Friday, December 5, 2014

Luật sư vụ công an đánh chết người bị đòi thu hồi bằng hành nghề

Công an, Tòa án và Viện Kiểm Sát Nhân TP Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại, vì cho rằng luật sư này xúc phạm nhiều người.
Ngày 4/12, ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản của liên ngành: Công an, Viện Kiểm Sát và Tòa Án Nhân Dân TP Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với LS Võ An Đôn.
Được biết trước các phiên tòa, Luật sư Võ An Đôn là người đã tích cực bảo vệ cho gia đình anh Lê Thanh Kiều, người bị 5 sĩ quan công an Phú Yên tra tấn chết trong nhà tạm giam.
Công văn trên nêu: “Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26/3 đến 3/4, LS Đôn đã lợi dụng việc hành nghề luật sư có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”.

Theo đó, sau khi kết thúc phiên tòa, LS Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Trong đó LS Đôn cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án. LS Đôn đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của LS khi hành nghề.
Công văn cho rằng LS Đôn đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.”
Theo LS Nguyễn Khả Thành, Phó chủ nghiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, ba cơ quan kiến nghị trên đều liên quan đến các đề nghị của LS Đôn tại phiên tòa xét xử vụ năm công an Phú Yên đánh chết người. Tại phiên tòa sơ thẩm, LS Đôn nhiều lần đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa. Tại phiên phúc thẩm, LS Đôn còn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Luật sư Thành cũng cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng, LS có quyền đề nghị khởi tố người có dấu hiệu phạm tội. “Qua theo dõi vụ án, tôi thấy việc LS Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Lê Minh Chánh là có cơ sở, đúng pháp luật.”
Một viên chức của Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, ông Lê Tiến Dũng, Chánh Thanh tra, khẳng định không có căn cứ để thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với LS Đôn. Theo ông Dũng, việc thu hồi thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu có vi phạm) của Đoàn LS tỉnh Phú Yên chứ không phải của Sở Tư pháp.
Về phía Luật sư Võ An Đôn, ông nói: “Tôi rất bất ngờ và bất bình trước bản kiến nghị bởi lời lẽ mang tính quy chụp, không đúng sự thật. Văn bản nói rằng tôi xúc phạm những người tham gia tố tụng nhưng tôi không hề xúc phạm ai.”
“Trong tranh luận ở tòa sơ thẩm, tôi có đề nghị ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên lúc đó phải từ chức vì tôi cho rằng ông này phải chịu một phần trách nhiệm trước sai phạm của cấp dưới. Đó là đề xuất chứ tôi không hề xúc phạm ai. Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh và điều này đúng pháp luật. Thực tế, ở cấp sơ thẩm, ông Chánh không truy tố ông Hoàn nên phải đến khi điều tra lại mới khởi tố.”
Về việc này LS Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng: Hiện nay việc hành nghề của LS còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Nhưng Liên đoàn LS Việt Nam cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên của mình và đồng thời tôn trọng ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện việc này. Luật sư tại Việt Nam vốn có nhiều khó khăn trong hành nghề do vấp phải sự cản trở trong các quy định của pháp luật CSVN, ngăn cản của cơ quan điều tra và công tố, cũng như vai trò của Luật sư trong các phiên xử không được xứng tầm. Mặt khác, luật sư thường có những chỉ trích công khai đối với phía công an, kiểm sát và cả quan tòa, do những vi phạm của họ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Luật sư thường không được họ “ưa” vì vậy và họ sẽ tìm cách gây khó khăn trong vụ án, trong hành nghề sau này và đôi khi ảnh hưởng đến cả quyền lợi của thân chủ.
Trong vụ việc của Luật sư Đôn, những người bị ông Đôn chỉ trích, “yêu cầu khởi tố” là những quan chức công an, tòa án, kiểm sát đương quyền, do vậy, họ đã “đáp trả” lại ông Đôn bằng việc “yêu cầu tước thẻ hành nghề”. Mặc dù những gì ông Đôn làm dựa trên quyền của luật sư, không trái pháp luật, nhưng lại đe dọa tới “ghế ngồi” của những vị đó, nên họ cần phải nghĩ cách vô hiệu hóa ông Đôn nhằm tránh “hậu họa”.
Công lý ở Việt Nam vẫn bị chế giễu “chỉ là diễn viên hài”, do đó, chuyện xử án oan sai, coi thường luật sư, “chơi bẩn” với luật sư không phải là hiếm gặp. Đến khi nào, chế độ độc tài không còn, nền tư pháp được độc lập thì nghề luật sư mới ở đúng vị trí và vai trò cao cả của mình.
Tú Thanh / SBTN

0 comments:

Powered By Blogger