Thiên Nga
_______________
Thiếu Tá Liên Thành kể chuyện
Dân chúng miền Nam, ai ai cũng kinh hoàng khi
nhớ lại hành động bỉ ổi của bọn Việt cộng, lợi dụng những giờ phút linh
thiêng của đêm giao thừa tết Mậu Thân, khi mọi người tin vào lời tuyên
bố hưu chiến của chúng, đang quây quần bên nhau đón xuân, thì chúng xua
quân tràn ngập các tỉnh thành miền Nam, gieo rắc tang tóc cho biết bao
dân lành.
Riêng đối với người dân xứ Huế, khi nhắc đến hai
chữ Mậu Thân, gần như nó không còn gắn liền theo thứ tự của mười hai
con Giáp, mà là một tiếng vọng riêng biệt, có tác động cực mạnh, nhắc
nhở đến một cuộc tàn sát man rợ nhất trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc
tiến công vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, Việt Cộng đã chiếm được thành
phố Huế và kiểm soát trên 20 ngày. Trong thời gian đó, chúng đã thủ
tiêu, chôn sống, giết chết hàng ngàn người dân vô tội. Khi rút lui chúng
cũng đã bắt theo hàng ngàn dân và đã tàn sát tập thể trước khi rút vào
mật khu .
Cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh sự kiện này. Đây là một cuộc tàn sát có chủ đích? - Vậy mục đích đó là gì? - Quy mô cuộc tàn sát nầy đến đâu? - Ai chịu trách nhiệm?
Vụ thảm sát tại Huế rõ ràng bị giới truyền thông
quốc tế lờ đi, chỉ nói sơ qua mà không trình bày tin tức nào cho xứng
đáng với tầm mức thực sự. Cộng Sản Hà Nội đã tìm cách xóa đi những dấu
tích, có bằng chứng hiển nhiên để chối bỏ trách nhiệm và chạy tội, nhưng
lịch sử thì làm sao xóa được..... Lại còn những người dân Huế, những
Quân, Cán, Chính, những người đã sống, làm việc ở Huế trong thời gian
này, mà cuộc tàn sát đẫm máu đó, đã in hằn những nét sâu đậm trong con
tim, khối óc họ, nay mới có dịp thuật lại - Họ là những chứng nhân thầm
lặng rất đáng tin cậy.
Chúng tôi được hân hạnh nói chuyện với cựu Thiếu
Tá Liên Thành, Truởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, Huế. Vào thời điểm Tết
Mậu Thân anh đang giữ chức vụ Phó Trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt. Phần nói
chuyện này chỉ chú trọng đến các tin tức tình báo trước và sau tết Mậu
Thân, các tội ác của cộng sản, chứ không chú trọng đến vấn đề chiến
thuật.
* * *
Thiên Nga:
Cám ơn anh Liên Thành đã đồng ý cho chúng tôi nói chuyện với anh về
biến cố Tết Mậu Thân tại Huế. Cũng giống như anh, tôi là người Huế và
lại tham chiến trong chiến dịch giải tỏa cố đô. Biến cố Tết Mậu Thân và
những điều Việt cộng đối xử với dân Huế đã in đậm một vết nhơ trong lịch
sử dân tộc không thể nào xóa mờ được.
Th/Tá Liên Thành:
Có gì đâu mà anh phải khách sáo cám ơn, anh với tôi đã quen nhau từ hồi
còn đi học,. Ông cụ thân sinh của anh là cố Thượng nghị sĩ Trần Điền,
người bị VC sát hại trong dịpTết Mậu Thân tại Huế, ông là một huynh
trưởng kỳ cựu của Hướng Đạo Việt Nam và cũng là bạn của thân phụ tôi.
Điều tôi thắc mắc là tại sao anh lấy danh hiệu là Thiên Nga, có vẻ con
gái quá, hay là tên cô bồ cũ?
Thiên Nga: Anh
nhắc đến ông cụ thân sinh cũng làm cho mình buồn, hai cụ thân thiết với
nhau cũng giống như anh và tôi. Thân phụ anh là con của Kỳ Ngoại Hầu
Cường Để. Sau ngày 30-4-1975, cụ cũng không thể nào thoát được sự đày
đọa trả thù của bè lũ VC. Còn nói về danh hiệu Thiên Nga thì có gì đâu,
đó là danh hiệu truyền tin cuối cùng năm 1975 của tôi đó. Dùng tên đó
như một kỷ niệm vậy thôi.
Bây giờ chúng ta đi vào đề tài: Huế, Tết Mậu Thân.
Như anh đã biết khi đơn vị quân đội muốn mở một
cuộc hành quân thì phải biết tình hình và lực lượng địch. Điều mà tôi
muốn biết là về phía tình báo của các anh, các anh đã biết gì về hoạt
động và những sự chuẩn bị của VC để tấn công Huế.
Th/Tá Liên Thành: Câu
hỏi của anh rất tổng quát nên tôi phải trả lời hơi dài giòng một tí cho
nó rõ ràng. Như anh đã biết, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên là Khu 11
Chiến Thuật của Quân Khu 1. Năm 1966 theo quyết định của trung ương
đảng CS, chúng gọi hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên là Quân Khu Trị Thiên
và tên được bổ nhiệm chỉ huy đầu tiên là Thiếu tướng Trần văn Quang. Phụ
tá cho Trần văn Quang kiêm trưởng ban an ninh quân khu là Đại Tá Lê
Minh. Bộ chỉ huy quân khu của chúng di động trong vùng A Sao, A Lưới, Tà
Bạt hoặc vùng quốc lộ số 9, đường đi nam Lào. Cái gọi là quân khu Trị
Thiên của VC không có đơn vị chủ lực cơ hữu, chúng xử dụng các đơn vị
của tỉnh đội Thừa Thiên và Quảng Trị làm đơn vị nòng cốt cho chúng. Khi
cần mở các cuộc hành quân lớn, chúng sẽ điều động các đơn vị chủ lực từ
phía bắc vĩ tuyến 17 xâm nhập vào. Đường xâm nhập của chúng là vượt sông
Bến Hải, qua vùng phi quân sự hoặc xâm nhập theo đường 9 Nam Lào. Đơn
vị nòng cốt của tỉnh đội Thừa Thiên là Trung đoàn 5 đặc công, gồm có
Tiểu đoàn K1 và K12. Trung đoàn này do tên Thân trọng Một chỉ huy. Tên
này là dân Huế, thuộc làng Nguyệt Biều, theo VC từ hồi còn kháng chiến
chống Pháp.
Bây giờ chúng ta nói về biến cố Tết Mậu Thân tại
Huế và sự điều động các đơn vị của VC. Khi Trung ương đảng Cộng sản
quyết định đánh Huế thì tên chỉ huy quân khu Trị Thiên là Trần văn Quang
và Lê Minh phản đối, viện lý do là không đủ quân số. Quân số của chúng
chỉ khoảng 4500 và đạn dược chỉ đủ dùng trong vòng một tuần đến 10
ngày. Nếu đánh chiếm Huế muốn cố thủ lâu dài theo lệnh của trung ương
thì không đủ quân số, chúng quyết định xin trung ương tăng viện. Trung
ưong bảo rằng cứ đánh chiếm đi rồi sẽ có tăng cường. Nhưng đó chỉ là đòn
đánh lừa của Trung ương đối với Quân khu Trị Thiên mà thôi.
Khi đánh chiếm Huế chúng chia làm ba mặt trận:
- Thứ nhất là mặt trận Thành Nội do tên đại tá Lê trọng Đấu chỉ huy.
- Thứ hai là mặt trận Quận Nhì do tên chính uỷ Hoàng Lanh chỉ huỵ.
- Thứ ba là mặt trận Quận Hữu Ngạn tức Quận Ba
do tên Nguyễn mậu Hiên bí danh Bảy Lanh chỉ huy. Tên Bảy Lanh là con
nuôi của nhà thuốc bắc Thiên Tường tại chợ An Cựu.
Khi chiếm được vùng An Cựu thì Thiên Tường và
hai người con trai đã đi lùng bắt tất cả những người quốc gia cư ngụ
trong vùng Dòng Chúa Cứu Thế. Trong đó có cả thân phụ của anh là cố
Thượng nghị sĩ Trần Điền , chúng đã bắt đi và sát hại trên 500 người.
Hai người con trai của Thiên Tường là cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, thuộc
loại nằm vùng của VC.
Thiên Nga: Lúc
đó tôi đi phép về nhà ăn Tết và cũng suýt bị chúng bắt. Tôi biết nhà
thuốc bắc Thiên Tường ở gần cầu An Cựu. Vậy khi chúng bắt các nạn nhân
đi rồi thì cha con Thiên Tường đi theo chúng luôn hay vẫn còn trụ lại
tại chổ?
Th/Tá Liên Thành: Chúng
vẫn còn lẫn quẩn tại chổ, vì nghĩ rằng VC sẽ chiếm giữ thành phố Huế
lâu ngày. Sau khi biết được hành động của cha con Thiên Tường, ngày mồng
7 Tết, tôi ra lệnh cho một biệt đội đặc biệt phải bắt cho bằng được cha
con Thiên Tường . Biệt đội đã thành công, bắt được cả ba cha con.
Bây giờ trở lại vụ tấn công Tết Mậu Thân. Giờ
giấc khởi sự vụ tấn công thì sách vở cũng đã nói giờ này giờ khác, riêng
tôi liên lạc với các Cuộc Cảnh Sát trong toàn thành phố thì biết trái
súng cối đầu tiên nổ ở sân bay Thành Nội là hiệu lệnh tấn công của VC.
Sau khi có hiệu lệnh tấn công thì Thân trọng Một tấn công vào lãnh thổ
Quận Hữu Ngạn tức Quận ba, chúng đã chiếm được hết, ngoại trừ Ty Cảnh
Sát, cơ quan MAC-V của Mỹ và Tiểu Khu Thừa Thiên. Lý do chúng không
chiếm được Ty Cảnh Sát và Tiểu Khu Thừa Thiên là do sức kháng cự mãnh
liệt của quân trú phòng. Một điều đáng chú ý là Ty Cảnh Sát và cơ quan
MAC-V nằm đối diện với nhau, bên nầy và bên kia đường. Chúng tấn công Ty
Cảnh Sát vào đúng 3giờ15 sáng mồng 1 Tết,
kéo dài cho đến sáng, chúng tấn công nhiều đợt nhưng vẫn không làm gì
được. Chúng tôi dùng lựu đạn từ trên lầu ném xuống, cho nên chúng không
thể tấn công vào được. Một điều vô cùng ngạc nhiên là VC tấn công Ty
Cảnh Sát bên nầy đường, trong khi đó cơ quan MAC-V bên kia đường vẫn
bình an vô sự. Cơ quan MAC-V tắt đèn nằm im, không bắn một phát súng.
Tôi thắc mắc vô cùng, tự hỏi không hiểu tại sao. Cuối cùng tôi có một
quyết định thật táo bạo, tôi dùng súng phóng lựu M79 bắn hai phát vào cơ
quan MAC-V. Sau khi hai phát đạn M79 nổ vào cơ quan MAC-V thì còi báo
động của cơ quan nầy hú vang và lính Mỹ lúc đó mới xuất hiện, hai chiếc
xe tăng ở đâu đó trong cơ quan MAC-V lù lù chạy ra trấn giữ ngay trước
cổng. Thế là Ty Cảnh Sát coi như được hai chiếc xe tăng bảo vệ. Việt
Cộng rút lui và chúng tôi an toàn.
Thiên Nga: Sau một đêm bị tấn công, đơn vị của anh có bị thiệt hại nào không?
Th/Tá Liên Thành:
Không có thiệt hại nào đáng kể, nhưng có một điều vô cùng đau lòng mà
sau này tôi mới phát giác ra, đó là chuyện ông Trưởng Ty Cảnh Sát của
tôi là ông Đoàn công Lập. Tôi là Phó Ty Đặc Biệt. Sáng hôm đó ông bảo
tôi: Anh lo phòng thủ Ty Cảnh Sát còn tôi sẽ ra chiếm đài phát thanh.
Tôi bảo: Làm sao anh đi được. Thế mà ông ấy đã làm được. Ông cho đục bức
tường ở phía sau Ty Cảnh Sát và đem một trung đội ra chiếm được đài
phát thanh, trên đường đi ông không đụng độ với đơn vị VC nào, kể cả khi
vào đến đài phát thanh. Lúc đó tôi phục ông ta vô cùng. Nhưng đến muà
hè đỏ lửa năm 1972, khi tôi bắt được tên Trung tá Hoàng kim Loan mới
phát giác ra là ông Trưởng Ty của tôi là nội tuyến. Mục đích của ông ta
khi chiếm đài phát thanh ngày mồng 7 Tết là: nếu VC đánh thắng, thì sẽ
cho phát thanh cuốn băng thâu sẳn của Lê văn Hảo. Tôi nói sơ qua về Đoàn
công Lập, anh ta là người của trung đoàn 95 đánh nhau với quân đội Pháp
ở vùng Thiên Hương, sau đó anh ta về hồi chánh, nhưng đó chỉ là sự đầu
thú trá hình, về nằm vùng cho đến năm 1966 thì được ra làm Trưởng Ty
Cảnh Sát Thừa Thiên. Đến năm 1968 chúng xử dụng Đoàn công Lập chiếm giữ
đài phát thanh để nếu chiếm được Huế sẽ cho phát thanh cuốn băng của Lê
văn Hảo.
Thiên Nga: Coi
như VC đã chiếm được một phần rất lớn thành phố Huế. Tại sao lúc đó
Đoàn công Lập không cho phát thanh cuốn băng thâu sẳn của Lê văn Hảo?
Th/Tá Liên Thành: Chúng
nó chưa cho phát thanh cuộn băng đó vì tại Quận Nhất chúng chưa chiếm
được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Quận Ba chúng chưa chiếm được Ty Cảnh
Sát, chưa chiếm được MAC-V và Tiểu Khu Thừa Thiên, nên xem như chúng
chưa thành công. Chúng chỉ chủ động được trong vòng khoảng 7 ngày. Trong
vòng 7 ngày đó quân đội Mỹ không tham chiến. Một điều tức tối và ngoài
sức tưởng tượng của mình là xe VC chạy dưới đường và lính Mỹ đứng trên
lầu MAC-V đưa tay " hello ".
Thiên Nga: Lúc đó anh có biết tình hình về phía Sư Đoàn 1 và Tiểu Khu ra sao không?
Th/Tá Liên Thành:
VC đánh vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 nhưng không làm sao chiếm được. Thiếu
tướng Ngô quang Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn bị kẹt ngay ngày đầu tiên tại tư
thất ở đường Lê thánh Tôn. Trung tá Tỉnh Trưởng Lê văn Khoa đã trốn
thoát và ẩn náu trong bệnh viện Trung ương Huế. Ông Tổng Lãnh Sự Mỹ bị
kẹt trong tòa Tổng Lãnh Sự tại đường Lý thường Kiệt và bị bắt. Một trung
đội TQLC Mỹ xuất phát từ cơ quan MAC-V đến giải cứu ông Tổng Lãnh Sự
thì đã quá trễ. Trên đường trở về lại MAC-V, trung đội này đã cứu được
Tướng Ngô quang Trưởng. Tướng Trưởng bị kẹt một ngày một đêm mới vào
được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn tại Mang Cá. Trung Tá Phan văn Khoa đến 7 ngày
sau mới vào được Tiểu Khu. Trong suốt 7 ngày đầu của cuộc chiến, tôi
liên lạc với Tiểu Khu thì chỉ có một người duy nhất trả lời là Đại úy
Nguyễn văn Tố, Tham mưu Trưởng.
Thiên Nga: Là người điều hành ngành Cảnh Sát Đặc Biệt, anh có biết được những tin tức hoặc dấu hiệu gì là VC sẽ tấn công Huế hay không?
Th/Tá Liên Thành:
Trước khi xảy ra trận Tổng công Kích Tết Mậu Thân, thật tình mà nói ai
cũng biết là VC sẽ tấn công, không phải chỉ VNCH biết mà phía Mỹ cũng dư
sức để biết. Nhưng chỉ không biết vào thời điểm nào thôi. Tin tức chúng
tôi nhận được có rất nhiều chỉ dấu là VC đang chuẩn bị. Thứ nhất về vấn
đề quân sự, các tin tình báo cho biết các đơn vị quân sự của địch đã di
chuyển về gần thành phố hơn, nguồn tin kỹ thuật phát hiện rất nhiều
điện đài lạ hoạt động trong phạm vi gần thành phố. Một chỉ dấu quan
trọng khác là các cơ sở hoạt động của VC ở gần Huế đã biến mất hết, các
nhân viên nằm vùng của chúng ta trong cơ sở của địch đã không liên lạc
được. Sau đó chúng tôi được biết các cơ sở đó chúng đã gọi về mật khu
họp kín và giữ lại đó không cho về để bảo mật. Đến những ngày gần Tết,
tin tức từ các quận gởi về cho biết là không hiểu tại sao dân chúng lại
giết chó nhiều quá. Chúng đã chuẩn bị để khi đơn vị chúng di chuyển khỏi
bị lộ vì chó sủa. Một chỉ dấu kế tiếp nữa là chúng ra lệnh cho dân
chúng tích trữ lương thực. Một số cơ sở không quan trọng được chúng điều
động trở ngược lên xâm nhập vào dân chúng, với mục đích chuẩn bị tải
thương. Điều quan trong cuối cùng là một số thành phần thoát ly năm 1966
đã đột nhập nội thành . (năm 1966 xảy ra biến cố Phật Giáo tranh đấu
tại miền Trung, sau biến cố đó các thành phần được VC gài vào trong
phong trào đã bị lộ mặt, nên chúng phải rút vào mật khu, như các tên
Hoàng phủ ngọc Tường, Hoàng phủ ngọc Phan, Phan duy Nhân, Nguyễn đắc
Xuân...). Phía Cảnh Sát đã biết sự xâm nhập đó, kể cả những buổi hội họp
của chúng, nhưng tôi chưa cho lệnh bắt vì chờ đợi cho đầy đủ sẽ hốt
luôn một mẻ lớn.
Một nguồn tin quan trọng khác mà chúng tôi nhận
được là: toán tiền sát của Tiểu đoàn Đặc công K1 của chúng đã xâm nhập
thành phố Huế. Sau khi phối hợp và tổng kết những tin tức đã thu nhận
được, tôi đã làm tờ tường trình và trình lên cho Tr/Tá Phan văn Khoa.
Trong tờ tường trình tôi cũng kèm theo những dữ kiện do cơ quan tình báo
Mỹ cung cấp và của cố vấn Cảnh Sát đặc biệt cung cấp. Năm nay cũng như
các năm trước, phía VC và chính phủ VNCH đồng thỏa thuận đình chiến
trong dịp Tết Nguyên Đán. Vì lý do đó, trong những ngày gần Tết, các đơn
vị trong Tiểu Khu đều được xả trại để về nhà ăn Tết. Tôi báo với Tr/Tá
Khoa là VC đã xâm nhập vào thành phố quá nhiều, thế nào chúng cũng tấn
công.
Thiên Nga: Tiểu Khu Thừa Thiên đã phản ứng như thế nào đối với các bản báo cáo của anh?
Th/Tá Liên Thành:
Tôi đề nghị với Tr/Tá Tỉnh Trưởng ra lệnh cấm trại, vì anh em binh sĩ
được về nhà ăn Tết, trong đơn vị chẳng còn bao nhiêu người. Cũng đề nghị
Tr/Tá lên đài phát thanh ra lệnh giới nghiêm kêu gọi anh em binh sĩ trở
lại đơn vị. Sau đó tôi cùng đi với Tr/Tá Khoa đến BTL/SĐ1 trình bày với
tướng Trưởng nhưng tướng Trưởng bảo rằng tin tức phải xem lại, không
chính xác. Các đề nghị của tôi đều không được chấp thuận.
Cuối cùng tôi đành làm liều một mình. Chiều 30
Tết tôi cho Cảnh Sát Dã Chiến hành quân bao vây và thanh lọc chợ Đông
Ba. Từ phiá Ty Thông Tin trên đường Trần hưng Đạo kéo dài cho đến cầu
Gia Hội đều được kiểm soát chặt chẽ. Sau đó kêu gọi tất cả dân chúng
đang buôn bán trong chợ phải ra khỏi chợ để trình giấy tờ. Chúng tôi đã
bắt được 8 tên đặc công đang ẩn nấp trong chợ. (tất cả 8 tên đặc công
nầy đều được xác nhận bởi thành phần chỉ điểm của ta).
Thiên Nga:
Bây giờ xin anh nói đến sự hoạt động của VC khi chúng đã chiếm được Huế
một thời gian khá dài là 29 ngày. Trong thời gian đó chúng đã làm gì và
tổ chức những gì?
Th/Tá Liên Thành:
Tôi không nói đến vấn đề quân sự, vấn đề các đơn vị của QLVNCH và đơn
vị của Mỹ tái chiếm thành phố Huế vì không thuộc phạm vi của tôi. Bây
giờ nói đến phía VC, chúng đã làm gì khi chiếm được một phần của thành
phố Huế.
Khi chiếm được Huế, chúng tổ chức hai lực lưọng:
- Một lực lượng chúng gọi là Ủy Ban Nhân Dân.
Lực lượng này do tên Hoàng kim Loan điều động và giao cho Nguyễn hữu Vấn
là giáo sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật làm chủ tịch.
- Lực lượng thứ hai là lực lượng Liên Minh Dân
Chủ Dân Tộc Hoà Bình của Trịnh đình Thảo giao cho Lê văn Hảo làm chủ
tịch. Lê văn Hảo là giáo sư Nhân chủng học đại học Huế và Sàigòn. Hảo
gốc người Huế, sang Pháp học từ năm 1953. Tại Paris, Hảo chịu ảnh hưởng
của Trần văn Khê và Nguyễn khắc Viện. Về nước năm 1965 Hảo dạy học ở Huế
và Sàigòn. Năm 1966 Hảo tham gia phong trào "ly khai" ở Huế . Giữa năm
1967 Hảo được bạn học cũ là Hoàng phủ ngọc Tường và Tôn thất dương Tiềm,
một cán bộ cộng sản nằm vùng, móc nối vào mặt trận giải phóng miền Nam.
Phó chủ tịch gồm có bà Tuần Chi ( tên thật là Đào thị xuân Yến ) hiệu
trưởng trường nữ trung học Đồng Khánh và "Ôn Linh Mụ" tức Hoà Thượng
Thích Đôn Hậu (đương kim Chánh Đại Diện Phật Giáo miền Vạn Hạnh). Các
thành phần cốt cán gồm có: Nguyễn Đóa cựu giám thị trường Quốc Học,
Hoàng phủ ngọc Tường, Hoàng phủ ngọc Phan, Nguyễn đắc Xuân, Phan duy
Nhân, Phạm thị xuân Quế, Tôn thất dương Tiềm, Tôn thất dương Kỵ, Tôn
thất dương Hanh...
Sau đó tên Nguyễn đắc Xuân tổ chức thêm một lực
lượng nữa là Lực lượng Nghĩa Binh. Năm 1966 chính tên Xuân đã tổ chức
đoàn " Phật tử quyết tử". Chúng gọi lực lượng này là quân nhân ly khai,
lực lượng gồm những quân nhân đi phép Tết bị kẹt trong vùng chiếm đóng
của chúng. Một số quân nhân này cũng đã bị thiệt mạng khi quân đội VNCH
tái chiếm Huế. Tên Nguyễn đắc Xuân cũng đã lập thêm một lực lượng Nghĩa
Binh Cảnh sát, giao cho Nguyễn văn Cán là cựu Trưởng Ty Cảnh Sát làm
đoàn trưởng. (Nguyễn văn Cán làm Trưởng Ty Cảnh Sát sau khi Tổng Thống
Ngô đình Diệm bị lật đổ, ông này là ngạch Quận Trưởng, có bằng cử nhân
Luật, là em ruột của bà chủ tiệm Phú Nghĩa trên đường Trần hưng Đạo Huế.
Ông ta có người anh tập kết ra Bắc, là cơ sở nằm vùng của Hoàng kim
Loan.)
Thiên Nga:
VC chiếm được Huế gần một tháng và chúng đã giết hại trên năm ngàn
người. Theo ý anh tại sao chúng không lấy lòng dân chúng mà lại tàn sát
dã man như vậy?
Th/Tá Liên Thành: Tôi
cũng thắc mắc giống như anh, không hiểu tại sao chúng muốn chiếm đất mà
lại giết dân, nhưng sau đó tôi được biết lý do. Kể cho anh hơi dài dòng
một tí. Có một hôm, chiếc xe Jeep của tôi bị gài mìn ngay dưới ghế ngồi
của tôi, nhưng may quá, mìn không nổ. Khi điều tra thì tôi bắt được một
người cảnh sát dã chiến của tôi làm nội tuyến cho VC và chính tên này
đã gài mìn vào xe tôi. Điều tra và phăng theo đường dây, tôi bắt được
tên huyện ủy viên của quận Phú Vang là Hồ Ty, bí danh Sơn Lâm. Đây là
tên chủ chốt thi hành lệnh của quân ủy Trị Thiên: thanh toán tất cả
những người bị chúng bắt theo khi rút lui khỏi Huế. Khi điều tra, tôi
hỏi nó tại sao lại giết tất cả những người chúng đã bắt đem theo. Tên
Sơn Lâm cho biết rằng khi chúng rút lui thì bị quân đội VNCH và Mỹ truy
đuổi quá gắt gao, lo cho đơn vị cũng không nỗi làm sao làm lo được cho
tù binh. Vả lại số người bị chúng bắt theo quá nhiều, đã làm vướng bận
không thể rút lui nhanh được, lệnh của quân khu Trị Thiên là giết tất cả
tù binh. Vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế đến giờ nầy chúng ta cũng
không biết đây là lệnh của quân Khu Trị Thiên hay là chính sách của
trung ương đảng Cộng Sản VN. Về phía nhà cầm quyền CS thì chúng luôn
luôn chối bỏ không có vụ giết trên 5000 ngàn người tại Huế .
Thiên Nga: Làm
sao chúng có thể chối bỏ việc thảm sát dân Huế được, đây là một tội ác
tày trời. Tóm tắt chỉ có một điều: không có gì - ngoài tội ác- có thể
biện minh cho những cái chết oan khiên của người dân xứ Huế. Đối với
người dân Huế, khi nhắc đến hai chữ Mậu Thân, gần như nó không còn gắn
liền theo thứ tự của mười hai con giáp, mà như là một tiếng vọng đặc
biệt, tượng trưng cho một cuộc tàn sát man rợ.Ai
chịu trách nhiệm cho cuộc tàn sát này? Bộ chính trị Trung ương đảng
Cộng Sản VN phải trả lời như thế nào đối với lịch sử dân tộc về hành
động giết người dã man này? Đây có phải là cuộc tàn sát đẫm máu nhất,
lớn nhất trong cuộc chiến tranh giữa người Việt Quốc Gia và Cộng Sản
không?
Th/Tá Liên Thành: Tôi
rất đồng ý với anh, đây là tội ác tày trời, nói theo giọng điệu của VC
là:" Trời không dung, đất không tha". Dầu có viết một cuốn sách thật dày
cũng không liệt kê hết được những tội ác của bọn chúng. Khi dẫn tên Sơn
Lâm đi chỉ những hầm chúng chôn xác nạn nhân, tôi hỏi nó: "tại sao các
anh dã man tàn ác vậy, cũng là người với nhau, không thù không oán gì cả
mà các anh dùng cuốc đánh vào đầu người ta cho đến chết thì tôi không
thể nào tưởng tượng nổi, đối với con vật chúng ta cũng không thể nào làm
như vậy. Nó bảo: "Các anh phải biết rằng, chúng tôi không có đạn, đạn
phải để dành để đánh nhau với các anh chứ đạn đâu mà bắn tù, lệnh trên
bảo dùng phương tiện cuốc xẻng, dao búa để thanh toán. Chúng tôi không
thể đem theo tù binh được nên phải giết hết, thà giết lầm còn hơn bỏ
sót, vì biết đâu trong số tù binh đó có người làm tình báo hoặc làm cho
CIA, cho nên chúng tôi đâu có tha được."
Thiên Nga: Thế còn các thành phần thoát ly năm 1966 đã đột nhập trở về lại vào dịp Tết, sau khi VC rút lui thì thành phần đó đi đâu?
Th/Tá Liên Thành:
Các phần tử đó đều theo chân VC rút vào mật khu, như Hoàng phủ Ngọc
Tường, Hoà thượng Thích Đôn Hậu, bà Tuần Chi v.v... sau đó có một số xâm
nhập trở lại hoạt động.
Thiên Nga: Theo
tôi biết, sau Tết Mậu Thân tình hình an ninh tại Huế rất ổn định vì
những thành phần nằm vùng và thân Cộng đã theo chân VC rút vào mật khu.
Nhưng đến năm 1972 thời kỳ mùa hè đỏ lữa lúc VC tấn công Quảng Trị thì
tình hình tại Huế như thế nào?
Th/Tá Liên Thành:
Tình hình an ninh tại Huế vào năm 1972 rất nguy hiểm. VC lại muốn áp
dụng chiến dịch tấn công Huế như Tết Mậu Thân. Chúng đem sư đoàn VC 324
trở về lại bao vây ở vòng ngoài, trong nội thành thì tên Hoàng kim Loan
có kế hoạch tập họp dân chúng biểu tình, tổng nổi dậy cướp chính quyền,
bằng cách chiếm các cơ sở, công ốc thành phố, tòa hành chánh, rồi treo
cờ VC lên. Kế hoạch của chúng là như vậy. May thay tôi đã kịp thời phá
vỡ được âm mưu của chúng. Anh còn nhớ năm 1972 VC điều quân vượt vĩ
tuyến 17 đánh chiếm thành phố Quảng Trị và sư đoàn 3 bộ binh di tản
chiến thuật. Nếu không phá vỡ được âm mưu ấy thì khi mất Quảng Trị và
dân chúng di tản ùa vào thành phố Huế, gây hỗn loạn cho thành phố, thì
VC sẽ nhân cơ hội bằng vàng ấy thi hành kế hoạch cướp chính quyền ngay.
Một đêm trước ngày mất thành phố Quảng Trị, tôi cho trực thăng bay về
các quận và chở tất cả chỉ huy trưởng Cảnh Sát quận về họp khẩn cấp. Sau
khi họp xong, tôi lấy danh sách hạ tầng cơ sở VC của các quận kể cả
những người có liên hệ gia đình với VC, tôi ký liền 5000 giấy tạm giữ
giao cho các chỉ huy trưởng quận về bắt ngay. Tôi liên lạc với cố vấn Mỹ
xin biệt phái 6 chiếc trực thăng, để đưa những người bị bắt về Huế. Vì
số lượng người bị tạm giữ quá nhiều, tôi xin Trung tướng Ngô quang
Trưởng cấp cho phương tiện chuyên chở. Sau đó tất cả những người nầy
được di chuyển bằng hải vận hạm HQ 500 ra tạm giữ tại đảo Phú Quốc. Sau
khi tình hình Huế đã ổn định, quân ta đã tái chiếm Quảng Trị, lúc đó tôi
mới đem những người bị tạm giữ tại Phú Quốc trở về để thanh lọc và đã
bắt được rất nhiều cán bộ tình báo và cơ sở của VC. Nhờ đó đã vô hiệu
hóa được kế hoạch chiếm Huế của VC vào năm 1972.
Cũng vào năm 1972, tôi đã bắt được một cán bộ
tình báo nằm vùng cao cấp của VC là Thiếu Tá Lê cảnh Thâm, cựu trưởng ty
Cảnh Sát tỉnh Quảng Trị. Lê cảnh Thâm là em của Lê cảnh Xuân, tự là Năm
Đen, Thiếu Tá Quân báo của VC (còn gọi là cụm tình báo chiến lược).
Thâm đã được móc nối từ khi còn là Hạ sĩ trong quân đội VNCH, sau đó
chúng đã dùng đủ mọi cách kể cả tiền bạc để mua chuộc và đưa Thâm vào
học trường Hạ Sĩ Quan, rồi đưa Thâm vào hoạt động nằm vùng trong một
đảng phái chính trị. Năm 1966 đảng này có công trong vụ biến loạn miền
Trung, nên đã có một số điều kiện giữa chính phủ và đảng. Trong dịp đó
đảng đã đề cử Lê cảnh Thâm làm trưởng ty Cảnh Sát Quảng Trị. Đến lúc đó
cơ quan tình báo chiến lược vẫn chưa xử dụng con bài Lê cảnh Thâm. Mùa
hè đỏ lửa năm 1972, tôi không biết bằng cách nào Lê cảnh Thâm lại vào
nằm trong Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh tiền phương Quân Đoàn I
đóng tại Mang Cá, Huế.
Anh còn nhớ, tôi đã nói với anh là năm 1972 tôi
bắt được tên Trung Tá Hoàng kim Loan của cụm tình báo chiến lược. Do sự
khai báo của Loan tôi mới biết được Lê cảnh Thâm là cán bộ nằm vùng của
VC. Phải bắt Lê cảnh Thâm ngay vì y đang hoạt động trong Trung Tâm Hành
Quân của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Kế hoạch hành quân sẽ bị tiết lộ.
Sau khi đã có đủ các dữ kiện, tôi cùng với Th/Tá
Cố vấn Mỹ vào gặp Trung Tướng Ngô quang Trưởng. Người Trung tá Chánh
văn phòng của tướng Trưởng nhất định không cho vào, bắt tôi phải theo hệ
thống quân giai: "trình cho Đại Tá Tỉnh Trưởng rồi Tỉnh Trưởng sẽ trình
cho Tư Lệnh". Tôi bảo rằng đây là chuyện Mật và Khẩn, tôi phải đích
thân trình Trung Tướng. Chánh văn phòng quá nguyên tắc, nhất định không
cho tôi vào. Th/Tá cố vấn của tôi quá bực mình, nói với ông chánh văn
phòng: "Đây là giờ phút mất hay còn của thành phố Huế, anh không cho
Th/Tá Liên Thành vào gặp tướng Trưởng thì phải chịu trách nhiệm, tôi sẽ
đưa Th/Tá Thành đến gặp Trung tướng cố vấn của tướng Trưởng và Trung
tướng cố vấn sẽ cùng với Th/Tá Thành đến gặp tướng Trưởng." Lúc đó ông
ta mới chịu cho tôi vào, nhưng nhất định không cho người cố vấn Mỹ vào
theo tôi. Người cố vấn bực mình bảo: " I don' t care, this is your
country, not mine."
Tôi vào gặp tướng Trưởng và trình cho ông tất cả
lời khai của Hoàng kim Loan, sau khi nghe xong lời khai tướng Trưởng
hoảng hồn, ông hỏi tôi:
- Tên này bây giờ đang ở đâu?
- Trình Trung tướng, nó đang ở bên cạnh ông, đang làm sĩ quan hành quân của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương.
- Cho bắt ngay. Tướng Trưởng bảo.
Tôi trình là nếu bắt thì sẽ lộ tất cả những cơ
sở của chúng, mà ta chưa bắt và chưa phát giác đang nằm trong hàng ngũ
quân đội của ta, chúng sẽ chạy trốn hết. Tướng Trưởng hỏi tôi:
- Bây giờ phải bắt cách nào cho khỏi bị lộ?
- Xin Trung Tướng liên lạc với Thiếu tướng Lê
khắc Bình Tư lệnh Cảnh Sát và xin tướng Bình cho lệnh xin biệt phái Lê
cảnh Thâm trở về lại Cảnh Sát để được bổ nhiệm đi làm trưởng ty.
Tướng Trưởng thấy đề nghị của tôi hợp lý nên gọi
điện thoại nói chuyện với tướng Bình ngay, sau đó đưa điện thoại cho
tôi nói chuyện với tướng Bình. Tướng Bình chấp thuận đề nghị của tôi và
ra lệnh bắt ngay tên Lê cảnh Thâm. Chờ đợi trong văn phòng tướng Trưởng
khoảng nửa giờ thì có công điện từ Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, bổ
nhiệm Lê cảnh Thâm làm Trưởng Ty Cảnh Sát Pleiku và tôi có nhiệm vụ cấp
phương tiện di chuyển cho Thâm đi đáo nhậm nhiệm sở mới ngay.
Khi Lê cảnh Thâm nhận được lệnh bổ nhiệm thì qua
trình diện trung tướng và cùng tôi ra xe đi ngay. Ngồi trên xe tôi, anh
ta sung sướng nói chuyện huyên thuyên. Một lúc sau tôi bảo:
- Anh Thâm, tôi nói thật với anh là anh đã bị
bắt. Mọi chuyện anh làm chúng tôi đã biết tất cả , anh cũng đã ở trong
ngành Cảnh Sát thì anh đã rõ, tôi không còn cách gì giúp anh, ngoại trừ
anh hợp tác với chúng tôi.
Lúc đầu anh ta chối, nhất định là không nhận cán bộ VC nằm vùng. Tôi bảo:
- Anh chối cũng vô ích vì cán bộ điều khiển của anh hiện đang nằm trong tay tôi.
Anh ta không tin, tôi đưa anh ta đến ngay cơ sở
mà tôi đang giam giữ Hoàng kim Loan, cho anh ta nhìn thấy tên Loan, cán
bộ điều khiển của anh ta, lúc đó anh ta mới hết đường chối.
Tôi chỉ điều tra Lê cảnh Thâm được khoảng hai
giờ thì có công điện từ Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát bảo phải giao tên Thâm cho
cơ quan thẩm vấn quốc gia. Khi nhận được lời khai của Thâm, tôi đến ngay
cơ sở của chúng ở gần cửa Đông Ba, bắt ngay Thiếu Tá Khuê làm quân bưu
chính của Tiểu Khu, là cơ sở quân báo của Thâm. Kế bên nhà của Khuê là
tiệm thuốc bắc, chủ tiệm là một người trông rất hiền lành đạo mạo, tôi
lục soát khắp nhà của y và tìm được một máy truyền tin, đây là một loại
máy chuyển tin ra Bắc vô cùng tối tân (thời điểm năm 1972). Khi muốn
chuyển tin, chỉ cần đọc bản tin vào cuộn băng xong bấm một cái là bản
tin được chuyển đi ngay, nơi nhận sẽ giải mã. Tên cán bộ đóng vai thầy
thuốc bắc này cấp bậc Thiếu tá, phụ tá của Hoàng kim Loan.
Sau đó tôi phát giác được tên tùy phái của Đại
tá Lê văn Thân, tỉnh trưởng Thừa Thiên cũng là người của Hoàng kim Loan.
Khi đến bắt tên này thì Đại tá Thân bảo tôi:
- Sao anh bắt thằng này, thằng này nó hiền lắm mà.
- Thằng này nó giết Đại tá đó, Đại tá có biết
không? Tôi nói. Tên tùy phái đã chụp hình tất cả tài liệu của hành chánh
và quân đội mà các phòng, ban trình lên tỉnh trưởng.
Theo lời khai của Hoàng kim Loan, tôi đã bắt
được rất nhiều cơ cở tình báo nằm vùng của chúng, nếu không phá vỡ kịp
thời thì Huế đã bị tấn công như hồi Tết Mậu Thân năm 1968.
Thiên Nga:
Cám ơn anh Thành đã cho biết những chi tiết về tình báo thật là hấp dẫn.
Tôi rất muốn biết làm thế nào mà anh bắt được tên trung tá Hoàng kim
Loan.
Th/Tá Liên Thành:
Câu chuyện đó dài lắm, nếu có dịp tôi sẽ kể cho anh, còn chuyện Mậu
Thân thế là tạm đủ phải không anh, lâu quá rồi cũng không nhớ được nhiều
chi tiết, hy vọng cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay không phí thơì
giờ của anh.
Thiên Nga: Rất là hấp dẫn, cám ơn anh rất nhiều. Hẹn gặp anh lần tới.
---00---
0 comments:
Post a Comment