Monday, February 13, 2012

Ông Đoàn Văn Vươn tự vệ chính đáng

Thái Thủy

Ông Đoàn Văn Vươn phòng vệ chính đáng


Ngày 12/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp để thi hành lệnh theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ tấn công lấy đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng,trong đó có ghi: “Viện Kiểm sát Nhân dân TP, Tòa án Nhân dân TP khẩn trương đưa vụ án 'giết người và chống người thi hành công vụ' ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.”

Truy tố sai tội danh:

“Giết người” hay “Cố ý gây thương tích cho người khác” hay “Dùng vũ lực để cản trở người thi hành công vụ”, hay “Phòng vệ chính đáng”?

Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công lấy đất ở Tiên Lãng, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố bốn người – kể cả ông Đoàn Văn Vươn - trong vụ tấn công có nổ súng ở đầm ở Cống Rộc, huyện Tiên Lãng, với tội danh giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình Sự.

Theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự, giết người là một tội nặng bị phạt ít nhất là 7 năm tù, trường hợp đặc biệt có thể bị án tử hình. Ngay từ đầu Cơ quan Điều tra của Công An TP Hải phòng đã sai khi truy tố ông Đoàn Văn Vươn và ba người khác với tội danh “giết người” theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự. Đây là việc làm sai, nếu không muốn nói là lạm dụng Luật pháp vì việc chống lai lực lượng tấn công ở Tiên Lãng chỉ gây thương tích cho sáu người: bốn công an và hai bộ đội chứ không hề gây chết người.

Thực ra, chi có một người duy nhất chống cự bằng cách cho nổ mìn tự chế và đã bắn đạn hoa cải vào lực lượng công an. Ba người khác, kể cả ông Đoàn văn Vươn, không có mặt ở đó để có thể “giết người” được.

Điều 93 Bộ Luật Hình Sự quy định Tội giết người như sau:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

(Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009/Chương XII)

Như vậy yếu tố làm thành tội phạm Giết người là phải có “hành động giết người”, phải có người chết. Trong trường hợp này, chỉ có hành vi gây thương tích cho sáu người khác, chứ không làm chết người, nên không bị truy tố theo Điều 93 của Bộ luật Hình sự Việt nam, mà chỉ có thể bị truy tố theo Điều 104.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
1. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.


(Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009/Chương XII).

Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, những người bị thương tích thuộc Lực lượng tấn công của UBND Huyện Tiên Lãng, với giả định trường hợp quyết định tấn công không vi phạm luật pháp thì các nghi can cũng sẽ bị truy tố theo “Tội chống người thi hành công vụ”, khoản 1, tức là trường hợp dùng vũ lực để cản trở người thi hành công vụ. Vũ lực ở đây mìn tự chế và súng hoa cải.

Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.


(Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009/Chương XX).

Tự vệ chính đáng

Tuy nhiên, việc thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn do UBND Huyện Tiên Lãng ban hành đã vi phạm Luật Đất đai hiện hành và những quy định liên quan khác, do đó Quyết định của UBND Huyện Tiên Lãng tấn công lấy đất đai của Ông Đoàn Văn Vươn cũng sai luật, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định trong phiên họp ngày 10/2/2012.


"Nhà" của GĐ ông Đoàn Văn Vươn & Đoàn Văn Quý hiện nay
Nguồn: goddanvanvuonjpg
Một khi một Quyết định hành chánh sai luật, thì Quyết định đó không có hiệu lực thi hành. Nếu tiếp tục thi hành thì hành động đó không còn là công vụ nữa mà trở thành một hành vi bất hợp pháp. Trong trường hợp ở đây, hành vi bất hợp pháp của lực lượng võ trang của Huyện Tiên Lãng đã vi phạm luật pháp ghi rõ trong Điều 124 khi lực lượng võ trang này tấn công vào nhà của ông Đoàn văn Vươn.

Điều 124. Tội xâm phạm chỗ ở của công dân
1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.


(Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009/Chương XIII)

Diễn tiến sự việc trên khu đất nhà ông Đoàn Văn Vươn như sau

Sau khi đã cho nổ mìn tự chế để cảnh cáo, nhưng lực lượng tấn công đã không ngưng lại mà vẫn tiếp tục tiến vào uy hiếp ngôi nhà của ông Đoàn văn Vuơn, thì ông Đoàn văn Quý, là người duy nhất ở trong ngôi nhà này. Ông Đoàn văn Vươn và hai ngưới (cùng bị truy tố) khác khác không có mặt ở đó. Ông Đoàn văn Quý đã chống trả Lực lượng công an bộ đội bằng súng hoa cải, gây thương tích cho sáu người của lực lượng này, một lực lượng xâm phạm chỗ ở của công dân bất hợp pháp.

Cho nên, những hành vi của ông Đoàn Văn Quý chống trả hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân do lực lượng bất hợp pháp của các quan chức Huyện Tiên Lãng và của TP Hải phòng tiến hành, để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, phải được coi như là sự tự vệ chính đáng, quy định tại Điều 15, Bộ Luật Hinh Sự Việt nam.

Không “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Điều 15. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.


(Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009/Chương III)

Khoản 1 trên của Điều 15 cũng quy định: Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Do đó, ông Đoàn văn Quý hành động như vậy có “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hay không? Ông Đoàn văn Quý có phải chịu trách nhiệm hình hay không?

Ông Đoàn VănVươn không phạm tội và không chịu trách nhiệm hình sự

Việc xác định có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:

A. Sự tấn công có đang xảy ra và có cần thiết không?

Hành vi phòng vệ chống lại sự tấn công đang xảy ra của lực lượng Huyện Tiên lãng rất cần thiết để bảo vệ tài sản hợp pháp của gia đình gồm: Khu đất đầm nuôi trồng thủy sản và ngôi nhà hai tầng. Nếu không chống cự thì sẽ mất trắng khu đầm nuôi trồng thuy sản cùng ngôi nhà hai tầng vào tay đám quan tham có mà không ai biết.

B.- Hành vi phòng vệ có tương xứng với hành vi xâm hại không?

Tương quan lực lượng hai bên: Ông Đoàn Văn Quý, một người với súng hoa cải, mìn tự chế chống lại hơn 100 người công an, bộ đội, bộ đội biên phòng trang bị súng ống với khiên chống đạn, áo giáp, chó nghiệp vụ. Ông Đoàn Văn Quý Đã cho nổ mìn tự chế để cảnh cáo lực lượng võ trang xâm hại bất hợp pháp; tầm sát thương của súng hoa cải giới hạn, không thể gây chết người ở tầm xa.


C. Hậu quả
Chiến đấu một cách tuyệt vọng mà không giữ nổi tài sản hợp pháp của gia đình mình. Nhà bị san bằng ngay trước mắt bàn dân thiên hạ bằng xe ủi. Tôm cá trong đầm, trị giá khoảng hơn một tỷ đồng, dự tính sẽ thu hoạch trong dịp trước Tết bị công khai cướp vét sạch.

Đúng là cướp chứ không phải công vụ. Nếu là công vụ thì nhà cưả, tôm cá, thủy sản trong đầm, sẽ được sẽ được giới hữu trách Huyện bảo vệ - chờ giải quyết nội vụ - chứ đâu có bị san bằng và cướp phá như đã xảy ra ở Tiên Lãng. Thế thì chiến đấu để bảo vệ tàì sản hợp pháp của gia đình là phải, như những người dân nào đó của Tiên lãng đã nói về trường hợp ông Đoàn văn Vươn, đại khái “Phải chiến đấu thôi”, “Đem súng đạn tới…thì người ta phải chống cự chứ sao”.

Do đó, việc ông Đoàn văn Quý chống trả lực lượng xâm hại bất hợp pháp của Huyện Tiên Lãng là phòng vệ chính đáng, không phải là tội phạm, do đó không không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP, Tòa án Nhân dân TP Hải phòng cần phải rà soát, xem xét lại thủ tục tố tụng của vụ án, bởi vì không còn “chống người thi hành công vụ” cũng như không có “giết người” nên phải hủy bỏ tội danh “giết người” mà Công an TP Hải phòng đã gán ép một cách sai trái, và không có cơ sở.

Sẽ xét xử vụ án một cách “công bằng và tôn trọng pháp luật” như Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) có nói trong buổi họp báo ngày 16/1.

Đây là cơ hội để Lãnh đạo Hải phòng có thể điều chỉnh lại nhữnh sai trái. Hải phòng đã sai trái nhiều rồi, và đã tự nhận khuyết điểm để, thì chắc cũng không nên phạm thêm một sai trái không cần thiết này nữa mà làm gì, sau khi đã có khuyến cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Và vớí giả định rằng nhà nước CHXHCNVN hiện nay là một Nhà nước Pháp quyền, “công bằng, dân chủ, văn minh” như cuơng lĩnh của Đại hội Đảng kỳ VI năm 1996 mà Đảng CS Việt nam thường đề cập, hãy xét xữ “công bằng và tôn trọng pháp luật” để có thể trả lại công lý và danh dự cho công dân Đoàn văn Vươn, Đoàn văn Quý và những người khác, hầu có thể lấy laị được niềm tin của dân chúng, như Đại tướng hồi hưu Lê Đức Anh kêu gọi.

Thực ra đâu có cần phải gây thêm một làn sóng công phẩn không cần thiết nữa chỉ vì cố tình xét xử bất công vụ án theo quán tính.

0 comments:

Powered By Blogger