Ở trong nước, mấy tuần qua, dư luận khá xôn xao về một bài luận văn của một học sinh lớp 12 tên Vũ Hoàng L. Xôn xao vì bài văn ấy “hồn nhiên”, “thô thiển” và “tục tĩu” đến độ khiến người ta phải “giật mình”, hơn nữa, “choáng váng”.
Về đề tài giáo viên cho “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay”, em học sinh ấy đã nhập đề bằng cách tự hỏi và tự trả lời:
“Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường,
vãi. Mục đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể
mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ…chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một
số thằng à? CCC. Đ… ai mà chả nói tục chửi bậy.”
Theo tường thuật trên báo chí, ở đoạn sau đó, học sinh này thừa nhận: “Mình cũng hay nói bậy lắm”, rồi phân bua:“Trường hợp nào chúng ta cũng có thể nói bậy. Cơ bản là vì nó ăn sâu vào máu rồi, người nào mà chẳng chửi…” Bản tin cũng cho biết, bài luận văn ấy đã bị điểm 0 với lời phê của giáo viên: “Cần xem lại đạo đức bản thân”.
Bản tin về bài luận văn đầy những “tiếng lóng thô tục đang rất ‘thịnh
hành’ trong giới trẻ hiện nay” ấy được đăng tải trên nhiều tờ báo khác
nhau. Ở đâu nó cũng bị phê phán một cách gay gắt. Phần
lớn đều cho là cách viết như thế “không thể chấp nhận được”. Một số
người đi xa hơn, cho là nó phản ánh sự “xuống cấp đáng thất vọng về nhận
thức và đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay.” Một người khác, đi
xa hơn nữa, cho đó là sự xuống cấp của xã hội với hiện tượng “ngay cả
những người có học hàm học vị cao vẫn giữ thói quen ‘đệm chữ’ khi nói
chuyện với người quen và coi chuyện đó rất đỗi bình thường.”
Tôi không muốn biện hộ hay bênh vực cho em học sinh ấy. Đã lớp 12 rồi
mà viết văn như vậy quả là một điều rất đáng kinh ngạc. Nhưng tôi không
kinh ngạc về sự tục tĩu của em. Tôi chỉ kinh ngạc vì cái dốt của em. Và
cả của thầy (cô?) giáo của em nữa.
Trước hết, cần lưu ý: hiện tượng học sinh nói tục là một hiện tượng
khá bình thường. Dĩ nhiên, đó là điều không tốt. Nhưng vẫn bình thường. Ở
đâu và thời nào cũng thế. Thời tôi còn học trung học, nhất là những năm
đầu trung học (cấp 2), rất nhiều bạn bè tôi cũng thường nói tục. Cứ mở
miệng ra là nói tục. Những chữ Đ.M. được sử dụng nhiều như những dấu
chấm, dấu phẩy trong câu văn. Nhớ, lúc tôi học lớp 6 hay lớp 7 gì đó,
thầy giáo ra lệnh là ai nghe bạn bè nói tục thì báo cho thầy biết; thầy
sẽ phạt. Một lần, có đứa hổn hển chạy lại thầy tố: “Thưa thầy, Đ.M.,
thằng Minh nói Đ.M. em! Em nói ‘Không được’ mà, Đ.M., nó cứ nói hoài.” Ở
Úc, ở lứa tuổi đó, học sinh cũng rất hay nói tục. Các nhà tâm lý học và
giáo dục học cho điều đó không có gì đáng hốt hoảng cả. Đến lứa tuổi
nào đó, tự dưng người ta bị khủng hoảng về bản sắc, muốn tự khẳng định
mình, muốn tự xem mình là “người lớn”, muốn tỏ ra ngang tàng…Thế là
người ta nói tục. Thông thường, vài năm sau, hiện tượng ấy tự dưng biến
mất.
Tuy nhiên, hiện tượng viết tục như em học sinh trên vẫn bất bình
thường. Bất bình thường ở hai điểm: Một, học lớp 12, em đã khá lớn tuổi;
và hai, điều này mới quan trọng: em dám sử dụng cái thứ ngôn ngữ tục
tĩu ấy vào bài viết.
Đi dạy cả mấy chục năm, tôi có kinh nghiệm về điều này: Ở Việt Nam
(trước đây) cũng như ở Úc, không hiếm học sinh và sinh viên, ở ngoài
đời, với những mức độ nhiều ít khác nhau, vẫn nói tục; nhưng khi cầm bút
viết, nhất là viết luận văn (theo phong cách academic!) thì hầu như
không ai chêm những thứ tiếng “Đức” hay tiếng “Đan Mạch” ấy cả. Người ta
tự động kiểm duyệt. Người ta biết chúng không phải chỗ. Người ta biết
người ta cần sử dụng một thứ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ bình thường hằng
ngày, với bạn bè.
Tôi cho lý do chính khiến em học sinh ấy viết như vậy là vì em không phân biệt được sự khác nhau giữa văn nói và văn viết.
Nếu đúng như vậy, khuyết điểm chính của em không phải là ở “đạo đức”. Mà là ở kiến thức.
Ở đây, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi khác: Liệu các thầy cô có dạy
cho các em phân biệt hai lối văn ấy hay không? Trong các xứ nói tiếng
Anh, hai khái niệm “spoken English” và “academic English” được phân biệt
rất rõ. Học sinh nào cũng được dạy và cũng phải biết. Còn ở Việt Nam?
Hình như không. Bởi vậy, không có gì đáng sửng sốt khi có những học sinh
viết y như cách các em nói chuyện hàng ngày. Lỗi, nhất định không thuộc
về các em.
Trong các lời nhận xét trên báo chí, tôi chưa thấy ai đặt vấn đề với lời phê của giáo viên: “Cần xem lại đạo đức bản thân”.
Đứng về phương diện sư phạm, lời phê ấy hoàn toàn sai.
Sai ở hai điểm:
Thứ nhất, sai về nguyên tắc. Một trong những nguyên tắc đầu tiên và
căn bản nhất mà giáo viên cần được học khi phê bài viết hay bài làm của
học sinh / sinh viên là: Chỉ tập trung vào sản phẩm và không được nhắm
vào con người; chỉ nói về những ưu và khuyết điểm của bài viết chứ không
được phê phán tính cách của các em. Những cách phê như “Em chậm hiểu
quá!” hay “Em dốt”, “Em ngu quá!” đều tuyệt đối bị cấm.
Thứ hai, sai về cách đánh giá. Nói tục hay viết tục dĩ nhiên là không
nên. Nhưng nó chỉ thuộc phạm trù văn hóa chứ không phải là đạo đức;
hoặc, nếu khó tính, xem đó là chuyện đạo đức thì cũng nên nhớ, trong
thang đạo đức, đó là những điều ít xấu nhất. Một người nói tục chắc chắn
không xấu bằng một tên ăn cắp. Đúng không? Nếu đúng, một học sinh viết
tục và một học sinh đạo văn, ai cần bị phê phán hơn ai?
Bởi vậy, tôi cho qua hiện tượng học sinh viết bài văn tục tĩu như
trên, vấn đề đáng báo động không phải là chuyện “đạo đức bản thân” của
học sinh. Mà là ở nền giáo dục hiện nay.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết
trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
0 comments:
Post a Comment