Friday, January 11, 2013

Phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Liên Hằng, tác giả của ‘Hanoi’s War’

Thưa quý vị, mặc dù không thiếu những cuốn sách phân tích chiến tranh Việt Nam – phần lớn từ quan điểm của ngươì Mỹ, ít có quyển nào đặt cuộc chiến trong bối cảnh quốc tế của nó và trình bày quan điểm của tất cả các bên can dự, không những của Hà Nội và Việt Nam Cộng hòa, mà còn của Nga, Trung Quốc, và dĩ nhiên, của người Mỹ. Tác giả quyển “Hanoi’s War- Chiến tranh của Hà nội” xuất bản vào tháng Bảy năm 2012, là một giáo sư môn Sử của Trường Đại học Kentucky, xuất thân từ một gia đình người Việt tỵ nạn đã di tản vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Ngoài các tài liệu thu thập từ các văn khố quốc gia của nhiều nước, cuốn “Hanoi’s War” của Giaó sư Nguyễn thị Liên Hằng độc đáo ở chỗ nó dựa trên một số tài liệu chưa từng được khai thác từ văn khố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội. Câu Chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách, tuần này xin gửi đến quý vị một số chi tiết về cuốn sách sử này, qua những chia sẻ của tác giả Nguyễn thị Liên Hằng trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Stevenson của đài VOA mới đây và trong bài nói chuyện tại Lễ Hội Sách năm 2012. Mời quý vị theo dõi. Quyển “Hanoi’s War- An International History of the War for Peace in Vietnam,” xin tạm dịch là “Chiến tranh của Hà nội – Lịch sử Quốc tế của cuộc chiến cho Hòa Bình ở Việt Nam” đã được trao Giải Edward M. Coffman 2012, một giải thưởng có uy tín được đặt tên theo một nhà sử học quân đội nổi tiếng người Mỹ. Trong khi đa số các sử gia tập trung nghiên cứu các lý do nguyên thủy dẫn tới sự can thiệp của Hoa Kỳ và tiến trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, sử gia Liên Hằng xem xét bối cảnh quốc tế của cuộc chiến, cách giới lãnh đạo miền Bắc theo đuổi chiến tranh, và thời điểm kết thúc sự can thiệp của người Mỹ. Tác giả đưa người đọc từ Lưu vực Sông Mekong tới Lưu vực Sông Hồng, đề cập tới mục tiêu của chiến dịch rải bom của người Mỹ vào cao điểm của cuộc tranh chấp, đi ngang qua các hành lang quyền lực tại Hà Nội và Sài Gòn cũng như tại Tòa Bạch Ốc thời đó nằm dưới quyền Tổng Thống Richard Nixon.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA, Giáo sư Nguyễn thị Liên Hằng nói về một số những những nhận thức sai lầm về chiến tranh Việt Nam. Một trong những nhận thức sai lầm lớn nhất là về vai trò của ông Hồ Chí Minh. Theo Giáo sư Hằng, trên thực tế ông Hồ Chí Minh chỉ đóng vai trò biểu tượng trong khi ông Lê Duẩn mới là nhân vật ngự trị trên Đảng Cộng sản Việt Nam, và là kiến trúc sư, chiến lược gia cũng như người lãnh đạo các nỗ lực chiến tranh của miền Bắc.
Giáo sư Liên Hằng nói:
“Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, tôi lấy làm sửng sốt về những gì mà tôi khám phá được, những điều chúng ta vẫn chấp nhận là sự thực khi được học về chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ…Tôi phát hiện ra rằng có nhiều điều hoàn toàn sai sự thực. Chẳng hạn, một điều đơn giản là từ hồi nào tới giờ, tôi được học rằng ông Hồ Chí Minh là người lãnh đạo Bắc Việt Nam, rằng ông là vị lãnh tụ hướng dẫn cuộc cách mạng và là người làm quyết định… nhưng trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận ra rằng trên thực tế, người làm các quyết định quan trọng, lãnh đạo miền Bắc là một nhân vật khác ít tiếng tăm hơn trên trường quốc tế, đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn. Tôi có thể lập luận rằng chính ông Lê Duẩn mới là người lãnh đạo miền Bắc.”
Vẫn theo Giáo sư Liên Hằng thì cùng với cánh tay mặt của ông, là ông Lê Đức Thọ, ông Lê Duẩn cai trị chế độ miền Bắc với một bàn tay sắt, và coi ông HCM và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người hùng cách mạng khác, là những đối thủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hạn của ông ở Hà Nội.
Chính ông Lê Duẩn đã gạt ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp cùng với các ủng hộ viên sang một bên, trong khi làm hầu hết các quyết định quan trọng nhất trong cuộc chiến.
Giáo sư Liên Hằng đơn cử hai trường hợp, thứ nhất trong những năm 1963-64, ông Lê Duẩn đã dùng thủ đoạn hăm dọa ông Hồ Chí Minh phải giữ im lặng, khi ông chống đối quyết định leo thang chiến tranh để giành toàn thắng trước khi lực lượng quân sự Mỹ có thể can thiệp. Và trường hợp thứ nhì, vào năm 1967-68, khi ông Hồ và Tướng Giáp cùng các đồng minh chống đối kế hoạch của ông Lê Duẩn tiến hành cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.
Một nhận thức sai lầm khác là Đảng Cộng sản Việt Nam được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân Việt Nam cho tới khi chiến tranh kết thúc hồi năm 1975. Giáo sư Hằng nói rằng những chứng cớ mới cho thấy là một lần nữa, đây cũng là một “huyền thoại”:
“Đó cũng là một điều không đúng sự thực. Tôi đã phát hiện là có nhiều quan điểm bất đồng với Đảng Cộng sản và cách họ tiến hành chiến tranh Việt Nam.”
Giáo sư Liên Hằng nói một điểm khác cũng làm bà ngạc nhiên là ý kiến cho rằng các nỗ lực chiến tranh của cộng sản Việt Nam đã chiếm được con tim và khối óc của dân miền Nam, và thắng lợi trên mặt trận chính trị là thắng lợi lớn nhất của Cộng sản Việt Nam đối với người Mỹ. Bà nói:
“Trên thực tế qua nghiên cứu tôi thấy rằng thắng lợi lớn nhất của cộng sản miền Bắc là thắng lợi trên mặt trận ngoại giao trên trường quốc tế… Tới những năm 1973-75, thì Hà Nội đã thắng cuộc chiến tranh chính trị cho nên người ta hiểu rằng cộng sản miền Bắc đã đánh bại cường quốc lớn nhất thế giới lúc đó, là Hoa Kỳ, thực sự bằng cách dành được thắng lợi trên sân khấu ngoại giao.”
Về cơ duyên nào đã cho phép bà được sử dụng các tài liệu từ văn khố của Bộ Ngoại giao ở Hà nội, Giáo sư Liên Hằng nói:
“Tôi có mặt đúng chỗ, đúng lúc. Khi tôi bắt đầu cuộc nghiên cứu trong những năm cuối của thập niên 1990, về cơ bản lúc đó cả 3 văn khố chủ yếu của Việt Nam là văn khố của Đảng Cộng Sản, văn khố của quân đội, và văn khố của Bộ Ngoại giao đều cấm, không cho học giả tham khảo, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam. Chỉ có các giới chức làm việc trong các bộ liên hệ mới được tham khảo tài liệu, nhưng tới những năm 2000 thì đã có một số thay đổi về chính sách đối với người Việt hải ngoại. Việt Nam mở cửa rộng hơn để đón các học giả từ các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ muốn thu hút Việt Kiều, và tôi đã nắm ngay lấy cơ hội.”
Theo Giáo sư Liên Hằng thì bà cũng gặp thuận lợi nhờ giới hữu trách Việt Nam đánh giá thấp công trình và khả năng nghiên cứu của bà về chiến tranh, một đề tài hóc búa mà họ nghĩ thường dành cho phái nam hơn là phụ nữ, mà lại là phụ nữ Mỹ gốc Việt lớn lên và sống ở hải ngoại.
Giáo sư Liên Hằng nói sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng đóng một vai trò quan trọng và ảnh hưởng tới cục diện của chiến tranh Việt Nam. Theo bà, chủ nghĩa cực đoan mới xuất hiện tại Trung Quốc thời đó, và sự thiếu cam kết của Liên Xô đối với các cuộc cách mạng trong thế giới thứ Ba đã cho phép ông Lê Duẩn ngả xa hơn về phía Trung Quốc, để xúc tiến chiến tranh toàn diện ở miền Nam vào những năm đầu 1960. Và giữa lúc Hoa Kỳ tăng sự hiện diện ở miền Nam hồi năm 1965 như một phản ứng trước chiến lược của Lê Duẩn, viện trợ từ Nga đã đổ vào miền Bắc Việt Nam. Giáo sư Liên Hằng nói sự cạnh tranh giữa hai nước đàn anh cộng sản để tăng ảnh hưởng tại Hà nội lên tới cao điểm vào năm 1968.
Thưa quý vị, vừa rồi là một số chi tiết về Quyển “Hanoi’s War- An International History of the War for Peace in Vietnam”- “Chiến tranh của Hà nội – Lịch sử Quốc tế của cuộc chiến cho Hòa Bình ở Việt Nam”. Tác giả là một sử gia trẻ tuổi đang dạy môn Sử tại Trường Đại Học Kentucky của Hoa Kỳ. Giaó sư Nguyễn thị Liên Hằng di tản khỏi Việt Nam với gia đình vào lúc mới được 5 tháng tuổi.

0 comments:

Powered By Blogger