Wednesday, February 1, 2012

Trung Quốc: lần đầu tiên dân làng Ô Khảm được bầu trực tiếp lãnh đạo

Tác Giả: Trọng Nghĩa

Dân làng Ô Khảm đã đứng lên đòi hỏi công lý, đối mặt với cả công an lẫn các quan chức của tỉnh


Dân làng Ô Khảm, Quảng Đông biểu tình ngày 21/12/2011 (REUTERS)

Vào tháng 12 vừa qua, dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông đã khuất phục được chính quyền sau nhiều ngày biểu tình chống lại giàn lãnh đạo địa phương tham nhũng và cướp đất của dân. Hôm nay 01/02/2012, họ đã khởi động một bước quan trọng, mở đường cho việc lần đầu tiên họ được quyền tham gia một cuộc bầu cử thực sự tự do và dân chủ.


Theo hãng tin Pháp AFP, theo dự kiến, ngày hôm nay cư dân Ô Khảm sẽ công khai chọn ra một ủy ban bầu cử độc lập, bao gồm 11 người. Ủy ban này có nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử các lãnh đạo của làng một cách dân chủ, dự trù mở ra vào tháng Ba sắp tới.

Đấy sẽ là lần đầu tiên mà cư dân Ô Khảm được phép trực tiếp bầu lãnh đạo làng của mình, cho dù đây là một quyền dân chủ hiếm hoi mà Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo tại Trung Quốc dành cho cư dân các thôn trên toàn quốc.

Theo chế độ gọi là “dân chủ ở cơ sở” này (bắt đầu áp dụng từ năm 1988), trên nguyên tắc Ủy ban lãnh đạo các thôn làng do chính dân đề cử và bầu ra, chứ không phải là được Đảng và cấp trên chỉ định như trước đây. Chế độ bầu cử trực tiếp này tuy nhiên chỉ giới hạn ở cấp thôn, không hề được áp dụng ở cấp cao hơn, và lại càng không được chấp nhận ở cấp trung ương.

Thế nhưng, theo cư dân Ô Khảm, giới lãnh đạo địa phương chưa hề cho phép những cuộc bầu cử dân chủ như vậy, mà luôn luôn áp đặt giàn lãnh đạo thôn trong các cuộc họp nội bộ. Quyền trực tiếp bầu lãnh đạo là một trong số những nhượng bộ hiếm hoi mà dân làng Ô Khảm đã giành được từ phía chính quyền sau phong trào đấu tranh chống tham quan ô lại cuối năm ngoái.

Xin nhắc lại là vào mùa thu năm ngoái, trong nhiều tháng trời, dân Ô Khảm đã liên tục phản đối giới các lãnh đạo làng của họ, bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực để cướp đất đai của cư dân. Khiếu kiện của dân làng Ô Khảm thoạt đầu không được ai lắng nghe, và những người phản đối bị thẳng tay đàn áp.

Phải chờ đến khi lãnh đạo phong trào phản đối bị chết trong tù vào tháng Mười Hai, và chính quyền bị nghi là đã cho đánh đập người này đến chết, thì nỗi phẫn uất của người dân mới bùng nổ, và liên tục trong nhiều ngày, bất chấp đàn áp, dân làng Ô Khảm đã đứng lên đòi hỏi công lý, đối mặt với cả công an lẫn các quan chức của tỉnh.

Báo chí sau đó đã nhập cuộc, nêu bật các sai sót của lãnh đạo địa phương, khiến chính quyền tỉnh Quảng Đông không còn có thể che đậy vụ việc và phải chấp nhận can thiệp bênh vực dân làng. Dựa theo kết quả các cuộc điều tra về tình trạng tham nhũng, chính quyền phải công nhận là nỗi bất bình của dân làng có cơ sở hợp lý và cuộc bầu cử lãnh đạo thôn phi dân chủ vào năm ngoái không hợp lệ.

0 comments:

Powered By Blogger