Từ
khi miền Nam thất thủ, đã có nhiều nghi vấn – nhất là của một số nhân
vật có máu mặt trong nước – về sự trung kiên của Hoa Kỳ như một đồng
minh chiến lược, bảo vệ quyền tự quyết và nền dân chủ phôi thai của các
dân tộc yêu chuộng tự do đang bị các lực lượng vũ trang và ngoại bang đe
dọa thôn tính (1). Người ta nhắc nhở chuyện Mỹ bỏ rơi miền Nam như bằng
chứng của sự phản bội. Họ lên án Mỹ đã bán đứng miền Nam sau khi Nixon
bắt tay với Mao Trạch Đông (1972), mở ra một kỷ nguyên mới giữa Hoa Kỳ
và Trung Hoa lục địa. Người ta cũng lặp lại một cách thiếu sót phương
châm của Kissinger: “Hoa Kỳ không có bạn hoặc kẻ thù lâu dài, mà chỉ
biết đến quyền lợi của mình”. (2)
Người ta cũng có thể dẫn nhiều sự kiện khác trong lịch sử để chứng
minh tính phản phúc và sự thiếu trung trinh của Hoa Kỳ (và Liên Hiệp
Quốc): 1) Mỹ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cho phe Cộng sản
Mao Trạch Đông (1949); bỏ rơi Batista cho Cộng sản Fidel Castro (1959)
và thêm một lần nữa bỏ rơi tàn quân kháng chiến Cuba ở Vịnh Con Heo sau
khi cuộc đổ bộ của họ bị bại lộ (Cuba, 1961), chưa nói khi thế giới tự
do làm ngơ trước hai cuộc cách mạng hụt hẫng của Hungary (1956) và
Czechoslovakia (1968) sau khi Nga Xô xâm chiếm Đông Âu.
Nhưng tất cả những quy trách trên – tuy không xa rời với dữ kiện lịch
sử – đều vô nghĩa lý. Và xét trên cương diện địa chính trị, vị thế của
Hoa Kỳ và sử quan thế giới trong bối cảnh của từng thời đại (Chiến Tranh
Lạnh, hậu Việt Nam, Cộng sản Nga Xô tan rã, Đông Âu biến loạn
(Sarajevo), Trung Quốc trỗi dậy, Al-Qaeda, Iraq, hậu Iraq, Muà Xuân Ả
rập, v.v.), những cáo buộc đó không có chỗ đứng. Thử nhìn lại
hai cuộc Thế chiến (1914-1918; 1941-1945), cuộc chiến ở Hàn Quốc
(1950-1953), Việt Nam (1963-1973) và nếu con số tử vong của Hoa Kỳ
(630,632 người chưa kể thương binh, tổn thất vật chất hay tài chánh)
trong các cuộc chiến đó:
Thế chiến I = 117.465
Thế chiến II = 418.500
Hàn Quốc = 36.516
Việt Nam = 58.282
không nói lên sự cam kết của Hoa Kỳ cho an ninh thế giới thì chí ít
cũng cho thấy sự hy sinh về nhân mạng của binh lính vì những lý tưởng
bảo vệ tự do, quyền tự quyết, v.v. mà chính phủ Mỹ đã nêu lên và nhân
danh (vì vậy, chúng ta cũng đừng quên Sarajevo (Bosnia) hay Mogadishu
(Somalia), hay nhắc đến Iraq hay Afghanistan).
Hoa Kỳ dù giữ một vị trí siêu cường, cũng không thể tạo dựng sức mạnh
hay chủ quyền cho bất cứ một quốc gia nào, mà trái lại khi một nước
nhược tiểu càng ỷ lại vào Hoa Kỳ để mưu cầu độc lập, tìm tinh thần tự
quyết cho mình thì lại càng yếu kém. Nhất là khi quốc gia đó không biết
thu phục lòng dân, gầy dựng riêng cho đất nước và dân tộc mình một thực
lực. Hoa Kỳ không phải là một đấng Thượng Đế anh minh, lúc nào cũng
đúng, cũng phải, họ không phải là một thế lực vô biên, toàn năng, hay
tuyệt hảo, có thể giải đáp mọi nan đề của thế giới một cách công minh và
tuyệt đối, không phải bất cứ những quyết định tham chiến hay không tham
chiến của họ đều hữu lý hay thiết thực. Cũng nên nhớ, Hoa Kỳ cũng không
là một chế độ độc tài, cai trị lâu năm dưới sự lãnh đạo chuyên chính
của một nhóm thiểu số độc đảng, để chính quyền Hoa Kỳ có thể giải quyết
sự khác biệt nội bộ bằng cách chia chác quyền lợi, đi đến việc đồng tâm
nhất trí thi hành những chuyện mờ ám, hay muốn làm gì thì làm.
Hệ thống quyền lực của Hoa Kỳ không nằm trong tay một tổng thống, một
đảng chính trị, trái lại hệ thống tam quyền phân lập đòi hỏi sự chế
tài, kiểm soát và đối trọng lẫn nhau giữa các cơ quan hành pháp, lập
pháp, và tư pháp. Quyền hành và trách nhiệm được hiến pháp Hoa Kỳ phân
chia rõ rệt giữa các định chế pháp trị. Quyền hành đi đôi với trọng
trách. Ngoài ông Franklin D. Roosevelt cai trị được 12 năm, các tổng
thống khác chỉ có thể đắc cử hai nhiệm kỳ, tối đa là tám năm. Ngay cả vị
tổng thống đầu tiên, George Washington được toàn dân tín nhiệm nhưng
ông chỉ chấp nhận nhậm chức hai nhiệm kỳ.
Ở Mỹ, mỗi nhiệm kỳ tổng thống lại có có một chủ trương mới, một chủ
thuyết đối ngoại mới cho hợp với lòng dân đã bầu mình lên, hoặc giả đề
cao đặc điểm hay ưu thế của vị tổng thống đó (Taft Dollar Diplomacy, The
Truman Doctrine, Nixon China Doctrine (Rapprochement: Xích lại gần
nhau), Reaganomics, Obama Care, v.v.) do đó không phải lúc nào chính
sách đối nội hay đối ngoại đều trước sau như một. Hoa Kỳ do là một nước
tư bản, một nhược điểm của chế độ này là quyền lực của nhóm tài phiệt có
thể thao túng chính trường Hoa Kỳ nếu không bị cơ quan công quyền chế
tài, báo chí hay truyền thông phanh phui, ngăn chận.
Trong những năm nguy kịch của nền Đệ nhị Cộng hoà (’73), Nixon sau
khi thành công với chuyện rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam và ép buộc
tổng thống Thiệu ký Hiệp định Paris, và để trấn an ông Thiệu, Nixon đã
viết một lá thư riêng hứa sẽ can thiệp, không hiểu Nixon có thành thực
với những điều mình viết trong lá thư hay không, nhưng một biến cố trọng
đại trong đời tổng thống của Nixon là vụ Watergate, ông đã bị Watergate
lôi xuống, buộc phải từ chức. (3)
Và đây chính là lỗi lầm của ông Thiệu khi lên truyền hình quốc gia
cầm lá thư của Nixon cam kết sẽ trả đũa nếu miền Bắc vi phạm hiệp định
Paris, mếu máo khóc. Đến năm ’75 thì tình thế, cục diện chiến tranh miền
Nam đã muộn. Thật ra, miền Nam phải nhận được tín hiệu từ năm 1968, sau
vụ Tết Mậu Thân, khi báo chí và truyền thông Mỹ đã gán cho cuộc chiến
Việt Nam là vô vọng, bất luận Mặt trận Giải phóng Miền Nam hầu như đã
hoàn toàn bị tiêu diệt sau cuộc tổng công kết đó.
Ông Thiệu quên rằng trong thể chế lưỡng đảng năm đó phe Bồ câu của
đảng Dân chủ đã thắng thế lên ngôi, muốn cắt đứt mọi viện trợ quân sự
cho miền Nam. Một điều nhục nhã cho miền Nam đã được thể hiện qua lời
tuyên bố của ông Thiệu trên truyền hình Việt Nam: Nếu Hoa Kỳ viện trợ
cho miền Nam 700 triệu (Mỹ kim) thì mình (miền Nam) đánh theo 700 triệu,
nếu viện trợ cho 300 triệu thì mình đánh theo 300 triệu! Ông Thiệu lại
trơ trẽn cầm vận mệnh của miền Nam ra tháu cáy Mỹ, ra lệnh triệt thoái
toàn bộ miền Trung, tạo thế hỗn quan hỗn quân, bỏ ngõ Vùng I Chiến Thuật
cho quân đội miền Bắc tiến vào. Nếu tôi không lầm thì trong cuốn Đại thắng mùa Xuân
của đại tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt có thổ lộ là phe Bắc Việt tiến
vào miền Trung như đi vào chỗ không người, không có một sự đề kháng
nào.
Ở đây xin không mạn bàn thêm về những cái may của miền Bắc và cái rủi
(xui xẻo) của miền Nam trong quá khứ, xin nhường cho lịch sử những phán
xét quang minh hơn. Ở đây tôi chỉ nêu lên cái nan đề của lãnh đạo của
hai thời Quốc-Cộng, hy vọng Cộng sản Việt Nam ngày nay có đủ sáng suốt
có thể sớm tìm ra giải pháp cho đất nước: Giữ Đảng hay giữ nước? Đáp số
cho sự bế tắc của Trung ương Đảng Cộng sản không phải là chọn Mỹ thay
cho Trung Quốc.
Đáp số cho ngõ cụt Việt Nam: Chọn hướng đi nào để lãnh đạo Việt Nam
phát huy được sức mạnh dân tộc? Nếu không có hậu thuẫn của toàn dân,
không sử dụng được sức mạnh dân tộc, thì sớm muộn cơ nay sinh tồn của
Việt Nam sẽ không còn, và liệu khi đó có một (bạo) cường quốc nào có thể
giúp giữ vững được vai trò cai trị của lãnh tụ Việt Nam không? Hoa Kỳ
đã không giúp được cho ông Thiệu yếu kém. Liệu Trung Quốc có giúp được
cho lãnh đạo Việt Nam ngày nay?
Là một người sống ở Mỹ lâu năm, dạy lịch sử và những giá trị dân chủ
của thể chế Hoa Kỳ, tôi có thể khẳng định một điều: Hoa Kỳ lập quốc trên
những lý tưởng dân chủ, bình đẳng, tự do và tôn trọng quyền làm người,
do đó tôi tin rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các chính quyền có tính
dân chủ tự lập, biết đảm trách và gánh nhận vai trò cai trị anh minh,
tốt lành của một quốc gia là một điều thiết thực (good governance, một
điều mà Mỹ hay đề cao với các quốc gia như Việt Nam). Do đó khi được
lòng dân, có hậu thuẫn của các đối tác trong vùng, thì chuyện có được
đồng minh bảo vệ sẽ là chuyện tự khắc. Hoa Kỳ hay ‘đồng minh’ tốt nào
rất sợ phải ủng hộ đến cùng một đối tác chiến lược yếu hèn, tham nhũng,
bóc lột dân như ông tổng thống Marcos ở Philippines, hoặc những đối tác
chiến lược, nhưng lại thích đi hàng hai như Việt Nam hiện nay.
Nhân đây tôi xin nhắc lại một phát biểu gần đây của ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Lãnh sự Hà Nội tại San Francisco, nói rằng Hoa Kỳ [ông Newt Ginrich] không nhìn nhận Việt Nam như một đối tác chiến lược.
Nếu điều ông Hùng nói là có thật (tức là ông Newt Ginrich có nhận định
như thế) thì có lẽ đấy chỉ là một nửa sự thật. Nghĩa là bất kể sự khác
biệt và nguyên lý đối nghịch giữa Cộng sản và Tư bản, Hoa Kỳ vẫn có thể
đi với Việt Nam, NẾU Việt Nam có những sửa đổi, cải thiện về đường lối
cai trị, biết tôn trọng nhân quyền của các con dân lương tâm của mình và
thôi đàn áp, bắt bớ họ. Và – nhất là – xin nhắc lại một lần nữa: NẾU
Việt Nam thôi đu dây về phía Trung Quốc.
Xin đơn cử một vài thí dụ điển hình: Vịnh Cam Ranh đã được Mỹ xây
cất, trang bị như một cảng với ưu thế quân sự quan trọng vào tầm vóc
nhất nhì thế giới trong cuộc chiến Quốc-Cộng (từ 1965-1972). Đến thập
niên 90, Mỹ đã bắt đầu thương lượng với Việt Nam về hải cảng này, thương
lượng không thành, trong khi đó nhà cầm quyền Việt Nam đã sang nhượng
đầu rừng, khai thác bô-xít trên Tăy Nguyên, chuyển nhượng lãnh hải Việt
Nam cho Trung Quốc, để cho những lực lượng trá hình của Trung Quốc ở
những vị trí trọng yếu trong lãnh thổ Việt Nam. Một điều trớ trêu đến độ
sỉ nhục cho Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng
Leon Panetta (ngày 3 tháng Sáu, 2012) ở cảng Cam Ranh, trên tàu Hải quân
Hoa Kỳ Richard E. Byrd, là trong khi giữa những cờ xí tung bay chào đón
một chính khách vào hàng cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ, thì cách đó
chỉ vài trăm mét các anh khách trú Trung Hoa ngồi chễm chệ trên các “bè
nuôi cá”!
Chẳng thế mà một tuần sau đó, trên mạng tuần báo Time, phóng viên Kirk Spitzer
cùng với lập luận củng cố của giáo sư Donal E. Weatherbee (University
of South Carolina) đã cho biết Mỹ đã bỏ qua chuyện tranh chấp trên Biển
Đông, chỉ đòi hỏi Tàu chuyện thông thương tự do trên Thái Bình Dương, để
mặc cho Trung Quốc – Việt Nam và các nước liên đới giải quyết với vấn
đề chủ quyền với nhau không can dự vào.
Đây là một cách bày tỏ thái độ không chính thức của Mỹ, đánh tiếng
cho nhà nước Việt Nam biết sự bất mãn của Hoa Kỳ về chuyện hệ lụy Trung
Quốc của Việt Nam. Sau đó lại thêm một kết quả tiêu cực khi kết cục của
hội nghị ASEAN kỳ thứ 11 ở Phnom Penh vào trung tuần tháng Bảy vừa rồi
đã không mang lại một đồng thuận khả quan nào về Biển Đông, cho thấy
việc không đoàn kết của các nước Đông Nam Á và thiếu chủ lực của Việt
Nam.
Cho nên, cùng với sự nhận định của các quan sát viên hiểu biết trên
thế giới về ASEAN – và nhất là Việt Nam – tôi có thể đi đến kết luận
rằng Việt Nam trong tình thế yếu kém hiện tại, không thể nào là thế lực
lãnh đạo của các nước ASEAN, do đó không thể nào đi theo chính sách
trung lập một cách quang minh và chính đại.
Tự dưng không phải Thái Lan, Lào và Camuchia lại bị Trung Quốc mua
chuộc mà chính lý do Việt Nam lâu nay nằm trong quỹ đạo cương tỏa của
Trung Quốc đã khiến cho các nước Lào, Campuchia đặt lại nghi vấn chuyện
đi đêm của họ với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Cho đến khi được các nước trong
vùng tin tưởng hay kính trọng vào sự tự chủ và sức mạnh nội tại và thực
tiễn của Việt Nam đối với con dân của mình thì chuyện trung lập của
Việt Nam là một ván bài tự sát. Niềm hy vọng nhà nước Việt Nam sẽ chọn
được một đồng minh tốt về kinh tế, một đối tác chiến lược lâu dài sẽ trở
thành hiện thực khi những yêu cầu trên được giải quyết.
Đương nhiên mấy ngàn năm lịch sử với Bắc triều đã là một bài học đắt
giá, do đó sức mạnh của lòng dân vẫn là một đối trọng tiên quyết so với
bất cứ một ma lực nào, sau đó mới đến sự hợp tác của một cường quốc anh
minh, mong muốn nó sẽ mang lại một ích lợi tương tác của đôi bên – không
riêng gì với Hoa Kỳ mà với bất kỳ một thế lực Âu châu nào.
Nguyễn Khoa Thái Anh
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
__________________________
(1) “It must be the policy of the United States to support free
peoples who are resisting attempted subjugation by armed minorities or
by outside pressures.” – lời của Tổng thống Truman trong bài diễn văn
trước Quốc hội Hoa Kỳ (12 tháng Ba, 1947) xin viện trợ 400 triệu Mỹ kim
để trợ giúp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại sự đe doạ Cộng sản. Sau này
được gọi là Truman Doctrine, đặc trưng cho những nỗ lực của Hoa Kỳ chống
lại làn sóng đỏ trong Chiến Tranh Lạnh.
(2) “America has no permanent friends or enemies, only interests.”
(3) Ngày 17 tháng Sáu, 1972, năm người bị bắt quả tang đột nhập vào
tòa nhà Watergate ở Washington D.C. (định ăn trộm tài liệu của Đảng Dân
Chủ) là người được quỹ tài chánh yểm trợ tái cử tổng thống Nixon trả
tiền. Sau này ông Nixon bị truy ra – qua hàng loạt tang chứng những băng
ghi âm những cuộc nói chuyện của ông Nixon với bộ hạ – dẫn đến chuyện
từ chức của tổng thống Nixon vào ngày 9, tháng 8, năm 1974.
0 comments:
Post a Comment