Tuesday, December 9, 2014

Phổ Thông Đầu Phiếu Kiểu… “Đảng Cử Dân Bầu”!

Sau khi đã nếm mùi tự do, Hồng Kông sẽ không bao giờ chấp nhận một nền dân chủ giả tạo

Robert Boxwell nói rằng dù ngoài đường không còn bóng dáng người biểu tình nữa, cuộc tranh đấu đòi phổ thông đầu phiếu của họ sẽ vẫn tiếp tục.
By Robert Boxwell / PBD dịch
Nhiều người ở Hồng Kông nhận ra rằng một đời sống phong phú không phải lúc nào cũng có nghĩa là làm thêm tiền. Họ có thể không còn chiếm cứ đường phố nữa, nhưng họ không bao giờ từ bỏ tư tưởng dân chủ. Hình: AFP
Tôi có mặt tại Bangkok hồi Tháng Năm 1992, chỉ có vài cây số cách nơi 100.000 người Thái tụ tập biểu tình phản đối việc bổ nhiệm tướng Suchinda Kraprayoon làm thủ tướng. Suchinda là một trong những viên tướng quân đội đã mở cuộc đảo chính vào năm 1991 để lật đổ một chính phủ mà quân đội rêu rao là đầy dẫy những nhà chính trị tham nhũng  - “giàu có bất thường” là cách gọi những người này trong tiếng Thái.
Các cuộc bầu cử mới được tổ chức vào Tháng Ba 1992, mà bề ngoài xem ra vẻ là để đem lại cho người dân một chính phủ trong sạch. Nhưng một liên hiệp gồm các đảng thân quân đội đã “mời” Suchinda làm thủ tướng, dù ông ta không được dân bầu và trước đó ông ta cũng đã hứa sẽ không xen vào chính trị. Ông ta ứa nước mắt mà nói rằng ông ta sẽ “hy sinh” để đảm nhận vai trò này. Hai tuần sau, ông ta lập nội các. Mười một nhà chính trị “giàu có bất thường” lại có tên trong nội các này.

Các thủ đoạn này đã khiến người dân túa ra đường biểu tình tại Bangkok. Người Thái biết ngay đây là nền dân chủ giả tạo.
Vào một buổi chiều rảnh rỗi, tôi thuê xe đi xem biểu tình. Khi người tài xế trung niên mặc đồng phục biết nói tiếng Anh cùng tôi đến gần và nhìn thấy đám người biểu tình rầm rộ, người tài xế bỗng trở phấn khởi và đề nghị cùng tôi xuống xe đến xem.
Ông ta cởi áo khoác ngoài bỏ lại trong xe rồi chúng tôi đi bộ đến phía đám đông đang biểu tình và gặp một nhóm thanh thiếu niên đang lăng xăng đi đi lại lại có vẻ thật thích thú. Chúng tôi gợi chuyện và họ cho chúng tôi biết lý do tại sao họ ra đây. Chúng tôi lưu lại chỗ biểu tình này khoảng một tiếng.
Trên đường về, người tài xế nói chuyện thật sôi nổi. Ông ta nói rằng len vào đám đông những người Thái đó là một trong những việc làm hào hứng nhất của ông ta từ trước đến giờ. Tôi nghe ông ta nói mà cảm thấy sung sướng, tựa hồ như mình đã đóng góp một phần nhỏ cho nền dân chủ. Những người được sống tự do có cái thói quen buồn cười là hay nghĩ như vậy.
Sau đó khoảng một tuần, khi trời vừa hừng sáng, quân đội Thái đã nổ súng để giải tán đám đông vốn đã trở nên hiếu động hơn sau một tháng xuống đường biểu tình. Quân đội Thái đã bắn chết mấy chục người dân của họ, gây thương tích cho hàng trăm người khác, và làm cho 60 triệu người dân Thái hết sức thất vọng.
Tôi đã sống và làm việc ở Á Châu trong 20 năm qua, gồm cả một năm tại Hồng Kông, và đã theo dõi sát các cuộc biểu tình đòi dân chủ trong thành phố đó. Có nhiều điểm khác biệt giữa sự việc  tại Bangkok hồi Tháng Năm đó và những gì đang xảy ra tại Hồng Kông – nhất là khi không có quân đội xen vào. Nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Và điểm giống nhau chính yếu là người dân nhận ra ngay thế nào là một nền dân chủ giả tạo, và họ không muốn loại dân chủ đó.
Thái Lan đã trải qua nhiều lần đảo chánh kể từ khi chuyển sang thể chế dân chủ vào năm 1932. Quốc gia này không có ổn định chính trị trong suốt những năm này nhưng vẫn có một điều không thay đổi: Người dân Thái vẫn còn phải tranh đấu cho một nền dân chủ thực sự. Người nào hưởng được dân chủ sẽ không bao giờ từ bỏ. Chính vì thế mà khó có thể tin được là giới lãnh đạo của Trung Cộng lại có thực tâm muốn để cho dân chủ bén rễ tại Hồng Kông bao giờ.
Hãy giả sử Hồng Kông sẽ có quyền phổ thông đầu phiếu vào năm 2017. Nếu vậy thì đến năm 2047, khi hết hạn “một nước, hai hệ thống”, thì sẽ như thế nào? Ba thập niên có một nền dân chủ sống động cho người dân tự quyết định tương lai của họ sẽ bị dẹp đi để thay vào đó bằng chế độ cai trị độc đảng của Bắc Kinh? Chắc khó mà áp đặt được chế độ độc đảng đó. Sẽ không bao giờ nhốt được ông thần đèn dân chủ vào lại cây đèn nữa. Giới lãnh đạo của Trung Cộng, mà ai cũng biết là họ thích tính toán chuyện về lâu về dài, ắt lúc nào cũng đã phải biết như thế rồi.
Nhưng để xoa dịu người dân Hồng Kông đang bừng bừng khí thế phản đối, và để ra vẻ như họ vẫn giữ lời hứa, Bắc Kinh tỏ ra chấp nhận cho phép có một nền dân chủ tại Hồng Kông, miễn là nền dân chủ đó được định nghĩa khác. Hành động này nhìn nhận rằng người dân muốn có dân chủ nhưng lại tìm cách đánh lừa họ để tráo vào đó một nền dân chủ giả tạo.
Việc làm này chẳng lừa phỉnh được ai ở nước Thái Lan còn nghèo thì làm sao có thể lừa được Hồng Kông sung túc, và người dân có trình độ học vấn cao ở đó?
Giới trẻ ở Hồng Kông nhìn vào tương lai thì thấy tương lai thật ảm đạm. Những tay tài phiệt của Hồng Kông nắm trọn vận mạng của họ. Số 1 phần trăm giới này đang làm cho giá bất động sản tăng cao. Các phóng viên ký giả thì bị đàn áp. Sau mấy thập niên nỗ lực chống tham nhũng có hiệu quả, người dân Hồng Kông nghe những lời tuyên truyền chống tham nhũng từ Hoa Lục khoe là đã tóm được 8.000 viên chức tham nhũng mà không khỏi tỏ ra khinh bỉ – Đảng Cộng Sản Trung Hoa có 80 triệu đảng viên. Và nay Trung Cộng nuốt lời về vấn đề dân chủ, vốn là niềm hy vọng duy nhất của đa số người dân Hồng Kông để đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến chính tương lai của họ.
Trong lúc đó, ánh sáng tự do là Hoa Kỳ lại trông tựa hồ như Bản Chứng Cứ A để phe tuyên truyền chống lại dân chủ đem ra rêu rao. Nào là hãy nhìn vào Wall Street lưu manh. Hãy nhìn vào Newtown, Connecticut và Ferguson, Missouri. Hãy nhìn vào chính tiến trình dân chủ. Đó là một cuộc tranh đua do tiền định đoạt để xem ai được lòng nhiều người nhất mà đưa những người bất tài lên cầm quyền và gây hỗn loạn trên đường phố.
Nhiều người ở Trung Cộng cảm thấy vui vẻ chấp nhận chế độ cai trị đó trong lúc này, tạm gác tự do qua một bên để đổi lấy an ninh kinh tế. Người dân yêu tự do tại Hồng Kông đã đạt được mục tiêu đó cách đây vài thập niên rồi. Nhiều người nhận ra rằng một đời sống phong phú không phải lúc nào cũng có nghĩa là làm thêm tiền. Họ tự hỏi Hồng Kông đi về đâu. Họ có thể không còn chiếm cứ đường phố nữa, nhưng họ không bao giờ từ bỏ tư tưởng dân chủ. Và họ muốn có nền dân chủ thật chứ không phải thứ giả tạo.
http://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/1648250/having-tasted-freedom-hong-kong-will-never-settle-fake

0 comments:

Powered By Blogger