Friday, February 3, 2012

Thượng Đế và Tổng Thống

alt

Mitt Romney

- Nguyễn đạt Thịnh

Tổng thống là nhân vật quyền hạn nhất trong một nước, tổng thống Hoa Kỳ lại còn có thể là nhân vật quyền hạn nhất thế giới, nhưng vẫn không quyền hạn bằng Thượng Đế. Do đó, đang dẫn đầu toán ứng cử viên sắp được cử tri Cộng Hòa chọn một người trong toán làm đại diện ra tranh cử tổng thống, ông Mitt Romney vẫn tìm cách dựa hơi Thượng Đế.
Ông vừa tuyên bố trên đài NBC: "Khi chúng ta có một vị tổng thống khuyến khích việc chia rẽ giữa 99% người Mỹ với 1% còn lại, thì chúng ta đang đứng trước một chủ trương đi ngược lại quan niệm một quốc gia thống nhất dưới chân Thượng Đế".
Romny có ý chỉ trích Tổng thống Barack Obama chủ trương chia rẽ người Mỹ, nhưng có thể ông đã dẫn lầm một câu không có lợi cho cuộc tranh cử của ông, vì câu một quốc gia đoàn kết dưới chân Thượng Đế (one nation under God) có một diễn tiến rất dài trong lịch sử Hoa Kỳ, và không liên hệ gì đến cuộc chia rẽ giữa 99% với 1%.
Nguyên thủy là, ngày 19 tháng 11/1863, gần 5 tháng sau trận giao tranh cuồng bạo nhất trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ kéo dài 3 ngày, từ 30 tháng Sáu đến mùng 3 tháng Bảy 1963, giết từ 46,000 đến 51,000 quân nhân đôi bên, Tổng thống Abraham Lincoln, trong bài diễn văn bất hủ đọc tại Gettysburg, đã nói: “This nation, under God, shall not perish from the earth” (dưới chân Thượng Đế, quốc gia này sẽ không tàn lụi trên địa cầu). Ước nguyện lịch sử này nói lên thiện chí của phe thắng trận muốn hòa giải với phe bại trận, được người Mỹ trân quý suốt nhiều thế hệ.
Trong cuộc nội chiến Việt Nam, chỉ vì những lãnh tụ cộng sản không học được câu nói mang tính hòa giải dân tộc sau chiến tranh, nên 36 năm sau, người Việt vẫn sống trong thù hận.
Tuy nhiên, câu nói lịch sử của ông Lincoln đã sớm bị bóp méo: chỉ 88 năm sau, vào ngày Quốc Khánh 1951, câu nói này được giới tư bản và tu sĩ đem ra làm lợi khí chống lại chính sách New Deal -Trật Tự Mới- của Tổng thống Franklin D. Roosevelt; thời điểm này là lúc xảy ra cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, hàng hóa mất giá, công nhân mất việc, giới tư bản mất uy tín, khiến nhiều nhà tư bản tận lực hoạt động để phục hồi cả tài sản lẫn địa vị. Họ tấn công việc chính phủ chủ trương cung cấp những tiện nghi tối thiểu cho người nghèo đang trong tình trạng thất nghiệp.
Những hãng xưởng lớn như DuPont và General Motors tài trợ cho nhiều tổ chức tuyên truyền chống chính sách “xã hội” của ông Roosevelt; một trong những tổ chức này là American Liberty League (Mặt Trận Tự Do Hoa Kỳ) tuyên truyền ủng hộ chính sách tư bản.
Lập trường quá lộ liễu bênh vực giới tư bản tài trợ cho họ khiến Mặt Trận Tự Do Hoa Kỳ bị truyền thông gọi là Mặt Trận Giấy Kiếng Hoa Kỳ (American Cellophane League), vì giấy kiếng là sản phẩm của hãng DuPont, một ngụ ý khác nữa là mọi người đều có thể nhìn thấy (qua lớp giấy kiếng) bản chất của hội Mặt Trận Tự Do Hoa Kỳ.
Thấy đuối lý, giới tư bản vận dụng nhiều tu sĩ vào bênh vực họ. Nhận tiền tặng dữ, mục sư James W. Fifield, cai quản giáo hạt First Congregational Church tại Los Angeles, nhiệt liệt bênh vực tư bản. Ông viết: "Thượng Đế ban phước lành và biệt đãi giới tư bản, giới đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội".
Fifield còn nói xã hội tư bản giống Thiên Đàng ở chỗ, tại hai nơi này con người thành công hay thất bại đều do tự họ làm ra. Chính sách trợ cấp của chính phủ khuyến khích lười biếng, vi phạm nhiều điều trong 10 điều răn của Thượng Đế, chính sách này còn lấy trộm của người giàu đem cho người nghèo.
Fifield và nhiều tu sĩ đi khắp nơi thuyết giảng chủ trương "quyền tự do dưới chân Thượng Đế" và thuyết "quan điểm tự do của Thiên Chúa Giáo". Họ còn sử dụng phương tiện truyền thanh, và xuất bản một tờ nguyệt san.
Họ mời được những thượng khách như cựu Tổng thống Herbert C. Hoover, Đại tướng Douglas MacArthur, quý ông Walt Disney, Ronald Reagan, Conrad Hilton, J. C. Penney, Harvey Firestone Jr., J. Howard Pew... tham dự thánh lễ, trong đó họ thuyết giảng những luận cứ chống chính sách New Deal.
Dù chỉ nhắc lại những lập luận cũ, đả kích việc chính phủ Obama chủ trương giúp người nghèo, việc ông Romney nói quan niệm công bằng kinh tế, công bằng lợi tức, và thuế khóa đi ngược lại ước vọng “một quốc gia đoàn kết dưới chân Thượng Đế", có thể không đúng, và không đúng chỗ.
Ra tranh cử, và nếu đắc cử, ông sẽ là tổng thống, mà ông lại muốn thành phần 99% người Mỹ, có lợi tức thấp phải chấp nhận thiệt thòi để đoàn kết với ông, thì khối cử tri đó sẽ nghĩ như thế nào? Và ông sẽ phản ứng ra sao nếu họ yêu cầu ông đoàn kết với họ, cũng dưới chân Thượng Đế, bằng cách đóng thuế nhiều hơn họ, vì ông có phương tiện hơn họ.
Nhưng Romney không thích ai soi mói tìm biết hồ sơ thuế vụ của ông, nhất là về khoản tiền ông đầu tư tại Cayman Islands; phóng viên truyền thông ước tính ông sẽ quay qua tấn công ông Obama một cách ngoạn mục về sự thất bại của công ty Solyndra để lái sự chú ý của quần chúng sang hướng khác.
Romney càng giấu, dư luận càng tìm mọi cách để biết tài sản của ông, và số tiền thuế ông đóng hằng năm. Ông tự bào chữa là cũng giống như mọi người Mỹ khác, ông tận dụng trương mục IRA (Individual Retirement Account - trương mục để dành tiền hồi hưu) để hoãn thuế; điều ông không giống người khác là trong lúc trương mục IRA của mọi người chỉ có tối đa vài trăm ngàn Mỹ kim, thì Romney có từ $20.7 triệu đến $101.6 triệu tiền để dành.
Chuyên viên thuế vụ nói họ chưa thấy trương mục tiết kiệm nào nhiều tiền đến như vậy; hành động này của Romney, tuy bất bình thường nhưng không phi pháp.
Ký giả Mark Maremont của tờ Wall Street Journal tiết lộ trong số tiền $101.6 triệu một phần là tiền của công ty Bain Capitol.
Sau khi khai thác kẽ hở tiền để dành được hoãn thuế, Romney khai thác một kẽ hở khác của luật thuế vụ: ông lấy tiền tiết kiệm ra đầu tư, và để tránh không phải đóng thuế cho số tiền lời hằng năm, ông lại bỏ tiền lời vào quỹ tiết kiệm. Cho đến giờ này, cái vòng luẩn quẩn bỏ tiền thật nhiều vào trương mục tiết kiệm IRA, rồi lấy tiền tiết kiệm ra đầu tư để tránh thuế, khiến Romney đang trở thành vị ứng cử viên tổng thống giàu nhất trong lịch sử Mỹ.
Một nhân viên trong bộ tham mưu ứng cử của ông nói ông không hưởng biệt lệ nào về thuế vụ cả.
Luật sư Jonathan Rikoon, thành viên của tổ hợp luật Debevoise & Plimpton LLP ở Nữu Ước, nói lối đầu tư và và sử dụng trương mục tiết kiệm của Romney sẽ tạo ra nhiều hậu quả bất lợi sau này, khi cần rút tiền tiết kiệm ra. Ý nói là khi đó Romney có thể bị trả thuế nặng hơn.
“Trò ảo thuật tránh thuế này có thể hữu hiệu," Rikoon nói. "Tuy nhiên không ai phán đoán được hậu quả vì không ai nhìn thấy toàn bộ trò chơi đó".
Câu chuyện đang xoay quanh ảo thuật tránh thuế, và số thuế đóng có tương xứng với tài sản của ông không. Từ đó cuộc tranh luận chuyển dần về những nấc thuế áp dụng cho từng mức lợi tức. Trước áp lực của dư luận, Romney công nhận ông đóng thuế ở nấc 15% -nấc thấp nhất- nấc mà chính anh ký giả nghèo mạt rệp này vẫn đóng từ ngày bị Việt Cộng đuổi sang Mỹ.
Một anh ký giả khác, viết cho Associated Press, yêu cầu nhà trăm-triệu phú Romney giải thích về nấc thuế ông đóng; nhún vai ông trả lời: "Tôi khẳng định với anh là tôi đóng thuế, đóng đúng luật như mọi công dân Mỹ khác. Và cũng như những người đó tôi không tránh né những cơ hội giúp tiết kiệm tiền đóng thuế".

Ông Romney làm tôi hãnh diện: hãnh diện vì được bình đẳng với ông trên nấc thuế 15% "chúng tôi" cùng đóng như nhau cho ngân sách quốc gia. Tôi còn mang cao vọng được đoàn kết với ông dưới chân Thượng Đế, ngày ông đắc cử.
Không biết Thượng Đế có cho ông, một tu sĩ hoàn tục, đánh mất lòng nhân đạo, được đứng dưới chân Người hay không.

Nguyễn Đạt Thịnh

0 comments:

Powered By Blogger