Một độc giả gửi email ghẹo, "tại tôi" phân tích thuật ngữ "tố cáo" [1] và "tố giác" [2], nên công an rút kinh nghiệm "né" cả hai chữ đó, khi bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập vào lúc 14 giờ ngày 6/12/2014.
"Bắt quả tang"?!
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an viết [3]:
"Thông tin về việc bắt đối tượng
Ngày 06/12/2014, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí
Minh đã bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối
với Nguyễn Quang Lập, sinh năm 1956, hộ khẩu thường trú tại căn hộ B505 -
Lô B2 - Chung cư Hoàng Anh - Gia Lai, 37 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo
Điền, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan An ninh điều tra Công an
thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp
luật của Nguyễn Quang Lập để xử lý theo quy định của pháp luật./."
Phải khẳng định lại, một lần nữa, trong luật Hình sự và luật Tố tụng hình sự, khái niệm "đối tượng" không được quy định khi bắt giữ một ai đó. Cách gọi "đối tượng"
là một hình thức cố tình làm mất phẩm giá từ phía công an đối với người
bị bắt giữ dù bất cứ lý do gì [4]. Nói cách khác, công an vi phạm Quyền
Con Người.
Thêm vào đó, căn cứ vào đâu, công an "bắt quả tang" ông Lập?
"Quả" là thực; "tang" là chứng cớ. Điều này có nghĩa, ngay
khi ai đó làm điều bậy với chứng cớ có thực kèm theo và bị "bắt tại
trận" lúc đang hành động.
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội giải thích thêm [5]:
"Trường hợp "phạm tội quả tang" là trường hợp chưa bị khởi tố vụ án,
khởi tố bị can. Khi phát hiện có hành vi phạm tội như: cướp tài sản,
trộm cắp, hiếp dâm, giết người... (những loại tội phạm "rõ", dễ nhận biết) thì bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ và giao cho công an để xem xét, xử lý".
"Nghiệp vụ công an"?!
Trong khi đó, bà Hồ Thị Hồng - vợ ông Nguyễn Quang Lập trả lời BBC [6]: "...có một ông bảo vệ bảo là 'cô ơi, cho xem cái phòng chống chữa cháy nhà cô...". Bà Hồng nói tiếp: "Sau
đó thấy 5, 6 người hùng hục chạy vào cơ, tôi nói 'có chuyện gì mà chạy
vào hối hả thế', một lúc sau họ bảo là bọn tôi bên công an điều tra xét
hỏi cần khám xét và có lệnh bắt anh Lập".
Cách trần thuật của bà Hồng với chữ "hùng hục", "chạy vào hối hả", làm hình ảnh công an viên nom lố bịch và pha chút hài hước.
Nếu quả thật, công an theo dõi và nghi ngờ ông Lập "đang làm vụ gì mờ
ám" ngay tại nhà riêng, tại sao không bấm chuông cửa một cách đàng hoàng
và chính danh, lại phải kêu một ông bảo vệ làm "động tác giả" như thế?
Thậm chí, nếu gia đình ông Lập không đồng ý mở cửa, tại sao không yêu
cầu họ? Làm sao có thể tin một người bị liệt nửa thân thể, đi lại rất
khó khăn, có thể chạy trốn hay chống cự lại? Phải chăng đó là một hình
thức cố tình "đánh tối tăm mày mặt" về tinh thần để cho "đối tượng"
hoảng loạn và chết khiếp (?).
Trò "mèo vờn chuột" cho mệt lử trước khi đưa con mồi vào miệng, trở nên
cũ mòn. Chính công an viên nên suy nghĩ lại thái độ và hành vi không
xứng đáng như thế, bởi nó càng làm cho người dân chán chê và khinh thị
hơn là sợ sệt.
"Chạy như chó nhà có tang"
Đó là ngạn ngữ nói về Khổng Tử với cuộc đời lận đận, khi thì bị ruồng
rẫy, lúc lại được phong thánh, Triết gia Trung Hoa cổ đại cứ chạy loanh
quanh giữa hai thái cực. Nhà văn Phạm Thị Hoài đăng tải bản dịch của
Phan Trinh, giới thiệu bài viết Lưu Hiểu Ba, trong có đoạn [7]: “...Khi
[giáo sư Lý Linh] gọi Khổng Tử là chó nhà tang, ông nhắc ta nhớ rằng ở
Trung Quốc thời Xuân Thu (770-476 trước CN) tầng lớp trí thức đã phải
sống trong bất an, cả trong sợ hãi, tài năng của họ thường không được
trọng dụng, và trong hoàn cảnh đó, một “kẻ có lý tưởng nhưng không tìm
được quê hương tinh thần của mình” thì chẳng khác gì con chó nhà tang mất chủ ngơ ngáo...".
Và thế là, lúc ấy con chó dáo dác, chỉ biết chạy lắng quắng, khi chủ
chết. Tất nhiên, chó chết chủ vẫn may mắn hơn quá nhiều so với chó bị
chủ ghẽ lạnh, hất hủi và tống một đạp vào nó.
Ông Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố [8]: "Tôi đã nhiều lần nói ta với
TQ là láng giềng, phải ăn đời ở kiếp với nhau, xúc đất đổ đi được không?
Ta giữ được độc lập chủ quyền, nhưng cũng phải giữ cho được chế độ, bảo
đảm cho được Đảng lãnh đạo, môi trường hòa bình ổn định để xây dựng,
phát triển đất nước, giữ cho được quan hệ hòa hiếu với các nước, trong
đó có TQ", mặc dù ông Tổng Bí thư ĐCSVN từng bị Tập Cận Bình từ chối
gặp mặt [9] hồi tháng 5 vừa rồi, khi Trung Cộng kéo giàn khoan HD981
vào biển Đông.
Bất nhẫn
Theo lời vợ ông Lập cho thấy, hình như công an cũng vi phạm quá nhiều vào Luật TTHS như: điều 48 (người bị tạm giữ), 64 (chứng cứ), 65 (thu thập chứng cứ), 66 (đánh giá chứng cứ), 82 (bắt người phạm tội quả tang), 83 (những việc cần làm ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt), 84 (biên bản về việc bắt người) v.v...
Thời buổi của thế kỷ 21, so ra chẳng khác mấy thời "cải cách ruộng đất"!
Nhà văn Nguyễn Quang Lập chào đời năm 1956 - đỉnh điểm của "dịch thổ
tả" mệnh danh "trời long đất lở" với sự trả thù tàn bạo, phá nát lòng
nhân ái của người Việt Nam!
"Bắt quả tang" ông Lập đã không thỏa đáng, cho nên khái niệm "khám xét
khẩn cấp" và "tạm giữ hình sự", thiết tưởng không đáng bàn.
Điều làm cho bạn hữu của nhà văn nổi tiếng với bộ phim "Đời Cát" cùng dư
luận xúc động chen lẫn phẫn nộ, khi biết ông tàn phế trong một tai nạn
xe cộ và từng có ý định quyên sinh để không trở thành gánh nặng cho vợ
con, lại bị bắt vào lúc này - thời điểm cuối năm, vốn dành cho những suy
tưởng về thân phận con người và thời cuộc quê hương, sau một năm quá
nhiều ưu mẫn với hiện trạng thê lương! Có đáng phải bắt ông Lập như
thế?!
Một phần tư đã lộ diện?
Hơn một năm về trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho hay [10] "...hôm
19/6 vừa rồi có người trong đoàn “anh Tư Sang” từ Trung Quốc điện cho
ông bảo là “đã có danh sách 20 bloggers có thể bị bắt...".
Khi ông Tạo cho biết như vậy, lúc đó 3 bloggers đã bị "úp sọt": Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy. Từ bấy đến nay, thêm 4 vị đang đối diện điều 258: Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập. Tổng cộng 7 người.
Sau khi "người trong đoàn anh Tư Sang" báo cho ông Tạo biết, 5 ngày sau đó, ông Chủ tịch nước CHXHCNVN phát biểu trước cử tri [11]: "...nếu
không tỉnh táo sẽ thấy xã hội ta đen như mực, không có ông nào tốt
[...]. Một dân tộc anh hùng không lẽ để một vài ngọn gió từ các trang
mạng làm lung lay". Không rõ người tháp tùng ông Chủ tịch nước, một
khi được chỉ ra như là lợi dụng chuyến đi, để từ bên ngoài "bắn tin" dội
về trong nước gây hoang mang, ông Sang có đủ "tỉnh táo" để đưa người đó
ra vành móng ngựa trả lời trước pháp luật? Có thể tin rằng, "tê tệ"
cũng nên quy vào "tội 258"?
Sói sẽ bị chê cười khi con mồi của nó chỉ toàn là "cóc ếch nhái". Bởi
điều đó làm cho sói mất vẻ hung tợn và đáng sợ, thay vào đó, nó bộc lộ
hình ảnh già nua cùng tài săn bắt thui chột. Một hình ảnh bất lực làm
lụi tàn ngay cả tính đe dọa trong nội bộ bầy đàn của nó, khi chính những
"bạn săn mồi" xâu xé vài "con cóc", dù già hay non. Hình ảnh này càng
làm bệ rạc tính uy nghi của loài săn mồi bầy đàn được cho là nguy hiểm
nhất.
Anh Đinh Nhật Uy với án tù treo 15 tháng có lẽ là một hình thức "đánh
dằn mặt cho dân đen sợ", nó không ngán thì... thôi, thả ra. Cô Nguyễn
Thị Minh Thúy sẽ không bị bắt, nếu như ông Nguyễn Hữu Vinh không phải là
"vai chính" trong kết luận điều tra [12] "Vụ án Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn...". Ở đây, người đọc bắt gặp lại cách dùng từ kém văn minh của "đỉnh cao trí tuệ", thông qua chữ "đồng bọn" -
điều đáng phàn nàn, bởi nó nằm trong văn bản mang tính "pháp lý", nơi
vốn dĩ không nên đem từ ngữ "chợ búa" vào. Tại sao giới an ninh không
dùng "đồng phạm" - chữ được công nhận trong hệ thống luật pháp hiện hành (?)
"Loại bỏ" anh Uy và cô Thúy, còn lại "bè lũ 5 tên" [13], tức chiếm đúng một phần tư trong danh sách của... "anh Tư Sang".
Giữa hai làn nước
Có một sự tương đồng đối với Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu
Vinh, Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập: Tất cả đều là người "của chế độ",
đặc biệt ông Thọ - người có nhiều công lao trong công cuộc "kháng chiến
chống Mỹ cứu nước" trước 1975, với thân phận lúc bấy giờ, du học tại
Nhật Bản.
Không hiểu tại sao, dạo này, nhà nước chọn những người như vậy? Phải chăng đó là thông điệp "Giữa Hai Làn Nước"
buộc phải chọn một [14] - bộ phim được làm vào năm 1977, sau khi "giải
phóng" Sài Gòn - mà "đảng ta" muốn chuyển đến cho những ai "đang lung lay" và "đã bật gốc" hoàn toàn niềm tin "mãi mãi đi theo đảng" [15], xem đấy mà làm gương?
Có vẻ, sau 39 năm ngụp lặn "Giữa Hai Làn Nước", người Việt Nam chỉ được phép chọn "con sông màu huyết dụ" mà "bơi lội"?. Bất kỳ ai dù có công hay yêu mến chế độ, lại tỏ ra chán chê nó, cần phải trả giá?
Nhưng biển thì mênh mông và bao la hơn sông. Dù bắt nguồn từ Hồng Hà hay
Cửu Long Giang, các giòng sông cuối cùng đều đổ về biển Đông - nơi mà
toàn bộ người Việt Nam trong và ngoài nước trầm ngâm với tâm trạng ưu
thời mẫn thế! Cần gì phân biệt nguồn cội dòng sông?!
Kết
Đài BBC đặt câu hỏi [16]: "VN sẽ sửa luật hình sự vì nhân quyền?", trong đó ông Nguyễn Đăng Dung, một chuyên gia luật hiến pháp và nhân quyền của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "..."Nói
chung Hiến pháp 2013 của Việt Nam, dưới góc độ một nhà nghiên cứu và
giảng dạy về Hiến pháp, tôi thấy nó có nhiều điểm tốt..."
Có lẽ điểm tốt nhất được quy định tại Hiến pháp thế này chăng (?):
Điều 4:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân,
đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt
Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao
động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân
dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về
những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Giáo sư Đăng Dung cho biết thêm, không chỉ riêng điều 79, 88, 258 phải
thay đổi mà cần phải sửa toàn bộ luật Hình sự và những bộ luật có liên
quan, ông nói: "...Lập pháp do Quốc hội, hành pháp do Chính phủ và
nhất là quyền tư pháp ngày nay xác định rõ là Tòa án, và Tòa án có nhiệm
vụ trước tiên là bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người trước những
thứ bảo vệ khác như trước đây...".
Không hiểu những "chuyên gia soạn luật" hí hoáy sửa các bộ luật ra sao, giữa khái niệm "tam quyền phân lập" vốn có ít nhất hơn 250 năm về trước và điều 4 hiến pháp của nước CHXHCNVN chỉ tồn tại cho đến nay, không đủ 23 năm (?).
Một chú mèo lười không biết làm gì, ngoài việc tự "vui chơi" với chính
cái đuôi của nó, tệ hơn rất nhiều so với lời dạy của Đặng Tiểu Bình: "Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột". Trong khi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại giáo huấn: Đánh chuột đừng để vỡ bình.
Nhập nhằng và bế tắc!
_____________________________________
Tin mừng: Ông chủ Mark Zuckerberg thông báo tài khoản facebook cá
nhân của tôi vẫn an toàn. Vì vậy, xin chia buồn với ai đó từ Hải Phòng
định đột nhập mà bất thành vào ngày 6/12/2014. Thật ra, có thành công
thì cũng chỉ là công cốc, bởi tôi hầu như rất hiếm khi vào đó và cũng
chẳng có "tài sản" gì đáng giá cả. Thật tiếc, một gian nhà trống huơ
trống hoác dành cho một tên ăn trộm!
Chú thích:
[4] tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141205/tphcm-bao-cao-tinh-hinh-gom-nguoi-nghien-ma-tuy/681024.html.
Báo Tuổi Trẻ viết: "TP.HCM đồng loạt ra quân thu gom người nghiện ma túy".
Chữ "thu gom" cho thấy cách nhìn về con người của giới báo chí cũng
không khá hơn giới công an. Trong mắt người CS, chắc người nghiện ma túy
như những "đống rác"? Nếu quả vậy, tội lỗi cần phải chỉ rõ đối với
"những ai" đã gây ra đống rác bộn bề đó, không phải lấy việc "dọn rác"
để trốn trách nhiệm. Thậm chí, người nghiện ma túy ra tay cướp bóc, giết
người, trấn lột, họ vẫn là CON NGƯỜI, không phải "rác" (!).
[11] infonet.vn/Thoi-su/Chu-tich-nuoc-Khong-le-de-vai-ngon-gio-tu-cac-trang-mang-lam-lung-lay/91606.info
[12] anhbasam.wordpress.com/2014/10/30/3072-ban-ket-luan-dieu-tra-vu-an-nguyen-huu-vinh-cung-dong-bon/
[13] Xin mượn cách dùng "bè lũ 4 tên" thời Giang Thanh và "đồng bọn" bị xử (!)
[14] Nhân vật Dũng, nhân vật chính - trong bộ phim "Giữa Hai Làn Nước" -
thợ lặn ụ tàu, trước đây do tổ chức phản động cài lại để phá hoại chính
quyền mới, sau được cuộc sống mới mở hướng trở lại giúp nhà máy bắt bọn
phá hoại (theo Nguyễn Trọng Tạo).
[14] Bộ phim "Giữa Hai Làn Nước" cũng là kỷ niệm của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, ông cho biết: "...khi
làm phim Giữa hai làn nước, quay năm 1977. Thời gian đó, tôi không có
việc làm, phải bán cơm, làm nhiều nghề lặt vặt kiếm sống. Khi được mời
tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, cả nhà mừng lắm, ngờ đâu chỉ được cát-xê
3 đồng/ngày. Tuy nhiên, không vì thù lao ít ỏi mà tôi kém nhiệt tình".
giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/chanh-tin-va-nhung-ky-niem-dong-phim-1871155.html.
[15] Nhạc phẩm "Đảng là cuộc sống của tôi" - nhạc và lời Nguyễn Đức Toàn.
0 comments:
Post a Comment