Dầu sôi lửa bỏng… Biển Đông và Biển Hoa Đông sôi sục.
Thứ trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Kurt Campbell nói rằng Trung Quốc và
Nhật Bản đang tới thế cờ y hệt cùng đưa nhau ngồi trên thùng thuốc súng.
Trong khi đó, báo Washington Free Beacon hôm 27-2-2013 cho biết TQ
chuẩn bị chiến tranh: Tình báo Mỹ dò thấy quân đội TQ đang chuyển các
dàn phi đạn di động tới sát bờ biển phía nam, nơi gần đảo Senkaku, nơi
tranh chủ quyền sôi động giữa TQ và Nhật Bản.
Trong khi đó, thông tấn TTXVN hôm 28-2-2013 từ Hà Nội ghi nhận về “Viên tướng “diều hâu” La Viện lên tiếng hung hăng.”
Bản tin này viết:
“Ngày 26/2, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài viết “Dùng 5 biện
pháp lớn phá thế bao vây của Nhật Bản” của chuyên gia quân sự La Viện,
trong đó ông này cho rằng trong ván cờ lớn đấu trí chiến lược
Trung-Nhật, Trung Quốc không thể để rơi vào thế bị động, cho dù Nhật Bản
bày binh bố trận xung quanh Trung Quốc, xây dựng “vòng cung tự do và phồn thịnh.”
Ông này tuyên bố rằng Trung Quốc phải vượt ra ngoài vòng vây này, sử
dụng thủ đoạn của Nhật Bản để đối phó lại với Nhật Bản, hơn nữa phải áp
dụng biện pháp “vỏ quýt dày có móng tay nhọn,” đi nhiều nước cờ hay
trước đối thủ, tạo dựng được đại cục có lợi hơn.
Trong số 5 biện pháp kể trên, La Viện khẳng định cần giành quyền kiểm
soát biển, quyền kiểm soát không phận, tiếp đến là giành quyền kiểm
soát đảo…”
Nhưng, không có nghĩa khi Biển Hoa Đông sôi động là Trung Quốc bỏ qua câu chuyện biển Đông của Việt Nam.
Một bản tin khác của TTXVN hôm 27-2-2013 đã ghi nhận về một ngân hàng
VN mắc mưu (hay giả vờ mắc mưu?) sử dụng quả điạ cầu có vẽ 2 quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm trong chủ quyền TQ.
Bản tin này viết:
“…Qua thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí về việc Vietinbank
Ninh Bình tặng khách hàng quả địa cầu điện tử xuất xứ Trung Quốc, trên
quả địa cầu có những thông tin không chính xác về quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa của Việt Nam (bằng tiếng Trung Quốc), Vietinbank Ninh Bình đã
có thông báo về vấn đề này…
Vietinbank Ninh Bình cho biết để khắc phục sự cố trên, đơn vị này cam
kết thực hiện ngay việc thu hồi những quả cầu đã tặng khách hàng và
thực hiện tiêu hủy toàn bộ quả cầu hiện đang còn trong kho và thu hồi
được.”
Mặt khác, bản tin VOA ghi nhận về tình hình “Philippines phản đối Trung Quốc tuần tra ngư chính ở Biển Đông.”
Bản tin VOA ghi nhận rằng, Philipines ngày 26/2 đã lên tiếng phản đối
Trung Quốc đưa tàu tuần tra ngư chính ra các khu vực mà Manila nhận chủ
quyền ở Biển Đông.
Phản hồi của Manila được đưa ra sau khi Trung Quốc hồi đầu tuần loan
báo kế hoạch tăng cường giám sát và kiểm soát các vùng biển trong Biển
Đông mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với các nước bao gồm Philippines và
Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Philippines nói Manila cực lực phản đối Trung Quốc tuần
tra trong khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải của Manila và kêu gọi Bắc
Kinh tôn trọng chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Manila tại Biển
Đông.
Philippines cũng đồng thời tố cáo hoạt động này của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
VOA cũng nhắc rằng, vào hôm 25/2, Cục trưởng Cục Thủy sản thuộc bộ
Nông nghiệp Trung Quốc loan báo nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm nay
sẽ là thực hiện thêm các cuộc tuần tra thường kỳ trên quần đảo Trường Sa
để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các ngư dân Trung Quốc.
Bản tin viết:
“Ông Ngô Tráng cũng cho biết rằng các cuộc tuần tra sẽ được tiến hành
xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ, và quần đảo Hoàng Nham. Vẫn
theo lời ông Ngô, hoạt động giám sát sẽ tăng lên giữa lúc Trung Quốc
đang mở rộng đội tàu tuần tra.”
Nhưng, Việt Nam rút bài học nào về trường hợp Philippines đưa Trung Quốc ra tòa?
Đài VOA đã phỏng vấn ông Paul Reichler, luật sư đại diện cho chính
phủ Philippines, để xem Manila kỳ vọng như thế nào về hành động pháp lý
của mình cũng như bài học mà Việt Nam có thể rút ra từ bước đi của quốc
gia cũng là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Reichler giải thích, trích:
“…Các nước không thể tuyên bố chủ quyền ở ngoài 200 hải đó, và điều
này đã được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển cũng như
pháp luật nói chung. Trong khi đó, Trung Quốc đã công khai nhận chủ
quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển Đông, trong đó có cả các vùng
biển nằm ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này, ở khoảng cách
800 tới 900 hải lý. Đó là điều chưa từng xảy ra. Hành động này là duy
nhất và không có cơ sở pháp lý quốc tế, và rõ ràng đã vi phạm Công ước
Liên Hiệp Quốc về luật biển…
…Trong trường hợp của Việt Nam, các quyền lợi của nước này cũng khá
giống với Philippines. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bất lợi vì đường tuyên
bố chủ quyền lãnh hải 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông mà rất gần với
bờ biển của Việt Nam.
Trên thực tế, Trung Quốc đã trao hợp đồng khai thác dầu khí độc quyền
trong vòng 200 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam mà Việt Nam có quyền
được khai thác. Ngoài ra Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi các tuyên bố
chủ quyền trong vòng 200 hải lý đối với các hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo
Trường Sa mà Trung Quốc nhận chủ quyền.
Vì thế, Việt Nam có cùng quyền lợi với Philippines trong việc giới
hạn tuyên bố chủ quyền ở vùng biển trong vòng 12 hải lý đối với các hòn
đảo thuộc Trường Sa để các nước nhận chủ quyền tại đó không thể nhận chủ
quyền đối với vùng lãnh hải rộng lớn gần bờ biển của Việt Nam.
Quyền lợi của Việt Nam hoàn toàn giống với hai điểm chính mà
Philippines mang ra tòa trọng tài quốc tế như tôi đã nói ở trên. Bản
thân Việt Nam phải tự ra quyết định sẽ phải làm gì để ứng phó với âm mưu
của Trung Quốc nhằm thâu tóm toàn bộ biển Đông. Giải pháp nhờ tòa trọng
tài phân xử của Philippines dĩ nhiên là một giải pháp mà Việt Nam có
thể cân nhắc.”(hết trích)
Nhưng, Hà Nội nghĩ gì khi Philippines gợi ý như thế? Và nghĩ gì khi TQ hung hăng chĩa phi đạn vào Senkaku của Nhật Bản như thế?
0 comments:
Post a Comment