Wednesday, October 15, 2014

Bia đá của Quan

Quan muốn dựng 1 bia đá để lại ngàn đời, mới cho mời người thi sĩ nổi danh nhất nước đến bàn việc.

Quan nói: tôi muốn dựng 1 bia đá ghi lại câu thơ Bạn tặng. Phải là 1 kiến trúc hoành tráng, 1 mặt bia ghi tiếng Tầu, mặt kia ghi tiếng Việt. Đây sẽ là 1 công trình để đời. Vậy xin thi sĩ cho vài câu thơ để đời mà để lại cho đời.

Thi sĩ thưa: tôi sẽ cố.

Quan trịnh trọng mở bài thơ ra, đẩy đến trước mặt người ngồi đối diện.

Người thi sĩ xem bài thơ rất lâu, rồi nói: có 2 cách dịch.
Dịch theo nghĩa đen, thì :
                                 sơn thủy tương liên,                             núi sông liền nhau 
                                 lý tưởng tương thông                           cùng chung lý tưởng 
                                 văn hóa tương đồng,                            văn hóa giống nhau 
                                 vận mệnh tương quan                          cùng chung vận mệnh 
xin viết lại cho ra vẻ một câu thơ Việt:
                                                    núi sông liền 1 dẫy
                                                    lý tưởng cùng 1 tông
                                                    văn hóa cùng 1 giống
                                                    số phận theo 1 giòng
Quan thấy thế nào?

Quan xuýt xoa: hay hay, thế anh thấy thế nào?

- Thưa, sơn thủy tương liên ở đây không phải nói về địa dư. 
Vì chỉ cần ngồi máy bay, từ trên cao nhìn xuống thì thấy ngay ta với Tầu 
quả là núi sông một dẫy, không gián đoạn. Điều này chả cần nói tới. 
Cái người ta muốn nói ẩn giấu đằng sau những chữ này, 
và gói trọn trong chữ tương = giống nhau.

Giả như ta và Tầu ngang tài ngang sức, câu này có thể chấp nhận như 
1 thỏa ước cân bằng:
Sông núi, văn hóa của tôi là của anh. 
Sông núi, văn hóa của anh là của tôi.

Nhưng người viết là người khổng lồ Tầu. Và viết trong thế mạnh, 
khiến nó hàm chứa 1 ẩn ý tiếp theo:

Sông núi của tôi là của anh, liệu anh có sức mà chiếm nổi không?
Sông núi của anh là của tôi, liệu anh có sức mà chống nổi không?
Văn hóa của tôi là của anh, liệu bao nhiêu lâu chúng ta sẽ hòa đồng?
Văn hóa của anh là của tôi, hì...
Mà anh tính dậy tôi điều gì đây? Dậy tôi trồng lúa nước?

Viết rõ và đúng ẩn ý của câu thơ, thì câu văn sẽ rất lỗ mãng. 
Xin Quan thứ cho:

                                                Núi sông tao là núi sông của tao, 
                                                lý tưởng tao là lý tưởng của mày,
                                                văn hóa tao là văn hóa của mày, 
                                                số phận mày với tao là một.

Cả 16 chữ này chỉ để nói về chữ tương = giống nhau.
Chỉ để nói về đồng hóa:
rồi sẽ không còn biên giới trên sông núi,
rồi sẽ không còn khác biệt trong văn hóa. 
Sẽ không còn biên cương ở đâu sất cả!

Quan chớp mắt, lắc đầu nói: anh chỉ lo xa, không làm gì có chuyện này. 
Trên chẳng bao giờ sai lời! Ngay chính bác Hồ, trí tuệ nhường ấy mà còn ra công vun đắp tình hữu nghị giữa 2 bên bao năm nay. Ta không có gì phải lo.

Rồi Quan hạ giọng, tâm sự:
Sự nghiệp của tôi đã gần hoàn thành. Tôi muốn để lại 1 dấu ấn, 1 điều gì đó rất... tôi!. Tôi muốn khi nhắc đến tôi sau này người ta không chỉ nhắc đến 1 cái tên, 1 chức vụ, mà như nhắc đến 1 cái gì đó to hơn, đẹp hơn đời thường, đẹp như huyền thoại. Đẹp như cổ tích. 
Lịch sử ta có rất nhiều câu văn đẹp, như Đinh Bộ Lĩnh lấy lau làm cờ, như 
Lê Lợi anh hùng áo vải, như Nguyễn Huệ áo vải cờ đào, như Phù Đổng 
vươn vai... Tôi biết chỉ có nghệ sĩ các anh mới tìm ra những chữ đẹp này.
Anh phải cố tìm cho tôi 1 chữ đẹp, 1 biểu tượng, 1 điều đặc biệt... tôi.

Rồi Quan gãi mũi, cười... khiêm tốn: cứ nghĩ xem, tôi tuy không "vĩ đại" gì,
nhưng mình phải thế nào mình mới làm lãnh đạo bấy lâu nay chứ?

***

Người thi sĩ bắt tay vào việc, hỏi xin Quan vài tấm giấy, 
cầm bút phóng tay viết chữ "tương" trên trang giấy trắng...
Rồi ngồi bất động rất lâu. 

...trong đầu loáng lên câu thơ cổ, cũng dùng chữ tương:
                  Lạc hoa tương dữ hận,
                  đáo địa nhất vô thanh = Hoa rơi xuống đất không thành tiếng
                                                         khóc
                                                         dù một lời, một thanh âm.

Không 1 thanh âm. 
Như những cánh hoa tươi câm lặng rời cành.

Đã bao nhiêu hoa rụng bên trời miền Bắc?
Đã bao nhiêu hoa rụng trên đất miền Nam? 
Đã bao nhiêu kiếp người như hoa bị đọa để nay được Trên ban cho 16 chữ vàng?

Người thi sĩ hít một hơi dài, mắt lạnh như hoa rụng,
tung bút trên trang giấy một hồi, rồi ngửng mặt nhìn Quan hỏi :
- Riêng Quan thấy câu thơ Trên ban thế nào?

- Hay! Dĩ nhiên là hay!

- Vâng, vậy xin đề nghị 1 mặt của bia đá sẽ khắc 16 chữ vàng, 
mặt kia của bia đá sẽ ghi 2 chữ HH.

- Hát hát là thế nào?

-Thưa, HH là hay, hay như chính Quan vừa nói. 
Chỉ cần vài lời gợi ý, ai cũng sẽ thấy HH = hay, hay... 
chưa kể, nó chứa trong đó ý nguyện của Quan. 
Rằng được trên ban cho 16 chữ vàng, thi Quan... hát hát!
HH sẽ được hiểu là Quan hoan hô, Quan hồ hởi, Quan hân hạnh,
Quan hể hả... 
Chỉ cần gợi ý, ai cũng có thể hiểu điều này. Nhất là Trên.

Quan hả hê cười lớn: hay, hay! À không, phải nói thế này: hát hát!
Tôi sẽ cho dựng bia đá theo ý tưởng này.

Quan hân hoan đứng dậy chào tiễn khách, nghĩ bụng:
Ta phải cho xâm 2 chữ này lên trán, để Trên biết ý nguyện ta thế nào...

Từ đó, nhiều Quan cũng bắt chước mà thích 2 chữ này lên trán.

***

Người giúp việc cho Quan vào dọn dẹp, 
thấy tờ giấy người thi sĩ để lại trên bàn, tò mò đọc thì thấy ghi các chữ 
HH = hay hay, hồ hởi, hoan hỷ, hân hạnh, hân hoan, hoan hô, hả hê, hể hả, 
có vài chữ bị gạch xóa, nhưng cuối trang có hàng chữ tô đậm, 
đóng khung: HH = Hàng Hán(g).


Square1

0 comments:

Powered By Blogger