Saturday, January 5, 2013

Khi công an đề nghị dân cùng bắt cướp

Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong thời gian qua, tệ nạn cướp giật ở Việt Nam ngày càng trở nên hung tàn và tràn lan ở khắp mọi nơi.
AFP photoHai tên cướp giật vừa giật túi xách của một phụ nữ. Ảnh minh họa.
Sống chung với nạn cướp giật
Trong khi người dân hoang mang lo lắng cho sự an nguy tính mạng mỗi khi ra đường thì đại diện của ngành công an ở TP. HCM, nơi có nạn cướp bóc xảy ra liên tục, đề nghị thưởng 5 triệu đồng cho những ai bắt được cướp. Liệu biện pháp này có hữu ích cho người dân trong tình cảnh phải sống chung với cướp hiện nay?
Tệ nạn móc túi, lừa gạt, cướp giật hầu như diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhiều câu chuyện cảnh giác xảy ra ở các quốc gia có đông khách du lịch như ở Pháp, ở Ý được đăng tải thường xuyên. Tuy nhiên, tệ nạn xấu này xảy ra ở các quốc gia văn minh không đến mức báo động và đáng sợ như đang diễn ra ở Việt Nam với cường độ ngày một nhiều và ngày càng tàn bạo, hung tợn.
Báo chí trong nước cập nhật tin tức về nạn cướp giật mọi lúc mọi nơi. Dù tệ nạn này vẫn xảy ra từ trước đến nay nhưng có lẽ chưa bao giờ người dân lại gặp những cảnh như vợ chồng bế con vài tháng tuổi đi cướp, cô dâu bị cướp dây chuyền khi đang đứng chụp hình trước cổng rạp đám cưới, xông vào nhà cướp giữa ban ngày, cướp dùng dao cắt cổ người lái xe ôm, hay vụ việc cô gái bị cướp chém đứt tay ở TP. HCM trong những ngày cuối năm 2012 gây bàng hoàng trong dư luận.
Đi đâu cũng phải cảnh giác như khi mình dừng xe để vô nhà thì cũng phải để ý xung quanh xem có người hay không rồi mới dẫn xe vô nhà. Tại vì bị cướp ngay trước cửa nhà là bình thường.
Một người dân
Trong số những người dân đài ACTD tiếp xúc để tìm hiểu tâm lý lo lắng đến mức nào trước tệ nạn cướp giật xảy ra thậm chí bọn cướp còn nổ súng khi bị rượt đuổi, một phụ nữ sinh sống ở TP. HCM, tên Huyền cho biết:
“Nói chung đi với tâm trạng rất hồi hộp, rất lo lắng. Hồi xưa Huyền bị giựt dây chuyền một lần rồi thành ra Huyền sợ tới bây giờ luôn. Nói chung đó là sự rủi ro, xảy ra bất cứ lúc nào dù có cảnh giác thì chỉ hạn chế được thôi, còn nếu đã xay ra rồi thì đâu có ai làm gì được đâu, đâu có ai chống cự lại được. Người bình thường thì không dám chống cự”.
Đối với một người khi chắt chiu dành dụm để sắm một món tài sản thì là rất quý thành ra khi lỡ bị cướp giật thì tự nhiên họ sẽ hành động theo phản xạ để bảo vệ của cải cho mình. Tuy vậy, người dân cho biết họ bị động và trân trân nhìn tài sản của mịnh vụt mất khõi tầm tay chỉ trong khoảnh khắc mà không thể làm gì khác vì sợ bị đâm hay bị bọn cướp hung hãn giết hại. Dù rất cẩn thận mỗi khi ra đường, dù cố gắng sắp xếp công việc trong thời gian an toàn không đi sớm về khuya nhưng tâm trạng vẫn lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bản thân. Một bà mẹ trẻ có con nhỏ chia sẻ:
“Nghe những tin như thế này thì em cảm thấy hơi sợ vì họ dàn cảnh để cướp xe. Ví dụ như họ giả làm người chồng, giả làm người vợ rồi lại gần để gây chuyện và đẩy xe vô lề đường, chửi bới rồi cướp xe. Nói chung là sợ những cảnh như vậy. Hôm trước ở trước cửa nhà em có mấy vụ cướp khoảng sau 10 giờ. Không biết cướp cái gì nhưng nghe la cướp rồi chạy. Đi đâu cũng phải cảnh giác như khi mình dừng xe để vô nhà thì cũng phải để ý xung quanh xem có người hay không rồi mới dẫn xe vô nhà. Tại vì bị cướp ngay trước cửa nhà là bình thường”.

Được thưởng tiền khi bắt cướp

vietnamnet-250.jpg
Một tên cướp giật vừa bị bắt. Photo courtesy of vietnamnet
Lời chia sẻ “tại vì bị cướp trước cửa nhà là bình thường” thật không bình thường khi người dân phải buột miệng cho rằng “thời buổi bây giờ đành phải sống chung với cướp thôi”. Tệ nạn cướp giật không chỉ xảy ra đối với người dân trong nước mà ngay cả khách du lịch nước ngoài cũng là nạn nhân không ít. Nhiều du khách bày tỏ bằng cái lắc đầu thất vọng nói là họ đi du lịch nhiều nơi trên thế giới nhưng nạn cướp giật ở xứ sở này thì thật ghê gớm. Người dân cho biết xã hội mà họ đang sống thật sự bất an. Hình ảnh bà cụ già ăn xin ở TP. Huế bị một “nữ quái” giật đi số tiền mình có khi “nữ quái” này giả vờ cho bà cụ 10.000 đồng đã khiến cho dư luận phản ứng dữ dội rằng quá bất nhân, vô lương tâm và không còn ngôn từ nào để diễn tả được.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao bọn lừa đảo, cướp giật ngày càng trẻ hóa, tàn bạo, không còn nhân tính? Câu trả lời của các chuyên gia là do kinh tế bị khó khăn gây ra nạn thất nghiệp gia tăng nên ảnh hưởng đến toàn xã hội. Các nhà giáo dục nhận định đạo đức xã hội bị băng hoại là một tác nhân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật thì cho rằng công tác tuyên truyền pháp luật bị hạn chế, tệ nạn xã hội gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này.
Năm triệu đồng không có giá trị gì đối với mạng sống con người ta. Ra tay nghĩa hiệp bị đâm chết thì lúc đó ai đền cho họ, ai lo cho họ? Thấy không hiệu quả.
Một người dân
Báo VnExpress đăng tải thông tin lực lượng công an TP.HCM cho rằng người dân hiện chưa biết tự bảo vệ mình và còn thiếu cảnh giác. Vậy câu hỏi đặt ra các cơ quan chức năng làm gì để giải quyết hiện trạng này? Một trong những biện pháp là sẽ thưởng ngay 5 tiệu đồng cho những ai bắt được cướp. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho hay đang dự định vận động cho biện pháp này vì tin rằng với mức thưởng này sẽ tạo nên một lực lượng hùng hậu để chống tội phạm. Biện pháp này có thật sự hữu hiệu cho người dân hay không?
“Thật sự nếu có cướp xảy ra thì không ai dám nhào vô hết. Nếu cướp quay ra đâm người ta chết thì số tiền đó không đáng gì. Năm triệu đồng không có giá trị gì đối với mạng sống con người ta. Ra tay nghĩa hiệp bị đâm chết thì lúc đó ai đền cho họ, ai lo cho họ? Thấy không hiệu quả”.
Nhiều người dân cho đài ACTD biết họ đang trông chờ được thấy cảnh tượng lực lượng của các cơ quan ban ngành ra quân diệt trừ bọn cướp bất lươnghại người như những hình ảnh trong các cuộc diễn tập chống bạo động, bạo loạn mà họ được thấy trên các cơ quan truyền quan truyền thông đại chúng. Có như vậy thì cuộc sống mới được an dân.

0 comments:

Powered By Blogger