồng, tổng kinh phí 40
nghìn tỷ), và 8% (tức tăng 90.000 đồng/tháng lên 1.140.000 đồng/tháng,
kinh phí 32 nghìn tỷ".
Nhưng do khả năng ngân sách không bố trí đủ nguồn cho cả 3 phương án nên
Chính phủ trình QH từ ngày 1/1/2015 tăng 8% cho những người nhận lương
hưu và người lương quá thấp, tổng kinh phí 11 nghìn tỷ đồng.
0 comments:
Post a Comment