Monday, November 3, 2014

Tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » tra tấn con tin phương Tây như thế này

mediaNgười đàn ông che mặt nói giọng Bắc Mỹ trong video của tổ chức Nhà nước Hồi giáo phổ biến hồi tháng 9/2014.REUTERS/FBI/Handout - Thu Hằng
 
Đây là câu hỏi lớn mà báo Le Monde cuối tuần đặt ra trên trang nhất. Tờ báo đăng lại một cuộc điều tra của tờ « New York Times » về điều kiện giam giữ mà 23 con tin phương Tây phải chịu từ năm 2012. Tựa đề bên trong của Le Monde gọi là « địa ngục bí mật ».
Bài báo cho biết trong số những con tin bị bắt, có năm người đã bị sát hại, ba người vẫn bị giam giữ, trong đó có một phụ nữ. Họ là những con tin của các quốc gia từ chối trả tiền chuộc. Theo các nhân chứng, những con tin phương Tây thường xuyên bị đánh đập, dìm đầu vào bể nước, tại một loạt hệ thống nhà tù bất hợp pháp do tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » dựng lên. Để tránh những đòn tra tấn dã man trên, họ tìm cách lấy lại hy vọng trong tôn giáo của đám đao phủ bằng việc cải đạo và lấy tên Hồi giáo.
Tại thời điểm nhà báo Mỹ James Foley bị bắt, tổ chức này chưa hùng mạnh. Sau hai năm, trong tay những kẻ thánh chiến này đã có 20 con tin phương Tây để đòi tiền chuộc. Các vụ bắt cóc ngày càng nhiều do nhiều nhóm khủng bố cạnh tranh tiến hành. Ngoài các địa điểm công cộng như những tiệm cà phê internet, các trạm kiểm soát cũng trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Tại đó, đã có 7 công dân phương Tây bị bắt cóc.
Những kẻ khủng bố truy cập máy tính của các con tin, tìm hiểu đời tư và bằng chứng chứng minh họ hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây. Ban đầu, các biện pháp tra tấn dã man chưa có mục đích cụ thể nào. Chính những kẻ thánh chiến cũng không biết chúng sẽ làm gì với những con tin. Họ bị qua tay nhiều nhóm khác nhau, từ các nhóm nói tiếng Anh, sang các nhóm nói tiếng Pháp, theo kiểu thích thì tra tấn.
Cuối năm 2013, những kẻ thánh chiến bắt đầu tập trung con tin tại một địa điểm trong một bệnh viện. Ít nhất là 19 người đàn ông ở chung một phòng 20 m2 và 4 phụ nữ trong một phòng khác. Tất cả, trừ một người, đều là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Cũng từ thời gian này, những kẻ thánh chiến tìm cách thoát khỏi sự vô danh và vận hành theo kiểu nhà nước. Chúng tạo nên một chế độ quản lý phức tạp, trong đó có một tòa án, lực lượng cảnh sát, thậm chí cả một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đã từng buộc những người bán kebab đóng cửa vì bán hàng kém chất lượng.
Chính nỗi ám ảnh quyền lực này cũng đổ lên đầu những con tin. Sau nhiều tháng không đòi hỏi, đột nhiên, chúng nghĩ tới cách kiếm tiền chuộc. Từ tháng 11/2013, mỗi con tin phải cung cấp cho chúng địa chỉ thư điện tử của một người thân để chúng gửi thư đe dọa. Sau đó, chúng bắt đầu chọn con tin theo việc quốc gia có công dân bị bắt có dễ trả tiền chuộc hay không. Những con tin người Tây Ban Nha được ưu tiên hàng đầu. Ngoài thù hận với nước Mỹ, chúng cũng nhận ra rằng Mỹ và Anh là những nước sẽ không chịu trả tiền chuộc.
Các cuộc thương lượng càng kéo dài, điều kiện sống của con tin càng khốn khổ. Hàng ngày, họ chỉ nhận được khoảng một chén thức ăn. Họ chỉ có một tấm chăn mà không có đệm. Một vài con tin tận dụng quần áo cũ kết thành gối. Chật chội, bức bối, đôi khi họ quay sang kình lộn nhau. Để vượt qua được mùa đông Syria, những con tin tìm cách giữ hy vọng. Họ sáng tạo ra những trò chơi từ những gì có trong tay, hay diễn lại những bộ phim mà họ đã xem hoặc nói chuyện về những chủ đề mà họ nắm rõ.
Cuối tháng 5/2014, khi thấy bạn tù của mình được trả tự do, những con tin cuối cùng bắt đầu lo lắng. Họ hiểu ra rằng, số phận của họ phụ thuộc rất nhiều vào mầu sắc cuốn hộ chiếu. Vào tháng 6, còn lại 7 con tin: 4 người Mỹ và 3 người Anh. Họ đều là công dân những nước từ chối trả tiền chuộc. Tổng cộng, còn 15 con tin được trả tự do từ tháng 3 tới tháng 6, với số tiền chuộc trung bình khoảng 2 triệu euro. Hiện tại, còn ba con tin, trong đó có hai người Mỹ (một nam, một nữ) và một người Anh. Tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » đã thông báo Kassig, một người Mỹ, sẽ là người tiếp theo trên danh sách hành hình.
Cảnh sát biết gì về những kẻ thánh chiến Pháp ?
Trong phóng sự điều tra trên, tờ Le Monde cho biết nhiều con tin thường xuyên bị những kẻ thánh chiến châu Âu tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Vậy những kẻ này là ai ? Tham dự một buổi tập huấn với cảnh sát Pháp, phóng viên của Le Figaro phân tích dưới tựa đề : « Cảnh sát biết gì về những kẻ thánh chiến Pháp ».
Bài báo đặt câu hỏi tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » có chiến lược gì để giật dây những thanh niên ảo tưởng, thường xuất thân từ tầng lớp trung hoặc thượng lưu, gia nhập lực lượng thánh chiến. Thực chất, họ là ai ? Ngoài những người để râu dài để thỏa mãn nhu cầu nổi tiếng trong khu vực nơi họ sinh sống, hay một số người khác trả thù vì không vượt qua được các cuộc kiểm tra thể lực hay tâm lý để tham gia lực lượng quân đội hay cảnh sát Pháp, còn có những trường hợp cá biệt tự cải đạo.
Họ bị thuyết phục sang tham chiến tại Syria « để chống tên bạo chúa Bachar khát máu, hay để chơi trò chiến tranh và được chạy trên những chiếc xe địa hình (4X4) ». Ngoài ra, những người Pháp đầu quân cho lực lượng « Nhà nước Hồi giáo » còn được trả lương 700 euro/tháng. Tổ chức này có thừa khả năng tài chính khi nắm trong tay một khu vực dầu mỏ rộng lớn, trải dài từ Alep (tại miền Bắc Syria), tới Diyak (miền Đông Irak).
Nếu phương diện tiền bạc chưa đủ để thuyết phục, xung quanh các nhà thờ Hồi giáo tại Essonne hay Le Mans, tổ chức khủng bố này còn có một đội quân chuyên rao giảng sai sự thật về những đứa trẻ chết ngạt vì khí ga hay những phụ nữ bị cảnh sát của chế độ El-Assad hãm hiếp. Một sĩ quan tình báo nhận xét rằng lợi ích về tài chính cùng với cách đánh vào lòng thương cảm, những người mềm lòng rất dễ bị lôi kéo. Để che dấu khoản « lương » bất thường này, họ làm giả các hợp đồng tuyển dụng, với phiếu lương hàng tháng và giấy chứng nhận lao động.
Thế nhưng, một thực tế khác chờ họ tại chiến trường. Một số người dã man, sẵn sàng chơi đá bóng với thủ cấp của người bị hành quyết. Một số khác thì bị biến thành kẻ đánh bom tử vì đạo chống lại quân đội và cảnh sát Irak. Các cơ quan an ninh Pháp lo lắng hơn từ khi số lượng các nhà thờ Hồi giáo cực đoan đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm nay. Chính tại mảnh đất này sẽ gây mầm cho một kẻ Hồi giáo cực đoan « đơn thương độc mã » và vô cùng bạo lực.
Trên tuần san L’Express, nhà chính trị học Olivier Roy nhận định : « Những thanh niên Hồi giáo cực đoan là những kẻ tự sát ». Ông phân tích Daech là nơi giúp thực hiện « ước mơ » của những đứa trẻ bị quá trình toàn cầu hóa gạt bên lề. Chiến đấu cùng với tổ chức « Nhà nước Hồi giáo », chúng có cảm giác trở thành anh hùng, « bất khả chiến bại » như trong các trò chơi điện tử. Chính vì thế, chúng cảm thấy hạnh phúc được chết trong đau đớn.
Ebola : Cuộc đua chống lại thần chết
Một chủ đề thời sự khác, virus Ebola, được tuần báo Le Nouvel Observateur đề cập trong chuyên mục « Phóng sự ». Dưới tựa đề : « Ebola : Cuộc đua chống lại thần chết », phóng viên của tuần báo đã tìm hiểu tại sao, sau một thời gian tưởng chừng đã kiểm soát được dịch bệnh, virus Ebola lại quay lại hoành hành tại đất nước tây Phi này.
Phóng viên miêu tả điều kiện thiếu thốn của những y bác sĩ và những trung tâm chăm sóc người bệnh tại Guinea, từ giường bệnh tới dụng cụ y tế, từ trang phục nóng như thiêu như đốt dưới ánh nắng chói chang tới sự quá tải người bệnh. Một bác sĩ buồn bã công nhận : « Ebola làm chúng tôi cứng nhắc hơn. Sự đồng cảm, chia sẻ, chăm sóc… tất cả những khái niệm cơ bản trong mối quan hệ giữa người với người đã bị bệnh này xóa sổ ».
Giải thích nguyên nhân của việc lây nhiễm tràn lan, tác giả bài báo cho biết, thứ nhất chính là tục lệ chôn cất người chết tại quốc gia này. Người tham dự đám tang phải sờ vào người chết. Nếu một imam chết, họ phải uống nước rửa cơ thể của ông. Vì theo họ, nỗi sợ tổ tiên còn lớn hơn nỗi sợ Ebola. Thứ hai, tại một số làng quá cô lập và hoang sơ, họ ném đá xua đuổi đội ngũ y tế tới mang thi thể người bệnh đi nơi khác. Trong khi đó, theo phong tục tại đây, người chết phải được chôn cất đàng hoàng. Họ tung tin rằng chính người da trắng mang virus tới, họ mang thi thể đi để lấy nội tạng và loại bột chlore mà họ tung để khử trùng thì bị coi như một thứ bùa phép.
Lý do thứ ba là việc ăn thịt dơi và thịt khỉ, cùng với sự thiếu hiểu biết khi nghĩ rằng nạn dịch chết người là do bị lời nguyền. Lý do thứ tư là sự thiếu hợp tác của người bệnh. Nhiều người từ chối trả lời câu hỏi họ đã đi đâu, tiếp xúc với ai. Đây là những câu hỏi cơ bản giúp các nhân viên y tế hay nhà chức trách cách ly những người đã tiếp xúc với họ và tìm ra nguồn gốc lây bệnh. Cuối cùng, chính là sự hắt hủi của những người thân hoặc hàng xóm. Nhiều người, trong đó có cả trẻ em, đã khỏi bệnh song không được người thân đón nhận.
Thế nhưng, nhà báo cũng nhấn mạnh tới khả năng lây nhiễm của virus Ebola. Dĩ nhiên là nó gây chết người, nhưng không nguy hiểm như virus sởi hay tả. Ebola không lan truyền trong không khí hay trong nước, hay qua quần áo hay da nếu như da không bị tổn thương. Virus này rất yếu và chết trong không khí. Con người chỉ bị nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với dịch từ cơ thể người phát triệu chứng (mồ hôi, máu hay chất thải).
Bóng đen trên cái chết của hai phóng viên RFI
Ngày 02/11/2013, hai phóng viên của RFI bị sát hại tại Kidal, miền bắc Mali. Thế nhưng, trong danh sách những nhà báo bị bắt giữ và sát hại ở nước ngoài, tên của hai nhà báo luôn bị lãng quên. Dưới tựa đề : « Bóng đen trên cái chết của hai phóng viên RFI », báo Le Monde phản ánh cuộc điều tra vẫn giậm chân tại chỗ.
Tất cả những dấu vết thu thập tại chỗ cùng với việc khai thác những bức ảnh của phóng viên quá cố Claude Deltombe chụp ngày 29/10/13, cùng ngày họ bị bắt cóc, vẫn không giúp được các nhà điều tra tìm ra thủ phạm. Ngày 29/10/2014, Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, hứa trước Hạ viện phải trừng phạt tác giả của vụ sát hại này. Ông cũng cho biết là cuộc điều tra đang đi vào giai đoạn quyết định. Các thẩm phán sắp có những bằng chứng cho phép bắt giam thủ phạm.
Cho tới nay, bí ẩn vẫn hiện hữu trên hồ sơ. Như việc một máy bay trực thăng bay trên khu vực lúc vụ bắt cóc xảy ra, hoặc vài phút trước khi lính Pháp phát hiện ra thi thể của hai nạn nhân, một số người, thậm chí có những người ở Pháp, đã được thông báo cái chết của hai phóng viên. Làm sao họ có được những thông tin này ? Thẩm phán Trévidic sẽ tới Mali tháng 1/2015 để làm sáng tỏ vài vấn đề.

0 comments:

Powered By Blogger