Điều 4 Hiến pháp vẫn quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất được “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Để khẳng định ý chí không thể lay chuyển ấy, các Tổng Bí thư và các quan chức về Tuyên giáo luôn tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết thì nói rất thực lòng “Bỏ Điều 4 là (Đảng) tự sát”! Trong thực tế những người phản đối Điều 4 (mà TS luật Cù Huy Hà Vũ là một tiêu biểu) quả nhiên đều bị trừng phạt nặng nề. Tất cả những điều ấy cho thấy ở nước ta việc phản đối Điều 4 là việc cấm kỵ.
Thế nhưng, thật sung sướng đến lạ tai, tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều 29/12, ông Phan Trung Lý khẳng định: “nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”!
Thật là một làn gió mới! Nhưng vì những ấn tượng ngược chiều vốn có như đã nói trên,“làn gió mới” này vẫn còn ngập ngừng, chờ sự giải đáp một vài câu hỏi ở nơi ông Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:
1/ Được có ý kiến và không có gì cấm kỵ có nghĩa là có thể được phép tán thành hoặc không tán thành đối với Điều 4 (cũng như các Điều khác), tán thành hoặc không tán thành sự lãnh đạo duy nhất của ĐCS!. Thế nhưng, trường hợp không tán thành sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản thì tất nhiên phải có sự lãnh đạo của một đảng khác nào đó thay thế ( để có thể thay nhau từng nhiệm kỳ), và như thế tất nhiên phải có ít nhất một đảng khác, nghĩa là đa đảng? Vậy xin hỏi ông Phan Trung Lý có chấp nhận sự “tất nhiên” theo lô-gích không thể chối cãi ấy không? (nếu không, tức là có cấm kỵ rồi!).
2/ Bên cạnh câu nói hết sức cởi mở, tự do ấy (đến Điều 4 mà không có cấm kỵ gì kia mà), ông Phan Trung Lý có đưa ra hai nhân tố mang tính chất điều kiện của tự do là “những định hướng lớn, nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên” và “sẽ quyết định theo đa số”?
Xin được hỏi:
- Nếu ấn định trước là phải giữ nguyên những điều mà ông cho là “định hướng lớn”, là “nguyên tắc cơ bản” thì đó chính là những yếu tố cấm kỵ (như trên đã nói), không thể nói “không có gì cấm kỵ” được.
- Điều ấn định có tính nguyên tắc ấy mâu thuẫn với tiêu chuẩn “đa số” mà ông nêu ra, vì nếu đa số yêu cầu thay đổi một “nguyên tắc cơ bản” đã cũ không còn thích hợp thì sao, sẽ theo đa số hay theo nguyên tắc cũ?
- Đến lượt tiêu chí “đa số” cũng là một yếu tố rất mập mờ. Đa số trong những ý kiến đóng góp, hay đa số trong ban soạn thảo, đa số trong Quốc hội hay đa số trong toàn dân? Mặt khác không phải bao giờ Chân lý cũng thuộc về đa số một cách “cơ giới”, có khi một ý kiến tiên tiến, chí lý lại xuất phát từ thiểu số mà đa số còn chưa nhận ra hoặc chưa có điều kiện tham gia biểu quyết, nhất là trong môi trường mà tự do ngôn luận còn nhiều hạn chế như xứ ta?
Tóm lại, thưa ông Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý, lời tuyên bố “không cấm kỵ gì đối với Điều 4” quả là làn gió mới, nhưng còn chờ vài điều phải được giải đáp (bằng lời nói và bằng thực tiễn) mới có thể thổi bay những nghi ngại vẫn tồn đọng bấy nay.
30-12-2012
—
* Ông PTL là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
0 comments:
Post a Comment