Monday, November 24, 2014

Con đường tơ lụa và Việt Nam 2014


Một lần nữa, Đảng CSVN đã đem lại quốc nhục ê chề cho dân tộc, qua sự hèn hạ của Nguyễn Tấn Dũng bên cạnh Hội Nghị Thượng Đỉnh các nước Đông Nam Á vừa qua. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Con đường tơ lụa và Việt Nam 2014" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tổng thống Mỹ đã gặp Nguyễn Tấn Dũng bên cạnh hội nghị thượng đỉnh các nước Ðông Nam Á (ASEAN) tại Myanmar. Tổng thống Mỹ đã gặp Trương Tấn Sang nhân hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Tất nhiên, hai bên đã nói chuyện Biển Ðông và mối đe dọa của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.
Ðiều đáng thất vọng là sau đó ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, không dám nói một lời nào để cảnh cáo Trung Cộng trong âm mưu tiếp tục xâm lấn vùng biển nước ta. Obama nói rằng hai nước đã càng ngày càng cộng tác sâu hơn. Nhưng không thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đáp lại với ý muốn liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, hoặc kêu gọi Mỹ phải đóng vai trò tích cực hơn để bảo vệ an ninh trong vùng Biển Ðông.
Không dám bày tỏ một thái độ mạnh mẽ, Nguyễn Tấn Dũng chỉ lập lại những luận điệu cũ, đủ để làm hài lòng các đồng chí cộng sản anh em. Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: "Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp hòa hoãn và cần thiết, trong vòng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong vùng biển tranh chấp". Nói vậy cũng giống như không nói gì cả. Dũng còn nói thêm rằng các quốc gia trong vùng không nên làm gì cho tình trạng thêm phức tạp và thay đổi nguyên trạng (status quo). Ðiều mà mọi người Việt Nam chờ đợi là một ông thủ tướng nước mình phải lên tiếng phản đối việc Trung Cộng mới thiết lập các phi đạo trên hòn đảo nhân tạo xây trên những tảng đá ngầm trong vùng Trường Sa. Ðó chính là một hành động thay đổi nguyên trạng. Một người đại diện quyền lợi dân tộc Việt Nam cũng phải lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng không được lập lại một hành động khiêu khích, như đem giàn khoan dầu tới trấn ngự ngay bờ biển Việt Nam. Nhắc tới "luật pháp quốc tế" nhưng Nguyễn Tấn Dũng cũng không dám báo cho thế giới biết rằng Việt Nam có thể đưa các bằng cớ lịch sử vững chắc chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà Trung Cộng đã cưỡng chiếm từ năm 1974.
Trong khi đó, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Trường đã mở cuộc tấn công ngoại giao ngay trong hội nghị ASEAN, đưa ra những món lợi nhử các nước Ðông Nam Á để họ chịu quay theo quỹ đạo chung quanh Trung Quốc. Về vấn đề Biển Ðông, Lý Khắc Trường mạnh mẽ hơn Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng "Trung Quốc cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình," trong câu này ám chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa!
Ông Obama đã mượn Bắc Kinh làm nơi gặp gỡ với 11 chính phủ khác bàn tiếp về khối mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP mà không mời Trung Quốc. Ðáp lại ông Tập Cận Bình cũng đưa ra một khối mậu dịch tự do Á Châu Thái Bình Dương khác, (Free Trade Area of the Asia-Pacific hay FTAAP). Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy để kết thúc các hiệp ước mậu dịch tự do với Nam Hàn và Australia, hai nước vùng Châu Á.
Hiện nay Trung Cộng là nước mua bán với các nước ASEAN nhiều nhất. Năm ngoái, thương vụ giữa hai bên đã lên tới 444 tỷ Mỹ kim, tăng 11% so với năm trước. Tại Myanmar, ông Lý Khắc Trường đã đưa ra những đề nghị kinh tế, thương mại để nhử các nước Ðông Nam Á, đối phó với dự án khối Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của ông Obama. Theo ông thủ tướng Trung Cộng, Bắc Kinh sẽ cho các nước ASEAN vay 10 tỷ Mỹ kim với lãi suất thấp. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ dành 10 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, gồm cả các hải cảng trên Ðường Tơ Lụa Trên Biển. Trung Cộng đã gạt ra ngoài không nói gì đến những tranh chấp trong vùng Biển Ðông, mà chỉ nói đến việc hợp tác thương mại. Họ đã đề nghị thành lập một Ngân hàng Ðầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) mà hiện nay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã tham gia dù nhiều nước khác còn chưa tỏ ý. Vì mục đích chính của ngân hàng này là tăng thêm các mối thầu cho các công ty Trung Quốc.
Nhưng Trung Cộng sẽ khó chinh phục được lòng tin tưởng của lân bang. Ông Tra Ðạo Huỳnh, giáo sư Ðại Học Bắc Kinh nhận xét: Các dự án phát triển chung với lân bang của Trung Quốc sẽ giúp đem tiêu thụ các món hàng sản xuất ứ đọng trong nước, như thép và xi măng đang đầy ứ không bán được. Ông không tin rằng chính phủ nước ông có thể thành công khi đem tiền ra nhử. Ông nói: "Nhất là tại các nước Ðông Nam Á, có nhà lãnh đạo nào nghĩ mình sẵn sàng 'khấu đầu' trước một túi tiền nhử trước mắt hay không?"
Nhưng trong số các quốc gia Ðông Nam Á, Việt Nam ở vào vị thế yếu nhất khi đối đầu với Trung Cộng. Lý do vì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn coi Cộng Sản Trung Hoa là chỗ dựa để bảo vệ chế độ vừa tham nhũng vừa bất lực trong việc phát triển quốc gia.
Mặc dầu dân Việt biểu tình khắp nơi chống Trung Cộng xâm lấn suốt mấy năm qua, nền kinh tế Việt Nam trong thực tế vẫn lệ thuộc Trung Quốc. Trong một năm xảy ra vụ HD-981, giao thương với Trung Quốc trong mười tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thêm 22%. Thương vụ năm ngoái lên tới hơn 50 tỷ đô la, tăng 84% so với con số hơn 27 tỷ năm 2010. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dự đoán trong năm 2015 số thương mại sẽ lên tới 60 tỷ đô la.
Chiến thuật của Trung Cộng là vừa dùng mồi nhử, vừa đe dọa các nước nhỏ chung quanh. Trung Cộng đã dùng thói "vừa đánh vừa xoa" đối với Việt Cộng. Họ đe dọa khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội phải đứng ngoài vụ chính phủ Philippines kiện Bắc Kinh; và không dám nói đến việc đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế nữa. Trong chuyến qua thăm Việt Nam năm ngoái, Lý Khắc Trường đã đề nghị Việt Nam cùng làm các dự án đầu tư về năng lượng, trong khi các công ty Trung Quốc đã chiếm hơn 90% các mối thầu xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam rồi. Bắc Kinh cũng đưa mồi nhử Cộng Sản Việt Nam cùng cộng tác trong việc khai thác dầu ngoài khơi. Nếu tham gia các dự án như vậy, Hà Nội sẽ mặc nhiên công nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên các quần đảo đang bị chiếm. Vụ HD-981 là một đòn "đánh" nặng, ngay sau đó là những lời lẽ ôn tồn và các miếng mồi nhử, mặc dầu Bắc Kinh vẫn cương quyết bảo thủ quyền của họ trên biển, như Lý Khắc Trường vừa nhắc lại.
Theo Giáo Sư Carl Thayer, một người chuyên nghiên cứu về Việt Nam, hiện nay trong giới lãnh đạo ở Hà Nội phe thân Trung Cộng đã thắng thế. Nhận xét này đã thấy rõ rệt trong những hành động và lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng ngày hôm qua./.

Ngô Nhân Dụng

0 comments:

Powered By Blogger